Ngừng chảy nước mắt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tật chảy nước mắt có thể khiến bạn thấy khó chịu. Chảy nước mắt do nhiều nguyên nhân gây ra, từ dị ứng cho đến nhiễm khuẩn. Dù nguyên nhân là gì thì cũng có nhiều cách giúp bạn ngừng chảy nước mắt. Các liệu pháp phổ biến gồm có rửa mắt, dùng thuốc nhỏ mắt và chườm ấm. Ngoài ra, bạn có thể nhận sự giúp đỡ từ bác sĩ - người có khả năng chẩn đoán vấn đề và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bạn có thể ngăn ngừa tật chảy nước mắt bằng nhiều cách như đeo kính, đeo kính mát và dùng riêng dụng cụ trang điểm.

Các bước[sửa]

Áp dụng liệu pháp thông thường[sửa]

  1. Đảm bảo không có vật lạ trong mắt. Vật lạ mắc kẹt bên trong có thể khiến mắt chảy nước. Bạn không nên dùng ngón tay hoặc nhíp để tự lôi vật lạ ra khỏi mắt. Thay vào đó, bạn cần tiến hành rửa mắt.
    • Để rửa mắt, bạn cần dùng tay sạch giữ mắt mở to dưới vòi nước ấm đang chảy nhẹ. Hoặc bạn có thể tắm vòi sen để nước chảy từ trên trán và mở mắt to trong khi nước chảy xuống mặt. Hoặc bạn có thể rửa mắt bên bồn rửa mắt hoặc dùng cốc rửa mắt.[1]
    • Không dụi mắt khi nghi có vật lạ mắc bên trong. Dụi mắt khi có vật lạ trong mắt có thể gây thương tổn cho mắt.[2]
  2. Dùng thuốc nhỏ mắt hay "nước mắt nhân tạo". Nghe có vẻ phản trực quan nhưng thực tế, dùng thuốc nhỏ mắt có thể giúp ngừng chảy nước mắt. Nước nhỏ mắt sẽ hiệu quả trong trường hợp mắt đầy nước do quá khô. Nước nhỏ mắt giúp dưỡng ẩm và bôi trơn mắt, giúp giảm tiết nước mắt. Cách dùng thuốc nhỏ mắt:[3]
    • Ngửa đầu ra sau và kéo mí mắt dưới xuống. Giữ chai thuốc nhỏ mắt cách mắt 2,5-5 cm. Không để miệng chai chạm vào mắt.
    • Nhỏ 3 giọt thuốc (hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ) vào mắt bằng cách bóp chai và để từng giọt nhỏ vào trong mắt. Dùng “nước mắt nhân tạo” mỗi 4 tiếng hoặc khi cần.
  3. Tháo kính áp tròng. Nếu mắt không ngừng chảy nước, bạn nên tháo kính áp tròng ra. Kính áp tròng có thể khiến tình trạng mắt chảy nước trở nặng và có thể ngăn thuốc nhỏ mắt phát huy tác dụng. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nhãn khoa nếu cho rằng kính áp tròng là nguyên nhân gây chảy nước mắt. [4]
    • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc giữ vệ sinh kính áp tròng. Đối với loại kính áp tròng dùng một lần, bạn không nên tái sử dụng. Vứt bỏ kính áp tròng ngay sau một lần đeo.
    • Không đeo kính áp tròng đi ngủ trừ khi được bác sĩ nhãn khoa chỉ định.
    • Tránh đeo kính áp tròng khi bơi lội hoặc tắm.
  4. Chườm để xoa dịu mắt bị kích ứng. Chườm ấm có thể giúp loại bỏ lớp vảy quanh mắt, đồng thời làm long độc tố đang gây tắc tuyến lệ (nếu có). Chườm ấm còn giúp giảm đỏ và kích ứng do chảy nước mắt. Bạn có thể đặt khăn sạch dưới vòi nước ấm hoặc nóng, vắt bớt nước thừa rồi đặt khăn lên ngang mắt. Nằm xuống và chườm khăn khoảng 5-10 phút.[5]

Nhờ bác sĩ hỗ trợ[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ về thuốc kháng histamine đối với tình trạng chảy nước mắt do dị ứng. Đôi khi, chảy nước mắt có thể là do phản ứng dị ứng. Uống thuốc kháng histamine hay thuốc chữa dị ứng có thể giúp giảm kích ứng mắt do dị ứng gây ra. Tuy nhiên, nếu mắt chảy nước không phải do dị ứng thì thuốc kháng histamine sẽ không có tác dụng. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu không chắc chắn tình trạng chảy nước mắt có phải do dị ứng hay không.
    • Thuốc kháng histamine phổ biến nhất là Diphenhydramine dạng viên nang, dùng bằng đường uống. Người trưởng thành cần uống 25-50 mg Diphenhydramine mỗi 4-6 tiếng. Nếu thuốc gây khó chịu ở dạ dày, bạn có thể uống cùng với sữa hoặc thức ăn.[6]
    • Tác dụng phụ chính của thuốc kháng histamine là gây buồn ngủ. Không lái xe hoặc vận hành máy móc khi uống thuốc kháng histamine.
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ tình trạng chảy nước mắt do là do nhiễm trùng. Ví dụ, nhiễm khuẩn có phản ứng tích cực với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu chảy nước mắt là do vi-rút, bác sĩ thường không kê đơn thuốc và sẽ yêu cầu bạn chờ khoảng 1 tuần để xem tình trạng có cải thiện hay không.
    • Thuốc kháng sinh phổ biến thường được kê cho tình trạng chảy nước mắt là Tobramycin. Tobramycin là thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn được sản xuất đặc biệt để trị nhiễm trùng mắt. Dùng sản phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ, tức thoa 1 giọt Tobramycin lên mắt bị ảnh hưởng 2 lần mỗi ngày trong vòng 7 ngày, 1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào buổi tối trước khi ngủ.[7]
  3. Xem xét những thuốc bạn đang uống. Một số thuốc chữa bệnh có thể gây tác dụng phụ là chảy nước mắt. Bạn nên đọc kỹ nhãn thuốc kê đơn và hỏi bác sĩ nếu chưa chắc chắn. Nếu chảy nước mắt là tác dụng phụ kéo dài do thuốc, bạn có thể hỏi bác sĩ để đổi thuốc khác. Không tự ý ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Một số thuốc chữa bệnh có thể gây chảy nước mắt gồm có: [8]
    • Epinephrine
    • Thuốc hóa trị
    • Thuốc chủ vận Cholinergic
    • Một số thuốc nhỏ mắt như Echothiophate iodide và Pilocarpine
  4. Trao đổi với bác sĩ về các khả năng khác. Có nhiều loại bệnh lý có thể gây chảy nước mắt. Nếu không thể tự xác định nguyên nhân, bạn có thể tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ. Một số bệnh có thể gây chảy nước mắt gồm có: [8]
    • Viêm bờ mi
    • Tắc tuyến lệ
    • Cảm lạnh thông thường
    • Lông mi mọc ngược
    • Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
  5. Trao đổi với bác sĩ nhãn khoa về các quy trình điều trị. Nếu thường xuyên chảy nước mắt do tắc tuyến lệ, bạn có thể cần được rửa mắt, đặt ống thông hoặc phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn. Những cách này chỉ nên áp dụng khi các phương pháp loại bỏ tắc nghẽn khác không hiệu quả và/hoặc tình trạng chảy nước mắt là mãn tính.[9]
    • Mở rộng hốc mắt. Phương pháp mở rộng hốc mắt được tiến hành nếu nước mắt không thể lưu dẫn đúng cách thông qua tuyến lệ. Bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành gây tê cục bộ cho mắt bị ảnh hưởng. Sau đó, một dụng cụ sẽ được dùng để mở rộng phần đầu của tuyến lệ, giúp nước mắt lưu dẫn hiệu quả hơn. [9]
    • Đặt Stent (khung đỡ) hoặc đặt ống thông. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ xâu mảnh ống mỏng qua một hoặc cả hai ống lệ. Ống mỏng này sẽ mở rộng đầu ống lệ, giúp nước mắt lưu dẫn dễ dàng hơn. Ống được đặt tại chỗ khoảng 3 tháng. Quy trình này có thể được tiến hành sau khi gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân.[9]
    • Mở thông tuyến lệ (DCR). DCR là quy trình phẫu thuật cần thiết nếu các phương pháp ít xâm lấn trên không có hiệu quả. Mở thông tuyến lệ sẽ tạo ra một kênh mới để lưu dẫn nước mắt. Bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng túi nước mắt có sẵn trong mũi để tạo kênh dẫn mới. Khi tiến hành mở thông tuyến lệ, bệnh nhân phải được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân.[10]

Bảo vệ đôi mắt[sửa]

  1. Đeo kính để ngăn vật lạ rơi vào mắt. Bạn cần đeo kính hoặc dụng cụ bảo vệ mắt khi làm việc với hóa chất, dụng cụ điện, hoặc ở nơi có nhiều hạt bụi trong không khí, ví dụ như mùn cưa. Các vật liệu này có thể mắc kẹt trong mắt và làm chảy nước mắt. Đeo kính cũng giúp bảo vệ mắt khỏi các vật lớn/nhỏ có khả năng đập vào mắt và gây thương tổn.[2]
  2. Đeo kính mát. Kính mát giúp bảo vệ mắt khỏi tia UV độc hại khiến mắt chảy nước. Kính mát còn hoạt động như một lá chắn giúp chống lại các hạt và mảnh vụn có thể bị gió thổi vào mắt.[11]
    • Trước khi đeo kính mát, bạn cần lau sạch bụi bẩn bám trên kính.
  3. Dùng riêng dụng cụ, sản phẩm trang điểm mắt và các sản phẩm chăm sóc mắt khác. Dùng chung đồ trang điểm, thuốc nhỏ mắt hay khăn mặt là con đường lây lan nhiễm trùng hoặc nhiễm vi-rút mắt phổ biến mắt. Do đó, tốt nhất bạn nên tránh dùng chung bất kỳ sản phẩm hay vật dụng đã chạm vào mắt của người khác. [12]

Lời khuyên[sửa]

  • Cẩn thận khi vứt bỏ khăn giấy hoặc khăn lau mà bạn dùng để lau mắt. Nếu bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm vi-rút, bạn có khả năng lây nhiễm cho người khác nếu họ tiếp xúc với khăn giấy hoặc khăn mà bạn dùng để lau mắt.
  • Tránh tham gia các hoạt động cần thị lực tốt, ví dụ như lái xe, cho đến khi mắt ngừng chảy nước. Chảy nước mắt có thể khiến các hoạt động cần thị lực tốt trở nên khó khăn hơn hoặc thậm chí là gây nguy hiểm.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ nếu chảy nước mắt dai dẳng. Có khả năng bạn đã bị nhiễm vi-rút hoặc nhiễm khuẩn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]