Mạng thông tin khí hậu cho mọi người
Thông tin cho mọi người[sửa]
Mạng dịch vụ thông tin khí hậu toàn cầu sẽ hình thành và tất cả các quốc gia, các tổ chức và cá nhân đều có thể sử dụng!
Đại diện từ 155 nước vừa nhóm họp tại Hội thảo về khí hậu ở Geneva, Thụy Sỹ (3/9/2009) đã thống nhất rằng một hệ thống cung cấp thông tin về khí hậu toàn cầu sẽ được thiết lập và đáp ứng thông tin cho tất cả mọi đối tượng, từ các chính phủ cho đến từng người nông dân có nhu cầu. Mạng dịch vụ này sẽ giành ưu tiên hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nước thiếu phương tiện theo dõi, nghiên cứu biến đổi khí hậu. Nếu được như vậy, các nước đang phát triển sẽ có thêm căn cứ khoa học để xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trong bốn tháng tới đây, một hội thảo khác sẽ được Tổ chức khí tượng thế giới tiến hành để cụ thể hóa chương trình hành động. Theo GS Jonathan Overpeck, nhà khí tượng học thuộc ĐH Arizona (Mỹ) thì đã đến lúc chương trình này phải được tiến hành. Ông cũng cho rằng mỗi người trong đó có những người ra quyết định có thể giữ được tài sản nếu nắm chắc thông tin về khí hậu.
Thách thức lớn[sửa]
Một dịch vụ như vậy trước hết sẽ vấp rào cản từ giới khoa học và chính trị. Việc thu thập và chia sẻ dữ liệu giữa các nước thành viên sẽ gặp khó khăn. Giám đốc trung tâm dữ liệu khí tượng Mỹ, ông thời Tom Karl, cho rằng đã có những bất đồng trong quá khứ về tính đầy đủ của các dữ liệu được chia sẻ.
Một số quốc gia cũng thể hiện mối lo ngại trong dịch vụ chia sẽ toàn bộ thông tin trong đó có dữ liệu liên quan đến an ninh, lợi ích kinh tế của quốc gia. Giáo sư Martin Visbeck thuộc viện Hải dương học ĐH Kiel (CHLB Đức), chủ trì hội thảo, giải thích rằng có thể cho phép quốc gia "bớt lại" dữ liệu mang tính thương mại nhưng những dữ liệu chính, được coi là cơ bản nên được cung cấp miễn phí.
Các nhà khoa học sẽ phải hoàn thiện các dự án nghiên cứu. Các mô hình khí hậu toàn cầu dự báo rằng các thông số về nhiệt độ, lượng mưa sẽ có biến động rất lớn trong thế kỷ tới và hy vọng sự hoàn thiện của các dự án nghiên cứu sẽ ngày càng cho kết quả dự báo chính xác hơn giúp thế giới hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Chưa có sự bảo đảm[sửa]
Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khí quyển và hệ mặt trời đặt tại Colorado (Mỹ), ông Guy Brasseur, cho rằng trong 10 đến 15 năm tới có thể dự báo khí hậu với mức độ chính xác như dự báo thời tiết hiện nay. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến cẩn trọng hơn cho rằng hiện tại nhiều phương pháp khác nhau đang được dùng để dự báo và chưa có căn cứ để biết độ chính xác của những dự báo đó. Đây cũng là ý kiến của Gavin Schmidt làm việc tại một trung tâm của NASA ở New York.
Nhiều đại diện từ các quốc gia cho rằng tất cả các dữ liệu cung cấp cần kèm theo sai số dự kiến và sai số nên được coi như một phần trong hệ thống dữ liệu.
Hiện tại một số quốc gia thành viên đi đầu trong các dự án đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu khí hậu. Đức đã khai trương một trung tâm tại Hamburg trong khi Mỹ đang bàn thảo kế hoạch xây dựng trung tâm khí hậu liên bang.
Nguồn: Naturenews