Phân biệt ngọc trai thật

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn dự định mua đồ trang sức bằng ngọc trai hay có một vật gia truyền nào đó làm bằng ngọc trai thì hãy áp dụng các phép thử sau đây để phân biệt ngọc trai thật và giả chỉ trong vài phút. Để không còn phải lo lắng về việc mua nhầm hàng giả, bạn cần học cách nhìn và sờ để phân biệt dấu hiệu của ngọc trai thật.

Các bước[sửa]

Kiểm tra Bằng mắt[sửa]

  1. Tìm các khiếm khuyết nhỏ. Ngọc trai thật hiếm khi "hoàn hảo", mà thường thì chúng sẽ có các khiếm khuyết hay bất thường nhỏ về hình dạng.[1] Trên các phần của viên ngọc, lớp vỏ xà cừ bên ngoài cũng phản chiếu ánh sáng khác nhau. Hầu hết ngọc trai giả luôn "quá hoàn hảo", có dạng hình cầu tròn tuyệt đối và có độ sáng bóng đồng đều trên toàn bề mặt, không có vết lõm hay bất kì khuyết điểm nào.
    • Mặc dù rất hiếm nhưng vẫn có các viên ngọc trai tròn tuyệt đối, nhưng không thể có chuyện một sợi dây chuyền được làm từ tất cả các viên ngọc có độ tròn hoàn hảo như nhau. Nếu bạn thấy bất kì sợi dây nào có các viên ngọc sáng bóng và tròn đều y hệt nhau thì gần như chắc chắn đó là hàng giả.[2]
  2. Kiểm tra độ bóng sắc nét. Các thợ kim hoàn thường dùng từ "độ bóng" để mô tả thứ ánh sáng phản chiếu từ các loại đá quý. Độ bóng chính là một yếu tố khiến ngọc trai đẹp lung linh, vì vậy ngọc trai tốt phải có độ bóng sáng và sắc nét, làm chúng có khả năng phát sáng khi ánh sáng chiếu vào. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt ngọc trai.[3]
    • Yếu điểm của phương pháp kiểm tra này là không phân biệt được ngọc trai thật chất lượng thấp, vì chúng có độ bóng mờ, xỉn màu giống như hàng giả. Bạn nên đối chiếu kết quả của các phép thử khác nhau trong bài viết này để phân biệt chính xác hơn.[3]
  3. Kiểm tra sắc màu. Ngọc trai chất lượng tốt thường được định giá dựa trên sắc màu của nó, đây là màu sắc phảng phất thấy được trên bề mặt ngọc trai khi ánh sáng chiếu vào. Bình thường ngọc trai giả không thể có hiệu ứng ánh sáng này vì rất khó làm giả. Do đó nếu viên ngọc trai của bạn có ánh màu phát ra nhè nhẹ khi gặp ánh sáng thì rất có khả năng đó là hàng thật. Người ta thường thích ngọc trai nền trắng có sắc màu hồng và kem, mặc dù còn có rất nhiều sắc màu khác, đặc biệt là các loại ngọc trai có màu nền tối.[3]
    • Vì đôi khi bạn không thể thấy được sắc màu của một số loại ngọc trai thật nên đây không hẳn là dấu hiệu để phân biệt hàng giả hay thật.
  4. Tìm các dấu vết xung quanh lỗ khoan. Các viên ngọc trai được xỏ vào xâu chuỗi thường sẽ phải khoan lỗ để lồng dây qua, nên bạn có thể dựa vào chỗ khoan này để xác định hàng giả hay thât. Bạn nên tìm kiếm các điểm cụ thể sau:
    • Mép lỗ khoan sắc cạnh. Ngọc trai thật thường có lỗ khoan rất sắc cạnh (giống như hình trụ rỗng), trong khi đó hàng giả có mép gồ ghề hay được bo tròn. Tuy nhiên, các viên ngọc đã cũ và mòn nhiều cũng có thể có mép bo tròn. Lỗ khoan trên ngọc trai giả có thể có mép cong vồng hướng ra mặt ngoài thay vì là hình trụ tuyệt đối.
    • Vết sơn hay lớp phủ sứt mẻ xung quanh lỗ. Trong quá trình sử dụng các hạt ngọc va chạm với nhau và khiến lớp phủ bên ngoài bị bong tróc xung quanh lỗ khoan. Nếu bạn có thể thấy được các mảng thủy tinh hay nhựa ở bên dưới thì chắc chắn đó là hàng giả.
  5. Tìm trong lỗ khoan đường phân chia lớp xà cừ với phần nhân. Ngọc trai thật gần như luôn luôn có lớp xà cừ bên ngoài rất rõ, trong khi đó hàng giả thường có lớp xà cừ nhân tạo mỏng hoặc hoàn toàn không có. Vì vậy nếu trên viên ngọc có lỗ khoan, bạn có thể dùng kính lúp nhìn vào đó để kiểm tra lớp xà cừ. Ngọc thật thường (không phải luôn luôn) có đường ranh rõ ràng phân chia lớp xà cừ với phần nhân (phần lõi của viên ngọc).

Những điều Cần tránh[sửa]

  1. Cẩn thận khi sử dụng một phương pháp duy nhất để phân biệt ngọc trai thật. Bạn cần nhớ kỹ điều này: tất cả các phương pháp đề cập trên đây thỉnh thoảng cho kết quả sai, vì thế bạn nên thực hiện nhiều cách kiểm tra khác nhau để chắc chắn.
    • Có thông tin cho biết ngọc trai thật đã được mài bóng bằng phương pháp đặc biệt sẽ cho cảm giác rất mịn khi thử bằng phương pháp cà vào răng hay thí nghiệm chà sát, đó là ví dụ cho thấy nếu chỉ kiểm tra bằng một cách duy nhất có thể dẫn đến nhầm lẫn.
  2. Tránh dùng phương pháp "đốt". Nhiều người cho rằng có thể đốt trực tiếp ngọc trai trên ngọn lửa để phân biệt hàng thật hay giả. Theo phương pháp truyền miệng này thì ngọc trai giả sẽ cháy hay chảy ra, còn ngọc trai thật không hề hấn gì, nhưng sự thật có thể không đơn giản như bạn nghĩ. Trong khi ngọc giả chắc chắn sẽ bị ngọn lửa làm hỏng thì một số ngọc thật cũng không ngoại lệ. Các viên ngọc thật đã trải qua xử lý bằng cách phủ lớp bọc nhân tạo rất dễ bị hỏng khi đốt, làm biến dạng lỗ khoan hay mất đi độ bóng chỉ sau vài giây bị đốt.
    • Ngoài ra bạn nên nhớ ngọc trai thật dẫn nhiệt tốt nên có thể trở nên rất nóng khi bị đốt trực tiếp trên lửa, do đó nên có các biện pháp tránh bị bỏng khi áp dụng cách thử này.
  3. Cẩn thận với ngọc trai giả được gán tên lạ tai. Bạn có thể sẽ bị lừa nếu người bán cố tình dụ bạn mua ngọc bằng cách đặt một cái tên kỳ lạ cho nó, thay vì quảng cáo chất lượng thực sự của ngọc. Ví dụ, ngọc trai Mallorca (hay Majorca) được đặt tên theo một hòn đảo ở Địa Trung Hải là Mallorca, nhưng thực ra đó là ngọc giả và được mời bán cho các vị khách cả tin.
  4. Hãy dùng cảm tính ước lượng giá trị viên ngọc. Ngọc trai thật có giá rất khác nhau tùy thuộc vào kích cỡ, hình dạng, sắc màu và các đặc điểm khác. Tuy nhiên chúng không thể có giá quá rẻ. Chẳng hạn một dây chuyền làm bằng ngọc trai nước ngọt (là loại ngọc trai rẻ nhất) có thể bán với giá vài triệu đồng.[4] Nếu người bán đưa ra một cái giá quá hời đến khó có thể tưởng tượng cho bộ ngọc trai thì rất có thể đó là hàng giả.
    • Theo nguyên tắc chung thì bạn chỉ nên mua các viên ngọc có giấy chứng nhận do các nhà bán lẻ hay thợ kim hoàn có tên tuổi cấp. Nếu bạn mua ngọc trai của những người bán rong ngoài đường hay của các tiệm cầm đồ thì rủi ro hàng giả rất cao. Bạn nên tham khảo hướng dẫn mua ngọc trai thật để biết những lời khuyên cụ thể hơn.

