Làm thế nào để đọc sách có hiệu quả?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Không có một quy chuẩn nào về việc đọc sách, có quyển sách cần đọc kĩ, nhưng nhiều quyển thì chỉ cần đọc qua lấy ý chính... Đọc sách là một nghệ thuật, sau đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc sách của mình, nhanh và hiệu quả:

1- Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự ngồi đọc từng chữ: xem tựa đề bài đọc, các tiêu đề lớn nhỏ, những chỗ đánh dấu, in nghiêng hoặc in đậm, xem qua những hình vẽ hay minh họa, đồ thị hay biểu đồ.

Xem qua toàn bộ bài đọc bằng cách đọc đoạn đầu và đoạn cuối, lướt nhanh qua những câu đầu của từng đoạn trong bài (trường hợp sách giáo khoa về kinh tế thường có phần tóm tắt ở cuối mỗi chương cùng những thuật ngữ quan trọng). Gấp sách lại và tự hỏi: ý chính của bài là gì, văn phong ra sao và mục đích của tác giả là gì?

Trả lời được những câu hỏi này sẽ phần nào giúp các bạn có được một ý tưởng khái quát về nội dung bài đọc, từ đó dễ tập trung hơn và bài đọc sẽ trở nên dễ nhớ hơn.

2- Đọc không phát thành tiếng. Đọc mà phát âm là kẻ thù của việc đọc nhanh. Hãy thực hiện các bài tập và gõ nhịp để nhịn phát âm. Khi thấy tốc độ đọc bị giảm cần phải luyện lại.

3- Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc. Khi đọc, mắt di chuyển theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới, theo dòng tưởng tượng đi từ giữa trang giấy. Hãy tập phát triển thói quen nhìn ngoại vi. Hãy đọc báo có cột hẹp, rồi đọc sách, sơ bộ vạch đường ở giữa trang bằng bút chì. Phấn đấu đọc một trang chỉ trong 10 – 15 giây, cố hiểu được nội dung chung. Tuỳ mức độ thành thục trong việc di chuyển mắt mà chuyển sang đọc hiểu cả trang sách chỉ trong 30 giây.

4- Tập trung tư tưởng thật cao độ khi đọc. Tập trung là chất xúc tác của quá trình đọc. Đọc nhanh lại càng đòi hỏi tập trung trí não với cường độ cao hơn để tư duy và nắm bắt vấn đề nhanh hơn.

5- Hiểu những điều đã đọc trong quá trình đọc. Khi đọc cần làm rõ các từ khoá, các điểm tựa suy lý, tức là các điểm tựa để hiểu bài và nhận thức vấn đề. Nhớ rằng khi đọc là quá trình tìm kiếm và xử lý ý tưởng và ý nghĩa.

6- Áp dụng các cách nhớ chủ yếu trong khi đọc. Mục đích của việc đọc là để nhớ. Nhớ cái gì tuỳ theo mục đích đọc cần thiết của mình và chỉ nên nhớ những gì hiểu được. Không cần nhớ từng câu, từng chữ nhưng phải nhớ ý tưởng và ý đồ của tác giả cuốn sách.

7- Đọc với tốc độ biến đổi. Biết đọc với các tốc độ khác nhau cũng rất quan trọng. Có chỗ chỉ cần đọc lướt qua, song có trang thì nên đọc chậm lại để hiểu được thực chất vấn đề. Hãy biết chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc và đúng chỗ.

8- Trau dồi vốn từ của bạn, bắt đầu từ ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt; sao cho bạn không chỉ phong phú về vốn từ mà còn biết rõ các sắc thái nghĩa của các từ. Thực tế cho thấy là những người sử dụng tiếng Việt giỏi thì cũng thường học ngoại ngữ tốt hơn. Muốn trau dồi vốn từ thì khi nghe, đọc tiếng Việt nên chú ý cách dùng từ của người khác.

9- Lần đầu gặp một khái niệm mới, bạn đừng nên bỏ qua mà nên tìm hiểu kỹ khái niệm. Về sau khi đọc, nên hình thành thói quen liên tưởng nhanh, tìm nghĩa thật nhanh và bắt lấy dụng ý của người viết thật nhanh. Đọc kỹ khái niệm và từ nhưng xem xét nghĩa trong tổng thể.

Làm được những điều như vậy, sau một thời gian ngắn chắc chắn bạn sẽ là người đọc sách, báo nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều người.

Tác giả[sửa]

  • Thoa Nguyễn, Nhà thông thái (Tổng hợp)
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này