Ngừng cơn đau bụng hàng ngày ở thiếu niên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau bụng là cơn đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng bụng. Bất kỳ ai cũng sẽ một lần bị đau bụng, một số sẽ đau bụng thường xuyên hơn người khác. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng, có thể là do ăn nhầm thức ăn cho đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như viêm ruột thừa. Vì đau bụng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên bạn cần biết cách giảm cơn đau bụng cũng như biết khi nào cần đi khám bác sĩ.

Các bước[sửa]

Giảm đau bụng bằng thuốc[sửa]

  1. Cân nhắc việc dùng thuốc không kê đơn khi được bác sĩ tư vấn. Có nhiều loại thuốc không kê đơn có sẵn có thể giúp giảm đau bụng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý uống đúng thuốc để điều trị đúng triệu chứng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua thuốc và tuân thủ đúng hướng dẫn trên nhãn.
    • Nếu đau bụng mỗi ngày và trong nhiều ngày liên tiếp, bạn nên đi khám bác sĩ. Đau bụng kéo dài có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  2. Uống thuốc kháng axit hay thuốc giảm axit không kê đơn để chữa ợ nóng.[1] Một số thuốc kháng axit gồm có Zantac, Prilosec và Nexium. Ợ nóng là cảm giác nóng rát gây đau đớn ở ngực. Ợ nóng thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi đang nằm. Nguyên nhân là do axit tích thụ trong dạ dày. Thuốc kháng axit không kê đơn có thể giúp chữa hầu hết các trường hợp ợ nóng.[2]
    • Nếu uống thuốc kê đơn nhưng vẫn bị ợ nóng lâu hơn 2 tuần, hoặc cơn đau dữ dội, nôn mửa, không thể ăn do đau, bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
    • Lưu ý thuốc kháng axit chứa nhôm có thể gây táo bón. Ngoài ra, thành phần magie trong thuốc có thể gây tiêu chảy.
  3. Uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân trong trường hợp bị táo bón. [1] Táo bón là tình trạng nhu động ruột không thường xuyên hoặc khó đi tiêu. Cơ bản, táo bón nghĩa là đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần. Táo bón là vấn đề sức khỏe tương đối phổ biến và có thể gây đau bụng, khó chịu trong một số trường hợp. Thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân có thể giúp giảm cảm giác khó chịu.[3] Nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc mà bạn có thể uống.
    • Đi khám bác sĩ nếu tình trạng táo bón kéo dài hơn 3 tuần. Ngoài ra, nên đi khám nếu bắt đầu sụt cân hoặc có máu trong phân.[4]
  4. Uống thuốc Bismuth Subsalicylate để giảm đau bụng và/hoặc tiêu chảy. Bismuth Subsalicylate có bán ở dạng thuốc không kê đơn (ví dụ như Pepto-bismol, Kaopectate hoặc Bismatrol) giúp giảm vi khuẩn gây tiêu chảy và cảm giác khó chịu nói chung trong dạ dày.[5]
    • Bismuth Subsalicylate có thể dùng để điều trị chứng ợ nóng.
    • Đi khám bác sĩ nếu bị tiêu chảy lâu hơn 3 ngày hoặc có máu trong phân.
  5. Uống thuốc giảm đau không Aspirin để giảm cơn đau bụng nói chung. Tránh dùng thuốc giảm đau chứa Aspirin vì Aspirin có thể tác động xấu đến dạ dày, thậm chí có thể gây xuất huyết. Ibuprofen và Naproxen cũng có thể gây kích thích dạ dày. Thay vì dùng các thuốc này, bạn nên uống Acetaminophen để giảm đau bụng.
    • Đối với tình trạng đau bụng nói chung, bạn nên đi khám bác sĩ nếu cơn đau dai dẳng trong nhiều ngày hoặc khiến bạn lo lắng.
    • Không cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên sử dụng Aspirin nếu không được bác sĩ kê đơn để tránh nguy cơ mắc hội chứng Reye gây nguy hiểm đến sức khỏe.
  6. Thử uống Acetaminophen, Ibuprofen và Naproxen để giảm đau bụng kinh. Bạn có thể chọn một trong các thuốc này và uống ngay khi kỳ kinh nguyệt hoặc cơn đau bắt đầu. Luôn tuân thủ hướng dẫn trên chai thuốc.[6]
    • Nếu các thuốc trên không có tác dụng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn cho bạn.

