Loại bỏ giun kim

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Giun kim là ký sinh trùng nhỏ, giống giun gây ra cảm giác ngứa dữ dội quanh hậu môn. Cơ thể có thể tự chống lại giun kim mức độ nhẹ, đặc biệt là nếu được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, do đặc tính truyền nhiễm mạnh của giun kim nên các chuyên gia thường khuyến nghị người nhiễm giun nên tiếp nhận điều trị y tế để loại bỏ giun nhanh hơn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn nên làm gì để loại bỏ giun kim.

Các bước[sửa]

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để loại bỏ giun kim[sửa]

  1. Tuân thủ thói quen vệ sinh sạch sẽ. Giun kim có tuổi thọ khoảng 6 tuần. Vì vậy, để loại bỏ giun mà không cần dùng thuốc và phòng ngừa tái nhiễm, bạn cùng các thành viên trong gia đình cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ ít nhất trong 6 tuần.[1]
    • Giun kim có tính lây nhiễm cao nên mọi người trong gia đình đều cần giữ vệ sinh.
    • Ngay cả khi lây giun cho người khác thì bạn vẫn có khả năng tái nhiễm giun kim.
  2. Rửa tay thường xuyên. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm giúp phòng ngừa lây lan giun kim.
    • Đặc biệt, cần rửa tay thật sạch sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã.
    • Ngoài ra, bạn nên dạy trẻ nhỏ về tầm quan trọng của việc rửa tay. Đồng thời, đảm bảo trẻ nghe theo lời bạn vì trẻ nhỏ thường vô tình lây lan giun kim.
  3. Cắt giũa ngón tay. Trứng giun kim có thể mắc kẹt dưới ngón tay khi bạn gãi. Do đó, cắt ngắn và giũa móng sẽ giúp giảm nguy cơ này.[2]
    • Cắt móng tay còn giúp tránh các thói quen xấu như cắn móng tay - yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun kim.
  4. Giặt sạch quần áo, ga giường và khăn tắm. Trứng giun kim có thể bám vào quần áo và ga giường, đặc biệt là khi bạn ngủ. Vì vậy, việc giặt sạch các vật dụng này bằng nước nóng và sản phẩm giặt tẩy là vô cùng cần thiết.[3]
    • Giặt nội y, đồ ngủ, quần, khăn tắm và khăn hàng ngày trong thời gian nhiễm bệnh.
    • Chỉ giặt ga giường hàng ngày trừ khi bạn uống thuốc chống giun sán. Nếu uống thuốc, bạn chỉ cần giặt ga giường trong ngày đầu uống thuốc và mỗi 3 ngày sau đó.
    • Sấy khô tất cả vật dụng bằng máy sấy. Nhiệt độ cao giúp tiêu diệt giun kim hiệu quả hơn các phương pháp sấy khô khác.
    • Không dùng chung khăn mặt, khăn tắm để tránh lây truyền giun kim.
  5. Tắm rửa mỗi ngày. Tắm nước nóng ít nhất một lần mỗi ngày trong thời gian nhiễm giun. Dùng sữa tắm hoặc xà phòng khi tắm thay vì chỉ tắm bằng nước thông thường.[4]
    • Đặc biệt chú ý đến phần da quanh hậu môn để rửa sạch trứng giun kim.
    • Tắm vào buổi sáng để rửa sạch trứng giun kim còn sót lại sau khi ngủ.
    • Tắm vòi hoa sen sẽ tốt hơn là tắm bồn vì cách này giúp giảm nguy cơ lây lan trứng giun kim đến các bộ phận khác trên cơ thể. Trứng giun rơi trong bồn tắm có thể tìm đường xâm nhập vào miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
  6. Vệ sinh bề mặt có khả năng nhiễm giun kim. Đây là bước quan trọng vì trứng giun kim có thể bám vào các vật mà bạn chạm vào như quần áo, đồ chơi, bát đĩa và đồ nội thất. Trứng giun cũng có thể tồn tại 2-3 tuần bên ngoài cơ thể.[2][4]
    • Vệ sinh bệ toilet hàng ngày.
    • Thường xuyên vệ sinh và khử trùng kệ bếp và các bề mặt khác.
    • Giặt sạch và khử trùng đồ chơi của trẻ.
    • Cất bàn chải đánh răng trong tủ và rửa sạch bằng nước ấm trước khi dùng.
  7. Ngừng gãi. Ngay cả khi giun kim gây ngứa, bạn cũng không nên gãi quanh hậu môn để tránh dính trứng giun vào bàn tay hoặc ngón tay và gây nhiễm giun cho người khác.[2][5]
    • Gãi hậu môn có thể khiến trứng giun dính vào móng tay.
    • Đeo găng tay hoặc vớ (tất) tay vào buổi tối để ngăn hành động gãi khi ngủ.
    • Cắt ngắn ngón tay. Như vậy, ngay cả khi vô tình gãi ngứa, bạn cũng sẽ giảm được nguy cơ trứng giun dính vào dưới móng tay.

Điều trị nhiễm giun kim bằng thuốc[sửa]

  1. Mua thuốc trị giun kim không kê đơn. Bạn nên tìm mua thuốc uống chứa pyrantel pamoate. Loại thuốc này gây tê liệt hệ thần kinh của giun kim và đẩy chúng ra khỏi cơ thể theo đường phân.[6]
    • Tuân thủ hướng dẫn trên nhãn thuốc về liều dùng và tần suất sử dụng.
    • Không dùng thuốc này cho người có vấn đề về gan, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
    • Pyrantel pamoate có thể tương tác với một số thuốc và thực phẩm chức năng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết liệu việc dùng thuốc có an toàn hay không.
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc trị giun kim kê đơn. Người nhiễm giun kim có thể được điều trị bằng thuốc chuyên dùng để loại bỏ giun kim trưởng thành.
    • Hai loại thuốc kê đơn trị giun kim phổ biến là Albendazole và Mebendazole. Cả hai loại thuốc này đều giúp ngăn giun kim hấp thụ đường, nhờ đó khiến chúng cạn kiệt năng lượng và chết đi.[7][8]
    • Các thuốc này có thể gây các vấn đề về đường tiêu hóa mức độ nhẹ, bao gồm đau bụng và buồn nôn.[9]
    • Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn bao gồm đau họng, sốt, xuất huyết hoặc bầm tím bất thường, thở gấp và mệt mỏi. Ngừng sử dụng và đi khám bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào.[9]
    • Bác sĩ có thể không khuyên dùng thuốc kê đơn cho phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
  3. Hỏi bác sĩ về kem chống ngứa. Bạn có thể hỏi bác sĩ về kem chống ngứa an toàn để thoa gần hậu môn. Bác sĩ có thể khuyến nghị dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn.[10]
    • Ngay cả khi thuốc trị giun sán đủ khả năng tiêu diệt giun kim thì bạn vẫn có thể bị ngứa sau đợt thuốc đầu tiên. Cơn ngứa có thể gây cảm giác khó chịu, bứt rứt vì trứng giun còn sót trong cơ thể ngay cả khi tất cả giun trưởng thành đã chết đi. Gãi ngứa có thể khiến trứng giun lây lan và khiến vấn đề nghiêm trọng hơn.
  4. Chuẩn bị cho việc tái điều trị. Bác sĩ có thể khuyến nghị uống đợt thuốc thứ hai khoảng 2 tuần sau đợt đầu tiên. [11]
    • Triệu chứng nhiễm giun kim có thể thuyên giảm hoặc biến mất sau 1 tuần điều trị. Tuy nhiên, thuốc chỉ tiêu diệt được giun kim trưởng thành. Đợt thuốc thứ hai hay đợt "tái điều trị" sẽ giúp tiêu diệt giun nở ra từ trứng chưa bị tiêu diệt từ đợt đầu.
  5. Giữ vệ sinh sạch sẽ. Mặc dù thuốc trị giun kim có hiệu quả nhưng bạn và các thành viên trong gia đình cũng cần có biện pháp vệ sinh tốt để giảm nguy cơ tái nhiễm và lây truyền giun kim. Tuân thủ hướng dẫn trong Phương pháp 1 để ngăn ngừa tái nhiễm và giảm nguy cơ lây truyền giun kim cho người khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Trẻ nhỏ thường lây truyền giun kim vì chúng không hiểu tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh sạch sẽ. Bạn cần dạy cho trẻ cách phòng ngừa giun kim và đảm bảo trẻ nghe theo hướng dẫn.
  • Để tăng hiệu quả, bạn có thể kết hợp các phương pháp kể trên với nhau để loại bỏ giun kim.

Cảnh báo[sửa]

  • Giun kim có tính lây nhiễm cao nên bạn cần điều trị cho tất cả thành viên trong gia đình để giảm nguy cơ lây truyền và tái nhiễm.
  • Thuốc trị giun kim không kê đơn có thể tương tác với các thuốc và thực phẩm chức năng khác. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết liệu việc dùng thuốc có an toàn hay không.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị giun kim hiệu quả nhất vì việc dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn có thể không an toàn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]