Phương pháp Kiểm tra Nâng cao[sửa]

  1. Dùng kính hiển vi tìm cấu trúc bề mặt có vảy. Bạn có thể dùng loại kính lúp của thợ kim hoàn có độ phóng đại 30 lần, nhưng tốt nhất là nên dùng các kính hiển vi có độ phóng đại từ 64 lần trở lên. Bề mặt ngọc trai thật có dạng vảy như mê cung, tổng thể trông giống như một bản độ địa hình.[5] Chính cấu trúc dạng vảy này tạo ra lớp mặt "hơi nhám" của ngọc trai thật.
    • Ngược lại, ngọc trai giả thường có bề mặt cấu tạo từ các chỗ lồi lõm tương đối đồng đều (hơi giống bề mặt mặt trăng có nhiều hố lõm).[5]
  2. So sánh ngọc trai của bạn với ngọc trai thật có giấy chứng nhận. Bạn có thể thực hiện các phương pháp kiểm tra trên đây dễ dàng hơn nếu đang sở hữu các viên ngọc "thật" để so sánh. Hãy thử liên hệ với một người thợ kim hoàn nào đó, nhờ họ cho đối chiếu ngọc trai của bạn với các ngọc trai thật của họ, hoặc bạn cũng có thể mượn ngọc trai thật của bạn bè hay người thân để so sánh.
    • Nhớ sử dụng trực giác khi thực hiện các phương pháp thử nghiệm cho ngọc trai thật. Ví dụ, bạn không nên dùng phương pháp cà răng hay chà sát đối với các loại đã quý của người khác.
  3. Nhờ chuyên gia thẩm định ngọc trai. Nếu thấy khó có thể phân biệt được ngọc trai của mình có phải thật hay không thì bạn nên mang ngọc tới thợ kim hoàn hay một chuyên gia giám định đá quý để họ hỗ trợ. Họ có đầy đủ dụng cụ, đã được đào tạo và có con mắt nhà nghề để phân việt ngọc trai cho bạn, ngoài ra họ còn có thể định giá cho bạn. Thế nhưng những lựa chọn này thường sẽ tốn nhiều tiền, một lần thẩm định đơn giản cũng tốn hơn 2 triệu đồng.[6]
  4. Kiểm tra bằng X-quang. Trong phương pháp này, chuyên gia sẽ dùng một máy chụp X-quang để xác định xem ngọc trai là thật hay giả. Ngọc trai thật sẽ xuất hiện trên phim chụp X-quang dưới màu xám trong mờ, trong khi đó ngọc giả tạo ra màu trắng đục trên phim âm bản và màu đen đục trên phim dương bản.
  5. Kiểm tra bằng máy đo chiết xuất ánh sáng. Phương pháp phân biệt này dựa trên nguyên tắc đo lượng ánh sáng đi qua ngọc trai. Máy đo chiết xuất thường sẽ cho chỉ số khúc xạ từ 1,530 tới 1,685 đối với ngọc trai thật. Sai số 0,155 giữa hai giá trị này được gọi là "chiết xuất kép" của ngọc trai, và nó là nguyên nhân tạo ra màu sắc của ngọc khi để ngoài ánh sáng. Dựa vào các tính chất trên đây mà chuyên gia có thể xác định được đó có phải ngọc thật hay không.

Phương pháp Ma sát[sửa]

