Ngăn chặn chứng nôn trớ ở trẻ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Những người dành nhiều thời gian với trẻ nhỏ đều biết rằng nôn là một hiện tượng thường gặp ở trẻ. Trẻ nhỏ bị nôn thường là do vi rút gây ra, do quá lo lắng/phấn khích, hoặc do say tàu xe, và thông thường không phải là một vấn đề đáng lo ngại về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, việc trẻ bị nôn có thể là một vấn đề đáng lo ngại đối với trẻ và gây nhiều rắc rối cho cha mẹ. Bằng cách nhận biết những nguyên nhân thường gặp của tình trạng này và đề phòng một cách chủ động chứng buồn nôn và các tác nhân khác, bạn sẽ có cơ hội giúp trẻ tránh bị nôn.

Các bước[sửa]

Nhận biết Nguyên nhân[sửa]

  1. Đó có thể là các vấn đề liên quan đến dạ dày. Vì trẻ nhỏ thường sinh hoạt trong những không gian kín và không thực hành vệ sinh tốt nên vi rút rất dễ lây lan. Bị nôn có thể là một triệu chứng thường thấy, đi kèm với sốt, yếu, mệt, tiêu chảy và các triệu chứng khác. [1]
    • Dạy trẻ giữ gìn vệ sinh (như thường xuyên rửa tay) và cách ly trẻ bị ốm là cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị ốm do bị lây vi rút, tuy nhiên, bạn không nên hi vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
    • Nôn do vi rút dạ dày thường sẽ tự hết sau 12-24 tiếng. Nếu nôn kéo dài hơn một hoặc hai ngày và có dấu hiệu nặng hơn (ví dụ, trẻ không thể giữ chất lỏng trong dạ dày) hoặc có các dấu hiệu nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc cho trẻ đi khám.
    • Nghỉ ngơi và uống đủ nước là biện pháp điều trị tốt nhất cho những trường hợp bị nôn như vậy. Hãy cho trẻ nghỉ ngơi ở tư thế được dựa lưng, đầu quay sang một bên (để tránh kích thích nôn), cho trẻ uống thường xuyên với lượng nhỏ dung dịch điện giải, nước đường, kem que, nước gelatin hoặc các chất lỏng khác theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu trẻ tiếp tục bị nôn sau mỗi lần uống một chút chất lỏng, hãy dừng cho trẻ uống và gọi ngay cho bác sĩ.
  2. Xem xét khả năng trẻ bị nôn vì nguyên nhân khác. Nếu không có các triệu chứng khác, nôn do vi rút dạ dày thường là nguyên nhân đầu tiên bạn nên nghĩ đến. Tuy nhiên, các bệnh khác hoặc các hoạt động bình thường của trẻ cũng có thể khiến trẻ bị nôn.[2]
    • Trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp như bị cảm lạnh, đôi khi, cũng dẫn đến nôn do bị ho liên tục hoặc nước mũi chảy ngược vào dạ dày. Viêm tai đôi khi cũng gây nôn ói.
    • Trẻ cũng có thể bị nôn sau khi khóc một thời gian dài. Nếu trẻ tức giận và khóc dai, trẻ có thể bị ốm và bắt đầu nôn.
    • Ăn quá no và vận động quá sức cũng có thể gây nôn, đặc biệt nếu kết hợp cả hai thì rất nghiêm trọng.
    • Dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thực phẩm có thể khiến trẻ bị nôn. Lưu ý rằng một vài loại thực phẩm có thể gây ra nôn trớ và bạn cần phải thông báo với bác sĩ nếu trẻ bị như vậy. Đặc biệt nếu trẻ bị nôn kèm theo nổi mề đay, sưng tấy mặt hoặc trên người, hoặc khó thở.
    • Lo lắng và căng thẳng quá mức cũng có thể dẫn tới bị nôn, chưa kể chứng đau đầu và các bệnh khác. Trẻ có thể bị lo lắng vì rất nhiều lý do từ các vấn đề liên quan đến trường học, gia đình đổ vỡ, hoặc thậm chí do nỗi sợ hãi quái vật trong bóng tối. Các biện pháp giảm căng thẳng, liệu pháp hành vi hoặc thuốc có thể giúp giảm lo lắng và nôn.[3]
  3. Cẩn trọng với các nguyên nhân bất thường nhưng nghiêm trọng. Nôn trớ ở trẻ thường không phải là một vấn đề quá đáng lo nhưng việc nhận biết những nguy cơ nghiêm trọng có thể gây nôn là điều quan trọng. Hãy liên hệ với bác sĩ của trẻ và cho trẻ đi khám nếu:[4]
    • Trẻ bị nôn kèm đau đầu, cứng cổ.
    • Trẻ nôn mạnh hoặc nôn vọt ra, nhất là trẻ sơ sinh.
    • Trẻ bị nôn do chấn thương ở đầu, vì trẻ có thể bị chấn động ở đầu hoặc có những chấn thương nghiêm trọng hơn.
    • Có lẫn máu (có thể có màu như bã cà phê) hoặc mật (thường có màu xanh lá) khi bị nôn, vì đó có thể là triệu chứng của các bệnh về dạ dày hoặc tiêu hóa nghiêm trọng.
    • Trẻ bị hôn mê hoặc có thay đổi lớn về tình trạng tâm thần, điều này có thể cho thấy trẻ bị mất nước nghiêm trọng.
    • Trẻ bị đau bụng dữ dội, có thể là do bị viêm màng não hoặc viêm ruột thừa.
    • Cũng có khả năng trẻ bị ngộ độc.
  4. Hiểu rõ về say tàu xe.[5] Đây có thể là một nguyên nhân gây nôn trớ thường xuyên và khó chịu nhất ở trẻ vì nó có thể khiến chuyến đi về thăm bà ngoại của gia đình bạn trở thành một thảm họa. Hiểu rõ về kẻ thù là bước đầu tiên để chiến thắng.
    • Say tàu xe xảy ra khi “bộ phận cảm biến chuyển động” trong cơ thể - như mắt, tai, dây thần kinh ở các chi – nhận được các thông tin nhiễu loạn.
    • Do đó, khi cơ thể chuyển động nhưng mắt vẫn nhìn vào một quyển sách hoặc màn hình video, bạn có thể sẽ bị say xe.
    • Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến trẻ thường có xu hướng bị môn nhiều hơn khi say tàu xe, trẻ từ 2 đến 12 tuổi là nhóm trẻ dễ bị nôn khi say tàu xe nhất.

Đối phó với Chứng buồn nôn và Các nguyên nhân Khác[sửa]

  1. Chiến đấu với chứng buồn nôn để trẻ không bị mất nước. Cho trẻ uống nước từng hớp nhỏ vừa là một biện pháp trị liệu sau khi trẻ bị nôn, vừa giúp giảm chứng buồn nôn.[2]
    • Cho trẻ uống từm ngụm nhỏ các loại đồ uống nhẹ. Vì uống đồ uống chứa đường có thể xoa dịu dạ dày, bạn nên cho trẻ uống đồ uống ngọt như nước ngọt có ga đã bay hết ga hoặc nước hoa quả. Kem que cũng có tác dụng tốt. Đường trong những loại đồ uống này có thể giúp xoa dịu dạ dày tốt hơn so với nước lọc.
    • Dung dịch điện giải như Pedialyte cũng có tác dụng tốt nếu trẻ có thể uống.
    • Hãy để các loại nước uống có ga như cola hoặc soda gừng bay hết ga trước khi cho trẻ uống để giảm buồn nôn vì khí ga có thể làm dạ dày trẻ càng thêm khó chịu.[6]
    • Tránh xa các loại nước hoa quả chứa quá nhiều axit như nước bưởi và nước cam vì chúng có thể khiến dạ dày khó chịu hơn.
    • Bác sĩ thường chú trọng hơn tới việc tránh mất nước khi điều trị chứng buồn nôn (hoặc sau khi nôn) so với sử dụng thuốc chống nôn vì những loại thuốc này có thể có phản ứng phụ.[7] Tuy nhiên, nếu chứng buồn nôn hoặc nôn trớ quá nghiêm trọng và không thuyên giảm, thuốc chống buồn nôn và chống nôn có thể là cần thiết và mang lại hiệu quả khá tốt.
  2. Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi khi thấy mệt và thư giãn trong lúc ăn. Việc giữ cho một đứa trẻ ưa vận động ngồi yên có thể là một việc khó khăn, ngay cả khi trẻ bị ốm. Tuy nhiên, nghỉ ngơi đầy đủ và thư giãn là một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn nôn trớ.[2]
    • Nghỉ ngơi cũng có thể giúp xoa dịu dạ dày. Ngồi hoặc nằm ở tư thế tựa cao là tốt nhất.
    • Các hoạt động thể chất có thể làm chứng buồn nôn trở nên tồi tệ hơn. Khuyến khích trẻ ngừng chơi cho đến khi chứng buồn nôn qua đi.
    • Cố gắng không để trẻ vừa ăn vừa chơi. Khuyến khích trẻ ngồi xuống bàn và ăn. Nếu trẻ vừa ăn vừa chạy lăng quăng, chuyển động có thể khiến trẻ bị ốm (bị nghẹn).
    • Nếu bạn nghi ngờ việc trẻ ăn quá nhiều là nguyên nhân khiến trẻ bị nôn, hãy cho trẻ ăn nhiều bữa ăn nhỏ. Thay thế đồ ăn nặng bụng, nhiều chất béo bằng hoa quả và rau tươi.
  3. Kiểm soát tình trạng ho kéo dài. Nếu trẻ bị nôn do ho kéo dài, việc giữ cho trẻ không bị ho cũng sẽ giúp trẻ tránh bị nôn.[2] Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng ho trở nên nghiêm trọng và không thuyên giảm sau một tuần để kiểm tra có cần các biện pháp trị liệu bằng thuốc hay không.
    • Luôn làm theo hướng dẫn về liều lượng đối với những loại thuốc ho không cần đơn. Kiểm tra với bác sĩ trước khi cho trẻ nhỏ uống bất cứ loại thuốc nào, đặc biệt là các loại thuốc không ghi rõ là giành cho trẻ nhỏ. Hầu hết các bác sĩ đều không khuyến khích cho trẻ uống thuốc ho, nhất là trẻ dưới 8 tuổi. Nếu trẻ trên một tuổi, bạn có thể tham khảo với bác sĩ về việc cho trẻ dùng mật ong trị ho.
    • Nếu trẻ đủ lớn để ngậm viên ngậm hoặc kẹo cứng, hãy cho trẻ ngậm vì chúng có thể làm giảm cơn ho. Nên hết sức cẩn thận với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 4 tuổi để đề phòng trẻ bị hóc, nghẹn.
  4. Chuẩn bị trước cho tình huống trẻ bị say xe. Lên kế hoạch trước khi đi và một vài hành động nhanh chóng khi trẻ có dấu hiện bị say xe có thể giúp ngăn chặn sự trì hoãn (và việc dọn dẹp).[5]
    • Dừng xe nhiều lần trên đường đi. Việc này sẽ giúp trẻ có cơ hội hưởng một chút không khí trong lành và xoa dịu dạ dày. Nếu thấy có biểu hiện say xe, hãy dừng xe ngay lập tức và cho trẻ ra khỏi xe để trẻ đi bộ một chút hoặc nằm ngửa và nhắm mắt.
    • Việc cho trẻ ăn một chút, nhất là khi đi đường dài cũng có tác dụng tốt. Bạn nên cho trẻ ăn nhẹ trước khi đi. Nên nhớ không cho trẻ ăn đồ ăn quá ngọt hoặc quá béo. Bánh quy giòn, chuối, nước táo có thể là những món ăn nhẹ tốt để giúp ngăn chặn chứng buồn nôn.
    • Nhớ cho trẻ uống nhiều nước trước và trong khi di chuyển. Việc này sẽ giúp xoa dịu dạ dày của trẻ và cung cấp đủ nước.
    • Cho trẻ ngồi để trẻ có thể nhìn thấy kính lái phía trước. Việc nhìn ngắm mọi thứ chuyến động qua cửa bên có thể khiến chứng buồn nôn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, bạn nên nhớ luôn luôn cho trẻ ngồi theo đúng hướng dẫn sử dụng ghế ngồi trên xe, thậm chí ngay cả khi việc đó có khiến trẻ phải đối mặt với kính phía sau xe.
    • Khiến trẻ phân tâm khỏi cảm giác say xe bằng cách cho trẻ nghe nhạc hoặc hát, hoặc nói chuyện. Sách và video sẽ làm say xe trở nên tồi tệ hơn.
    • Có một vài loại thuốc chống say xe. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ uống, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Các loại thuốc chống say xe có thể có tác dụng phụ như gây buồn ngủ và có thể kéo dài rất lâu sau khi chuyến đi đã kết thúc.

Lời khuyên[sửa]

  • Không cha mẹ nào muốn con bị ốm, tuy nhiên, đôi khi việc trẻ bị ốm là không tránh khỏi. Điều quan trọng là không tự dằn vặt bản thân nếu bạn đã thử mọi cách để ngăn trẻ bị nôn mà trẻ vẫn bị. Đôi khi, virut dạ dày hoặc cúm là không thể tránh được.
  • Cho trẻ ngậm đá lạnh. Việc này sẽ không khiến dạ dày của trẻ bị khó chịu như khi uống nước.
  • Luôn để thùng rác hoặc xô chậu trong tầm với.
  • Tránh cho trẻ ăn các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, bơ và sữa chua cho đến khi bé hết nôn trong vòng 12 tiếng hoặc hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Trước khi cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào khi bị say tàu xe hoặc ho kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo loại thuốc đó an toàn cho trẻ.
  • Đi khám bác sĩ là việc làm cần thiết nếu trẻ bị nôn kéo dài hơn 24 giờ và không thể giữ chất lỏng hoặc thức ăn trong dạ dày trong khoảng thời gian này. Hơn nữa, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu mất nước như khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc, giảm hoạt động hoặc không đi tiểu trong vòng 6-8 tiếng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị nôn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây