Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam
Hoàn cảnh ra đời[sửa]
Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Hồng Kông, trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Đông Dương
- Đông Dương Cộng sản Đảng
- An Nam Cộng sản Đảng
- Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội
Thành viên từ một nhóm thứ ba tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp có mặt). Hội nghị hợp nhất này diễn ra tại căn nhà của một công nhân ở bán đảo Cửu Long (Kowloon) thuộc Hồng Kông từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ. Tham dự Hội nghị có 2 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh), 2 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng (Nguyên Thiệu và Châu Vǎn Liêm) và 2 đại biểu ở nước ngoài (có Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Quốc tế Cộng sản). Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng như: Chính cương vắn tắt, Sách lược, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng. Ngày 24 tháng 2 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp tại Hồng Kông tháng 10 năm 1930, tên của đảng này đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản) và Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên.
Những hoạt động đầu tiên[sửa]
Vừa ra đời, Đảng đã lãnh đạo phong trào nổi dậy 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Phong trào này bị thất bại và Đảng Cộng sản Đông Dương bị tổn thất nặng nề vì khủng bố trắng của Pháp.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I được bí mật tổ chức tại Ma Cao vào năm 1935 nhằm củng cố lại tổ chức đảng, thông qua các điều lệ, bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 13 ủy viên.
Đồng thời, một đại hội của Cộng sản Quốc tế thứ ba tại Moskva đã thông qua chính sách dùng mặt trận dân tộc chống phát xít và chỉ đạo những phong trào cộng sản trên thế giới hợp tác với những lực lượng chống phát xít bất kể đường lối của những lực lượng này có theo chủ nghĩa xã hội hay không để bảo vệ hòa bình chứ chưa đặt nhiệm vụ trước mắt là lật đổ chủ nghĩa tư bản. Việc này đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải xem các chính đảng dân tộc tại Đông Dương là đồng minh. Đảng đã tạm bỏ khẩu hiệu "đánh đổ đế quốc Pháp" và "tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày" mà lập Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương.
Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương lại đàn áp mạnh tay, Đảng đã chuyển hướng, coi giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu và lập ra Mặt trận Việt Minh. Thông qua mặt trận này, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại Việt Nam, được biết đến với tên gọi Cách mạng tháng Tám.
Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán để giấu sự liên hệ cộng sản, núp dưới tên gọi Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương và những hoạt động của đảng này được trộn chung với những hoạt động của Việt Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội III.Đảng này được lập lại với tên gọi Đảng Lao Động Việt Nam vào năm 1951 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Tuyên Quang. Đại hội này được diễn ra trong vùng lãnh thổ miền bắc Việt Nam do Việt Minh kiểm soát trong lúc diễn ra Chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1960 chính thức hoá công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó và đồng thời tiến hành cách mạng tại miền Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được tổ chức vào năm 1976 sau khi chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, đảng này được đổi tên lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.