Duy trì cuộc đối thoại

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc giữ cho trò chuyện tiếp diễn cần một số kỹ năng nhất định, nhưng một khi bạn đã biết phải làm gì thì mọi thứ sẽ trở nên rất dễ dàng. WikiHow hôm nay sẽ cho bạn một số lời khuyên làm thế nào để duy trì một cuộc đối thoại.

Các bước[sửa]

Nắm được những điều cơ bản[sửa]

  1. Theo dõi những gì người khác đang nói bằng cách chăm chú lắng nghe. Một cuộc đối thoại là dòng chảy của những ý tưởng. Tuy nhiên, những ý tưởng này nên liên quan với nhau. Nếu bạn chăm chú lắng nghe những gì đối phương nói, bạn có thể ghi nhớ những nguồn nguyên liệu quan trọng của thông tin nhằm giữ cho cuộc trò chuyện tiếp diễn.
  2. Cảm nhận được điều mà người khác đang muốn nói. Những người khác nhau thích nói về những chuyện khác nhau. Tìm ra chủ đề mà người đó thích nói sẽ tạo ra được sự khác nhau giữa cuộc trò chuyện hào hứng với cuộc đối thoại gượng gạo.
    • Cân nhắc về những thông tin bạn biết về người đó. Mọi người thích nói về những gì mà họ biết. Nếu bạn biết một trong những thông tin sau về họ thì đây sẽ là một khởi đầu thuận lợi:
      • Nghề nghiệp/sự nghiệp của họ
      • Sở thích/đam mê của họ
      • Gia đình/bạn bè của họ
      • Xuất thân/quá khứ của họ
    • Sử dụng những điều mà bạn biết về đối phương để dẫn dắt cuộc hội thoại. Chẳng hạn, nếu bạn biết người đó làm trong ngành giáo dục, hãy hỏi họ về vấn đề bạo lực học đường hay những cải cách sắp tới, về lần đầu họ đứng trên bục giảng.
  3. Quan tâm đến những gì diễn ra trên thế giới. Khi bắt đầu cạn kiệt ý tưởng, bạn có thể nói về những điều đang diễn ra trên thế giới.
    • Chẳng hạn bạn có thể nói, "Này cậu có biết là ngay đến trứng cũng có thể làm giả được không? Tớ vừa mới đọc báo sáng nay và thấy lo về những thứ mà chúng ta ăn mỗi ngày. Cậu nghĩ sao?" là cách hay để gây sự chú ý và tiếp tục cuộc trò chuyện.
  4. Đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể của bạn phản ánh những điều đúng đắn. Mọi người dõi theo lời bạn nói cả ngôn ngữ hình thể khi bạn nói chuyện với họ. Trên thực tế, theo nguyên tắc 7%-38%-55% do Tiến sỹ Albert Mehrabian nghiên cứu, những gì chúng ta nói chỉ quyết định 7% trong việc chúng ta có được yêu thích hay không, trong khi ngôn ngữ cơ thể lại quyết định đến 55%.{fact}} Sau đây là một số lời khuyên để cải thiện ngôn ngữ cơ thể của bạn:
    • Không nên vắt chéo tay — hoặc chân. Điều này khiến đối phương cảm thấy bạn hơi kiêu căng.
    • Duy trì giao tiếp bằng mắt vừa phải mà không nhìn chằm chằm. Gặp gỡ và mỉm cười với ai đó là điều tốt; nhưng việc nhìn họ quá lâu có thể khiến họ không thoải mái.
    • Thả lỏng đôi vai. Căng thẳng trên cơ thể có thể biểu lộ qua đôi vai. Nếu người khác nhận ra vai bạn gồng lên, họ sẽ cảm thấy hơi e dè.
    • Gật đầu thường xuyên và nghiêng người về phía họ. Gật gù thể hiện sự chăm chú vào câu chuyện, trong khi nghiêng người về phía trước cho thấy rằng bạn có cảm tình với họ.
    • Đối mặt với người đó và đừng tỏ ra bồn chồn. Tập trung hoàn toàn vào họ bằng cách đứng đối diện. Hãy cho họ thấy rằng bạn đang chú tâm vào cuộc đối thoại bằng cách không cựa quậy.
  5. Thể hiện sự tự tin. Không có gì là khó hiểu khi chúng ta bị thu hút một cách tự nhiên với những người tự tin. Có vẻ hơi bất công, nhưng sự thật trong cuộc sống là: mọi người sẽ đánh giá bạn là ai thông qua sự tự tin chủ quan của bạn. Nếu bạn có lòng tự tin cao và là một người thú vị, mọi người sẽ thông cảm cho bạn hơn khi cuộc đối thoại bị chùng xuống hay họ sẽ cố gắng nhiều hơn để khỏa lấp những khoảng lặng trong câu chuyện.
  6. Chuẩn bị cho những khi giao tiếp không hiệu quả. Điều này vẫn xảy ra với cả những cuộc hội thoại trơn tru nhất. Bạn sẽ vô tình nói điều gì đó mà bạn không nên, hay chỉ đơn giản là cạn kiệt ý tưởng. Chuyện này hết sức bình thường; đừng trách bản thân vì điều đó.
    • Nếu điều đó xảy ra, bạn hãy mỉm cười và nhìn vào mắt họ. Làm họ an tâm thông qua ngôn ngữ cơ thể để họ biết rằng câu chuyện trở nên “lạc đề” không có nghĩa là bạn không thích họ hay không muốn tiếp tục. Hãy chờ cho mọi thứ tự nhiên trở lại.

Bắt nhịp[sửa]

  1. Đặt những câu hỏi hay. Ai cũng thích nói về bản thân mình. Nếu bạn có thể tìm được đề tài mà người khác thích thú thì chỉ cần một câu hỏi đơn giản cũng có thể khiến họ nói chuyện một lúc lâu. Đừng bao giờ đánh giá thấp mong muốn nói về bản thân của người khác.
    • Đây mới thật sự là giai đoạn mà lắng nghe đóng vai trò chủ đạo. Nếu không nắm những ý chính về điều mà họ từng nói, bạn sẽ rất khó sử dụng những nguyên liệu thông tin đã thu thập trước đó để làm chủ đề tham khảo và đặt câu hỏi.
  2. Hạn chế sử dụng câu hỏi "có/không". Một câu hỏi có/không sẽ giết chết cuộc hội thoại vì nó cho phép người được hỏi trả lời rất nhanh và đưa ra lượng thông tin tối thiểu khi trả lời. Hãy đặt những câu hỏi tạo điều kiện cho đối phương nói nhiều hơn.
    • Thay vì hỏi "Vậy là bạn đi du học hồi năm 2016 phải không?" hãy hỏi "Bạn thấy thế nào khi đi du học hồi năm 2016?" Câu hỏi thứ hai sẽ cho người đó nhiều vấn đề để trả lời hơn.
    • Nhưng nếu bất giác bạn hỏi "Có phải bạn đi du học hồi năm 2016 không?" và họ nói "Đúng rồi," bạn có thể mỉm cười và nói tiếp, "Thật hả? Mọi thứ thế nào?" Đừng quên là hầu như ai cũng có lúc vấp váp, tuy nhiên việc sửa chữa không phải là quá khó. Hạn chế sử dụng không có nghĩa là bạn không bao giờ được hỏi câu hỏi có/không (kiểu câu hỏi giản tiện vô cùng), nhưng bạn nên chuẩn bị cách để phát triển nội dung và giữ cho cuộc trò chuyện tiếp diễn.
  3. Đừng bao giờ trả lời chỉ với một từ. Ngoài việc ý thức rằng đặt câu hỏi có/không không phải là cách hay để duy trì cuộc đối thoại, bạn còn phải biết rằng việc trả lời gọn lỏn chỉ với một từ "ừ" hay "chắc vậy" cũng sẽ giết chết câu chuyện ngay lập tức. Thay vào đó, hãy cho đối phương biết thêm thông tin nếu họ hỏi bạn một câu đơn giản.
  4. Thổi sự nhiệt tình vào trong những câu hỏi đặt ra cho người khác. Đó không phải là sự hào hứng giả tạo nếu bạn phải gồng mình lên khi đặt ra một câu hỏi. Thật ra điều đó không khó để thực hiện, và nó sẽ làm cho người đó cảm thấy được xem trọng hơn.
  5. Đánh lạc hướng sự chú ý về tình huống vụng về bằng cách nói đùa để khỏa lấp nó. Đôi khi cuộc đối thoại bị chùng xuống và sự im lặng bắt đầu xâm chiếm. Hãy dùng lối nói chuyện hài hước để nhận xét về điều đó. Sự lúng túng sẽ được đưa ra bàn luận; bỗng nhiên nó sẽ trở thành điều mà không một ai trong hai bạn e ngại cả.
    • Nói điều gì đó như: "Tớ không hề có ý định nói về chuyện thời tiết đâu, tớ biết chúng ta đều phát chán về nó. Tớ thích nói về chuyện của cậu hơn." Sau đó hỏi họ "Bước ngoặt nào trong mấy năm gần đây làm cho cậu thay đổi nhiều thế?"
  6. Đừng ngại đào sâu. Mặc dù điều này hơi khó, tuy nhiên nhiều người vẫn thích làm cho cuộc trò chuyện trở nên sâu sắc vì như thế họ sẽ dễ chịu và cảm thấy hài lòng hơn. Nếu bạn cảm thấy đối phương muốn nhiều hơn là nói những câu chuyện tản mạn, đừng ngại tiến lên với câu hỏi xoáy sâu vào vấn đề.
    • Chỉ nên đi sâu sau khi bạn đã hoàn tất các bước. Chúng tôi không khuyến khích bạn bắt tay đào sâu khi chỉ mới vừa chào hỏi. Một cuộc đối thoại cũng giống như một bữa ăn: bạn muốn ăn món chính và món tráng miệng thì trước hết phải dùng xong món khai vị.