Ngăn ngừa sỏi mật một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sỏi mật là các viên sỏi nhỏ, trong suốt, hình thành bên trong túi mật. Sỏi mật thường hình thành do sự lắng đọng cholesterol và can-xi. Mặc dù thường không gây hại, sỏi mật có thể làm tắc ống mật, gây đau, viêm và có thể bị nhiễm trùng nặng. Tuy không có cách nào hoàn toàn ngăn chặn được sự hình thành sỏi mật, bạn vẫn có thể thực hiện một số bước trong chế độ ăn và lối sống để giảm nguy cơ mắc phải vấn đề sức khỏe này.

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa sỏi mật qua chế độ ăn[sửa]

  1. Tránh chất béo bão hòa. Sỏi mật bao gồm khoảng 80% là cholesterol. Cholesterol bão hòa trong ống mật sẽ đông lại và gây ra sỏi mật.[1] Một chế độ ăn có hàm lượng chất béo bão hòa cao có liên quan đến hàm lượng cholesterol cao. Do đó, bạn nên loại trừ chất béo bão hòa khỏi chế độ ăn để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Một số loại thực phẩm nên hạn chế ăn là:[2]
    • Thịt đỏ, ví dụ như thịt bò
    • Xúc xích và thịt ba chỉ xông khói
    • Các sản phẩm từ sữa còn nguyên chất béo
    • Pizza
    • Bơ và mỡ lợn
    • Thực phẩm khô
  2. Đưa chất béo không bão hòa vào chế độ ăn. Trong khi chất béo bão hòa góp phần thình thành sỏi mật, thì chất béo không bão hòa đơn và đa lại giúp ngăn chặn tình trạng này. Chúng được gọi là các chất béo “tốt”.[3] Các chất béo tốt giúp làm rỗng túi mật, do đó giảm sự hình thành sỏi mật trong ống mật.[4][5]
    • Dầu ô liu. Đây là một nguồn chất béo tốt và giúp giảm cholesterol. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ dầu ô liu thường xuyên – khoảng 2 thìa canh mỗi ngày – có thể giảm nguy cơ sỏi mật.
    • Quả bơ. Quả bơ không chỉ là nguồn chất béo tốt mà còn giúp cơ thể hấp thụ các dưỡng chất khác một cách hiệu quả hơn.
    • Các loại hạt. Hạt bí đỏ, hạt hướng dương và vừng có tác dụng đặc biệt giúp giảm cholesterol.
    • Quả hạch. Các loại quả hạch như quả óc chó giúp đưa các chất béo có lợi vào cơ thể và cũng giúp giảm cholesterol.[4]
    • Cá béo. Các loại cá béo vùng nước lạnh như cá hồi, cá ngừ và cá thu có chứa lượng chất béo không bão hòa đa và a-xít béo omega-3, có thể tăng cường sức khỏe tổng thể.
  3. Đưa nhiều chất xơ vào chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy những người áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ có ít nguy cơ phát triển sỏi mật. Chất xơ cũng có lợi cho sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa vì nó giúp thức ăn và chất thải chuyển động trơn tru qua đường ruột. Bạn hãy đưa các loại thực phẩm sau đây vào chế độ ăn để tăng cường sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa.[3][6]
    • Hoa quả tươi. Ăn hoa quả cả vỏ vì vỏ hoa quả cung cấp một lượng chất xơ cao. Những loại quả mọng có hạt (như quả mâm xôi, dâu đen, dâu tây) đặc biệt có chứa nhiều chất xơ.
    • Rau củ. Các loại rau ăn lá và rau giòn thường cung cấp lượng xơ cao nhất. Đối với khoai tây, bạn nên ăn cả vỏ để tận dụng tối đa lượng chất xơ.
    • Ngũ cốc nguyên cám. Các sản phẩm trắng hoặc “bổ sung” đã được tẩy và thiếu nhiều loại dưỡng chất tìm thấy trong các sản phẩm ngũ cốc nguyên cám. Chuyển sang sử dụng bánh mì, mì, ngũ cốc và yến mạch nguyên cám để tăng chất xơ nạp vào cơ thể. Lúa mạch, yến mạch cắt nhỏ và mì làm từ lúa mì nguyên cám là những lựa chọn tốt. Ngoài việc chứa nhiều chất xơ, các sản phẩm nguyên cám giúp giảm mức cholesterol trong cơ thể.
    • Các loại đậu. Bạn có thể dễ dàng kết hợp đậu với món súp và rau trộn để có được lượng chất xơ cao. Đậu hạt, đậu lăng và đậu đen có hàm lượng chất xơ rất cao.
    • Gạo lứt. Cũng như bánh mì trắng, gạo trắng không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Nên chuyển sang dùng gạo lứt để bổ sung chất xơ vào thực đơn của bạn.
    • Các loại hạt và quả hạch. Ngoài việc là một nguồn giàu “chất béo tốt”, các loại hạt hướng dương, hạnh nhân, quả hồ trăn, hồ đào là các nguồn dồi dào chất xơ.
  4. Uống nhiều nước. Nước là một dưỡng chất thiết yếu duy trì độ ẩm cho cơ thể và giúp thải chất độc ra ngoài. Có nhiều khuyến nghị về lượng chất lỏng cần nạp vào cơ thể mỗi ngày, nhưng nguyên tắc mỗi ngày 8 ly, mỗi ly 8 ounce (240 ml) nước vẫn là phổ biến. Lượng chất lỏng nạp vào phải đủ để nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt.[7]

Ngăn ngừa sỏi mật qua lối sống[sửa]

  1. Tập thể dục đều đặn. Việc tập luyện, đặc biệt là các bài tập sức bền, có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi mật nhờ giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm một trong những yếu tố nguy cơ gây sỏi mật.[8][9]
  2. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng thừa cân làm tăng nguy cơ bị sỏi mật. Tham khảo bác sĩ để biết cân nặng lý tưởng của bạn là bao nhiêu. Bạn hãy cố gắng đạt được càng gần số cân lý tưởng đó càng tốt thông qua chế độ ăn và tập luyện thích hợp.[10][9]
  3. Tránh chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Mặc dù việc duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật, bạn cũng không nên giảm cân quá nhanh. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, với đặc trưng là giảm mạnh số calorie tiêu thụ, và việc phẫu thuật để giảm cân thực ra lại làm tăng nguy cơ gây sỏi mật – rủi ro hình thành sỏi mật ở những người ăn kiêng nghiêm ngặt là 40% đến 60%. Nếu đang cố gắng giảm cân, bạn cần thực hiện từ từ. Đặt mục tiêu giảm 0,5 kg – 1 kg mỗi tuần. Điều này có lợi hơn cho sức khỏe tổng thể của bạn.[11][12]
  4. Ăn đều đặn. Việc bỏ bữa có thể dẫn đến việc sản xuất mật không đều và tăng khả năng hình thành sỏi mật. Ăn các bữa ăn đều đặn và không bỏ bữa sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Ăn càng đúng giờ càng tốt để giảm nguy cơ bị sỏi mật.[12]

Tìm sự hỗ trợ y tế khi có sỏi mật[sửa]

  1. Nhận biết các triệu chứng. Sỏi mật có thể hình thành ngay cả với chế độ ăn và lối sống tốt. Khi điều này xảy ra, bạn nên biết các dấu hiệu cần chú ý. Mặc dù không phải trường hợp sỏi mật nào cũng có biểu hiện triệu chứng, và một số trường hợp là vô hại, nhưng vẫn có một số dấu hiệu để nhận biết. Nếu xuất hiện những triệu chứng sau đây, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.[13]
    • Cơn đau đột ngột và dữ dội ở phần phía trên bên phải vùng bụng. Thông thường đau ngay dưới hạ sườn, ở vị trí túi mật.
    • Cơn đau có thể ở giữa bụng, dưới xương ức, hoặc sau lưng giữa hai bả vai.
    • Buồn nôn và nôn.
    • Khó chịu ở hệ tiêu hóa như đầy hơi, xì hơi, khó tiêu.
    • Một số triệu chứng trầm trọng hơn gồm vàng da (da và mắt có màu vàng), đau dữ dội, sốt cao. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
  2. Đến bác sĩ để kiểm tra. Khi xuất hiện các triệu chứng bị sỏi mật, bạn cần hẹn gặp bác sĩ. Sau khi khám và nghi ngờ bạn có sỏi mật, bác sĩ có thể cho làm một số xét nghiệm và kiểm tra để xác định chắc chắn. Thông thường nhất là các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và/hoặc nội soi.[14] Nếu các xét nghiệm xác định bạn có sỏi mật, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bạn.
  3. Trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn của bạn. Nếu phát hiện bạn có sỏi mật, bác sĩ có thể gợi ý ba cách điều trị chủ yếu.[15]
    • Theo dõi. Ước tính có khoảng một phần ba đến một nửa số người có sỏi mật không bao giờ xuất hiện vấn đề nào khác kèm theo. Trước hết bác sĩ có thể dùng phương pháp “chờ xem” và theo dõi bệnh nhân trong vài tuần. Trong hầu hết các trường hợp, sỏi mật sẽ tự thải ra và bạn không cần sự chăm sóc y tế nào nữa. Nếu không, bác sĩ sẽ thực hiện các bước tích cực hơn để xử lý sỏi mật cho bạn.
    • Điều trị không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị một số cách điều trị không xâm lấn để loại bỏ sỏi mật. Các phương pháp này bao gồm làm tan sỏi với muối mật hoặc thuốc Actigall, và sử dụng sóng âm tần số cao để tán sỏi. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng các phương pháp điều trị này sẽ không ngăn ngừa được sỏi mật, và bạn có thể gặp phải các vấn đề khác trong tương lai.
    • Cắt túi mật. Nếu sỏi mật là vấn đề dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật cắt túi mật. Đây là một phẫu thuật thông thường; ước tính hàng năm có gần 750.000 người Mỹ cắt túi mật. Bạn có thể sống khỏe mạnh mà không cần túi mật, và nguy cơ biến chứng thường khá thấp.[16] Nếu sỏi mật gây nhiều rắc rối thì có lẽ đây là lựa chọn tốt nhất của bạn, nhưng bạn luôn luôn nên tham khảo bác sĩ trước khi viện đến phương pháp phẫu thuật.
    • Trong một số trường hợp, việc cắt túi mật có thể gây tiêu chảy, thường chỉ là tạm thời, nhưng đôi khi xảy ra trong một thời gian dài. Bác sĩ có thể chữa chứng tiêu chảy này bằng thuốc trị tiêu chảy hoặc thuốc ngăn chặn cơ thể hấp thu a-xít mật.[17]

Lời khuyên[sửa]

  • Tuy là một gia vị tăng hương vị cho món ăn và có lượng calorie thấp, nhưng tỏi không có tác động đáng kể lên mức cholesterol.[18]
  • Cà phê có thể đem lại một số lợi ích về sức khỏe, nhưng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ caffeine và việc chống sỏi mật.[19]

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng chế độ ăn mới hoặc thay đổi lớn trong lối sống. Bác sĩ có thể cho bạn biết việc đó có an toàn hay không.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.health.harvard.edu/family_health_guide/what-to-do-about-gallstones-the
  2. http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/top-food-sources-of-saturated-fat-in-the-us/
  3. 3,0 3,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19803550
  4. 4,0 4,1 http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/NutritionCenter/HealthyEating/Polyunsaturated-Fats_UCM_301461_Article.jsp
  5. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/NutritionCenter/HealthyEating/Monounsaturated-Fats_UCM_301460_Article.jsp
  6. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/high-fiber-foods/art-20050948
  7. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18187606
  9. 9,0 9,1 http://www.webmd.com/digestive-disorders/tc/gallstones-prevention
  10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18289201
  11. http://www.medicinenet.com/gallstones/page19.htm
  12. 12,0 12,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/basics/prevention/con-20020461
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/basics/symptoms/con-20020461
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/basics/tests-diagnosis/con-20020461
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/basics/treatment/con-20020461
  16. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cholecystectomy/basics/risks/prc-20013253
  17. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cholecystectomy/expert-answers/gallbladder-removal/faq-20058481
  18. http://med.stanford.edu/news/all-news/2007/02/stanford-study-drives-stake-through-claims-that-garlic-lowers-cholesterol-levels.html
  19. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12889685