Ngừng suy nghĩ một chiều

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn thấy tính cách ưa bắt nạt người khác của ai đó thật đáng khinh? Bạn có nhầm lẫn trò hề của ai đó như một sự xúc phạm tinh vi? Trong hầu hết các trường hợp, hành động của mọi người thường không nhằm đến cá nhân bạn. Điều nên tìm hiểu ở đây là người đó đã trưởng thành trong hoàn cảnh thế nào, cách họ đối phó với vấn đề tình cảm, hoặc các chuyển biến khác như tâm trạng, năng lượng hoặc sức khỏe của họ ra sao. Đây là điều quan trọng cần lưu ý khi bạn đổ lỗi cho những sự việc ngoài tầm kiểm soát. Để chấm dứt tình trạng luôn phức tạp hóa mọi việc đối với bản thân, cần xem xét các yếu tố xung quanh tình huống cũng như hoàn cảnh sống, động cơ hành động của người khác. Cải thiện sự tự tin và giao tiếp quyết đoán chính là bí quyết giúp bạn đối phó với lời bình luận của người khác.

Các bước[sửa]

Cải thiện sự tự tin[sửa]

  1. Viết danh sách điểm mạnh của bạn. Mọi người co thái độ và ý kiến của riêng họ. Chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với những gì người khác nói, nếu chúng ta nghi ngờ và tự đặt bản thân vào ý kiến và hành động của người khác. Khi bạn tự tin vào khả năng của mình, hành vi thô lỗ hoặc ý kiến tiêu cực của người khác sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến bạn. Sự tự hào và tự tin vào năng lực của bản thân quan trọng hơn là những ý kiến của người khác.
    • Viết danh sách ưu điểm và khả năng của bạn để ghi nhớ chúng. [1]
    • Tạo danh sách sự việc hoặc khoảnh khắc mà bạn tự hào. Tự thưởng vì những điều tốt đẹp đó. Hãy nghĩ về dạng kỹ năng mà bạn thể hiện trong những khoảnh khắc đó. Làm sao để bạn có thể trình diễn chúng thêm nữa? Cách này sẽ giúp xây dựng sự tự tin.
  2. Viết danh sách mục tiêu. Có mục tiêu để hướng tới sẽ mang lại cho bạn cảm giác bản thân có giá trị và sống có mục đích. Đó là những việc bạn muốn cải thiện hoặc phát triển.
    • Tiếp theo, tiến hành thực hiện từng mục tiêu và chia chúng thành những bước nhỏ hơn. Làm thế nào để bạn có thể bắt đầu làm việc và hướng tới mục tiêu? Những điều nhỏ bạn có thể làm lúc này là gì?
  3. Nhắc bản thân nhớ đến việc bạn đã giúp đỡ người khác như thế nào. Ủng hộ và giúp đỡ người khác là việc hữu ích và mang lại cho bạn cảm giác sống có ý nghĩa, có mục đích. Điều này góp phần rất lớn để xây dựng sự tự tin. Nhắc bản thân nhớ lại những lợi ích và đóng góp đã dành cho mọi người xung quanh.
    • Xem xét làm tình nguyện viên cho bệnh viện, trường học, tổ chức nhân đạo của địa phương, hoặc trang web như wikiHow.
  4. Nhắc nhở bản thân rằng bạn không cần để ý đến sự thừa nhận của người khác. Nếu bạn đặc biệt nhạy cảm với cách mọi người đối xử với mình và thường phản ứng thái quá, có thể bạn sẽ gặp làn sóng phản đối lớn. Bạn lo lắng rằng bạn đang mắc phải sai lầm nếu bắt gặp ai đó không hài lòng, và rồi bạn muốn sửa chữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng khi ai đó không tỏ ra vui vẻ với bạn thì không có nghĩa là bạn đã làm gì đó sai. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân là do người đó không hài lòng với bản thân và hy vọng bạn lấp đầy vào chỗ trống đó cho họ (vốn là điều không thể).
    • Cân nhắc chơi game rejection therapy (tạm dịch là giải pháp đối mặt với việc bị từ chối) nhằm tăng khả năng đương đầu với việc bị từ chối.
  5. Ở gần những người tích cực. Bạn sẽ phát triển sự tự tin hơn vào bản thân và hạnh phúc hơn nếu chơi với những người đối xử tốt với bạn.
    • Tránh xa người tiêu cực trong cuộc sống. Họ là những người đối xử tệ với bạn hoặc trút tất cả vấn đề của họ lên người bạn mà không có sự hỗ trợ lẫn nhau.[2][3]
  6. Chăm sóc sức khỏe thể chất của bản thân. Dành thời gian để chăm sóc bản thân, chải chuốt và ăn mặc sao cho có vẻ ngoài tuyệt vời nhất. Giữ quần áo sạch sẽ và mặc những bộ trang phục vừa vặn. Loại bỏ những bộ quần áo cũ, không mặc vừa, rách nát, phai màu, v.v.
    • Duy trì tư thế tốt vì điều này giúp bạn cải thiện tâm trạng.
  7. Đổi xử tử tế với mọi người. Đối xử tốt với cả người không quen biết sẽ giúp người khác cảm thấy vui vẻ. Thật sự lắng nghe người khác, thể hiện lòng tốt ngẫu nhiên, và tìm cách làm cho người khác cười. Bạn sẽ thấy tinh thần khá hơn.
  8. Mỉm cười. Bạn sẽ phải ngạc nhiên về phản ứng của người khác. Bạn không bao giờ biết người khác trải qua một ngày như thế nào và một nụ cười đơn giản có thể tạo ra hiệu ứng với ai đó ra sao.
  9. Hãy sáng tạo. Hãy sẵn sàng tạo ra điều gì đó mới mẻ. Làm ra điều gì đó mới sẽ mang lại cảm giác hứng thú. Thật là tuyệt vời nếu bạn sở hữu một sản phẩm nào đó do chính mình tạo ra mà trước đó nó chưa từng tồn tại! Cách này làm giàu và nuôi dưỡng tâm hồn và bạn sẽ thấy bản thân quan tâm đến những điều mới mẻ, tạo cảm hứng cho sở thích trong tâm hồn thay vì những đam mê bề ngoài như tiền bạc, hoặc danh vọng.
  10. Gặp nhân viên tư vấn sức khỏe tinh thần. Nếu nhận thấy bản thân quá nhạy cảm với ý kiến của người khác, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên viên tư vấn thông qua trò chuyện với họ. Họ có thể giúp bạn xác định vấn đề khiến bạn quá đa cảm. Họ cũng có thể tư vấn một số chiến lược đối phó khi bạn tiếp xúc với người tiêu cực.

Giao tiếp một cách quyết đoán[sửa]

  1. Hãy lên tiếng. Khi cảm thấy người khác khiếm nhã hoặc thiếu tôn trọng bạn, hãy lên tiếng. Ví dụ, nếu một người liên tục làm trò đùa thô lỗ, hãy nói cho họ biết bạn cảm thấy thế nào. Người đó có thể không nhận ra họ đã gây tổn thương cho bạn hoặc hung hăng ra sao và lời nhận xét của họ làm ảnh hưởng đến bạn thế nào.
  2. Sử dụng câu bắt đầu với "Tôi". Kiểu câu này truyền đạt rằng bạn sẵn sàng để chịu trách nhiệm cho suy nghĩ và hành vi của riêng bạn. Điều này đặt trọng tâm vào bạn và cảm xúc của bạn, vì vậy mà người khác không cảm thấy như bạn đang tấn công họ. Giao tiếp không bạo lực có thể là một phương pháp hiệu quả.
    • Câu không bắt đầu với "Tôi": “Bạn đang rất thô lỗ và bạn cố tình làm tổn thương tôi!”
    • Câu bắt đầu với "Tôi": “Tôi cảm thấy bị tổn thương khi bạn nói những điều như thế”.
    • Câu không bắt đầu với "Tôi": "Bạn là người quá đáng, quá trẻ con đến mức không nhận ra rằng bạn bè lâu lắm rồi không còn gặp bạn nữa!"
    • Câu bắt đầu với "Tôi": “Tôi cảm thấy buồn bởi vì chúng ta dường như không đi chơi với nhau nhiều nữa, và tôi muốn gặp bạn thường xuyên hơn”.
  3. Tiếp cận trò chuyện bình tĩnh. Tấn công người khác không phải là phương pháp hiệu quả. Thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh và giải thích rằng bạn đang cố gắng để có một cuộc đối thoại. Bạn muốn nói ra điều mình cảm thấy thay vì đối đầu với ai đó.
  4. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp. Khi giao tiếp một cách quyết đoán, bạn cần chú ý đến cách biểu hiện cơ thể. Giữ giọng nói điềm tĩnh và âm thanh trung lập. Duy trì giao tiếp bằng mắt. Thư giãn khuôn mặt và tư thế.
  5. Nhận ra khi nào bạn không nên tiếp tục. Hầu hết mọi người sẽ đáp trả mang tính xây dựng với kiểu câu bắt đầu với "Tôi" hay một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, không gây hấn. Một số người có thể trở nên thất vọng, buồn bã, vì vậy nếu cuộc nói chuyện không hiệu quả thì đó cũng là lúc bạn nên rời đi. Bạn có thể thử đề cập lại sau đó, hoặc chỉ đơn giản là cách xa đối phương.
  6. Nhận biết người thô lỗ. Họ có thể sử dụng chiến thuật lạm dụng tình cảm, chẳng hạn như làm nhục bạn, đổ lỗi cho bạn tất cả mọi thứ, hoặc làm vô hiệu cảm xúc của bạn. Bạn có thể cảm thấy sợ hãi, kiệt sức, khó chịu, bị đe dọa, hay thấy bản thân tồi tệ khi ở gần người này. Nếu gặp trường hợp này, người này rất nguy hiểm và bạn nên cắt liên lạc ngay lập tức.
    • Nếu không chắc chắn về tình hình, hoặc nếu bạn có hoàn cảnh (ví dụ bệnh tự kỷ) có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận định xã hội, hãy nhờ đến người tư vấn. Tâm sự với ai đó mà bạn tin tưởng, và nghiên cứu trên mạng.

Xem xét tình hình[sửa]

  1. Đánh giá tình hình. Đôi khi chúng ta nghĩ mọi việc đang hướng vào mình và đổ lỗi cho bản thân vì hành vi xấu của người khác. Ví dụ, một đứa trẻ đang thất vọng và xúc động có thể hét lên với bạn, "Bố/mẹ đã hủy hoại tất cả mọi thứ!" Chỉ vì ai đó chọn nhầm bánh trong bữa tiệc của một đứa trẻ 12 tuổi này. Điều quan trọng là đánh giá tình hình và hiểu được hành vi của độ tuổi thiếu niên rất có thể là do hóc môn, sự thay đổi trong cuộc sống, hoặc do chính đứa trẻ không có khả năng để điều chỉnh phản ứng cảm xúc. Thực sự vấn đề không nằm ở việc chọn bánh hay việc dạy bảo của bố mẹ.
  2. Tránh phóng đại sự việc. Đôi khi chúng ta nghiêm trọng hóa vấn đề vì dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay đánh giá cá nhân về mọi người.[4] Điều này gây ra phóng đại sự việc trong khi không trung thực nhìn vào sự thật. Cố gắng đánh giá sự việc ở nhiều góc độ.
    • Đừng vội vã kết luận mọi việc.
    • Đừng bi kịch hóa hoàn cảnh. Đây là cách bạn nhìn nhận sự việc như thể là ngày tận thế. Mọi việc có thực sự kinh khủng đến thế?
    • Tránh lối suy nghĩ rằng mọi thứ là “mãi mãi” và sẽ “không bao giờ” xảy ra.
  3. Yêu cầu giải thích rõ ràng. Nếu bạn nghe được lời nhận xét khiếm nhã, thô lỗ từ ai đó, hãy yêu cầu người đó giải thích rõ ràng ý của họ là thế nào. Có thể họ đã diễn đạt sai điều họ muốn nói, và cũng có thể bạn đã nghe nhầm.[3]
    • "Bạn có thể giải thích rõ điều vừa nói không? Tôi không hiểu điều bạn nói".
    • "Tôi không thực sự hiểu bạn đang nói gì. Bạn có thể nhắc lại được không?"
  4. Không buộc tội người khác vì còn nghi ngờ. Nếu bạn có thói quen quan trọng hóa mọi việc, nghĩa là bạn đang giả định một người nào đó đang đang gây hấn với bạn trong khi họ có thể chỉ là trêu đùa hoặc vì họ có một ngày tồi tệ. Có thể đó là cách phản ứng tình cảm theo bản năng, nhưng hãy kiềm chế lại một giây. Có lẽ họ không cố ý nhắm vào bạn.
    • Nhớ lại một ngày tồi tệ mà bạn có trước đây. Liệu đối phương cũng có một ngày tồi tệ như vậy vào hôm nay?
    • Nhận ra rằng họ có thể đang coi sự việc là một sai lầm. Chúng ta đều có lúc nói những điều mình thấy hối tiếc sau n, và có thể sự việc này cũng là một trong những điều hối tiếc của họ.
  5. Hiểu bạn bị nhạy cảm về vấn đề gì. Có thể bạn hay nhạy cảm đối với một số việc. Ví dụ, bạn cảm thấy thực sự nhạy cảm về quần áo bởi vì mẹ của bạn luôn luôn chỉ trích những gì bạn mặc khi bạn còn là đứa trẻ.[3]
    • Khi xác định được vấn đề nhạy cảm, bạn có thể thừa nhận rằng bạn đã quan trọng hóa, nghĩ sự việc đang hướng vào mình.
    • Cũng có thể hiệu quả nếu bạn cho mọi người biết về vấn đề mà bạn nhạy cảm. "Tôi muốn bạn đừng đùa cợt kiểu tôi giống như phù thủy. Mũi và khuôn mặt của tôi là điều khiến tôi rất phiền lòng nên tôi thấy bực bội".
  6. Tái tập trung sự chú ý. Khi bạn nhìn nhận sự việc đang chĩa vào bản thân, bạn hướng sự chú ý từ những gì người khác nói hoặc làm vào cảm xúc của mình. Cảm xúc cứ thế thêm mãnh liệt nếu bạn cứ gán ghép chúng. Thậm chí bạn có thể phát hiện mình lặp đi lặp lại điều lẽ ra bạn đã nói với ai đó nếu có thể. Đó chính là sự trầm ngâm. Có một số chiến lược giúp bạn ngừng ngẫm nghĩ mãi về một vấn đề. Một số chiến lược bao gồm: [5]
    • Thử tập thiền chánh niệm. Hãy sống trong hiện tại. Nó sẽ đưa bạn đi khỏi thời điểm khiến bạn phải nghĩ đi nghĩ lại về vấn đề ở thời điểm trước đó.
    • Đi dạo. Có được sự thay đổi về cảnh quan để đánh lạc hướng tâm trí ra khỏi vấn đề.
    • Lên lịch tạm gác những điều lo âu. Cho phép bản thân nghỉ 20 phút không lo lắng về vấn đề. Khi 20 phút trôi qua, chuyển sang điều gì đó khác.

Hiểu động cơ của người khác[sửa]

  1. Để tâm đến cảm xúc của người khác. Một số người có thể phản ứng tích cực trong một số tình huống hoặc cũng có thể cư xử không đúng sau một ngày tồi tệ. Trong tình huống như vậy, thái độ thù địch của họ sẽ dành cho bất cứ ai họ gặp, và vấn đề không nằm ở bạn. Không có gì để phải bận tâm đến hành vi gây hấn đó.
    • Ví dụ, một nhân viên bán hàng có thể ít vui vẻ, hoặc cô ấy có thể cư xử tệ với bạn. Thay vì nghĩ sự việc đang chĩa vào mình, hãy nhắc nhở bản thân, " Có thể người này vừa trải qua một ngày tồi tệ và muốn về nhà. Cô ấy có lẽ đã phải luôn đối mặt với khách hàng thô lỗ. Mình không cần phải xem nó đang hướng vào mình...” Bạn thậm chí có thể nói điều gì đó tốt đẹp như," Tôi hy vọng bạn có một buổi tối tốt lành", kèm với một nụ cười. Bạn có thể làm cho cô ấy cảm thấy tốt hơn một chút. Nhưng ngay cả khi bạn không thay đổi được gì cho cô ấy, bạn cũng nên biết rằng bạn đã làm những gì bạn có thể để cải thiện tình hình.
  2. Nhìn vào cách ai đó đối xử với những người khác. Họ có thể trêu chọc hoặc xúc phạm tất cả những người mà họ gặp. Một số người hay thể hiện sự đối kháng như thế. Tự hỏi bản thân:
    • Người này tương tác với những người khác như thế nào?
    • Người này có hành động như thế này với tất cả mọi người?
    • Nội dung câu nói có gì đối lập với giọng điệu của họ?
  3. Xem xét khía cạnh bất an của người đó. Họ có cảm thấy bị bạn đe dọa theo cách nào đó? Vậy nên, không nên dằn vặt vì con người tuyệt vời của bạn. Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể giúp đỡ ai đó cảm thấy tốt hơn về bản thân họ.
    • Dành cho đối phương một lời khen nếu có thể, hoặc hỏi xem họ có điều gì muốn nói không.
  4. Xem xét kỹ năng quản lý cảm xúc của người khác. Nhớ rằng có lẽ ai đó có khả năng giao tiếp và kỹ năng quản lý cảm xúc kém. Một số cá nhân không biết tìm hiểu cách để giao tiếp hiệu quả hoặc làm thế nào để thể hiện và quản lý cảm xúc. Đây là điều quan trọng cần nhớ vì nó giúp bạn trở nên kiên nhẫn và thông cảm với đối phương, tương tự như cách bạn làm với một đứa trẻ, khi chúng chưa biết điều chỉnh và thể hiện cảm xúc.
    • Tưởng tượng rằng có một đứa trẻ bên trong đang hành động, bởi vì người đó không biết làm thế nào để đối phó với vấn đề một cách trưởng thành. Khi bạn hình dung ai đó là một đứa trẻ đang học điều khiển hành vi của chúng, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để kiên nhẫn và tha thứ cho họ.
  5. Nhận ra hoàn cảnh của đối phương. Một số người bị thiếu hoặc có hệ thống chuẩn mực xã hội khác nhau. Đôi khi một người đi ngang qua bạn có vẻ lúng túng hoặc thậm chí có một chút thô lỗ trong khi họ không cố ý như thế. Một số cá nhân hành động một cách chắc chắn và thiếu nhận thức rằng hành vi của họ sẽ được đón nhận như thế nào. Đó không phải là một hành vi lạnh lùng hoặc thô lỗ nhắm vào bạn.[6]
    • Ví dụ, ai đó đến từ một nền văn hóa khác và nếu nền văn hóa đó có tính lạnh lùng thì họ sẽ cho bạn cảm giác lạnh lùng hoặc xa cách.
    • Những người khác, chẳng hạn như người mắc chứng tự kỷ, có nguy cơ không thể nhận thức được các tín hiệu xã hội hay sự biến đổi ngôn từ. Họ có thể trông như vô cảm, hay thô lỗ trong khi họ không hề cố ý.
    • Một số người có thể không nhận ra họ hành vi "nói đùa" không được đón nhận bởi những người khác.
  6. Xác định liệu lời chỉ trích có mang tính xây dựng. Phê bình mang tính xây dựng là một ý tốt nhằm giúp đỡ bạn. Đó không phải là sự phê phán hay chỉ trích về giá trị hay nhân phẩm của bạn. Đối với người đưa ra lời chỉ trích, họ giải thích một số điểm bạn cần rèn luyện. Nhưng đôi khi chúng ta quên đề cập đến những điểm tỏa sáng của người khác. Phê bình mang tính xây dựng cần chỉ ra rõ ràng và cụ thể những cách để cải thiện. [7] Nó hoàn toàn trái ngược với lời chỉ trích không có tính xây dựng và rất có thể chỉ là một nhận xét tiêu cực, không đưa ra biện pháp để giúp cải thiện.
    • Ví dụ, tưởng tượng bạn đã làm việc suốt mấy tuần qua để chuẩn bị một dự án quan trọng đối với sếp. Bạn đã cố gắng làm tốt nhất và bạn cảm thấy hài lòng về kết quả cuối cùng. Bạn báo cáo kết quả và hy vọng nhận lời khen ngợi xứng đáng. Nhưng bạn lại nhận được một danh sách điểm cần cải thiện. Bạn có thể cảm thấy bực, thấy bị xúc phạm, hoặc không được công nhận. Bạn có thể thấy lời chỉ trích như một lời phê bình thay vì sự cố gắng của sếp nhằm giúp bạn cải thiện công việc.
    • Không mang tính xây dựng: “Bài viết này cẩu thả và thiếu danh mục tham khảo. Chủ đề thứ hai nghèo nàn về nội dung”. (Bình luận này không chỉ ra cách để cải thiện).
    • Mang tính xây dựng: “Bài viết cần phải có thêm tài liệu tham khảo và cần mở rộng ý cho chủ đề thứ hai. Ngoài ra, bài viết này có vẻ tốt”.
    • Cực kỳ không có tính xây dựng: “Đây là một bài viết thật kinh khủng”.
      • Bạn sẽ dễ bị tổn thương khi nghe những lời chỉ trích không có tính xây dựng. Hãy suy xét về các kỹ năng quản lý cảm xúc và tương tác với những người khác của đối phương.
  7. Đặt câu hỏi khi bạn nhận được lời chỉ trích. Khi nghe lời chỉ trích, nhất là khi lời chỉ trích đó không có nhận xét mang tính xây dựng, hãy hỏi đối phương xem ý của họ là gì. Điều này thể hiện cho họ thấy rằng bạn đánh giá cao ý kiến của họ và là một cách lịch thiệp để giúp họ cải thiện kỹ năng đưa ra lời phê bình mang tính xây dựng.
    • Ví dụ, nếu sếp nói, "Đây là một bài viết kinh khủng", bạn có thể đáp trả bằng cách hỏi, "Tôi muốn nghe chi tiết những điểm nào anh không thích trong bài viết. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để cải thiện nó".

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây