NASA, NOAA: Năm 2016 nóng nhất trong hơn 130 năm qua
Theo các phân tích độc lập, năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận kể từ năm 1880, với nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu ở mức 14,84 độ C.
Ngày 18/01 vừa qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã công bố dữ liệu thời tiết toàn cầu năm 2016. Theo các phân tích độc lập của hai cơ quan này thì nhiệt độ bề mặt Trái đất (tính cho cả đất liền và đại dương) đạt mức nóng nhất [ở mức 14,84 độ C] kể từ khi dữ liệu được ghi lại vào năm 1880.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2016 đã tăng thêm 0,99oC so với mức trung bình giữa thế kỉ 20, khiến cho năm qua là năm thứ ba liên tiếp được ghi nhận có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất.
Theo những phân tích của các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Không gian Goddard (GISS), New York, nhiệt độ năm 2016 tiếp tục xu hướng ấm lên về lâu dài. Các nhà khoa học của NOAA cũng đồng tình với kết luận rằng năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận, dựa trên những phân tích độc lập, riêng biệt.
Do vị trí các trạm khí tượng và phương pháp đo lường thay đổi theo thời gian, nên việc diễn giải sự khác biệt của nhiệt độ trung bình toàn cầu qua từng năm cụ thể không đồng nhất. Tuy nhiên, kể cả tính đến yếu tố này thì NASA vẫn chắc chắn đến hơn 95% rằng năm 2016 là năm nóng nhất.
Nhiệt độ trung bình trên bề mặt hành tinh đã tăng khoảng 1,1oC kể từ cuối thế kỉ 19, sự thay đổi này chủ yếu do lượng carbon dioxide và các loại khí phát thải khác của con người trong khí quyển tăng lên.
Phần lớn quá trình nóng lên xảy ra trong 35 qua, với 16 trong số 17 năm nóng nhất được ghi nhận xảy ra kể từ năm 2001. Năm 2016 không chỉ là năm nóng nhất, mà tám tháng trong năm – từ tháng Một đến tháng Chín, trừ tháng Sáu – là những tháng tương ứng nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Tháng Mười, Mười Một và Mười Hai năm 2016 được ghi nhận là những tháng nóng thứ nhì trong lịch sử, sau những kỉ lục được ghi nhận vào năm 2015.
Hiện tượng El Niño góp phần làm tăng bất thường nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2016 thêm 0,12oC, các nhà khoa học ước tính.
Những biến động thời tiết thường ảnh hưởng đến nhiệt độ theo khu vực, vì thế không phải tất cả các khu vực trên Trái đất đều nóng kỉ lục trong năm vừa qua. Chẳng hạn, cả NASA và NOAA đều nhận thấy nhiệt độ trung bình năm ở 48 vùng tiểu bang Hoa Kỳ tiếp giáp nhau trong năm qua nóng thứ hai theo các dữ liệu từng được ghi lại. Trái lại, Bắc Cực đã trải qua năm ấm nhất từ trước tới nay.
Các phân tích của NASA kết hợp những phương pháp đo nhiệt độ bề mặt từ 6.300 trạm khí tượng, trạm thu thập dữ liệu nhiệt độ bề mặt biển đặt trên các phao và tàu, và các hệ thống đo nhiệt độ từ các trạm nghiên cứu ở Nam Cực. Các dữ liệu được phân tích bằng một thuật toán trong đó có tính đến thực tế khoảng cách khác nhau giữa các trạm đo nhiệt độ trên toàn cầu và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị có thể làm sai lệch các kết luận. Kết quả của những tính toán này đưa ra ước tính về sự khác biệt của nhiệt độ trung bình toàn cầu so với giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1980.
Các nhà khoa học của NOAA cũng sử dụng rất nhiều dữ liệu về nhiệt độ tương tự như NASA, nhưng chọn giai đoạn khác làm đối chứng, và dùng những phương pháp khác để phân tích nhiệt độ các vùng cực và nhiệt độ toàn cầu.
Nguồn[sửa]
- Nhàn Vũ dịch (Theo Tạp chí Tia sáng)
- Bản gốc: NASA