Nhận định thực trạng đánh giá kết quả học tập

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Kết quả học tập và năng lực của HSSV[sửa]

Năm học 2010, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức thí điểm thi tốt nghiệp CĐN khóa 1 theo ngân hàng đề thi dùng chung đối với 07 nghề gồm: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, hàn, điện tử công nghiệp, kế toán doanh nghiệp, quản trị mạng máy tính. Số sinh viên đỗ tốt nghiệp là 10.536 chiếm 95,37%; số sinh viên trượt tốt nghiệp là 495 chiếm 4,48%. (Bảng 2.1)

Bảng 2.1: Kết quả thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 1 theo ngân hàng  đề thi chung

TT Tên nghề Đỗ tốt nghiệp Trượt tốt nghiệp
Số lượng Tỷ lệ (%) Số lượng Tỷ lệ (%)
1 Điện công nghiệp 3400 96,04 135 3,81
2 Hàn 1343 97,81 30 2,18
3 Công nghệ ôtô 1697 94,96 89 4,98
4 Cắt gọt kim loại 629 93,60 43 6,39
5 Quản trị mạng máy tính 506 96,74 17 3,25
6 Điện tử công nghiệp 404 92,87 31 7,12
7 Kế toán doanh nghiệp 2557 94,11 150 5,52

(Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, 2011)

 Năm 2013, tỷ lệ tốt nghiệp các trường TCN, CĐN trên cả nước rất cao, đạt 93,6% (Bảng 2.2).

  Bảng 2.2: Kết quả thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 1 theo ngân hàng đề thi chung

TRÌNH ĐỘ Tốt nghiệp Trượt tốt nghiệp
Số lượng Tỉ lệ (%) Số lượng Tỉ lệ (%)
CĐN 46,108 91.6 4,244 8.4
TCN 64,209 95.1 3,306 4.9
Tổng cộng 110,317 93.6 7,550 6.4

(Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, 2013)

Trong khi đó, đánh giá từ phía sử dụng lao động lại cho thấy mức độ đáp ứng của người tốt nghiệp đối với yêu cầu thực tế của hoạt động nghề nghiệp lại có những vấn đề đáng quan tâm. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Tập đoàn Manpower đối với 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2013 thuộc 3 ngành: Hàng hóa tiêu dùng; lắp ráp, chế tạo ô tô; và điện tử cho thấy mức độ đáp ứng không cao của người tốt nghiệp CSDN so với yêu cầu công việc (Hình 2.11).

Hình 2.11: Biểu đồ thiếu hụt kỹ năng của lao động trực tiếp và quản đốc xưởng (Nguồn: Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Manpower 2014)

Các doanh nghiệp coi trọng nhất ý thức về chất lượng và đúng giờ/đáng tin cậy, các kĩ năng liên quan đến thái độ làm việc là kỹ năng tổng quát quan trọng nhất đối với lao động trực tiếp và quản đốc xưởng nhưng đây cũng lại là thiếu hụt lớn nhất, khoảng 30%, trong nhóm lao động này của Việt Nam. Giám đốc sản xuất của Pepsico Việt Nam cho biết: “Không khó để tìm được những người có bằng cấp phù hợp, nhưng tuyển được người có kỹ năng mềm phù hợp thì không dễ dàng chút nào…”, chẳng hạn thiếu hụt kỹ năng làm việc nhóm chiếm khoảng 20% đội ngũ lao động trực tiếp và quản đốc xưởng.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, các sinh viên tốt nghiệp ra trường với những kỹ năng không phản ánh được đầy đủ nhu cầu của TTLĐ. Hệ thống phát triển kỹ năng của Việt Nam ngày nay không đáp ứng được yêu cầu đáng lẽ nó phải đáp ứng, và đang phải khắc phục “sự thiếu kết nối” giữa người sử dụng lao động với sinh viên và các trường nghề [74; tr 22].

Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng xác định một trong hai vấn đề cấp bách đối với dạy nghề của Việt Nam chính là kỹ năng thực hành của HSSV mà nguyên do là: thiếu giáo viên có tay nghề, thiếu đánh giá độc lập đối với người tốt nghiệp, và số lượng HSSV quá đông so với diện tích các xưởng thực hành [44; tr 46].

Một số tồn tại và nguyên nhân cơ bản[sửa]

Từ kết quả khảo sát thực trạng đánh giá trong các CSDN đã cho thấy các vấn đề sau đây:

Một số tồn tại[sửa]

Thứ nhất, HSSV của các trường có điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và đánh giá khác nhau nhưng sẽ nhận bằng tốt nghiệp trình độ CĐN hoặc TCN như nhau, hoặc thậm chí những người tốt nghiệp loại giỏi và khá hoặc khá và trung bình của cùng một trường cũng khó phân biệt được năng lực đạt được của họ. Trong nhiều trường hợp, kết quả học tập đã không phản ánh năng lực thực sự của người học và những lỗ hổng hay hạn chế về năng lực chỉ bộc lộ khi họ đã tham gia vào TTLĐ. Những hạn chế về năng lực có thể kể là sự tuân thủ an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, kỹ năng tổ chức và phối hợp làm việc nhóm, xử lý tình huống, khả năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ.

Thứ hai, đào tạo lý thuyết chuyên môn nghề được coi là tốt nhưng đôi khi, thực tế lại không dùng cho các công việc của nghề dù chương trình đào tạo đã được xây dựng dựa trên phân tích nghề và phân tích công việc. Khi xem xét lại kết cấu của các chương trình dạy nghề cho thấy rằng, dung lượng và tiêu chuẩn kiến thức không thể hiện mức độ thiết yếu, tối thiểu phải có để hoàn thành công việc.

Thứ ba, đã có sự khác biệt tương đối rõ về đánh giá năng lực của HSSV giữa CSDN và  bên sử dụng lao động. Nó thể hiện việc đánh giá kết quả học tập thường không hướng theo đầu ra gắn với TCKNN/TCNL được quy định bởi ngành nghề mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, năng lực của giáo viên và điều kiện sẵn có của CSDN.

Thứ tư, kết quả đánh giá vốn là một khâu trọng yếu của quá trình đào tạo mới chỉ sử dụng để xếp loại học tập của người học là chính mà chưa thực sự được quan tâm đúng mức, được phân tích khoa học như chức năng hỗ trợ của đánh giá là nhằm mục đích cải tiến hoạt động dạy học nghề.

Nguyên nhân[sửa]

Sở dĩ còn những tồn tại trên là do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, dù phần lớn các chương trình đào tạo nghề đã được xây dựng dựa trên kết quả phân tích nghề, phân tích công việc nhưng kết cấu chương trình gồm cả mô-đun và môn học thiếu tính linh hoạt đáp ứng nhu cầu và khả năng của người học. Đồng thời, nhiều mô-đun không được thiết kế trong mối liên hệ với đơn vị TCNL mà vẫn kết cấu theo tập hợp các bài lý thuyết và bài thực hành riêng lẻ, chưa tích hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp một cách trọn vẹn.

Nguyên nhân sâu xa hơn chính là việc định nghĩa bậc trình độ giáo dục nói chung, dạy nghề nói riêng của Việt Nam không rõ ràng. Mặc dù các trình độ có tên gọi nhưng rất khó khăn để đo lường về diện, độ sâu và mức độ phức tạp của các năng lực do không có sự phân loại đặc trưng của mỗi bậc. Mỗi bậc trình độ lại không được định nghĩa dựa theo chuẩn đầu ra của quá trình học tập. Các tiếp cận theo mục tiêu giáo dục và đào tạo cho mỗi mức trình độ đào tạo chưa phản ánh được bản chất của các trình độ (Bảng 2.3).

Bảng 2.3: Mục tiêu đào tạo của đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề

Trung cấp nghề Trung cấp chuyên nghiệp Cao đẳng nghề Cao đẳng Đại học
Người học nghềcó kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề; có khả năng làm việc độc lập và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn. Người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc. Người học nghề có kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và tổ chức làm việc theo nhóm; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; giải quyết được các tình huống phức tạp trong thực tế; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn. Sinh viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào tạo. Sinh viênnắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Nguồn: Luật Giáo dục sửa đổi 2009 và Luật Dạy nghề 2006

Nếu so sánh về phương diện định nghĩa trình độ theo mục tiêu đào tạo như Bảng 2.3 thì ở một vài nội dung nào đó trình độ CĐN còn cao hơn trình độ cử nhân. Ví dụ, người tốt nghiệp CĐN có khả năng giải quyết “…các tình huống phức tạp trong thực tế” trong khi đó tốt nghiệp trình độ đại học có khả năng “…giải quyết được những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo”. Hoặc, mục tiêu đào tạo của trung cấp chuyên nghiệp được diễn đạt bắt đầu từ chủ thể là “người lao động” có khả năng sáng tạo (thậm chí không có trong mục tiêu đào tạo cao đẳng), còn TCN và CĐN là “người học nghề …”, cao đẳng và đại học là “sinh viên...”.

Hai là, nguồn lực tài chính hạn chế dẫn đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng cho thực hành kỹ năng của nhiều nghề hoặc của CSDN vẫn chưa đáp ứng đủ về số lượng và chủng loại, cập nhật về công nghệ. Các điều kiện cần thiết để người học thực hành vì thế không được bảo đảm và kết quả đánh giá thường chỉ có giá trị nhất định trong phạm vi của nhà trường mà ít chứng tỏ sự thực hành năng lực trong thực tiễn hoạt động nghề.

Ba là, phần lớn giáo viên dạy nghề có ít kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất và thậm chí chưa hiểu biết về TCKNN, chưa được đào tạo bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng CBA. Việc đánh giá không được tiến hành thường xuyên mà chủ yếu là hình thức kiểm tra định kỳ và đánh giá tổng kết nên không cung cấp kịp thời thông tin phản hồi cho người học để bảo đảm các yếu tố phát triển năng lực. Trong nhiều trường hợp các giáo viên cũng như CSDN đã không chú ý đúng mức đến tiêu chuẩn thực hiện công việc của nghề dẫn đến việc tổ chức hoạt động nhóm có khi chỉ mang tính hình thức, theo kinh nghiệm của giáo viên. Một nguyên nhân khá phổ biến khác là nhiều trường, nhiều nghề đào tạo không có đủ thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, diện tích phòng học thực hành không bảo đảm thời lượng luyện tập với mỗi người học và phải ghép nhóm để sử dụng chung.

Bốn là, HSSV vẫn chưa quen với việc tự học, tự đánh giá theo các tiêu chí thực hiện và từ đó có thể tự nhận thức và điều chỉnh liên tục để kết quả thực hành tốt hơn. Khi mà người học còn thực hiện công việc một cách máy móc, thụ động thì gặp các tình huống mới hoặc các vấn đề có tính phức tạp trong nghề đều khó thích ứng, không đưa ra các phương án giải quyết khả thi và thực hiện hiệu quả.

Năm là, các doanh nghiệp chưa thực sự tham gia vào quá trình đào tạo một cách chủ động và có tính chất liên kết hệ thống, tạo ra mối quan hệ hữu cơ đào tạo-sử dụng. Nguyên nhân xa hơn là chưa có chính sách cụ thể đủ mạnh hoặc điều kiện ràng buộc để các doanh nghiệp có thể sử dụng ưu thế cũng như tăng cường trách nhiệm đối với đào tạo nghề, bao gồm hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả của HSSV.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này