Một số vấn đề của tiếng Việt trong khoa học
Tóm tắt[sửa]
Hiện nay, ngôn ngữ trong các lĩnh vực khoa học (được gọi tắt là ngôn ngữ khoa học) ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự phát triển của một quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế và tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Nội dung[sửa]
Theo A.I.Pumpjanski, chỉ báo ngôn ngữ đặc trưng nhất của thời đại phát triển loài người hiện nay là ngôn ngữ khoa học và phong cách chức năng của nó trong văn bản khoa học. Phạm vi sử dụng của ngôn ngữ khoa học và phong cách chức năng của nó được mở rộng tỉ lệ với nhịp độ tăng trưởng của tiến bộ khoa học - kĩ thuật. Hiện nay, việc mô tả các hệ thống ngôn ngữ hiện đại không còn có ý nghĩa nếu không tính đến ngôn ngữ khoa học và vai trò của nó trong cuộc sống xã hội hiện đại [8].
Tiếng Việt như là một ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam, chịu tác động to lớn và mạnh mẽ của các tiến trình phát triển của Việt Nam. Tiếng Việt trong các lĩnh vực của khoa học (được gọi tắt là tiếng Việt khoa học) là yếu tố đặc biệt quan trọng cần được hình thành và phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay. Trong khuôn khổ bài báo, vấn đề được đề cập là tiếng Việt khoa học cho sinh viên và học sinh.
Chúng ta thấy rằng đã có nhiều bài báo, các công trình nghiên cứu về tầm quan trọng, chức năng và sự phát triển của tiếng Việt trên các bình diện khác nhau, đặc biệt là trong văn học - nghệ thuật và văn hóa - xã hội. Trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật, ngay từ những năm 60 của thế kỉ XX đã có những bài báo đề cập đến chức năng và tầm quan trọng của nó như "Tiếng Việt trong khoa học cơ bản" (Ngụy Như Kontum), "Xây dựng thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt" (Lê Khả Kế), "Dùng tiếng Việt trong các ngành khoa học kĩ thuật ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội" (Phạm Đồng Điện) và v.v. [1]
Các công trình nghiên cứu cho thấy ngôn ngữ dân tộc phản ánh rất rõ nét tiến trình phát triển xã hội của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó. Với một nền khoa học kĩ thuật non trẻ thời ban đầu những năm 60, tiếng Việt trong khoa học kĩ thuật nghiên cứu và sử dụng mới chỉ ở dạng các thuật ngữ chuyên ngành với một số từ điển thuộc lĩnh vực khoa học kĩ thuật.
Vấn đề tiếng Việt khoa học cho đến nay chủ yếu là do các nhà lãnh đạo hoặc quản lí khối ngành khoa học đề cập tới. Trong những năm 60, các nhà khoa học thuộc khối khoa học kĩ thuật đã sử dụng thuật ngữ "tiếng Việt trong khoa học cơ bản" (Ngụy Như Kontum), "tiếng Việt trong các ngành khoa học kĩ thuật" (Phạm Đồng Điện), "Thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt" (Lê Khả Kế). Trong tuyển tập "một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam" (Nhà xuất bản ĐH và THCN, Hà Nội, 1981), tác giả bài "Lược thuật hội nghị ngôn ngữ học trong các trường đại học" Nguyễn Khắc Thi đã sử dụng thuật ngữ "ngôn ngữ khoa học kĩ thuật" ….
Trong tất cả các loại từ điển tiếng Việt cho đến năm 2003 chưa có định nghĩa cho thuật ngữ "ngôn ngữ khoa học", mặc dù đã có định nghĩa cho ngôn ngữ hình thức, ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ điện ảnh và v.v. Để dẫn nhập các khái niệm "ngôn ngữ khoa học" và "tiếng Việt khoa học", cần xuất phát từ các định nghĩa về ngôn ngữ và tiếng Việt một cách khái quát. Ở đây, chúng tôi trình bày cụ thể các định nghĩa trong ba loại từ điển điển hình tại các thời kì phát triển xã hội khác nhau:
- Từ điển Việt Nam phổ thông. Đào Văn Tập, nhà sách Vĩnh Bảo - Sài Gòn, 1951.
- Ngôn ngữ: Nói năng (khoa ngôn ngữ)
- Tiếng: 1. Âm thanh phát ra (tiếng động, tiếng đàn)
2. Ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga)
3. Lời phê bình của công chúng (tiếng hay, tiếng xấu)
- Từ điển tiếng Việt. Văn Tân (chủ biên), Nxb. KHXH, Hà Nội, 1991.
- Ngôn ngữ: 1. Công cụ biểu thị ý nghĩ dùng để giao tiếp giữa người và người, thực hiện nhờ hệ thống những phương tiện âm thanh, từ ngữ và ngữ pháp (Người là giống duy nhất có ngôn ngữ)
2. Cách sử dụng các chức năng nói trên, thường biểu hiện của phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa … (Phải luôn chú ý đến ngôn ngữ cử chỉ)
- Từ điển tiếng Việt. Hoàng Phê (chủ biên), Nxb.KHXH, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2000.
- Ngôn ngữ: 1. Hệ thống ngữ âm, những từ và những quy tắc kết hợp chúng mà những người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để giao tiếp với nhau (Tiếng Nga và tiếng Việt là hai ngôn ngữ rất khác nhau).
2. Hệ thống kí hiệu dùng làm phương tiện để diễn đạt, thông báo (Ngôn ngữ điện ảnh. Ngôn ngữ hội họa. Ngôn ngữ của loài ong.)
3. Cách thức, nghệ thuật hay trình độ sử dụng ngôn ngữ có tính chất riêng (Ngôn ngữ Nguyễn Du. Ngôn ngữ trẻ con. Ngôn ngữ báo chí.)
- Tiếng: 1. Cái mà tai có thể nghe được (Tiếng đàn. Tiếng cười.)
2. Âm tiết trong tiếng Việt, là đơn vị thường có nghĩa, dùng trong chuỗi lời nói (Tiếng được, tiếng mất. Thơ lục bát gồm 14 tiếng.)
3. Ngôn ngữ cụ thể nào đó (Tiếng Việt. Biết nhiều thứ tiếng.)
4. Giọng nói riêng của một người hay cách phát âm riêng của một vùng nào đó (Tiếng trầm trầm. Tiếng miền Nam.)
5. Lời nói của một cá nhân nào đó (Có tiếng người.)
6. Lời bàn tán, khen chê, sự đánh giá trong dư luận xã hội (Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Bưởi ngon có tiếng.)
Từ đây, có thể đưa ra các khái niệm sau:
- Ngôn ngữ khoa học:
1. Hệ thống các âm, các từ và các quy tắc kết hợp chúng mà những người trong cùng một cộng đồng và cùng một lĩnh vực hoạt động khoa học dùng làm phương tiện để giao tiếp với nhau (Tiếng Việt trong lĩnh vực khoa học là ngôn ngữ khoa học.).
2. Hệ thống kí hiệu dùng làm phương tiện để diễn đạt, thông báo (Ngôn ngữ hình học. Ngôn ngữ toán.)
- Tiếng Việt khoa học: Ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam được sử dụng trong lĩnh vực khoa học (Tiếng Việt khoa học kĩ thuật.).
Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, ngay từ khi thành lập trường, việc sử dụng giảng dạy bằng tiếng Việt là đương nhiên. Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ cơ sở của một hệ thống thuật ngữ bằng tiếng Việt gần như không có. Với một nền kĩ thuật còn lạc hậu, các thuật ngữ kĩ thuật ở giai đoạn giảng dạy đại học đầu tiên này còn ít về số lượng, thiếu khoa học về chất lượng. Phần lớn thuật ngữ kĩ thuật là từ Hán - Việt, thiếu tính chất Việt hoặc là từ tiếng Việt nhưng thiếu độ chính xác và khoa học. Bắt đầu từ năm 1965, cán bộ giảng dạy các bộ môn kĩ thuật của Trường đã làm việc hết sức mình để xây dựng được một hệ thống thuật ngữ kĩ thuật cơ bản bằng cách dựa vào bản chất từng hiện tượng, tính chất, nguyên tắc và công dụng từng thiết bị. Có thể nói rằng trong giai đoạn từ 1965 đến 1975, cán bộ khối khoa học kĩ thuật đã rất thành công trong việc xây dựng một hệ thống thuật ngữ bằng tiếng Việt trong phạm vi kĩ thuật. Đây là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển xã hội Việt Nam.
Từ 1976 đến 1990 là giai đoạn đất nước sau thống nhất. Ở giai đoạn này, biện pháp chủ yếu là chuẩn hóa tiếng Việt để phục vụ có hiệu quả cho các nhiệm vụ cụ thể của đất nước trong thời kì tái thiết. Các hội nghị khoa học về ngôn ngữ đã được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt, vấn đề chuẩn hóa và thống nhất hệ thống thuật ngữ khoa học được đặc biệt chú ý. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thị:"Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và làm cho tiếng Việt ngày càng phát triển, có khả năng thích nghi với sự phát triển của thời đại, đặc biệt là sự phát triển của khoa học và kĩ thuật." (Trích bài phát biểu của GS.Đặng Hữu tại Hội nghị Ngôn ngữ học của ngành đại học lần I vào tháng 1 năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh). Trong giai đoạn phát triển này, vấn đề nóng bỏng được đặt ra trên phạm vi cả nước là xây dựng, thống nhất và chuẩn hóa hệ thống ngôn ngữ khoa học và liên quan là vấn đề mượn từ và âm của các ngôn ngữ khác, trong đó có vấn đề về phiên chuyển từ ngữ khoa học nước ngoài.
Từ 1991 đến nay, cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội, ngôn ngữ dân tộc bước vào giai đoạn mới. Tiếng Việt khoa học không còn dừng lại ở các thuật ngữ riêng biệt mà đã có nhiều văn bản dưới dạng bài dịch từ tiếng Anh, các báo cáo khoa học chuyên ngành. Tuy nhiên, cần phải nói rằng cách hành văn theo phong cách ngôn ngữ khoa học còn chưa được chú trọng. Các hội nghị về ngôn ngữ học ở giai đoạn này được tổ chức khá phong phú về hình thức và nội dung song chưa có những nghiên cứu đầy đủ về ngôn ngữ khoa học và tiếng Việt khoa học, chưa có giải pháp cho giáo dục ngôn ngữ khoa học và tiếng Việt khoa học trong trường phổ thông và đại học.
Theo các tác giả của cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1992 thì trong vòng 5 năm, tính từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế thị trường đã xuất hiện trên 2000 đơn vị từ mới, phần nhiều có nguồn gốc vay mượn từ các tiếng nước ngoài. Theo nghiên cứu của chúng tôi, khoảng 70% đơn vị từ mới trong số đó là các thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học kĩ thuật và công nghệ. Và cho đến nay, lượng đơn vị từ mới là các thuật ngữ trên ngày càng gia tăng một cách đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sự phát triển của xã hội công nghiệp đòi hỏi phát triển chức năng của ngôn ngữ dân tộc và cần tạo ra một sự đồng dạng trong hệ thống giao tiếp của các quốc gia có liên quan. Và chính xã hội công nghiệp, trong điều kiện giao lưu quốc tế rộng rãi giữa các quốc gia đang đem lại cho ngôn ngữ mỗi dân tộc những phát triển mới và những giao thoa mới. Từ đây, có thể thấy rằng tiếng Việt khoa học đóng góp trực tiếp vào những tiến bộ của khoa học hiện đại và chịu tác động to lớn của sự phát triển các ngành khoa học hiện đại.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc phổ biến tiếng Việt khoa học cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên các trường kĩ thuật, là vô cùng cần thiết. Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề như vậy là bởi vì thí sinh thi vào các trường kĩ thuật phần lớn không chú ý đến môn tiếng Việt ngay từ những năm học phổ thông, và bởi vì tiếng Việt khoa học và phong cách ngôn ngữ của nó không được coi như một môn học trong các trường kĩ thuật. Và như vậy, nếu nhìn từ góc độ đầu tư thì bất kì quá trình chuyển giao công nghệ nào cũng đều cần tiếng mẹ đẻ, ở đây là tiếng Việt khoa học, làm xuất phát điểm. Thậm chí có thể nhận thấy rằng tiếng Việt khoa học sẽ giúp người học, ví dụ, tiếng Anh khoa học tiếp nhận kiến thức cần thiết một cách dễ dàng hơn.
Việc phát triển và chuẩn hóa tiếng Việt khoa học là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc tạo lập các hệ thống thuật ngữ khoa học chuyên ngành bằng tiếng Việt khoa học (vay mượn tiếng Hán, Pháp, Anh …). Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh sự định hướng và tham gia một cách có ý thức của con người vào quá trình phát triển của ngôn ngữ. Tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp giáo dục ở các cấp từ phổ thông đến đại học, nâng cao dân trí và truyền bá các kiến thức. Để nắm vững và nâng cao kiến thức khoa học, điều tất nhiên là sinh viên cần phải có kiến thức về ngôn ngữ của khoa học, tức là tiếng Việt khoa học.
Dưới đây là các ví dụ về việc sử dụng tiếng Việt khoa học:
Các sách có sử dụng từ và cụm từ mang yếu tố của phong cách ngôn ngữ khoa học:
- Tiếng Việt lớp 1 tập 1&2 dưới dạng các từ, câu, bài viết và thơ có liên quan đến cuộc sống hàng ngày như: cái đe, ôtô, canô, xe lu, máy bay, máy cày, nhà máy, trái đất (Tí đi ôtô. Em đi máy bay.)
- Tiếng Việt lớp 1 tập 1, lớp 3 tập 2 dưới dạng bài viết, bài thơ về ngành nghề liên quan đến khoa học kĩ thuật và công nghệ.
Tiếng Việt khoa học được giới thiệu trong các sách giáo khoa:
- Tiếng Việt lớp 4 tập 2 dưới dạng giới thiệu một số thuật ngữ và khái niệm về khoa học và kĩ thuật.
- Tiếng Việt lớp 9 dưới dạng giới thiệu sơ lược sự phân loại và đặc điểm chung của văn bản khoa học. Phần luyện tập không có bài tập cho văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ.
- Tiếng Việt lớp 11 ở dạng giới thiệu phong cách ngôn ngữ khoa học một cách ngắn gọn (một tiết học). Phần bài tập có một câu hỏi về so sánh với phong cách ngôn ngữ chính luận.
Một vài ví dụ về cách viết câu trong văn bản khoa học bằng tiếng Việt và dịch Anh - Việt không đúng của sinh viên thuộc khối kĩ thuật:
- Những thuận lợi của việc tạo xỉ trong lò điện hồ quang đã được chứng minh. Bao gồm các yếu tố sau: …. Sự tăng chiều dài hồ quang yếu tố đó cho phép tăng điện thế hồ quang lớn hơn, bởi vậy đưa đến hiện tại tăng khả năng di chuyển tới bể chứa, với một ít năng lượng kết hợp với tia phát xạ bị mất để bảo vệ vật liệu tới một giới hạn và che những tia phát xạ sáng rực lên và sinh ra nitơ. (Bài tập chuyên ngành).
- Sự phát triển của ALARC - PC, nó là cần thiết cho sự hiểu biết cơ bản ảnh hưởng của ôxy trong đó nó được ứng dụng trong lò điện hồ quang, nguyên lí trên là nguyên lí nhiệt động học và phản ứng do động lực. (Bài tập dịch).
- Đối với quá trình cháy of than ….. (Bài tập chuyên ngành).
- Ảnh hưởng chính của ôxy là có thể giải thích bằng sự cân bằng giữa O2 và Fe, FeO2, C, CO, CO2 trong chất đặc, lỏng hay pha gas, cũng như trên bề mặt giữa các pha. (Bài tập dịch).
- Tất cả các chất khi tan trong nước đều phân chia làm hai loại sau. Loại có khả năng điện phân và loại không có khả năng điện phân. (Bài tập chuyên ngành).
Các ví dụ về cách viết câu trong văn bản khoa học bằng tiếng Việt và dịch Anh - Việt không đúng như trên có thể tìm thấy rất dễ dàng trong các bài viết của sinh viên khối trường kĩ thuật.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. Tiếng Việt và dạy đại học bằng tiếng Việt. Nxb.KHXH, Hà Nội, 1981.
2. Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam. Nxb.ĐH&THCN, Hà Nội, 1982.
3. Nguyễn Kim Thản và những người khác. Tiếng Việt trên đường phát triển. Nxb.KHXH, 1982.
4. Trần Ngọc Thêm. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 1992.
5. Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt về mặt từ ngữ. Nxb.KHXH, Hà Nội, 1984.
6. Việt ngữ học ở nước ngoài. Hà Nội, 1998.
7. Ngôn ngữ và văn hóa - 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Kỉ yếu hội thảo của Hội Ngôn ngữ Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000.
8. Пумпянский А.Л. Введение в практику перевода научной и технической литературы на английский язык. Москва, Наука, 1981.
9. Các sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 10.
10. Các sách giáo khoa Tập làm văn lớp 10, 11, 12.
11. Các sách giáo khoa và tài liệu tham khảo Tiếng Việt thực hành (chương trình dành cho đại học đại cương).
Bản quyền[sửa]
TS. Đào Hồng Thu
Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống tháng 11/2004