Nhận biết ngón chân bị gãy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có cảm thấy ngón chân mình giống như bị gãy nhưng không dám chắc? Gãy ngón chân là chấn thương khá phổ biến khi có vật nặng rớt lên chân, khi bạn gặp tai nạn hay vấp mạnh ở ngón chân. Hầu hết các trường hợp gãy ngón chân đều lành dễ dàng, nhưng cũng có khi bạn phải tới bệnh viện để điều trị. Bạn cần học cách nhận biết khi nào ngón chân gãy để quyết định có nên đi khám bệnh hay không.

Các bước[sửa]

Kiểm tra Ngón chân[sửa]

  1. Đánh giá mức độ đau. Nếu ngón chân gãy bạn sẽ cảm thấy đau khi đè trọng lượng cơ thể lên chân, hoặc khi nhấn vào nó. Có thể bạn vẫn bước đi được, nhưng nếu cố gắng thì cơn đau càng trở nên trầm trọng. Khi bạn bị đau cũng chưa chắc ngón chân đã gãy, nhưng nếu cơn đau kéo dài thì khả năng là xương đã bị rạn hay gãy.[1]
    • Nếu bạn cảm thấy đau kinh khủng mỗi khi đè trọng lượng cơ thể lên ngón chân thì tình trạng chỗ gãy có thể khá nặng, khi đó bạn nên đi khám ngay lập tức. Đối với các vết gãy nhỏ thì không đau nhiều, và bạn cũng không nhất thiết phải tới bệnh viện.
    • Đau kết hợp với cảm giác ngứa ran là dấu hiệu xương bị rạn, bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
  2. Kiểm tra kích thước ngón chân. Bạn cần xác định ngón chân có bị sưng không, vì đây là dấu hiệu phổ biến khi xương rạn. Nếu chỉ đơn giản là vấp chân thì cơn đau chỉ kéo dài một lúc và ngón chân cũng không sưng. Nhưng nếu xương rạn thì gần như chắc chắn ngón chân sẽ sưng.
    • Đặt ngón chân bị thương bên cạnh ngón chân bình thường ở cùng vị trí bên bàn chân còn lại. Nếu nó to hơn hẳn ngón khỏe mạnh thì khả năng đã bị rạn xương.[2]
  3. Quan sát hình dạng ngón chân. Khi so sánh ngón bị thương với ngón bình thường ở chân bên kia, bạn có thấy nó biến dạng hay lệch không? Nếu xảy ra tình trạng này thì rất có thể ngón chân bị gãy khá nặng và bạn phải tới bệnh viện ngay lập tức. Vết rạn nhỏ không thể làm thay đổi hình dạng ngón chân.
  4. Kiểm tra sự thay đổi màu sắc. Khi ngón chân rạn xương, không giống như khi vấp ngã thông thường, vết bầm thường xuất hiện và làm màu ngón chân thay đổi, chuyển sang màu đỏ, vàng, xanh hay đen. Bên cạnh đó ngón chân bị chảy máu, và tất cả những dấu hiệu này chứng tỏ ngón chân đã gãy.
    • Nếu bạn có thể nhìn xuyên qua da và thấy xương gãy bên trong ngón chân, đó là dấu hiệu chắc chắn nhất và bạn phải tới gặp bác sĩ ngay.
  5. Kiểm tra bằng cách sờ nắn. Nếu bạn cảm nhận được xương đang di chuyển bên trong, hay có chuyển động bất thường bên trong ngón chân (ngoài ra cảm thấy rất đau!), thì khả năng cao là ngón chân đã gãy.
  6. Biết khi nào cần gặp bác sĩ. Nếu ngón chân bị đau, đổi màu và sưng liên tục trong vài ngày thì bạn nên đi khám bệnh. Có thể bạn cần phải chụp x-quang để biết chắc có gãy hay không, có nhiều trường hợp bác sĩ sẽ khuyên bạn không chạm đến nó và để ngón chân tự khỏi. Nhưng nếu tình trạng chỗ gãy nghiêm trọng thì phải có biện pháp điều trị bổ sung.
    • Nếu quá đau đến độ không thể tự bước đi thì bạn nên đi khám bệnh ngay lập tức.
    • Nếu ngón chân dường như bị lệch hướng hay méo quá mức thì bạn cũng phải tới bệnh viện ngay.
    • Bạn cần hỗ trợ cấp cứu nếu ngón chân trở nên lạnh hay ngứa ran, hoặc khi chuyển sang màu xanh do thiếu ôxi. [2]

Chăm sóc Ngón chân gãy[sửa]

  1. Thường xuyên chăm sóc ngón chân cho tới khi gặp bác sĩ. Bạn bỏ đá cục vào một túi nhựa và dùng tấm vải bọc quanh túi đá, sau đó đặt túi đá lên trên ngón chân bị thương. Mỗi lần chườm trong 20 phút và thực hiện cho tới lúc được bác sĩ thăm khám. Đá lạnh giúp giảm sưng và ổn định tình trạng ngón chân. Bạn cần nâng cao bàn chân bất kì khi nào có thể và không nên đi bộ xa trên chân bị chấn thương.[3]
    • Không chườm đá liên tục quá 20 phút vì bạn có thể làm tổn thương da ngón chân nếu để quá lâu.
    • Nếu muốn bạn nên uống thuốc giảm đau như ibuprofen hay aspirin.
  2. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong khi khám bệnh, bác sĩ sẽ chụp x-quang và hướng dẫn bạn cách chăm sóc ngón chân. Trong một số trường hợp bác sĩ phải nắn lại xương, còn nếu chỗ gãy quá nặng họ phải phẫu thuật để đặt ghim kẹp hay bắt ốc vào ngón chân, cố định xương bên trong.
  3. Để ngón chân nghỉ ngơi. Đầu tiên bạn không được tham gia vào hoạt động đã gây ra chấn thương đó, đồng thời tránh làm các công việc khiến áp lực đè lên ngón chân. Đi bộ nhẹ, bơi lội hay đạp xe có thể được, nhưng bạn không được chạy bộ hay chơi những môn thể thao va chạm trong nhiều tuần sau đó. Nói chung bạn nên để ngón chân nghỉ ngơi theo lượng thời gian bác sĩ yêu cầu.
    • Khi ở nhà bạn nên kê cao chân để giảm sưng.
    • Sau nhiều tuần dưỡng bệnh bạn hãy bắt đầu sử dụng lại ngón chân một cách từ từ. Nếu cảm thấy đau thì bạn nên giảm cường độ để ngón chân có thời gian nghỉ ngơi.
  4. Thay băng nếu cần. Hầu hết các ca rạn hay gãy xương đều không cần bó bột, thay vào đó bác sĩ sẽ chỉ bạn cách "băng chung" ngón chân gãy với ngón bên cạnh. Đây là cách để ngón chân gãy không lúc lắc và tránh bị tái chấn thương. Bạn nên nhờ bác sĩ hay y tá hướng dẫn cách thay băng dính và gạc y tế sau vài ngày để giữ khu vực chấn thương sạch sẽ.
    • Nếu sau khi băng, ngón chân mất cảm giác hoặc thay đổi màu sắc thì có thể do băng dính cột quá chặt. Nếu vậy bạn phải tháo ra ngay và nhờ bác sĩ hướng dẫn buộc lại.
    • Người mắc bệnh tiểu đường không nên băng ngón chân, thay vào đó họ phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ bằng cách đi loại giày chỉnh hình đặc biệt đế phẳng.[1]
  5. Chăm sóc vết thương nặng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu vết gãy khá nặng và buộc phải bó bột, nẹp hay phải đi loại giày đặc biệt, khi đó bạn cần để ngón chân nghỉ ngơi hoàn toàn từ 6 tới 8 tuần. Những vết gãy phải phẫu thuật thậm chí còn cần thời gian dưỡng bệnh lâu hơn. Ngoài ra trong thời gian nghỉ ngơi bạn phải tái khám nhiều lần để đảm bảo chỗ gãy đang lành theo dự tính.
    • Tuyệt đối làm theo lời bác sĩ khi chăm sóc vết thương nặng, nếu không bạn phải tốn rất nhiều thời gian hơn mức cần thiết để chỗ gãy có thể lành.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Túi đá
  • Băng dính và gạc y tế


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây