Nhận biết bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh tiểu đường ở trẻ em, thường được gọi là tiểu đường tuýp 1 hoặc tiểu đường phụ thuộc insulin, là tình trạng ngừng sản xuất insulin của tụy, một cơ quan trong cơ thể vốn có chức năng sản xuất insulin. Insulin là một hormone quan trọng với chức năng điều hòa lượng đường (glucose) trong máu và chuyển glucose đến các tế bào nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu insulin không được sản xuất, lượng glucose tích tụ lại trong máu và mức đường huyết có thể tăng quá cao. Về mặt lý thuyết, tiểu đường tuýp 1 có thể phát triển ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng thực tế thường xảy ra ở những người dưới 30 tuổi và là dạng tiểu đường phổ biến nhất ở trẻ em.[1][2] Các triệu chứng của bệnh tiểu đường trẻ em thường phát triển nhanh sau khi khởi phát.[3] Việc chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em cần được thực hiện càng sớm càng tốt, do bệnh này sẽ nặng hơn theo thời gian và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như suy thận, hôn mê, thậm chí tử vong.[1]

Các bước[sửa]

Nhận biết các triệu chứng sớm và hiện có[sửa]

  1. Quan sát hiện tượng khát nước. Mọi triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 là kết quả của tình trạng tăng đường huyết, tức là lượng glucose trong cơ thể tăng cao, và cơ thể đang nỗ lực cân bằng lại. Hiện tượng tăng khát nước (polydipsia) là một trong những triệu chứng thường gặp nhất. Cơn khát dữ dội là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng loại bỏ glucose trong máu vì không sử dụng được (do không có insulin đưa glucose đến các tế bào). Trẻ có thể luôn luôn khát nước hoặc uống một lượng nước nhiều bất thường, vượt xa lượng chất lỏng hàng ngày trẻ thường uống.[4][5]
    • Theo các hướng dẫn tiêu chuẩn, trẻ em nên uống từ 5 đến 8 ly chất lỏng mỗi ngày. Trẻ nhỏ hơn (từ 5-8 tuổi) có thể uống ít hơn (khoảng 5 ly) và trẻ lớn hơn có thể uống nhiều hơn (8 ly).[6]
    • Tuy nhiên, đó là hướng dẫn chung, và chỉ có bạn mới biết con bạn thực sự uống bao nhiêu nước mỗi ngày. Do đó, việc đánh giá hiện tượng khát nước tăng tùy thuộc vào lượng nước trẻ thường uống hàng ngày. Nếu bình thường trẻ chỉ uống ba ly nước và một ly sữa vào bữa tối, nhưng bây giờ liên tục đòi uống nước, và lượng chất lỏng trẻ uống vào vượt xa 3 – 4 ly một ngày, có lẽ đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.
    • Trẻ có thể khát đến mức dù uống bao nhiêu nước cũng không hết khát, thậm chí còn có biểu hiện mất nước.
  2. Để ý xem trẻ có đi tiểu nhiều hơn bình thường không. Số lần đi tiểu tăng, còn gọi là chứng đa niệu (polyuria) là do cơ thể đang nỗ lực lọc glucose qua nước tiểu. Tất nhiên, đây cũng có thể là kết quả của việc uống nhiều nước. Khi uống nhiều nước hơn, cơ thể sẽ sản xuất nhiều nước tiểu hơn, dẫn đến đi tiểu nhiều lần hơn.[7]
    • Đặc biệt chú ý thời gian ban đêm và kiểm tra xem con bạn có đi tiểu ban đêm nhiều hơn bình thường không.[5]
    • Không có số lần đi tiểu trung bình mỗi ngày. Điều này phụ thuộc vào thức ăn và lượng nước trẻ uống vào, do đó số lần đi tiểu bình thường ở trẻ này không hẳn là bình thường đối với trẻ khác. Tuy nhiên, bạn có thể so sánh số lần trẻ đi tiểu vào thời điểm hiện tại với trước kia. Nói chung, nếu trước kia mỗi ngày trẻ đi vệ sinh 7 lần, nhưng nay đi đến 12 lần thì điều này là đáng lo ngại. Đó cũng là lý do tại sao ban đêm là thời gian thích hợp để quan sát và lưu ý. Nếu con bạn chưa bao giờ dậy đi tiểu ban đêm mà bây giờ dậy 3-4 lần mỗi đêm thì bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.
