Làm sạch trang sức bằng vàng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không giống như bạc, vàng không bị xỉn màu sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, vàng cũng dễ bị bám bẩn và cáu ghét. Để phục hồi độ sáng bóng cho đồ trang sức quý giá của bạn như nhẫn, vòng tay, vòng cổ và các loại trang sức bằng vàng khác, bạn cần chuẩn bị một vài vật dụng hằng ngày và nguyên liệu. Hãy làm theo các bước sau!

Các bước[sửa]

Làm sạch Trang sức với Nước rửa bát[sửa]

  1. Nhỏ vài giọt nước rửa bát vào một bát nước ấm (không dùng nước nóng). Khuấy đều. Có thể sử dụng nước máy thông thường, nhưng để cho kết quả tốt nhất, bạn có thể dùng nước khoáng xenxe không chứa natri hoặc dùng nước có ga. Lượng carbonat trong các dung dịch này sẽ giúp đánh bay bụi bẩn và mảng bám.[1]
    • Không sử dụng nước nóng hoặc nước sôi, đặc biệt nếu trang sức của bạn có đính đá quý. Một vài loại đá quý, như ngọc mắt mèo, có thể bị nứt khi nhiệt độ thay đổi thất thường.[2]
  2. Ngâm đồ trang sức vào dung dịch. Ngâm trong khoảng 15 phút. Khi ngâm, nước xà phòng ấm sẽ luồn vào các khe hở và cuốn trôi bụi bẩn mà bạn khó với tới.[3]
  3. Nhẹ nhàng chà rửa đồ trang sức bằng bàn chải lông mềm. Chà từng thứ một, chú ý đến các khe hở và ngõ ngách mà bụi có thể ẩn nấp. Sử dụng bàn chải lông mềm – càng mềm càng tốt. Các loại bàn chải lông cứng có thể làm trầy bề mặt đồ trang sức. Nếu trang sức bạn dùng thuộc loại mạ vàng (khác với các loại bằng vàng nguyên chất), dùng bàn chải lông cứng sẽ làm bay lớp mạ!
    • Tốt nhất nên dùng các loại bàn chải được thiết kế riêng cho mục đích cọ rửa, nhưng hầu hết các loại bàn chải nhỏ, lông mềm (ví dụ như bàn chải mắt) cũng cho kết quả tốt.
  4. Rửa sạch nữ trang với nước ấm. Rửa qua nước sẽ giúp loại bỏ các bụi bẩn còn sót lại sau khi cọ rửa bằng bàn chải. Và nhớ không dùng nước nóng, đặc biệt với trang sức có đính đá.
    • Nếu bạn rửa đồ trang sức trong bồn rửa, hãy nhớ đậy nắp ống thoát nước, như vậy bạn mới không đánh mất nữ trang nếu chúng vô tình tuột khỏi tay bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt trang sức vào rây sử dụng khi nấu mì ống hoặc rây lọc cà phê để rửa.
  5. Dùng vải mềm để thấm khô. Sau khi làm sạch, hãy đặt nữ trang lên một mảnh vải để chúng được hong khô trước khi sử dụng. Đeo trang sức còn ướt làm độ ẩm không thoát được khỏi da, gây nên tình trạng khó chịu cho da.

Làm sạch Trang sức với Amoniac[sửa]

  1. Cần biết khi nào nên dùng amoniac. Amoniac là một chất tẩy mạnh, nhưng về mặt hoá học, nó có thể gây ăn mòn. Tránh sử dụng amoniac để làm sạch trang sức vàng quá thường xuyên để ngăn hao mòn – amoniac là một ứng viên sáng giá cho việc thỉnh thoảng (không phải thường xuyên) "làm sạch tận gốc" trang sức.
    • Amoniac có thể làm hỏng một số vật liệu thường được sử dụng để làm nữ trang. Không nên sử dụng amoniac để làm sạch các trang sức vàng có chứa bạch kim hoặc ngọc trai.
  2. Hòa một phần amoniac vào sáu phần nước. Khuấy nhẹ để hỗn hợp được trộn đều.
  3. Ngâm trang sức vào hỗn hợp không quá 1 phút. Đừng ngâm trong amoniac quá lâu – vì nó có tính tẩy mạnh và có thể ăn mòn trang sức.
    • Để nhanh chóng vớt tất cả nữ trang ra khỏi dung dịch, hãy sử dụng một cái rây như bạn thường dùng khi nấu mì ống. Hoặc bạn có thể dùng rây cầm tay để vớt trang sức hoặc bạn có thể đổ bát dung dịch ngâm trang sức vào một cái rây to đặt trong bồn rửa.
  4. Rửa sạch trang sức với nước. Nhớ đậy nắp ống thoát nước để tránh đánh mất trang sức nếu chúng tuột khỏi tay bạn. Ngoài ra, bạn có thể rửa trang sức bằng cách dùng rây mà bạn sử dụng để vớt nữ trang ra khỏi dung dịch amoniac.
  5. Nhẹ nhàng lau khô trang sức bằng vải mềm. Đặt trang sức vào một miếng vải để chúng được hong khô trước khi sử dụng.

Làm sạch Trang sức có Đính Đá quý[sửa]

  1. Cần biết các loại trang sức nào nên được giữ khô ráo. Các loại có đính đá (như hoa tai[4]) cần tránh tiếp xúc với nước. Nước ấm có thể làm bong lớp keo và đá quý có thể bị rơi ra ngoài, đặc biệt khi bạn dùng bàn chải để chà xát. Đối với các loại nữ trang này, hãy sử dụng phương pháp làm sạch riêng biệt để tránh tiếp xúc với nước.
  2. Dùng một mảnh vải thấm vào nước xà phòng như trong Phương pháp Một để lau chùi trang sức. Nhúng mảnh vải mềm vào dung dịch và nhẹ nhàng chà xát vào trang sức của bạn.
  3. Nhúng một mảnh vải khác vào nước sạch để "lau sạch" nữ trang. Thấm vải nhẹ nhàng để hút sạch các bọt xà phòng còn sót lại.
  4. Treo ngược nữ trang sau khi làm sạch. Để khô. Bằng cách đặt ngược trang sức, nước đọng sẽ chảy ra ngoài, như vậy chúng mới không thấm vào kết cấu bên trong của nữ trang.

Làm sạch Trang sức với Kem đánh răng[sửa]

  1. Hoà một lượng nhỏ kem đánh răng vào nước. Nặn khoảng 3 cm kem đánh răng vào một cái bát (hoặc vào bàn tay bạn!) và hoà thêm một hoặc hai thìa súp nước để tạo hỗn hợp loãng. Có tác dụng như một chất mài mòn nhẹ, kem đánh răng rất tốt để loại bỏ các bụi bẩn tích tụ trên đồ trang sức yêu thích của bạn mà không làm chúng bị trầy.
    • Bạn có thể sử dụng phương pháp này để nhanh chóng làm sạch trang sức bạn thường đeo hoặc khi bạn không có thời gian để thực hành các phương pháp khác (ví dụ như khi bạn đi du lịch chẳng hạn).
  2. Dùng bàn chải đánh răng (loại lông mềm mịn) để chà xát. Sử dụng bàn chải đánh răng cũ có lông mềm và kem đánh răng để nhẹ nhàng cọ sạch bụi bẩn. Kem đánh răng cũng có tác dụng đánh bóng vật dụng. Nếu bạn thấy trang sức bị trầy thì chắc hẳn là do bàn chải gây nên – dùng bàn chải càng mềm càng tốt!
    • Ngoài ra, bạn cũng có thể chà trực tiếp kem đánh răng lên trang sức mà không cần pha thêm nước. Tuy nhiên làm như vậy sẽ khó để xả sạch kem còn vương lại trong các kẽ nhỏ.
  3. Rửa sạch lại với nước.Tương tự như việc bạn cần phải súc miệng sau khi đánh răng, hãy xả sạch lại nữ trang để loại bỏ các bụi bẩn dư thừa!

Sử dụng Nước Sôi[sửa]

  1. Cần biết khi nào nên sử dụng nước sôi. Bản thân vàng không gặp vấn đề khi bị đun sôi. Tuy nhiên, đun sôi các loại đá quý (như ngọc mắt mèo, ngọc trai, san hô, đá mặt trăng) có thể làm chúng bị nứt hoặc bị hỏng – đặc biệt nếu trước khi đun sôi chúng có nhiệt độ lạnh. Đun sôi cũng không phải là ý hay đối với trang sức đính đá vì sẽ làm chúng bị bong keo. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm sạch các loại nữ trang được làm hoàn toàn bằng vàng hoặc trang sức có đính "đá cứng" (như kim cương), đun sôi là một cách tuyệt vời.
  2. Đun sôi nước. Bạn không cần phải đun nhiều nước – chỉ cần sử dụng một lượng nước vừa đủ để làm ngập mặt trang sức. Trong khi chờ cho nước sôi, hãy đặt trang sức vào một cái bát cứng hoặc một cái chậu, hãy chọn những chất liệu không bị hỏng khi sử dụng với nước sôi. Thuỷ tinh chịu nhiệt hoặc các loại bát/đĩa làm bằng kim loại là các lựa chọn hoàn hảo.
    • Xếp nữ trang vào đĩa hoặc bát sao cho chúng không chồng lên nhau – mỗi chiếc phải được ngập trong nước.
  3. Đổ nước từ từ lên nữ trang. Cẩn thận tránh đổ quá nhanh vì nước có thể bị tràn hoặc bắn ra ngoài – nước sôi có thể gây phỏng nặng.
  4. Đợi cho nước nguội. Chờ cho đến khi bạn có thể thoải mái đặt tay vào nước thì bạn có thể lấy nữ trang ra. Tiếp theo, dùng bàn chải lông mềm để chà từng thứ nữ trang và thấm khô bằng một miếng vải mềm, sau đó để chúng khô hoàn toàn.
    • Đừng hoảng khi trông nước quá bẩn – đây là một tín hiệu tốt! Vì nước sôi loại bỏ các bụi bẩn, đất cát, mảng bám, v.v. trên nữ trang, nên các chất bẩn này có thể sẽ nổi trên bề mặt nước. Nước trông càng bẩn thì càng nhiều bụi bẩn đã được loại bỏ khỏi trang sức của bạn!

Lời khuyên[sửa]

  • Bảo quản nữ trang bằng vàng sao cho chúng không bị trầy xước. Mỗi chiếc nên được đặt trong một túi nữ trang riêng.
  • Bạn có thể loại bỏ các vết dầu mỡ cứng đầu khỏi trang sức vàng bằng cách nhúng chúng vào dung dịch chứa cồn (trừ các loại có đính đá quý).[5]
  • Hãy nhớ rằng bạn có thể đem nữ trang đến các tiệm vàng để làm sạch bất kỳ lúc nào.

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên sử dụng thuốc tẩy. Thực tế, không nên dùng các dung dịch có chứa clo cho trang sức, vì chúng có thể làm bay màu trang sức.
  • Ngọc mắt mèo rất mỏng manh. Tránh sử dụng hoá chất, chất mài mòn, kem đánh răng hoặc các phương pháp làm sạch bằng sóng siêu âm, thay vì vậy, hãy nhẹ nhàng lau chúng bằng khăn giấy giành riêng cho lau mặt hoặc bằng một mảnh vải lụa.
  • Nếu bạn sở hữu các loại nhẫn vàng có đính kim cương hoặc các loại đá quý khác, hãy chắc chắn rằng các vấu của chúng không bị hỏng để tránh đá quý bị rơi ra ngoài.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây