Nhà khoa học không có tuổi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bài viết giới thiệu Giáo sư Tiến sỹ khoa học Phạm Lợi Vũ trên báo Nhân Dân điện tử ngày 10 tháng 3 năm 2007.


NDĐT - Ở tuổi ngoài 70, GS-TS KH Phạm Lợi Vũ vẫn đều đặn có các công trình nghiên cứu về Vật lý-Toán phi tuyến được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín.


Bảy năm cho một bài báo

Mới nhất, cách đây chưa đầy hai tuần, ông có bài đăng trên tạp chí “Vật lý toán phi tuyến” (Journal of Nonlinear Mathematical Physics) của nhà xuất bản khoa học danh tiếng Atlantis – bài báo “Bài toán biên đối với phương trình Korteweg-de Vries trên phần tư mặt phẳng dương” (The initial-boundary-value problem for the Korteweg-de Vries equation on the positive quarter-plane). .

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Lợi Vũ

TS Vũ cho biết, từ hơn 10 năm nay, ông chủ yếu gửi đăng kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. “Làm nghiên cứu khoa học là để đi đến chân lý. Các tạp chí khoa học quốc tế cho tôi cảm giác mình luôn được sát cánh trên hành trình này”, ông nói rồi giải thích rõ hơn:

“Đối với các tạp chí chuyên ngành quốc tế, mỗi bài báo gửi đến thường được hai phản biện không nêu danh kiểm tra và đánh giá. Nếu ý kiến nhận xét trái ngược nhau thì Ban biên tập tạp chí mời phản biện thứ ba (adjudicator). Một số tạp chí còn có mục Automated Status Enquiry giúp tác giả theo dõi quá trình thẩm định bài báo, từ thời điểm nhận được bài, chuyển bài tới các phản biện, đến thời điểm các phản biện viết nhận xét.

Một bài báo gửi đăng ở tạp chí có uy tín thường dẫn đến tình huống sau: Ban biên tập tạp chí viết thư trả lời tác giả kèm theo báo cáo của phản biện là những chuyên gia đang nghiên cứu thành công trong lĩnh vực của tác giả. Đó là những nhận xét xác đáng về đặt vấn đề, giải quyết vấn đề của tác giả, về sửa chữa những chỗ chứng minh sai, yêu cầu trích dẫn và so sánh kết quả của mình với các kết quả khác... Cuối cùng, Ban biên tập sẽ xem xét lại việc đăng tải bài báo sau khi nó đã được sửa chữa theo ý kiến của phản biện. Nếu gửi đăng tạp chí trong nước thì hầu như không thể nhận được những ý kiến xác đáng có chất lượng cao.” .

Bản nháp bài báo khoa học của GS-TSKH Phạm Lợi Vũ

Kết quả nghiên cứu khoa học được khẳng định và công bố – đó là lý do quan trọng nhất khiến ông không quản ngại bỏ ra vài năm, thậm chí là bảy năm như trong trường hợp bài báo mới nhất, để hoàn thành một nghiên cứu. Ông cho biết, bài báo này khởi thảo từ năm 2000, trong đó bốn năm được dành để viết và gần ba năm để sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Ban biên tập tạp chí. “Nghiên cứu khoa học cơ bản là vậy, không thể vội vàng, thất bại không có nghĩa là đầu hàng mà có nghĩa là bắt tay vào làm lại,” - ông nói.

Rồi ông đưa ra bức thư đầu tiên của phản biện nhận xét về bài báo từ năm 2003. Trong thư, phản biện nêu rõ, bài toán ông đang định giải thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới từ nhiều năm nay nhưng một số khía cạnh của nó còn chưa được giải quyết, và phản biện không cho rằng, nghiên cứu này của ông sẽ đóng góp được tiến bộ gì đáng kể. Thế nhưng, sau ba năm kiên trì bổ sung, bài báo của ông cuối cùng đã xuất hiện trên số 1 của tạp chí năm nay.

Cầu thật, không cầu lớn

“Làm nghiên cứu cơ bản không thể đòi hỏi có địa chỉ áp dụng ngay nên nhiều khi bị cho là làm công việc vu vơ”, TS Vũ tâm sự.

Một điều mà ông băn khoăn bấy lâu nay, và đã hơn một lần phát biểu tại các hội thảo hoặc trực tiếp gửi thư tới các vị lãnh đạo cấp cao của ngành khoa học, đó là, ở Việt Nam, tiêu chuẩn về bài báo nghiên cứu khoa học cơ bản còn có khoảng cách so với khu vực và thế giới. “Việt Nam chưa có tạp chí khoa học nào được đưa vào danh sách của Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information - ISI). Bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc Danh sách ISI được xem là kết quả khoa học đích thực và có bản quyền. Thế nhưng hiện nay, theo tôi được biết, có đến 90% các nghiên cứu của ta mới chỉ công bố trên các tạp chí trong nước, nghĩa là các công trình này chưa được quốc tế ‘đóng dấu’ thừa nhận có kết quả khoa học mới ” – TS Vũ nói.

Ông cũng cho biết, ở Hàn Quốc một luận án tiến sĩ tối thiểu phải có hai bài báo công bố trên tạp chí quốc tế thuộc Danh sách ISI, còn ở Philippines là một. Trong khi đó, tiêu chuẩn này chưa hề được đề ra ở Việt Nam. Bởi vậy, các học vị của Việt Nam khó được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

GS-TSKH Phạm lợi Vũ tại Florence (Ý)

Là người nghiên cứu cơ bản đã trải nhiều thất bại trước khi đạt được chút thành công, ông tự nghiệm ra, với ông, không có “đi tắt đón đầu”, mà chỉ có tiến từng bước chắc chắn. “Tôi không ước ao có những đóng góp to lớn cho khoa học, mà chỉ mong có những đóng góp thật sự,” – ông nói.

Theo TS Vũ, danh sách các tạp chí khoa học do ISI liệt kê vẫn được xem là danh sách khách quan nhất và được chấp thuận rộng rãi trên thế giới. ISI cũng là cơ quan duy nhất hiện nay đánh giá bao quát tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và có phân loại. Liên hợp quốc, các chính phủ và các tổ chức quốc tế thường sử dụng thống kê của ISI trong quản lý và hoạch định các chính sách khoa học kỹ thuật.

Góp một viên gạch

Từng được Nhà nước gửi đi du học ở Trung Quốc rồi ở Ukraine, nhưng con đường trưởng thành của ông in đậm dấu ấn của hai chữ tự học – ban đầu là tự học chương trình cấp ba phổ thông, còn sau này là tự học tiếng Anh vào những năm 80 để có thể viết bài gửi tạp chí quốc tế. “Lúc đầu tôi cũng bị ban biên tập sửa lỗi tiếng Anh, nhưng bây giờ chủ yếu họ chỉ yêu cầu sửa chữa về nội dung,” – ông kể.

Phần lớn các kết quả nghiên cứu của ông từ 40 năm nay đều nhất quán với đề tài “phương pháp bài toán ngược và những bài toán biên đối với phương trình phi tuyến” - đề tài ông quan tâm từ khi còn làm nghiên cứu sinh ở Viện Toán Kiev, Ukraine, những năm 1971-1974. Trong luận án tiến sĩ của ông khi đó có những dòng nhận xét như sau: "…Luận án đã sáng tạo ra một phương hướng nghiên cứu mới trong lý thuyết những bài toán ngược hai chiều, đã phát triển những phương pháp về bài toán ngược. Đây là một công trình hiếm có, là một tấm gương đối với những người làm toán trẻ tuổi. Đề tài nghiên cứu hiện đại, những kết quả của luận án có thể sử dụng và phát triển ở các lĩnh vực vật lý lý thuyết, toán ứng dụng…".

Cũng ngay từ những năm đó, ông đã có năm bài báo công bố trên các tạp chí khoa học của Liên Xô và được dịch sang tiếng Anh ở Mỹ. Đến nay, con số bài báo của ông công bố trên các tạp chí khoa học của Mỹ, Đức, Anh, Ý, Pháp, Hà Lan, Ukraine... không dưới 30. Mặc dù tự nhận mình chỉ thuộc diện "trung bình khá" so với đồng nghiệp cùng chuyên ngành trên thế giới, nhưng con số những bài báo công bố quốc tế của ông đã nói lên một quá trình lao động bền bỉ và nghiêm túc mà không phải nhà khoa học nào cũng có được. Đặc biệt, từ khi về hưu vào năm 2000, ông vẫn đều đặn có bài công bố quốc tế hằng năm (bảy bài), nhiều nhất là trên ba tạp chí nằm trong Danh sách ISI là Journal of Nonlinear Mathematical Physics (Vật lý toán phi tuyến) của Mỹ, Inverse Problems (Bài toán ngược) của Anh và Acta Applicandae Mathematicae (Acta Toán học Ứng dụng) của Hà Lan. “Từ khi gửi bài cho đến khi được đăng trên một tạp chí khoa học quốc tế nhanh nhất cũng phải một năm, nhưng do tôi làm xen kẽ nên năm nào cũng có bài công bố là như vậy, ” – ông giải thích. Đã có thời gian cả chục năm ông bỏ nghiên cứu, đi làm ứng dụng “kiếm tiền cho vợ đi chợ”, nhưng sức hấp dẫn của khoa học đã kéo ông trở lại với hướng nghiên cứu bấy lâu nay của mình để rồi có những đóng góp mới mẻ được quốc tế thừa nhận. Cuốn vở nháp dày trên bàn làm việc của ông vẫn tiếp tục được phủ kín bởi các công thức toán học – đó lại là một bài báo mới, hướng tới giải quyết các vấn đề mà hai nhà khoa học - một người Australia, một người Anh - còn bỏ ngỏ trong bài báo “Bài toán biên đối với phương trình Korteweg-de Vries trên phần tư mặt phẳng âm” (The initial-boundary problem for the Korteweg-de Vries equation on the negative quarter-plane) từ năm 2001. Như ông cho biết, còn một vài bài báo nữa để khép lại chuỗi nghiên cứu và sau đó là dự định về một cuốn sách tổng kết các nghiên cứu của mình. Tất cả cũng là để “Làm sao được góp vào toà lâu đài khoa học một viên gạch nhỏ”.

GS-TS KH Phạm Lợi Vũ sinh năm 1934 tại Hà Nội, trong một gia đình nghèo. 16 tuổi tòng quân, làm liên lạc cho phòng quân y. Ở bộ đội, ông được học đến lớp 6, sau đó học chín tháng ở khu học xá Việt Nam tại Nam Ninh. Học chưa hết lớp 7, ông được điều về Ty Giáo dục Hà Đông làm công tác xoá mù chữ. Tự học và tốt nghiệp cấp ba phổ thông năm 1958; năm 1961, ông được cử đi học ở Liên Xô cho đến năm 1966. Ông từng công tác tại Viện các khoa học về Trái đất, Viện Cơ học.

Bài báo đầu tiên được đăng tóm tắt trên Journal Referativ (một tạp chí chuyên đăng các tiểu luận khoa học) của Liên Xô năm 1967 khi ông đang sơ tán trong rừng, làm giảng viên ĐH Sư phạm Việt Bắc.

Xem thêm

Mời đọc các bài báo khoa học của GS-TSKH Phạm Lợi Vũ tại thể loại Phạm Lợi Vũ