Giảm đau bụng bằng nguyên liệu thảo mộc[sửa]

  1. Thử uống một tách trà thảo mộc. Bạn có thể uống một tách trà thảo mộc sau bữa ăn để xoa dịu cơn đau bụng. Có nhiều loại thảo mộc cho bạn lựa chọn, trong đó có ba thảo mộc nổi bật:
    • Trà hoa cúc La Mã có đặc tính kháng dịu giúp giảm đau bụng. Bạn có thể mua trà hoa cúc ở hầu hết các siêu thị. Uống một tách trà sau bữa ăn để xoa dịu cơn đau bụng. Cho túi trà vào nước nóng (nhưng không sôi) để tránh phá hủy thành phần hoạt chất trong hoa cúc.
    • Trà bạc hà là nguyên liệu hữu hiệu điều trị đầy hơi và khó tiêu nhờ khả năng làm giãn cơ vùng bụng. Trà bạc hà có bán ở các siêu thị nhưng bạn cũng có thể dùng lá bạc hà tươi. Cho lá bạc hà vào nước ấm và để ủ 5-10 phút. Thưởng thức tách trà sau bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.
    • Trà gạo. Trà gạo là trà từ gạo, nước và mật ong. Cho nửa cốc gạo vào 6 cốc nước rồi đun trong vòng 15 phút. Tiếp theo, lọc bỏ phần gạo và đổ nước gạo vào chai. Cho một lượng nhỏ đường hoặc mật ong vào nước gạo và uống khi còn ấm. Trà gạo được chứng minh là giúp giảm đau bụng. [7]
  2. Thử kết hợp sữa chua và nước ép hoa quả. Sữa chua giúp tăng tốc độ tiêu hóa nhờ chứa men sống. Trộn sữa chua với nước ép hoa quả để vừa có một bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe và vừa hỗ trợ tiêu hóa. Bạn có thể trộn 1 phần sữa chua với 1 phần nước ép hoa quả.
    • Nước ép cà rốt, táo và đào rất có ích cho chứng khó tiêu. Tránh thức uống từ các loại hoa quả có tính axit như nước ép cam vì chúng tác động xấu đến cơn đau bụng.
    • Nhãn sản phẩm sữa chua sẽ ghi rõ có chứa men sống không. Bạn cần đảm bảo mua đúng sản phẩm chứa men sống nếu muốn dùng để giảm cơn đau bụng.
  3. Uống giấm táo để giảm chứng khó tiêu. Pha 1 thìa giấm táo cùng 1 thìa mật ong vào 1 cốc nước ấm. Hỗn hợp này giúp giảm cơn co thắt vùng bụng, đầy hơi và thậm chí là chứng ợ nóng.[7]
  4. Ăn gừng. Từ hàng nghìn năm nay, gừng đã được dùng làm nguyên liệu giúp giảm đau bụng. Nghiên cứu cho thấy đặc tính kháng viêm trong gừng đã mang đến hiệu quả này. Bạn có thể dùng gừng tươi, viên nang gừng, gừng dạng viên nhai hoặc bia gừng.[8]
  5. Thử chườm nóng hoặc đặt một chai nước nóng lên bụng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, nhiệt độ miếng chườm nóng hoặc chai nước phải ở khoảng 40°C. Phương pháp này giúp kích hoạt thụ thể cảm nhận nhiệt sâu trong cơ thể, từ đó giúp cơ thể không còn cảm thấy quá đau.[9]
    • Phương pháp này được đặc biệt khuyến nghị cho trường hợp đau bụng kinh.

Thay đổi lối sống để loại bỏ cơn đau[sửa]

  1. Tránh một số thực phẩm. Cơ thể mỗi người là khác nhau nên sẽ khó đưa ra lời khuyên chung về loại thực phẩm nên tránh. Khi ăn, bạn nên chú ý đến phản ứng của cơ thể với một loại thực phẩm cụ thể để xác định thực phẩm nào gây đau bụng. Trao đổi với bác sĩ nếu bị dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể, nhạy cảm với gluten hay bệnh Celiac. Nói chung, bạn nên lưu ý các thực phẩm sau:
    • Thực phẩm đã qua xử lý, bao gồm thức ăn nhanh, bánh mì trắng, xúc xích, bánh Donut, bánh Hamburger và khoai tây chiên.
    • Chế phẩm từ sữa động vật có thể gây đau bụng ở một vài người, đặc biệt là ở người mắc chứng khó dung nạp lactose mà không biết. Tránh tiêu thụ sản phẩm sữa khoảng một tuần xem cơn đau có cải thiện không hoặc bạn nên chuyển sang uống sữa đậu nành.[10]
    • Thức ăn cay và nhiều dầu mỡ có thể kích ứng dạ dày nên người bị đau bụng cần tránh tiêu thụ.
  2. Ăn thức ăn và uống thức uống lành mạnh để giảm cơn đau bụng. Thực phẩm giàu chất xơ là tốt nhất cho người bị đau bụng. Chế độ ăn thiếu chất xơ có thể là nguyên nhân gây đau bụng. Bên cạnh đó, bạn nên uống đủ nước, khoảng 2-3 lít mỗi ngày (9-13 cốc).[11]
    • Thực phẩm giàu chất xơ gồm có chuối, rau củ như bông cải xanh, nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt. Mận, quả anh đào, nho khô và mơ cũng đặc biệt hiệu quả, giúp đi tiêu thường xuyên và phòng ngừa táo bón.
  3. Loại bỏ thực phẩm gây đầy hơi. Thực phẩm tốt cho sức khỏe như đậu, bông cải xanh, bắp cải, sữa chua cũng có thể gây đầy hơi và đau bụng. Vì vậy, bạn chỉ nên tiêu thụ có chừng mực. Để phòng ngừa đầy hơi, bạn nên nhai những thực phẩm này (và nhiều thực phẩm khác) thật kỹ và không nuốt quá nhanh.
    • Uống bia gừng có thể giúp giảm đau bụng do đầy hơi. Sau khi uống, bạn có thể thử ợ hoặc đẩy khí ra ngoài để giảm áp lực. Sản phẩm không kê đơn chứa thành phần gừng cũng có thể giúp ích.
  4. Không ăn quá nhiều. Ăn quá nhiều, ngay cả đối với thực phẩm lành mạnh, cũng có thể gây khó chịu và đau bụng. Không nên bổ sung toàn bộ lượng calo thông qua 1-2 bữa lớn. Thay vào đó, bạn nên phân chia thành 3 bữa nhỏ và 1-2 bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe. Để giảm áp lực lên dạ dày, đối tượng thiếu niên có thể áp dụng cách phân chia lượng calo tiêu thụ như dưới đây: [12]
    • Nam giới 14–16 tuổi cần bổ sung 3.100 calo khi hoạt động và 2.300 calo khi không hoạt động. Lượng calo cần tiêu thụ ở nữ giới lần lượt là 2.350 và 1.750 calo.
    • Nam giới 17–18 tuổi cần bổ sung 3.300 calo khi hoạt động và 2.450 calo khi không hoạt động. Lượng calo cần tiêu thụ ở nữ giới lần lượt là 2.400 và 1.750 calo.
  5. Tránh tiêu thụ đồ uống chứa cồn. Thiếu niên không được phép uống đồ uống chứa cồn và cũng không nên uống để tránh gây đau bụng. Thức uống chứa cồn làm tăng lượng axit mà dạ dày sản sinh, có thể dẫn đến loét, trào ngược axit và các vấn đề khác. Thức uống chứa cồn còn có thể gây nôn mửa và tiêu chảy. [13]
  6. Giảm căng thẳng và lo lắng. Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm cũng có thể gây đau bụng. Vì vậy, bạn nên tìm cách giảm mức độ căng thẳng. Ví dụ như tập thể dục 30 phút mỗi ngày với bài tập chạy bộ hoặc đi bộ đường dài. Ngoài ra, nên giảm tiêu thụ caffeine và đường để giảm mức độ lo âu và giảm đau bụng.
    • Cân nhắc việc đến gặp chuyên gia tư vấn nếu đang căng thẳng hoặc lo lắng quá độ.
  7. Nghỉ ngơi đủ và có lối sống lành mạnh khi bị đau bụng kinh. Nếu đau bụng là do đang trong kỳ kinh nguyệt, bạn nên nghỉ ngơi thật nhiều. Ngoài ra, cần tránh tiêu thụ đồ uống chứa cồn, caffeine và thuốc lá.[6]

Nhận biết khi nào nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế[sửa]

  1. Hiểu rằng đau bụng có thể là vấn đề nghiêm trọng. Việc dùng thuốc, thảo mộc và/hoặc thay đổi lối sống không thể thay thế cho sự chăm sóc y tế. Vì đau bụng có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng nên bạn cần biết triệu chứng nào đáng lưu tâm và khi nào nên đi khám bác sĩ.
  2. Đi cấp cứu ngay nếu thấy đau dữ dội và liên tục. Đi cấp cứu ngay nếu cơn đau dữ dội khiến bạn không thể ngồi yên hoặc phải cuộn mình lại để giảm đau. Bước này đặc biệt cần thiết nếu cơn đau xuất hiện ở bên bụng phải. Ngoài ra, đi khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
    • Đau bụng đi kèm dấu hiệu có máu trong phân, buồn nôn và nôn mửa dai dẳng, vàng da, sưng bụng hoặc căng cứng vùng bụng.[14]
    • Đau bụng sau khi bị chấn thương hoặc tai nạn giao thông.
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị đau bụng và cho rằng bản thân đã mang thai.
  3. Đi khám bác sĩ nếu đau bụng kéo dài nhiều ngày. Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu cơn đau bụng kéo dài nhiều ngày hoặc khiến bạn lo lắng. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu chứng ợ nóng kéo dài nhiều tuần và không thuyên giảm khi uống thuốc không kê đơn. Đi khám bác sĩ ngay nếu đau bụng đi kèm sốt, đau đầu, chán ăn, sụt cân hoặc đau khi đi tiểu.
  4. Đi khám bác sĩ ngay nếu cơn đau bụng kinh kéo dài hơn 3 ngày và đau dữ dội. [6]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]