Lý do nhiều người phấn khích với nỗi sợ ma quỷ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Lễ hội Halloween diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm là sự kiện rất được nhiều người chờ đón, dù lễ hội này bắt nguồn từ nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người trước các hiện tượng siêu nhiên như ma quỷ.

Theo các nhà tâm lý học tại Đại học Bang Wayne, Mỹ, sợ hãi là phản ứng bản năng nhằm bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa, nhưng nó cũng có thể mang lại niềm phấn khích cho nhiều người do họ có thể thoát khỏi những suy nghĩ thường ngày hoặc khi họ vượt qua được nỗi sợ, Independent hôm 29/10 đưa tin.

Nhiều người rất thích trải nghiệm sự sợ hãi. Ảnh: Crosswalk.

Phản ứng sợ hãi bắt nguồn từ não rồi lan khắp cơ thể, tạo ra những thay đổi cần thiết để phòng vệ hoặc chạy trốn. Cụ thể, nỗi sợ hình thành ở hạch hạnh nhân nằm trong thùy thái dương, vùng não chịu trách nhiệm phát hiện những biến đổi cảm xúc do các tác nhân kích thích tạo nên.

Tác nhân kích thích nỗi sợ gây ra phản ứng sợ hãi ở hạch hạnh nhân, kích hoạt những khu vực tham gia quá trình chuẩn bị cho các chức năng vận động cần thiết để chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nó cũng giải phóng các hormone căng thẳng và kích thích hệ thần kinh giao cảm, giúp cơ thể thay đổi để chuẩn bị tốt hơn cho tình huống nguy hiểm.

Phản ứng sợ hãi bắt nguồn từ não, sau đó lan ra khắp cơ thể. Ảnh: BN1 Magazine.

Não chuyển sang trạng thái cảnh giác cao, đồng tử mắt mở rộng, phế quản giãn ra, hơi thở bắt đầu gấp hơn. Nhịp tim và huyết áp tăng lên. Lưu thông máu và glucose đến các cơ xương cũng tăng. Những cơ quan không thiết yếu trong khoảnh khắc sinh tồn như đường ruột giảm hoạt động.

Hồi hải mã là phần não kết nối chặt chẽ với hạch hạnh nhân. Hồi hải mã và vỏ não trước trán giúp não hiểu về các mối đe dọa. Các bộ phận này tham gia quá trình xử lý tình huống bậc cao hơn, giúp con người nhận biết một mối đe dọa là thật hay giả.

Ví dụ, khi gặp sư tử ngoài tự nhiên, con người có thể trải nghiệm cảm xúc sợ hãi mãnh liệt. Tuy nhiên, phản ứng khi thấy con sư tử đó trong vườn thú lại thiên về tò mò hoặc phấn khích.

Tương tự với động vật, con người thường học cảm giác sợ hãi qua các trải nghiệm cá nhân, chẳng hạn như sợ chó nếu từng bị chó cắn. Tuy nhiên, con người còn biết sợ qua một phương thức tiên tiến và độc đáo, đó là qua chỉ dẫn bằng ngôn ngữ. Ví dụ, mọi người sẽ trở nên đề phòng và lo sợ khi thấy biển cảnh báo chó dữ.

Cảm giác tích cực có thể 'lây' khi cùng trải nghiệm nỗi sợ với người khác. Ảnh: Pinterest.

Một nguyên nhân khiến nhiều người thích cảm giác sợ hãi là nó gây ra sự sao nhãng. Khi một tình huống đáng sợ xảy ra, con người sẽ cảnh giác cao độ và không còn nghĩ đến những vấn đề thường ngày như rắc rối ở nơi làm việc hay lo lắng về kỳ thi sắp tới.

Ngoài ra, cảm xúc cũng có thể lây lan một cách tích cực khi trải qua tình huống đáng sợ này với những người khác. Ví dụ, khi thấy người đi cùng trong nhà ma chuyển từ la hét sang cười phá lên, bạn cũng sẽ bị nhiễm cảm giác vui vẻ.

Yếu tố chủ đạo liên kết các yếu tố riêng rẽ như tình huống, sự sao nhãng hay sự lây lan mang tính xã hội chính là cảm giác kiểm soát. Khi não nhận ra mối đe dọa là thật hay giả, "dán nhãn" lại trải nghiệm đó và tận hưởng cảm giác kích động, chúng ta thấy mình làm chủ được tình hình.

Khi vượt qua phản ứng sợ hãi ban đầu, chúng ta thường thấy thỏa mãn, củng cố lại cảm giác an toàn và tự tin hơn về khả năng đối phó với thứ vừa gây ra sự hoảng loạn.

Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về những thứ đáng sợ hay phấn khích. Nếu người đó nhận thấy mối đe dọa quá chân thực, phản ứng sợ hãi cực độ có thể lấn át cảm giác kiểm soát tình huống. Mặt khác, nếu trải nghiệm không đủ kích thích phần não cảm xúc, hoặc nếu quá không thực đối với phần não nhận thức, trải nghiệm đó có thể gây ra sự nhàm chán.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • VnExpress, Thu Thảo
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này