  1. Chà sát viên ngọc vào các răng ở phía trước hàm. Giữ chặt hai hoặc ba viên ngọc bằng ngón tay trỏ và ngón cái, sau đó ép nhẹ chúng lên cạnh sắc của các răng phía trước hàm, hãy nhớ cà qua lại theo hướng hai bên. Ngọc trai thật luôn có lớp mặt "hơi thô hay nhám", đó là do các khiếm khuyết rất nhỏ có dạng vảy trên lớp xà cừ ngoài cùng. Các loại ngọc trai giả làm từ thủy tinh hay nhựa thường sẽ có bề mặt "phẳng gần như hoàn hảo".[1]
    • Bạn nên đánh răng trước khi làm thí nghiệm này để chắc chắn răng đã sạch hoàn toàn, vì thức ăn dư dính trên răng có thể cho kết quả sai.
  2. Cà các viên ngọc với nhau. Dùng ngón tay giữ các viên ngọc và nhẹ nhàng cà chúng vào nhau, khi đó bạn hãy cố cảm nhận sự ma sát rất nhỏ giữa chúng. Ngọc trai thật thường sẽ tạo ra lực ma sát nhỏ khi cà vì các lớp xà cừ ngoài cùng không phẳng mịn hoàn toàn.[7] Ngược lại, ngọc trai giả sẽ có lớp phủ ngoài cùng rất mịn nên chúng sẽ trượt trên nhau khi bị cà sát.
    • Nhìn kỹ hai bàn tay sau khi làm thí nghiệm. Khi cà sát hai viên ngọc, lớp vỏ bên ngoài sẽ bị mài mòn một chút, vì vậy nếu bạn để ý thấy có một ít bột trắng mịn thì rất có thể đó là bột xà cừ, một dấu hiệu của ngọc trai thật.[2]
  3. Kiểm tra các viên ngọc có tròn hoàn toàn không. Vì là một sản phẩm của tự nhiên nên mỗi viên ngọc đều hơi khác nhau, cũng giống như bông tuyết và dấu vân tay. Hầu hết ngọc trai không có dạng hình cầu hoàn hảo, mà chúng hơi thuôn hay có các dị tật nhỏ. Nếu bạn thấy ngọc trai của mình tròn một cách hoàn hảo thì rất có khả năng đó là đồ nhân tạo.
    • Ngọc trai thật có khả năng tròn hoàn hảo. Nhưng các trường hợp như vậy "rất" hiếm và thường được bán với giá rất cao.[8]
    • Bạn không chắc viên ngọc có tròn hoàn hảo hay không? Hãy cẩn thận lăn viên ngọc trên một bề mặt phẳng, nên nhớ nếu hình dạng không tuyệt đối tròn thì viên ngọc không thể lăn theo một đường thẳng.[9]
  4. Cảm nhận độ mát khi sờ. Đối với phương pháp này bạn cần để viên ngọc bên ngoài một thời gian, không thử với các viên mà bạn đang đeo. Hãy giữ các viên ngọc trên tay và tập trung cảm nhận khi da tay tiếp xúc với chúng. Bạn sẽ cảm thấy mát rất rõ nếu chúng là ngọc trai thật, trước khi trở nên ấm hơn sau vài giây.[8] Cảm giác này cũng giống như khi bạn bước chân trần trên nền đá cẩm thạch.
    • Trái lại, ngọc trai làm bằng nhựa luôn có nhiệt độ tương đương nhiệt độ phòng và ấm lên rất nhanh.[8]
    • Chú ý: Ngọc trai giả làm bằng thủy tinh chất lượng tốt cũng cho cảm giác "mát", vì vậy hãy so sánh với kết quả của các phương pháp thử khác nếu đây là cách kiểm tra đầu tiên.
  5. Cảm nhận trọng lượng viên ngọc khi cầm trên tay. Cẩn thận tâng nhẹ một hoặc hai viên ngọc trên tay để biết chúng nặng cỡ nào. Hầu hết ngọc trai thật thường cảm thấy khá nặng so với kích thước của nó, ngược lại hàng giả (đặc biệt nếu làm bằng nhựa) có cảm giác nhẹ không đáng kể.
    • Phương pháp này không hoàn hảo vì một lý do rất dễ hiểu, không dễ dàng gì để bạn đánh giá khối lượng của vài viên ngọc nhỏ. Nếu muốn có kết quả chính xác hơn bạn nên so sánh khối lượng các viên ngọc của mình với các viên khác mà bạn "biết" là thật hay giả. Cho dù có chắc chắn cỡ nào về khối lượng một viên ngọc thì bạn vẫn nên xác nhận kết quả đó với các phương pháp kiểm tra khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Nên nhớ ngọc trai thật có hai loại: ngọc trai "thiên nhiên" lấy từ các con trai săn bắt trong hoang dã và ngọc trai "nuôi" lấy từ các trang trại nuôi trai. Ngọc trai thiên nhiên và ngọc trai nuôi có chút khác biệt về màu sắc, lớp xà cừ, độ bóng và cả hình dạng. Ngọc trai thiên nhiên thường hiếm và đắt tiền hơn ngọc trai nuôi.
  • Nếu muốn lau ngọc trai "thật" thì bạn nên nhờ một thợ kim hoàn có kinh nghiệm làm việc này, vì các dung môi hay dung dịch rửa bạn hay dùng hằng ngày có thể làm mờ vĩnh viễn bề mặt ngọc trai. Rất may là hiện tại có một số thợ kim hoàn đang cung cấp dịch vụ lau ngọc trai.[10]

Cảnh báo[sửa]

  • Cẩn thận khi áp dụng phương pháp cà ngọc trai vào răng. Hãy giữ viên ngọc thật chặt để tránh vô tình để lọt viên ngọc vào họng.
  • Có thể xuất hiện các vết xước nhỏ trên viên ngọc trai sau khi thử cà vào răng hay chà sát. Nếu gặp trường hợp này bạn nên dùng ngón tay cái chà đi chà lại nhiều lần thì các vết xước sẽ biến mất.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây