Trở nên tử tế

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trở nên Tử tế)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tử tế là phẩm chất quan trọng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta cũng như của mọi người xung quanh. Sự tử tế giúp ta dễ dàng chia sẻ hơn, biết yêu thương và trắc ẩn hơn, đồng thời trở thành động lực tích cực của mỗi người. Sự tử tế có cội rễ ẩn sâu trong bạn, và bên cạnh những người tử tế từ khi sinh ra, ai cũng có thể lựa chọn để nuôi dưỡng sự tử tế trong mình.

Các bước[sửa]

Tạo dựng Góc nhìn Tử tế hơn[sửa]

  1. Quan tâm tới người khác một cách chân thành. Ở mức độ cơ bản nhất, sự tử tế thể hiện qua cử chỉ quan tâm chân thành tới những người xung quanh bạn, mong muốn điều tốt đẹp nhất cho họ, và nhận ra rằng họ cũng có những mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng, thậm chí là nỗi sợ hãi giống như bạn. Tử tế là sự ấm áp, bền bỉ, kiên nhẫn, tin tưởng, trung thành, và biết ơn.[1] Piero Ferrucci quan niệm tử tế là việc "cố gắng ít hơn" bởi nó giải phóng chúng ta khỏi những nút thắt của thái độ và cảm xúc tiêu cực, ví dụ như oán giận, ghen tuông, ngờ vực, và thao túng.[2] Xét cho cùng, tử tế là quan tâm sâu sắc tới mọi sự sống.
    • Luyện tập cách đối xử tử tế và rộng lượng đối với người khác. Bạn chỉ có thể vượt qua việc lười rèn luyện, nhút nhát, hay không biết làm sao để cởi mở với người khác bằng cách thường xuyên cố gắng mở lòng với họ, cho tới khi việc luyện tập biến thành sự thôi thúc tự nhiên để cư xử tử tế và cho đi nhiều hơn.
    • Không đòi hỏi đền đáp. Sự tử tế vĩ đại nhất không đi kèm với sự kỳ vọng, nó là không ràng buộc, và bất kỳ hành động hay lời nói tử tế nào cũng là vô điều kiện.
  2. Đừng tỏ ra tử tế chỉ để đạt được thứ mình muốn. Hãy cẩn trọng với thứ tử tế ảo tưởng. Sự tử tế không phải là "lịch thiệp vì lợi ích bản thân, hào hiệp toan tính, hay phép xã giao hời hợt".[3] Tử tế không phải là đối xử tốt với người khác vì bạn chắc rằng điều đó sẽ thao túng họ, buộc họ đem tới cho bạn thứ bạn muốn, hay trở thành công cụ kiểm soát họ. Tử tế không phải là vờ vịt quan tâm tới ai đó khi đang kìm nén cơn giận dữ hay vẻ khinh miệt; kể cả việc che giấu cơn thịnh nộ hay thất vọng đằng sau những câu bông đùa giả dối cũng không phải là tử tế.
    • Cuối cùng, trở thành người cả nể không phải là tử tế; đơn giản đó là thói cư xử nhượng bộ và không muốn gây rối loạn, bởi bạn e sợ rằng chỉ cần mình làm gì đó khác đi thì mọi chuyện sẽ đổ vỡ.
  3. Tử tế với chính bạn. Rất nhiều người mắc lỗi khi cố tỏ ra tử tế với người khác nhưng lại không tập trung vào đối xử tử tế với bản thân họ. Điều này đôi lúc xuất phát từ những điều bạn không thích ở chính mình, nhưng thông thường, nguyên do là bạn chưa hiểu bản thân đủ nhiều. Không may, khi trong tâm bạn cảm thấy không vững vàng, sự tử tế của bạn với mọi người có nguy cơ rơi vào kiểu tử tế ảo tưởng như miêu tả ở bước trước. Hoặc, sự tử tế đó có thể khiến bạn kiệt sức và vỡ mộng bởi bạn đã đặt tất cả mọi người lên trên chính mình.
    • Thấu hiểu bản thân sẽ giúp bạn thấy được thứ khiến mình đau đớn và mâu thuẫn, đồng thời cũng giúp bạn biết cách chấp nhận những mâu thuẫn của chính mình. Nó còn tạo không gian giúp bạn cải thiện những điều bạn chưa vừa lòng ở bản thân. Theo đó, hiểu biết về chính mình ngăn bạn không áp đặt những khía cạnh tiêu cực của mình lên người khác, và bạn sẽ có khả năng đối xử với mọi người bằng lòng yêu thương và sự tử tế.[4].
    • Dành thời gian để nhận thức tốt hơn về bản thân và dùng kiến thức tiếp thu được để tử tế hơn với chính bạn (hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều có điểm yếu) và với người khác. Bằng cách đó, nỗi lo lắng của bạn sẽ được giải quyết, thay vì để nỗi lo đó thôi thúc gây ra tổn thương và thổi bùng lo lắng,
    • Đừng coi khoảng thời gian dành để nhận biết nhu cầu và giới hạn của bản thân là hành động ích kỷ; ngược lại, đó là điều kiện tiên quyết để bạn có thể mở rộng vòng tay đối với người khác bằng sức mạnh và nhận thức tuyệt vời.
    • Tự hỏi xem thế nào là tử tế hơn với bản thân. Với nhiều người, tử tế hơn với chính họ là điều khiển được giọng nói trong suy nghĩ của họ và ngừng suy nghĩ tiêu cực.
  4. Học từ sự tử tế của người khác. Hãy nghĩ tới những người thực sự tử tế trong cuộc đời bạn và cảm giác họ đem lại cho bạn. Bạn có thấy sự ấm áp của họ trong tim mình mỗi khi nghĩ về họ? Khả năng là có, bởi sự tử tế sẽ đọng lại và sưởi ấm bạn, kể cả khi bạn phải đối mặt với những thử thách khó khăn nhất. Khi những người khác yêu thương bạn vì chính con người bạn, bạn sẽ không thể quên được lòng tin của họ cũng như việc họ đã củng cố giá trị của bạn ra sao, và sự tử tế của những người đó sẽ tồn tại mãi mãi.
    • Hãy nhớ khi sự tử tế của người khác “khiến ngày của bạn tươi sáng hơn”. Sự tử tế ở họ có điều gì khiến bạn cảm thấy đặc biệt và được yêu thương? Liệu có điều gì ở hành động của họ mà bạn có thể làm lại tương tự một cách chân thành không?
  5. Nuôi dưỡng sự tử tế vì sức khỏe của chính bạn. Một tinh thần khỏe mạnh và niềm hạnh phúc đều tới từ việc suy nghĩ tích cực, và sự tử tế là trạng thái tinh thần tích cực. Tử tế là cho đi và mở lòng với người khác, nhưng cũng đem lại cho ta cảm giác hạnh phúc và gắn kết, đồng thời giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe.
    • Dù có vẻ đơn giản, bản thân khả năng cư xử tử tế đã là một phần thưởng lớn và đều đặn, là nguồn lực thúc đẩy lòng tự trọng.[5]
  6. Tạo thói quen tập trung vào sự tử tế. Leo Babauta cho rằng tử tế là một thói quen mà tất cả mọi người đều có thể nuôi dưỡng. Ông gợi ý tập trung vào sự tử tế hàng ngày trong vòng một tháng. Tới khi kết thúc quá trình tập trung tuyệt đối này, bạn sẽ nhận ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của mình, sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân, đồng thời phản ứng của những người xung quanh với bạn cũng khác đi, họ cũng sẽ đối xử tốt hơn với bạn. Theo ông, về lâu dài, sự tử tế sẽ là nghiệp quả qua rèn luyện.[6] Những gợi ý để nuôi dưỡng sự tử tế bao gồm:
    • Làm một việc tử tế cho ai đó mỗi ngày. Đưa ra quyết định rõ ràng mỗi sáng thức dậy về hành động tử tế bạn sẽ thực hiện và dành thời gian cho điều đó trong ngày.
    • Hãy tử tế, thân thiện, và cảm thông khi giao tiếp với người khác, kể cả khi người đó thường khiến bạn tức giận, căng thẳng, hay bị làm phiền. Biến sự tử tế thành sức mạnh của chính bạn.
    • Biến nhiều cử chỉ tử tế nhỏ bé thành hành động lớn thể hiện lòng trắc ẩn. Tình nguyện hỗ trợ những người cần giúp đỡ và chủ động giảm bớt khó khăn của họ là hành động lớn thể hiện lòng trắc ẩn. [6]
    • Thiền để lan tỏa sự tử tế. Hãy đọc thêm Luyện tập Thiền để Yêu thương và Tử tế (Metta) để biết thêm chi tiết.
  7. Đối xử tử tế với tất cả mọi người, không chỉ với những người "cần giúp đỡ". Mở rộng phạm vi tử tế của bạn. Thật dễ để có thể tử tế khi ta vô thức thực hiện điều mà Stephanie Dowrick gọi là "sự tử tế bề trên".[7] Thuật ngữ này nói tới sự tử tế đối với những người mà ta cảm thấy họ thực sự cần được giúp đỡ (người ốm đau, nghèo khó, yếu thế, và những người khác theo quan niệm của ta). Tử tế với những người gần gũi với mình, dù là gần gũi về tình cảm (như gia đình hoặc bạn bè) hay về những mặt khác (cùng quốc gia, cùng màu da, giới tính, v.v), cũng dễ dàng hơn là tử tế với những người mà triết gia Hegel gọi là "những người còn lại". Càng khó hơn để tử tế với những người mà ta cho là ngang bằng mình, nhưng sự tử tế đó rất đáng.
    • Vấn đề khi hạn chế sự tử tế của ta chỉ trong những hoàn cảnh "thích hợp" đó là ta không nhận ra được rằng mình cần đối xử tử tế với tất cả mọi người, dù họ là ai, bất kể mức độ giàu có, lượng tài sản, giá trị, lòng tin, hành xử, thái độ, và nơi xuất thân của họ, hay sự tương đồng của họ với chúng ta, v.v.
    • Khi chỉ tử tế với những người mà ta cảm thấy rằng họ xứng đáng với sự tử tế, ta đang thể hiện thành kiến và phán xét của chính mình, và chỉ cư xử tử tế có điều kiện. Sự tử tế tự nhiên là tử tế với mọi vật, và dù đôi lúc bạn sẽ mỏi mệt vì những thử thách khi áp dụng ý niệm rộng lớn về tử tế vào thực tiễn, bạn sẽ không bao giờ ngừng hiểu biết thêm về năng lực tử tế của chính mình.
    • Nếu bạn thờ ơ không tử tế với ai đó vì bạn nghĩ rằng họ có thể đối mặt mà không cần tới sự hỗ trợ hay thấu hiểu từ phía bạn, bạn đang cư xử tử tế có chọn lọc.
  8. Giảm phán xét đến mức tối thiểu. Nếu bạn rất muốn trở nên tử tế, hãy kiềm chế những phán xét của mình. Thay vì dành thời gian phê phán người khác, hãy rèn luyện để trở nên tích cực và giàu tình thương hơn. Nếu bạn thường nghĩ về người khác một cách tồi tệ, bạn muốn họ cải thiện, hoặc thấy rằng những người quanh bạn đều nghèo túng hay thiếu năng lực, bạn sẽ không bao giờ trở nên thực sự tử tế. Dừng phán xét người khác và nhận ra rằng bạn không thể hoàn toàn hiểu được hoàn cảnh của người khác cho tới khi bạn đặt mình vào vị trí của họ. Tập trung vào việc bạn muốn giúp đỡ họ thay vì đánh giá họ bởi họ không tốt đẹp hơn con người họ hiện tại.
    • Nếu bạn hay phán xét, thường ngồi lê đôi mách, hoặc đơn thuần là luôn luôn nói xấu những người quanh mình, bạn sẽ không bao giờ vượt qua được những hạn chế của bản thân để trở nên tử tế.
    • Tử tế là tin tưởng vào mặt tốt đẹp ở mọi người thay vì kỳ vọng sự hoàn hảo.

Phát triển Những Phẩm chất Tử tế[sửa]

  1. Có lòng thương cảm đối với người khác. Quan trọng là bạn phải hiểu được thông điệp "Hãy tử tế, bởi tất cả những người bạn gặp đều đang vật lộn trong một cuộc chiến cam go". Được cho là châm ngôn của Plato, câu nói này thừa nhận rằng mọi người đều đang trải qua những thử thách trong cuộc sống của họ và đôi lúc, thật dễ để quên mất điều đó khi còn đang mải chìm đắm trong vấn đề của chính ta, hoặc nỗi bực tức của ta với họ. Trước khi làm điều gì đó ảnh hưởng tiêu cực tới người khác, hãy tự hỏi bản thân một câu đơn giản "Hành động này có tử tế không?". Khi bạn không thể đưa ra câu trả lời khẳng định, dấu hiệu đó chính là lời nhắc nhở để bạn thay đổi hành động của mình và giải quyết vấn đề ngay lập tức.
    • Ngay cả khi bạn đang cảm thấy tồi tệ tột cùng, hãy nhớ rằng những người khác cũng đang cảm thấy không vững vàng, đau đớn, khó khăn, buồn khổ, thất vọng, và mất mát. Điều này không có nghĩa là cảm xúc của bạn bị coi nhẹ, nhưng nó giúp bạn nhận ra rằng phản ứng của con người thường xuất phát từ những tổn thương và đau đớn của họ hơn là từ toàn bộ con người họ, và sự tử tế là chìa khóa để bỏ qua cơn tức giận và kết nối với con người thật bên trong.
  2. Đừng kỳ vọng sự hoàn hảo. Nếu bạn có xu hướng đi theo chủ nghĩa hoàn hảo, thích cạnh tranh, hoặc luôn sống vội, sự tử tế đối với bản thân thường sẽ bị ảnh hưởng bởi tham vọng và nhịp sống vội vàng của bạn, và cả nỗi sợ hãi khi bị coi là lười biếng hoặc ích kỷ.[8] Hãy nhớ sống chậm lại và tha thứ cho bản thân khi mọi chuyện không theo ý mình.
    • Học từ những lỗi lầm của bạn thay vì chỉ trích bản thân hoặc so sánh mình với người khác.[9] Từ những phản ứng thể hiện sự khoan dung với chính mình, bạn mới có thể thấy được nhu cầu của những người khác qua góc nhìn đầy thương cảm.
  3. Hãy hiện diện. Món quà tuyệt vời nhất của sự tử tế dành cho người khác đó là khi bạn hoàn toàn chú tâm tới họ, lắng nghe bằng tất cả quan tâm, và thực sự tập trung tới họ. Hãy lập kế hoạch cho ngày làm việc của mình theo một cách khác, và đừng trở thành người luôn vội vã. Hiện diện có nghĩa là sẵn sàng; bạn chỉ có thể làm vậy khi bạn không vội vã hoặc không phải chen lấn giữa mọi người và công việc.
    • Giảm thiểu phương tiện công nghệ khi liên lạc với người khác. Các cách thức giao tiếp chóng vánh và thiếu bóng dáng con người như tin nhắn hay thư điện tử có vị trí nhất định của chúng, nhưng đó không phải là cách thức giao tiếp duy nhất. Hãy dành thời gian tiếp xúc trực tiếp với mọi người, hoặc qua những cuộc gọi điện thoại không gián đoạn. Hãy gửi một bức thư tay thay vì thư điện tử và khiến ai đó bất ngờ bởi sự tử tế của bạn khi dành thời gian viết tay.
  4. Hãy là người biết lắng nghe. Nói điều này thì dễ, song việc lắng nghe thực chất vô cùng khó ở một thế giới với nhịp sống hối hả, nơi mà sự gấp gáp và bận rộn được cho là đức tính tốt, việc ngắt lời người khác vì quá nhiều việc hay vội vã chạy tới đâu đó cũng được coi là bình thường. Tuy nhiên, việc biến bận rộn thành thói quen không thể là cái cớ cho việc hành xử thiếu tử tế. Khi trò chuyện với ai đó, hãy học cách lắng nghe bằng cả con người bạn và thực tâm chú ý tới họ cho tới khi những người này đã chia sẻ toàn bộ suy nghĩ và câu chuyện của họ.
    • Thực sự lắng nghe, giữ giao tiếp qua ánh mắt, tránh mất tập trung, và dành thời gian cho ai đó chính là những hành động tuyệt vời nhất của sự tử tế. Thật chăm chú vào những điều họ nói thay vì đáp lại bằng một câu trả lời rập khuôn hay ngắt lời. Thể hiện cho người đó rằng bạn hiểu được tình cảnh của họ và sẵn sàng lắng nghe.
    • Một người biết lắng nghe không nhất thiết phải là một người giỏi xử lý vấn đề. Đôi lúc, điều tốt nhất bạn có thể làm là ở bên cạnh ai đó và lắng nghe, đồng thời hiểu rằng thi thoảng bạn không thể biết được người đó nên làm gì.
  5. Lạc quan. Hạnh phúc, niềm vui và lòng biết ơn là linh hồn của sự tử tế, giúp bạn thấy điều tốt đẹp ở người khác và ở thế giới xung quanh, cho phép bạn vượt qua mọi thử thách, nỗi tuyệt vọng và sự tàn nhẫn mà bạn phải chứng kiến hoặc trải qua, liên tục khôi phục lòng tin của bạn ở con người. Duy trì thái độ lạc quan đảm bảo rằng những hành động tử tế của bạn được thực hiện với niềm vui và sự hân hoan, thay vì thực hiện một cách miễn cưỡng hoặc xuất phát từ trách nhiệm. Đồng thời, việc gìn giữ khiếu hài hước sẽ giúp bạn không quá nghiêm khắc với chính mình và chấp nhận những giây phút mâu thuẫn và trái ngược của cuộc sống với tinh thần thiện chí.
    • Giữ mình lạc quan không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi bạn có một ngày tồi tệ. Nhưng khi rèn luyện bản thân đủ nhiều, ai cũng có thể nuôi dưỡng tinh thần lạc quan bằng cách tập trung vào điều tích cực thay vì tiêu cực, nghĩ tới những điều hạnh phúc trong tương lai, và sống cuộc đời nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Đồng thời, sự lạc quan cũng chẳng tốn của bạn đồng nào.
    • Lạc quan và tích cực không chỉ giúp bạn có nhận thức đúng đắn để cư xử tử tế, mà còn đem lại niềm vui cho những người xung quanh bạn. Nếu bạn tốn quá nhiều thời gian than phiền, sẽ khó khăn hơn để đem lại hạnh phúc cho những người trong cuộc đời bạn.
    • Hãy đọc Cách để Sống Hạnh phúc, Cách để Trở nên Hài hước, và Cách để Sống Biết ơn để biết thêm thông tin về cách nuôi dưỡng tinh thần lạc quan.
  6. Thân thiện. Những người tử tế thường cũng thân thiện. Điều này không có nghĩa họ là những người dễ gần nhất, nhưng họ thường cố gắng để làm quen với người mới và giúp những người đó cảm thấy thoải mái như ở nhà. Nếu trường bạn có học sinh mới hay chỗ làm việc có đồng nghiệp mới, bạn hãy thử nói chuyện với người đó, giải thích về công việc, và mời cậu ấy hay cô ấy đến các sự kiện tập thể. Kể cả khi bạn không dễ gần, việc mỉm cười và trò chuyện với mọi người sẽ khiến bạn trở nên thân thiện hơn rất nhiều, và sự tử tế của bạn sẽ được nhớ tới.
    • Những người thân thiện rất tử tế bởi họ kỳ vọng ở điều tốt nhất của mỗi người. Họ trò chuyện với người mới quen hay bạn bè bằng sự vô tư, khiến đối phương thấy yên tâm và thoải mái như ở nhà.
    • Nếu bạn vốn nhút nhát, bạn không cần phải thay đổi hoàn toàn tính cách của mình. Chỉ cần bạn cố gắng hơn một chút để đối tốt với người khác bằng cách để ý, hỏi thăm họ, và thể hiện quan tâm của mình đối với họ.
  7. Lịch thiệp. Mặc dù bản thân việc lịch thiệp chưa hẳn đã là tử tế, sự chân thành trong cư xử lịch thiệp sẽ thể hiện sự tôn trọng của bạn với đối phương. Lịch thiệp là cách tử tế để thu hút sự chú ý của người khác và thể hiện quan điểm của bạn. Một số cách đơn giản để cư xử lịch thiệp bao gồm:
    • Tìm cách khác để diễn đạt yêu cầu hoặc hồi đáp của bạn với người khác. Ví dụ, hãy nói "Tôi có thể được phép không?" thay vì "Tôi có thể không?"; nói rằng "Tôi bất ngờ đó" thay vì "Thật không công bằng"; nói rằng "Hãy để tôi giải thích theo cách khác" thay vì "Đó không phải điều tôi đã nói". Thay đổi diễn đạt thể hiện rõ ý hơn rất nhiều.
    • Hành xử chuẩn mực. Giữ cửa ra vào cho người khác, tránh cư xử thô tục, và không tỏ ra quá thân mật với người gặp lần đầu.
    • Khen ngợi người khác chân thành.
    • Hãy đọc Cách để luyện tập cư xử lịch thiệp và tử tế để có thêm nhiều ý tưởng.
  8. Biết ơn. Những người thực sự tử tế thể hiện lòng biết ơn của họ rất dễ dàng. Họ không coi nhẹ bất kỳ điều gì và luôn luôn cảm ơn người khác vì đã giúp đỡ họ. Họ biết cách nói lời "cảm ơn" chân thành, họ viết thiệp cảm ơn, và họ cảm thấy thoải mái khi thừa nhận rằng mình được giúp đỡ. Những người có lòng biết ơn cũng cảm ơn người khác chỉ vì những điều nhỏ bé khiến ngày của họ tươi sáng hơn, thay vì chỉ nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ hoàn thành công việc. Nếu bạn có thói quen biết ơn hơn tới những người xung quanh, bạn sẽ thấy mình có khả năng cao hơn để trở nên tử tế.
    • Nếu bạn để ý hơn tới những điều tốt đẹp mà người khác đem lại cho mình, bạn sẽ càng sẵn sàng để làm điều tốt cho người khác. Bạn sẽ lưu tâm hơn tới cảm giác của mình khi được người khác đối xử tử tế và sẽ muốn lan tỏa tình yêu đó rộng hơn.

Hành Động[sửa]

  1. Yêu thương động vật và thế giới. Yêu thương động vật và chăm sóc thú nuôi là sự tử tế thể hiện bằng hành động. Không điều gì bắt buộc bạn phải quan tâm tới sự sống của các loài khác, đặc biệt trong kỷ nguyên khi công cụ thống lĩnh của loài người chứa đầy sức mạnh. Tuy nhiên, hành động yêu thương và tôn trọng động vật vì giá trị của chúng là thể hiện cho sự tử tế. Tương tự, tử tế với thế giới đang duy trì và nuôi dưỡng chúng ta cũng là điều đúng đắn và tử tế, đảm bảo rằng ta không gây hư hại bất kỳ yếu tố nào duy trì cuộc sống khỏe mạnh của ta.
    • Nhận chăm sóc hoặc nuôi dưỡng một con vật. Sự tử tế của bạn sẽ được đền đáp khi bạn đưa một sinh vật tới cuộc đời mình, để chúng đem lại niềm vui và tình yêu cho bạn.
    • Đề nghị trông nom thú nuôi cho một người bạn đang ở xa. Hãy giúp người bạn đó thấy yên tâm rằng một người biết yêu thương và chăm sóc sẽ trông nom vật nuôi của cô ấy khi cô ấy không có nhà.
    • Tôn trọng loài vật bạn đang chăm sóc. Con người không “sở hữu” động vật; trái lại, ta ở trong mối quan hệ phải có trách nhiệm quan tâm tới và khiến chúng hạnh phúc.
    • Dành thời gian để khôi phục môi trường địa phương với cộng đồng. Đi dạo thưởng ngoạn thiên nhiên cùng gia đình, bạn bè, hoặc đi một mình, và gần gũi với thế giới mà bạn là một phần trong đó. Chia sẻ tình yêu thiên nhiên với người khác để thức tỉnh sự kết nối của họ với thiên nhiên.
  2. Chia sẻ. Những người tử tế cảm thấy hạnh phúc khi chia sẻ với người khác. Bạn có thể chia sẻ chiếc áo len ưa thích, nửa phần món bánh ngô thịt nướng ngon lành, hoặc những lời khuyên trong sự nghiệp với các bạn trẻ hơn mình. Điều quan trọng là bạn phải chia sẻ thứ mà bạn thực sự quan tâm, thay vì cho đi những gì mình không cần tới. Sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu bạn cho cô bạn mượn chiếc áo len ưa thích thay vì đưa cô ấy chiếc áo thừa cũ mèm mà bạn không bao giờ mặc. Chia sẻ với mọi người sẽ khiến bạn hào hiệp hơn và tích cực hướng đến sự tử tế.
    • Lưu tâm tới những người thực sự hưởng lợi ích từ những món đồ của bạn. Không phải lúc nào họ cũng đòi hỏi chúng, nhưng bạn có thể chủ động đưa ra lời đề nghị trước khi họ thừa nhận rằng họ cần thứ gì đó từ bạn.
  3. Cười nhiều hơn. Cười là cử chỉ thể hiện sự tử tế một cách đơn giản nhưng có tác dụng dài lâu. Hãy tạo thói quen cười với người lạ, bạn bè hoặc người thân. Dù bạn không cần phải luôn luôn đi khắp nơi với nụ cười trên môi, nhưng cười với mọi người sẽ khiến người khác đáp lại bằng một nụ cười, và còn đem lại chút ít niềm vui trong ngày cho họ. Hơn nữa, nụ cười sẽ đánh lừa nhận thức của bạn, khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn trước đó. Tất cả mọi người đều được lợi khi bạn cười, và khả năng trở nên tử tế của bạn sẽ lại càng tăng cao.
    • Cười với mọi người sẽ giúp họ thấy thoải mái hơn và khiến bạn trở nên dễ tiếp cận hơn, cũng là một cách khác để cư xử tử tế. Tiếp đón ai đó ân cần, thậm chí tin tưởng những người lạ bằng cách cười với họ, cũng là cách để cư xử tử tế.
  4. Quan tâm tới mọi người. Những người thực sự tử tế quan tâm đến người khác một cách chân thành. Họ không đối xử tử tế với người khác chỉ vì họ muốn đạt được thứ mình muốn hay vì họ muốn nhờ vả. Họ làm vậy vì họ thực sự quan tâm tới người khác, muốn mọi người quanh mình được hạnh phúc và khỏe mạnh. Để tử tế hơn, hãy cố gắng tạo dựng sự quan tâm đối với người khác và cho họ thấy rằng bạn lưu tâm bằng cách chu đáo đối với họ, đặt câu hỏi, và chú ý tới họ. Dưới đây là một vài cách để quan tâm tới mọi người:
    • Hỏi thăm mọi người ra sao và thực sự quan tâm tới điều đó.
    • Hỏi mọi người về sở thích, mối quan tâm, và gia đình họ.
    • Nếu ai đó bạn quan tâm vừa trải qua một sự kiện lớn, hãy hỏi người đó xem sự kiện ấy ra sao.
    • Nếu ai đó bạn biết sắp có kỳ thi hay buổi phỏng vấn, hãy chúc anh ấy hoặc cô ấy may mắn.
    • Khi bạn trò chuyện với mọi người, hãy đảm bảo rằng ít nhất họ đang nói nhiều ngang bạn. Đừng lấn át trong cuộc đối thoại và hãy tập trung vào đối phương hơn là bạn.
    • Giữ giao tiếp qua ánh mắt và bỏ điện thoại qua một bên khi nói chuyện với người khác. Cho họ thấy rằng họ là ưu tiên số một của bạn.
  5. Gọi điện cho một người bạn không vì lý do gì cả. Không phải lúc nào bạn cũng cần lý do để gọi điện cho một người bạn tốt. Đặt mục tiêu gọi điện cho một người bạn mỗi tuần, hoặc hai người bạn mỗi tuần, để hỏi thăm và xem xem họ đang thế nào. Đừng gọi để lên kế hoạch hay hỏi người bạn đó điều gì cụ thể; hãy gọi vì bạn nhớ bạn mình và nghĩ về họ. Liên lạc với bạn bè một cách bất ngờ sẽ khiến họ cảm thấy được quan tâm và bạn cũng sẽ thấy tốt hơn; điều này thể hiện sự tử tế và biết nghĩ.
    • Nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn có thể bắt đầu thói quen gọi điện cho bạn bè vào ngày sinh nhật họ. Đừng lười biếng và gửi tin nhắn hoặc viết bài trên Facebook, hãy gọi điện thoại cho bạn mình và trò chuyện một cách chân thành.
  6. Quyên góp đồ đạc của bạn. Một cách khác để tử tế chính là quyên góp những món đồ của bạn cho mục đích từ thiện. Thay vì vứt đồ cũ đi hoặc bán chúng với giá rẻ ở chợ ga-ra, hãy quyên góp những món bạn không cần dùng tới cho một mục đích tốt đẹp. Nếu bạn có quần áo, sách vở, hoặc đồ gia dụng còn tốt, việc tạo thói quen quyên góp từ thiện thay vì chất đầy trong nhà hoặc bỏ chúng đi là cách tuyệt vời để lan truyền sự tử tế của bạn tới người khác.
    • Nếu bạn có quần áo hoặc sách vở mà ai đó quen bạn sẽ cần, đừng ngần ngại trao món đồ đó cho họ. Đây là một cách khác để cư xử tử tế.
  7. Hãy ngẫu nhiên làm điều gì đó tử tế. “Hãy ngẫu nhiên thực hiện một hành động tử tế mà không kỳ vọng và không cần đền ơn, bạn không phải lo lắng bởi chắc chắn khi nào đó, ai đó cũng sẽ đối xử như vậy với bạn.” Đó là câu nói của Công nương Diana. Những hành động tử tế một cách ngẫu nhiên vẫn còn tồn tại và là nỗ lực rõ nét để lan truyền sự tử tế; thậm chí còn có những nhóm thành lập để thực hiện nhiệm vụ công dân cơ bản này! [10]. Sau đây là những hành động tử tế ngẫu nhiên mà bạn có thể thực hiện:
    • Xúc tuyết khỏi đường lái xe nhà hàng xóm cũng như đường lái xe nhà bạn.
    • Rửa xe cho bạn của bạn.
    • Cho tiền vào đồng hồ đỗ xe đã hết thời gian.
    • Giúp ai đó bê một chiếc túi nặng.
    • Đặt món quà trước nhà ai đó.
    • Để biết thêm chi tiết về thực hiện những hành động tử tế ngẫu nhiên, hãy đọc Cách để thực hiện hành động tử tế ngẫu nhiên.
  8. Thay đổi cuộc đời bạn bằng sự tử tế. Việc thay đổi cách sống và góc nhìn với thế giới có thể khiến bạn nản lòng. Nhưng hãy nhớ lời khuyên của Aldous Huxley về thay đổi cuộc sống của bạn: "Mọi người thường hỏi tôi đâu là cách thức hiệu quả nhất để thay đổi cuộc sống của họ. Thật ngại khi sau hàng năm trời nghiên cứu và thử nghiệm, tôi phải nói rằng câu trả lời đúng nhất chỉ là-hãy tử tế hơn một chút."[11] Hãy ghi nhớ công sức nghiên cứu hàng năm trời của Huxley và để sự tử tế thay đổi cuộc đời bạn, vượt qua những cảm xúc và hành động bắt nguồn từ thói hung hăng, ghét bỏ, khinh miệt, tức giận, sợ hãi, và coi thường bản thân, đồng thời phục hồi sức mạnh đã mất đi vì nỗi tuyệt vọng.
    • Khi cư xử tử tế, bạn đã khẳng định rõ ràng rằng việc quan tâm tới người khác, tới môi trường xung quanh, và với bản thân là cách sống đúng đắn. [12] Điều quan trọng không nằm ở hiệu quả tức thời; sự tử tế là lựa chọn về lối sống, là tiếng ngân nga và nhịp điệu không ngừng nghỉ sẽ đi cùng mọi điều bạn thực hiện và suy nghĩ.
    • Khi cư xử tử tế, bạn rũ bỏ được gánh nặng lo lắng rằng người khác có nhiều hơn bạn, không xứng đáng bằng hoặc xứng đáng hơn bạn, hoặc đang ở vị thế vượt trội hay thấp kém hơn bạn. Thay vào đó, sự tử tế cho phép bạn nghĩ rằng mọi người đều có giá trị của họ, và bạn cũng vậy.
    • Khi cư xử tử tế, bạn nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có mối liên quan tới nhau. Khi bạn làm hại ai đó, bạn cũng đang làm hại chính mình. Những điều bạn giúp đỡ người khác cũng sẽ hỗ trợ bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu ai đó bạn không quen mỉm cười với bạn, đừng ngần ngại đáp lại bằng nụ cười; đó là một cử chỉ của sự tử tế.
  • Hãy hỏi ai đó rằng, “Bạn có khỏe không?”, thực sự lắng nghe và quan tâm đến câu trả lời của họ. Sự tử tế là quan tâm và thông cảm, và tất cả mọi người đều muốn “được lắng nghe”.
  • Hãy tử tế với người nghèo hoặc người vô gia cư, cho họ chút thức ăn hoặc tiền bạc.
  • Vác một chiếc va-li nặng cho ai đó đang chật vật.
  • Tử tế sẽ giúp bạn cân bằng hơn trong cuộc sống và tích cực hơn.
  • Điều khiển cảm xúc của bạn; khi bực dọc hay giận dữ, đừng nói những lời có thể làm người khác tổn thương và cũng làm bạn tổn thương sau này. Hãy bình tĩnh và điềm đạm.
  • Bạn có thể không thích tất cả mọi người và điều đó là bình thường; kể cả những người tốt nhất trên thế giới cũng sẽ có lúc tức giận! Có điều, hãy tiếp tục cư xử lịch thiệp.
  • Việc chào hỏi tất cả những người bạn gặp, từ người bán hàng đến sếp của bạn, sẽ khiến không gian tươi sáng hơn và giúp mọi người cảm thấy thoải mái. Hãy thực hiện điều đó mỗi ngày.
  • Giúp một người mù qua đường.
  • Sự tử tế không mất tiền mua nên hãy chia sẻ chúng hàng ngày với tất cả mọi người. Đề nghị trông nom thú nuôi khi bạn bè đi nghỉ mát. Nếu bạn biết người hàng xóm đang ốm, hãy hỏi họ có cần đồ tạp hóa không khi bạn đi mua đồ. Dừng lại và trò chuyện với ai đó cô độc, chia sẻ cốc cà phê với họ và trả tiền cho đồ của họ nữa.
  • Nấu bữa tối cho một người bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng hả hê vì những điều tốt bạn đã làm; hãy khiêm tốn. Làm điều gì đó tốt đẹp chỉ vì những người xung quanh sẽ trọng đãi bạn không phải là tử tế. Giúp đỡ một người không biết tới sự hỗ trợ của bạn cũng sẽ đem lại cảm giác tuyệt vời như vậy.
  • Hãy chắc rằng cử chỉ tử tế của bạn được cần đến. Đôi khi những “giúp đỡ” không mong muốn có thể phản lại bạn. "Làm ơn mắc oán." Có những lúc ta nghĩ ta đang giúp đỡ, nhưng chúng ta có thể gây rắc rối nếu không có đủ thông tin về vấn đề.
  • Nếu bạn đang thực sự tức giận và phiền muộn vì ai đó, hãy nhớ rằng so với hành động sai trái để trả thù, sự tử tế sẽ đem lại cho người đó cảm giác mắc nợ nhiều hơn. Mọi người có thể đưa ra đủ lý lẽ để bào chữa cho một hành động sai trái, nhưng cảm giác được tha thứ nhờ sự tử tế sẽ là một cảm giác khó quên đối với họ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Piero Ferrucci, ''Sức mạnh của sự tử tế, tr. 8 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  2. Piero Ferrucci, Sức mạnh của sự tử tế, tr. 9 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  3. Piero Ferrucci, Sức mạnh của sự tử tế, tr. 7 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  4. Stephanie Dowrick, Chọn lựa Hạnh phúc, p. 55, (2005), ISBN 1-74114-521
  5. Stephanie Dowrick, Chọn lựa Hạnh phúc, tr. 4, (2005), ISBN 1-74114-521
  6. 6,0 6,1 Leo Babauta, 7 Thói quen Nhỏ bé Có thể Thay đổi Cuộc đời Bạn và Cách Tạo dựng Chúng, http://zenhabits.net/7-little-habits-that-can-change-your-life-and-how-to-form-them/
  7. Stephanie Dowrick, Chọn lựa Hạnh phúc, tr. 357, (2005), ISBN 1-74114-521
  8. Stephanie Dowrick, Chọn lựa Hạnh phúc, tr. 341, (2005), ISBN 1-74114-521
  9. Stephanie Dowrick, Chọn lựa Hạnh phúc, tr. 279, (2005), ISBN 1-74114-521
  10. Ví dụ, hãy tìm ARK, Acts of Random Kindness, Ltd., http://www.arkhq.com/
  11. Piero Ferrucci, Sức mạnh của sự tử tế, tr. 11 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  12. Piero Ferrucci, Sức mạnh của sự tử tế, tr. 271 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4

Liên kết đến đây