    • Lưu ý các dấu hiệu mất nước do trẻ đi tiểu quá nhiều. Đó là các biểu hiện mắt trũng sâu, khô miệng và da mất độ đàn hồi (thử véo nhẹ vào mu bàn tay trẻ và nhấc lên. Nếu da không đàn hồi trở lại ngay thì đó là dấu hiệu mất nước).[8]
    • Bạn cũng nên để ý nếu con bạn đái dầm trở lại. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trẻ đã bỏ tã và từ lâu không còn đái dầm.
  3. Chú ý hiện tượng sụt cân không rõ nguyên nhân. Tiểu đường tuýp 1 thường gây sụt cân nhiều do tình trạng rối loạn chuyển hóa liên quan đến mức đường huyết tăng cao. Thông thường hiện tượng sụt cân diễn ra nhanh chóng, tuy cũng có đôi lúc diễn tiến chậm.[9]
    • Con bạn có thể bị sụt cân và thậm chí có vẻ gầy gò và yếu ớt do bệnh tiểu đường tuýp 1. Lưu ý rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 thường làm giảm các khối cơ kèm với hiện tượng sụt cân.[5]
    • Như một nguyên tắc chung, tình trạng sụt cân không do chủ ý luôn cần sự tư vấn của bác sĩ.
  4. Để ý nếu trẻ đột ngột đói nhiều hơn. Tình trạng mỡ và cơ bắp bị tiêu hủy cộng với giảm calorie do tiểu đường tuýp 1 dẫn đến mất năng lượng nhiều hơn, và kết quả là tăng các cơn đói. Đây là một nghịch lý – trẻ có thể sụt cân ngay cả khi rõ ràng là ăn rất ngon miệng.[10]
    • Chứng ăn quá độ (polyphagia) hoặc cực kỳ đói xảy ra khi cơ thể nỗ lực thu nạp glucose mà các tế bào cần được máu cung cấp. Cơ thể của trẻ đòi hỏi thêm thức ăn khi cố gắng nạp glucose để tạo năng lượng nhưng bất thành. Khi không có insulin, cho dù trẻ có ăn bao nhiêu đi nữa, glucose trong thức ăn sẽ chỉ trôi nổi trong máu và không bao giờ vào được các tế bào.
    • Hiểu rằng không có tiêu chuẩn khoa học nào để đánh giá mức độ đói của trẻ. Một số trẻ vốn ăn nhiều hơn các trẻ khác. Đừng quên rằng trẻ em thường đói nhiều hơn trong giai đoạn phát triển tăng vọt. Tốt nhất là bạn nên so sánh hành vi của trẻ hiện tại và trước đây để đánh giá mức độ đói của trẻ có vượt xa bình thường không. Ví dụ, nếu trước kia con bạn bữa nào cũng kén ăn và ăn ít nhưng vài tuần trở lại đây trẻ không chỉ ăn hết mọi thứ trong đĩa của mình mà còn đòi ăn thêm thì dấu hiệu này đang cảnh báo về bệnh tiểu đường. Hơn nữa nếu trẻ còn khát nước và đi vệ sinh nhiều thì có lẽ không phải là do trẻ đang trong thời kỳ phát triển tăng vọt.
  5. Chú ý nếu đột nhiên trẻ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Lượng calorie và glucose mất đi để sinh năng lượng, cộng thêm tình trạng mỡ và cơ bắp bị tiêu hủy thường sẽ dẫn đến mệt mỏi và không còn hứng thú với những trò chơi và hoạt động bình thường trẻ vẫn yêu thích.[5]
    • Đôi khi trẻ cũng có xu hướng trở nên cáu kỉnh và tâm trạng thất thường do mệt mỏi.
    • Cùng với các triệu chứng mô tả ở trên, bạn cũng cần quan sát nếp ngủ của trẻ so với bình thường. Bạn nên chú ý nếu trước đây ban đêm trẻ thường ngủ 7 tiếng, nhưng nay ngủ đến 10 tiếng mà vẫn kêu mệt hoặc có biểu hiện buồn ngủ, chậm chạp hoặc lờ đờ ngay cả sau một đêm ngủ nhiều. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ không đơn giản chỉ đang ở trong thời kỳ tăng trưởng nhanh hoặc đang ở giai đoạn mệt mỏi, mà có thể đó là do bệnh tiểu đường.
  6. Lưu ý nếu con bạn kêu mắt bị mờ. Mức đường huyết cao làm thay đổi thành phần nước trong thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể sưng lên, do đó trẻ nhìn thấy các hình ảnh mờ đục hoặc nhòe. Nếu trẻ than phiền vì mắt nhìn mờ và những buổi khám mắt không có kết quả, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để loại trừ bệnh tiểu đường tuýp 1.[11]
    • Hiện tượng nhìn mờ có thể được giải quyết bằng việc ổn định mức đường huyết.

Theo dõi các triệu chứng muộn hoặc đồng phát[sửa]

  1. Quan sát tình trạng nhiễm nấm tái đi tái lại. Người bị tiểu đường có lượng đường và glucose rất cao trong máu và trong dịch tiết âm đạo. Đây là môi trường lý tưởng cho các tế bào nấm men sinh trưởng và gây viêm nhiễm. Do đó con bạn có thể bị nhiễm nấm da và tái phát nhiều lần.[4]
    • Lưu ý nếu con bạn có biểu hiện ngứa ở bộ phận sinh dục. Ở bé gái, bạn có thể thấy trẻ thường bị nhiễm nấm men với biểu hiện là ngứa và khó chịu ở vùng kín, âm đạo tiết dịch màu trắng hoặc hơi vàng và có mùi hôi.[5]
    • Một dạng nhiễm nấm khác có thể là kết quả của tình trạng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 là bệnh nấm da chân, gây biến màu và bong da ở kẽ ngón chân và lòng bàn chân.[12]
    • Bé trai, nhất là những trẻ không cắt bao quy đầu cũng có thể nhiễm nấm/ nấm men quanh đầu dương vật.
  2. Theo dõi tình trạng nhiễm nấm da tái đi tái lại. Bệnh tiểu đường ngăn cản khả năng phản ứng mà bình thường vốn giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm, do căn bệnh này gây rối loạn chức năng miễn dịch. Hơn nữa, lượng glucose tăng cao trong máu cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại sinh sôi, khiến các bệnh nhiễm vi khuẩn trên da như mụn bọc hoặc áp-xe, nhọt độc và viêm loét xảy ra thường xuyên.[13]
    • Một đặc điểm khác của tình trạng nhiễm trùng da tái phát nhiều lần là vết thương lâu lành. Ngay cả những vết đứt nhỏ, vết trầy xước hoặc vết thương nhẹ cũng phải mất thời gian dài mới lành. Bạn nên chú ý tới bất cứ vết thương nào không tự lành như bình thường.[5]
  3. Quan sát hiện tượng mất sắc tố da (vitiligo). Vitiligo là một chứng rối loạn tự miễn, dẫn đến hiện tượng giảm sắc tố melanin trong da. Melanin là một loại sắc tố tạo màu cho tóc, da và mắt. Khi bị tiểu đường tuýp 1, cơ thể sẽ phát triển các kháng thể tự miễn phá hủy melanin. Kết quả là các mảng trắng xuất hiện trên da.[14]
    • Mặc dù xảy ra ở giai đoạn rất muộn của bệnh tiểu đường tuýp 1 và không phổ biến lắm, bạn vẫn nên nghĩ đến bệnh tiểu đường nếu con bạn có các mảng trắng phát triển trên da.
  4. Chú ý hiện tượng nôn hoặc thở mạnh. Các triệu chứng này có thể xảy ra khi bệnh tiểu đường tiến triển. Nếu bạn nhận thấy trẻ nôn hoặc thở quá sâu thì đó là một dấu hiệu nguy hiểm và bạn nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị.
    • Những triệu chứng này có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm toan xeton do tiểu đường (diabetic ketoacidosis), một tình trạng có thể gây hôn mê dẫn đến tử vong. Các triệu chứng này xảy ra rất nhanh, đôi khi chỉ trong 24 giờ. Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm toan xeton do tiểu đường (DKA) có thể gây tử vong.[15]

Đến bác sĩ khám bệnh[sửa]

  1. Biết khi nào nên tham khảo bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, bệnh tiểu đường tuýp 1 chỉ được chẩn đoán lần đầu ở phòng cấp cứu, khi trẻ được xác định là hôn mê do tiểu đường hoặc DKA. Tuy có thể điều trị bằng chất lỏng và insulin, tốt nhất bạn vẫn nên tránh tình trạng này bằng cách tham khảo bác sĩ khi nghi ngờ con bạn bị tiểu đường. Bạn đừng đợi cho đến khi trẻ bị hôn mê do DKA mới xác nhận nghi ngờ của mình. Hãy đưa trẻ đi kiểm tra![16][17]
    • Các triệu chứng cần chăm sóc y tế khẩn cấp bao gồm: chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, sốt cao, đau dạ dày, hơi thở có mùi hoa quả (trẻ không ngửi thấy nhưng bạn có thể ngửi được).[5]
  2. Đến bác sĩ để kiểm tra. Khi nghi ngờ trẻ bị tiểu đường tuýp 1, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám. Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để đánh giá lượng đường trong máu. Hai loại xét nghiệm thông thường là xét nghiệm hemoglobin và xét nghiệm đường huyết nhanh hoặc ngẫu nhiên.[18]
    • Xét nghiệm glycated hemoglobin (A1C) — Đây là loại xét nghiệm máu nhằm cung cấp thông tin về mức đường huyết trong vòng hai hoặc ba tháng qua bằng cách đo tỷ lệ phần trăm lượng đường trong máu liên kết với hemoglobin. Hemoglobin là một protein có nhiệm vụ vận chuyển ô-xy trong các tế bào hồng cầu. Mức đường huyết càng cao, lượng đường liên kết với hemoglobin càng lớn. Mức đường trong máu từ 6,5% trở lên ở hai lần xét nghiệm riêng biệt báo hiệu bệnh tiểu đường. Đây là loại xét nghiệm tiêu chuẩn để đánh giá, kiểm soát và nghiên cứu bệnh tiểu đường.[19]
    • Xét nghiệm đường huyết — Với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu ngẫu nhiên. Bất kể con bạn đã ăn hay chưa, mức đường huyết ngẫu nhiên 200 milligrams/deciliter (mg/dL) có thể biểu thị bệnh tiểu đường, nhất là khi đi kèm với các triệu chứng khác. Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu sau khi yêu cầu trẻ nhịn đói qua đêm. Trong xét nghiệm này, mức đường huyết từ 100 đến 125 mg/dL biểu thị tình trạng tiền tiểu đường, và mức đường huyết từ 126 mg/dL (7 mmol/L) trở lên trong hai lần xét nghiệm riêng biệt cho thấy con bạn đã bị tiểu đường.[18]
    • Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để xác định bệnh tiểu đường tuýp 1. Sự hiện diện của ketones (xuất hiện từ việc phân hủy mỡ của cơ thể) trong nước tiểu là dấu hiệu của tiểu đường tuýp 1, trái với tiểu đường tuýp 2.[20][18] Glucose có trong nước tiểu cũng biểu thị cho bệnh tiểu đường.
  3. Tiếp nhận chẩn đoán và phác đồ điều trị. Khi đã hoàn thành các xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào kết quả xét nghiệm và các tiêu chuẩn của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA). Sau khi được chẩn đoán bệnh tiểu đường, trẻ sẽ được điều trị cho đến khi đường huyết ổn định. Bác sĩ sẽ phải xác định đúng loại insulin và liều lượng thích hợp cho con bạn. Có lẽ bạn cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, một chuyên gia về các rối loạn hormone để kết hợp điều trị bệnh tiểu đường cho trẻ.[18]
    • Sau khi con bạn đã được lập phác đồ điều trị cơ bản với insulin, cách vài tháng bạn sẽ phải đưa trẻ đi kiểm tra định kỳ và làm lại một số xét nghiệm trên để đảm bảo lượng đường huyết của trẻ ở mức thích hợp.
    • Trẻ cũng cần được kiểm tra mắt và chân thường xuyên, vì các triệu chứng do kém kiểm soát bệnh tiểu đường thường sẽ biểu hiện ở những bộ phận này trước tiên.[21]
    • Mặc dù không có cách nào chữa khỏi bệnh tiểu đường, nhưng với các tiến bộ của công nghệ và phương pháp điều trị, hầu hết trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 1 vẫn có thể sống hạnh phúc và khỏe mạnh nếu biết cách kiểm soát bệnh tiểu đường.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng bệnh tiểu đường tuýp 1, trước đây còn gọi là tiểu đường trẻ em, không liên quan đến chế độ dinh dưỡng và cân nặng.
  • Nếu trong gia đình có một thành viên trực hệ (như anh, chị, bố, mẹ) mắc bệnh tiểu đường, đứa trẻ cần được đi khám ít nhất mỗi năm một lần trong độ tuổi từ 5-10 để đảm bảo rằng trẻ không bị tiểu đường.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhiều triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 (như lờ đờ, khát, đói) chỉ tương đối, do đó thường dễ bị bỏ qua. Nếu nghi ngờ trẻ có bất cứ triệu chứng nào hoặc có các triệu chứng kết hợp, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám ngay.
  • Việc chẩn đoán, điều trị và kiểm soát sớm bệnh tiểu đường tuýp 1 là vô cùng cần thiết để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm bệnh tim, tổn thương thần kinh, mù lòa, suy thận và thậm chí tử vong.[17]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.nhs.uk/conditions/Diabetes-type1/Pages/Introduction.aspx
  2. http://www.diabetes.org/diabetes-basics/type-1/
  3. Rutlege, J MD, Eiselein, L, et al The Challenge of Type I Diabetics are Type I. ILAR J. 2004;45(3):231-6.)
  4. 4,0 4,1 Harrison's textbook on internal medicine 18th edition, chapter titled diabetes mellitus Mode of presentation of diabetes, D V Hamilton, SS Mundia and J Lister, British medical journal, 1976 July 24.
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 5,5 5,6 http://www.nhs.uk/Conditions/Diabetes-type1/Pages/Symptoms.aspx
  6. https://www.healthykids.nsw.gov.au/kids-teens/choose-water-as-a-drink-kids.aspx
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes-in-children/basics/symptoms/con-20029197
  8. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003281.htm
  9. http://www.idf.org/sites/default/files/Diabetes-in-Childhood-and-Adolescence-Guidelines.pdf
  10. www.besthealthmag.ca › Get Healthy › Diabetes‎
  11. http://www.diabetes.co.uk/symptoms/blurred-vision.html
  12. http://www.medicinenet.com/athletes_foot/article.htm
  13. 5. http://www.patient.info/health/type-1-diabetes
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24623500
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-ketoacidosis/basics/symptoms/con-20026470
  16. Elise Bismuth Lori Laffel. Can we prevent Diabetric DKA in Children Pediatric Diabetes Volume 8 supp a6 pages 22-33 Oct 2007
  17. 17,0 17,1 https://www.diabetes.org.uk/Guide-to-diabetes/What-is-diabetes/Diabetes-Symptoms/
  18. 18,0 18,1 18,2 18,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes/basics/preparing-for-your-appointment/con-20019573
  19. http://diabetes.niddk.nih.gov/dm/pubs/A1CTest/
  20. http://www.webmd.com/diabetes/guide/type-1-diabetes-exams-and-tests
  21. http://www.diabetes.co.uk/diabetes-checks.html