Não bộ: Tư duy thiết kế và sự trỗi dậy của não phải
Trong suốt một thời gian dài, và ngay cả thời hiện tại, chúng ta thường chỉ để ý tới phần bên trái của não bộ nhưng ngày nay có xu thế quan tâm đến việc rèn luyện não phải, bởi thế giới đang dịch chuyển sang thời đại nhận thức với sự đề cao những người sáng tạo và đồng cảm.
Mỗi chúng ta sở hữu một kilogram vật chất đặc biệt nằm trong hộp sọ. Cái bộ máy tự nhiên tối tân ấy cho đến nay vẫn là một thế giới đầy bí ẩn với hầu hết đại chúng, thậm chí với cả những nhà khoa học lừng danh. Cứ mỗi khi chúng ta “phát hiện” thêm một chút về nó, là khi chúng ta lại ồ lên, hoặc ngã ngửa ra vì bấy lâu nay có gì đó đã bị hiểu lầm nghiêm trọng. Một trong những lần như vậy là khi người ta “khám phá “ ra rằng chúng ta đã bỏ rơi phần bên phải của não bộ quá lâu.
Chúng ta đều biết não có hai nửa bán cầu khá là riêng biệt. Phần bên phải điều khiển các cơ quan bên trái, phần còn lại điều khiển các phần bên phải của cơ thể chúng ta. Nhưng chỉ mới gần đây thôi, chúng ta mới biết thêm rằng hai bán cầu não còn phân chia nhiệm vụ chức năng khác nhau khá là tường minh. Não trái chuyên trách phần “duy lý” gồm các hoạt động liên quan đến tư duy logic, phán đoán, kĩ năng ngôn ngữ, tính toán, viết lách. Còn não phải “chuyên trị” các thứ liên quan đến thẩm mĩ, sự khéo léo, năng lực đồng cảm, khả năng âm nhạc, nghệ thuật, tình cảm, lòng say mê và khả năng sáng tạo. Mặc dù có sự phân tách chuyên biệt như vậy, nhưng khi chúng ta hoạt động, hai nửa bán cầu có liên kết chặt chẽ với nhau thật nhịp nhàng chứ không hoàn toàn tách biệt về chức năng.
Tư duy thiết kế[sửa]
Trong suốt một thời gian dài, và ngay cả thời hiện tại, chúng ta thường chỉ để ý tới phần bên trái của não bộ. Thậm chí dường như giới khoa học đánh đồng não trái với chức năng “người”, vì nó đảm trách các hoạt động dễ nhìn thấy nhất mà con người mang những đặc trưng khác biệt: năng lực tư duy logic, ngôn ngữ và tính toán. Có lẽ đó là một trong những thói quen tư duy sai lầm nghiêm trọng bậc nhất cho tới khi chúng ta thấy công dụng khác biệt mà phần bên phải của não bộ mang lại.
Hãy xem lại câu chuyện thành công của chiếc điện thoại thông minh iPhone và cuộc cách mạng mà Apple và Steve Jobs đã tạo ra trong ngành công nghệ thông tin để thấy rõ điều đó. iPhone rõ ràng là một cỗ máy công nghệ phức tạp, được chế tạo tinh xảo với các bộ phận tân tiến bậc nhất. Nhưng nó còn có những “vũ khí tối mật” khác mang tên Thiết kế. Thiết kế ở đây không chỉ là hình dáng chiếc điện thoại mà còn là cách nó hoạt động và mang lại trải nghiệm ưu việt cho người dùng. Không chỉ chạy tốt, mà còn phải đẹp, hữu dụng và thân thiết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra iPhone không được làm ra với tư duy lắp ráp, hay tư duy chế tạo của nhà kĩ sư, mà là bằng tư duy thiết kế (Design Thinking).
Theo DANIEL PINK, các thời đại phát triển với 4 mô hình sau:
TK XVII: Thời đại nông nghiệp (nông dân) --> TK XIX: Thời đại công nghiệp (công nhân) --> TK XX: Thời đại thông tin (công nhân tri thức) --> TK XXI: Thời đại nhận thức (người sáng tạo và đồng cảm)
Cách thức xây dựng sản phẩm theo tư duy thiết kế bắt đầu bằng sự thấu cảm với người dùng để nắm bắt những nhu cầu thầm kín không mấy khi nói thành lời, từ đó phát sinh các ý tưởng thiết kế và giải pháp để đáp ứng nhu cầu đó, rồi tạo lập các bản mẫu để hiện thực hóa ý tưởng, rồi mang ra thử nghiệm để nhận về các phản hồi thực sự từ người dùng, Tối ưu nó và tiếp tục cải tiến nhiều lần trước khi thành sản phẩm cuối tới tay người dùng, và không ngừng cải tiến trong các phiên bản tiếp theo của sản phẩm. Tư duy thiết kế đã tạo ra sự ưu trội của Apple. Nhưng không chỉ có mỗi gã khổng lồ Apple biết sử dụng cái phần cảm xúc và nghệ thuật nằm bên não phải của các kĩ sư và nhà thiết kế sản phẩm.
Trong các trường kinh doanh hiện nay, nhiều doanh nhân thường được dạy cách thức nhìn bức tranh lớn thông qua Bản vẽ Mô hình Kinh doanh (Business Model Canvas), vốn do hai tác giả hâm mộ nhiệt thành tư duy thiết kế sáng tạo ra. Cuốn sách kinh doanh đã tiêu thụ hàng triệu bản “Tạo lập mô hình kinh doanh” của Alexander Osterwalder và Yves Pigneur dạy người học tìm kiếm sự thấu cảm với khách hàng mục tiêu thông qua các công cụ như bản đồ thấu cảm, từ đó đúc rút ra các vấn đề bức thiết cần phải giải quyết, rồi đi đến giải pháp, và thêm nhiều bước đi nữa để phác thảo lên bức tranh kinh doanh tổng thể. Phương pháp đã trở thành “kinh điển” đối với các startup hiện nay đang cho thấy sự hữu dụng tuyệt vời của việc đưa não phải tham gia tích cực vào các tình huống sáng tạo trong kinh doanh.
Tại Viện nghiên cứu về Designd.School ở Đại học Stanford, tư duy thiết kế còn được sử dụng như là một phương pháp giáo dục kiểu mới nhằm tìm kiếm giải pháp giáo dục cá nhân hóa, tự chủ, tự lập, sáng tạo và đổi mới. Những quy trình hoạt động giáo dục đặc trưng của tư duy thiết kế gồm các bước Cảm nhận – Tưởng tượng – Hành động – Chia sẻ đang rất được các nhà trường hưởng ứng. Minh chứng tiêu biểu nhất cho sự hưởng ứng này có thể tìm kiếm sự kiện “Shadow a Student Challenge”mới đây nhằm tạo điều kiện để trên 1430 lãnh đạo trường học trên khắp 50 tiểu bang của nước Mỹ nhập vai sinh viên để đồng cảm với họ, nhận diện các vấn đề của giáo dục, để từ đó đưa ra được những hành động tương ứng nhằm tạo lập các sự thay đổi cần thiết.
Thiết kế chỉ là một ví dụ điển hình về sự nổi dậy của não phải trong thời đại ngày nay. Theo Daniel Pink, tác giả cuốn sách bán chạy “Một tư duy hoàn toàn mới – Tại sao những người-não-phải sẽ thống trị thế giới”, những người-não-phải sở hữu một trong “sáu giác quan” rất khác biệt gồm: Thiết kế, Kể chuyện, Hòa hợp, Đồng cảm, Giải trí, Tìm kiếm ý nghĩa. Pink biện luận, tiếp nối thời đại công nghiệp và thời đại thông tin với lý trí, ngôn ngữ và tư duy logic chiếm thế thượng phong, ngày nay thế giới đang dịch chuyển sang thời đại nhận thức với sự đề cao những người sáng tạo và đồng cảm.
Thực ra Pink không phải là người đầu tiên bàn tới chuyện phải chú ý tới phần bên phải của não bộ con người. Kể từ khi nhà tâm lí học trứ danh Howard Garder phá vỡ thế độc tôn của IQ bằng việc cho ra đời học thuyết về trí thông minh đa dạng những năm 80 thế kỉ trước, nhiều nghiên cứu đã củng cố ý tưởng về tầm quan trọng của cảm xúc, đồng cảm, nghệ thuật và sáng tạo.
Trong thực tiễn, chúng ta có thể thấy ngày càng rõ xu hướng tìm tuyển dụng và đề cao những người có chỉ số cảm xúc cao thay vì IQ như trước. Nhiều tạp chí nổi tiếng trong giới kinh doanh như Havard Business Review hay Forbes cũng đã có hàng loạt bài báo trong nhiều năm liền nhấn mạnh vào khả năng thành công cao hơn ở những người có ưu trội về EQ. Sự ghi nhận đối với các chức năng bên phải não bộ không chỉ dừng ở cộng đồng học thuật mà đã đi sâu vào thực tiễn cuộc sống.
Câu chuyện về não phải đối với giáo dục của chúng ta?[sửa]
Thật đáng tiếc là chúng ta vẫn đang ở thời kì thống trị của não trái. Chúng ta vẫn nói về một nền giáo dục toàn diện, nhưng thực ra trong đầu phụ huynh và phần nhiều giáo viên, danh sách môn chính thực ra rất ngắn gọn: Toán, Lí, Hóa; hoặc với một số người là Toán-Văn-Anh. Con số dưới 10% chọn thi đại học ban C cho thấy thực trạng “nghiêng về não trái” của chúng ta hết sức rõ nét. Ngay cả cái môn Văn vốn nhẽ ra phải là chỗ để rèn luyện lòng đồng cảm, trí tưởng tượng, và năng lực sáng tạo nghệ thuật, thì phần lớn lại đang luyện cho học sinh chúng ta năng lực sao chép. Chúng ta đã từ lâu bỏ rơi não phải.
Cá biệt cũng có những nỗ lực lội ngược dòng thú vị. Chúng ta có thể tìm thấy một ví dụ hay nằm ở chương trình Giáo dục Hiện đại của nhóm Cánh Buồm từng được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2015. Với phương châm “xây dựng con người Việt Nam hiện đại, tự chủ, trách nhiệm và tâm hồn phong phú”, đội ngũ làm chương trình Cánh Buồm đã hiện thực hóa ý tưởng giáo dục nghệ thuật cho học sinh ngay từ tiểu học một cách chính quy bài bản.Tương tự như tư duy thiết kế ở Designd School hay một số trường học ở Mỹ, môn Văn của Cánh Buồm dạy học sinh một chu trình Đồng cảm-Tưởng tượng-Liên tưởng-Bố cục để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Thông qua việc rèn luyện các thao tác “làm nghệ thuật” ngay từ tấm bé, não phải của trẻ em được rèn giũa liên tục. Mục đích của sự rèn luyện này không phải là để biến học sinh thành hàng loạt các nghệ sĩ, mà cơ bản hơn là để rèn tư duy nghệ thuật, và gián tiếp làm cho não phải mạnh lên. Đây quả là một gợi ý rất hay về tư duy, cách làm để tạo lập những con người sáng tạo và đồng cảm cho “thời đại nhận thức” của thế kỉ XXI hiện nay.
Nguồn[sửa]
- Dương Trọng Tấn, Tạp chí Tia Sáng