Nhận biết dấu hiệu bong gân mắt cá chân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bong gân mắt cá chân là một trong những chấn thương thường gặp nhất. Bong gân là do căng hoặc rách dây chằng hỗ trợ mắt cá chân. Bong gân xảy ra phần lớn là ở dây chằng ATF (dây chằng mác sên trước) vì dây chằng này chạy dọc bên ngoài mắt cá chân. Dây chằng bên ngoài không mạnh bằng dây chằng bên trong. Thông qua lực vật lý, trọng lực và trọng lượng cơ thể, chúng ta sẽ kéo căng dây chằng vượt quá khả năng thông thường. Điều này dẫn đến rách dây chằng và các mạch máu nhỏ xung quanh. Bong gân cũng giống như một sợi cao su bị kéo dãn quá căng, gây rách trên bề mặt và khiến dây chằng không ổn định.

Các bước[sửa]

Kiểm tra mắt cá chân[sửa]

  1. Nhớ lại thời điểm bị chấn thương. Bạn cần nhớ lại điều gì đã xảy ra khi bị chấn thương. Điều này có thể sẽ hơi khó khăn, đặc biệt là khi bạn đang đau dữ dội. Tuy nhiên, trải nghiệm hay cảm giác ngay tại thời điểm chấn thương có thể gợi nhớ cho bạn.
    • Bạn di chuyển nhanh cỡ nào? Nếu di chuyển tốc độ cao (ví dụ như trượt tuyết hoặc chạy nhanh), bạn có nguy cơ bị gãy xương và cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Chấn thương khi di chuyển tốc độ thấp (ví dụ như lắc cổ chân khi chạy bộ hoặc đi bộ) có khả năng là bong gân có thể tự lành nếu chăm sóc hợp lý.
    • Bạn có cảm giác dây chằng bị rách không. Trong nhiều trường hợp bong gân, bạn sẽ cảm thấy dây chằng bị rách.[1]
    • Có tiếng kêu răng rắc không? Mắt cá chân có thể kêu răng rắc nếu bị bong gân[1] hoặc gãy xương.
  2. Quan sát dấu hiệu sưng. Nếu bị bong gân, mắt cá chân sẽ trở nên sưng, thường là ngay lập tức.[1] Bạn nên kiểm tra hai bên mắt cá chân để xem mắt cá chân có sưng to không. Sưng và đau thường xuất hiện trong trường hợp bong gân hoặc gãy mắt cá chân.
    • Chân hoặc mắt cá chân biến dạng và đau dữ dội thường là dấu hiệu gãy xương mắt cá chân. Trong trường hợp đó, bạn cần dùng nạng và đi khám bác sĩ ngay lập tức.
  3. Quan sát dấu hiệu bầm tím. Bong gân thường gây bầm tím.[1] Kiểm tra mắt cá chân xem có dấu hiệu da đổi màu do bầm hay không.
  4. Kiểm tra xem có đau không. Bong gân mắt cá chân thường gây đau đớn. Bạn có thể chạm ngón tay vào vị trí chấn thương để xem có đau không. [1]
  5. Đặt trọng lượng vừa phải lên mắt cá chân. Bạn có thể thử đứng lên và nhẹ nhàng đặt một phần trọng lượng cơ thể lên mắt cá chân bị chấn thương. Nếu thấy đau, đó có thể là dấu hiệu bong gân hoặc gãy mắt cá chân. Sử dụng nạng và đi khám bác sĩ ngay lập tức.
    • Cảm nhận "sự lung lay" ở mắt cá chân. Mắt cá chân khi bị bong gân thường lỏng lẻo và không vững vàng.[1]
    • Trong trường hợp bong gân nghiêm trọng, bạn có thể không đặt được trọng lượng cơ thể lên mắt cá chân hay không thể đứng được. Đặt trọng lượng lên mắt cá chân hoặc đứng dậy có thể gây đau đớn.[1] Vì vậy, nên dùng nạng và đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Xác định mức độ bong gân[sửa]

  1. Nhận biết bong gân cấp độ 1. Bong gân mắt cá chân gồm 3 cấp độ. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Mức độ ít nghiêm trọng nhất là bong gân cấp độ 1.[2]
    • Đây là vết rách nhỏ không ảnh hưởng đến việc đứng hoặc đi lại. Mặc dù hơi bất tiện nhưng bạn vẫn có thể sử dụng mắt cá chân như bình thường.
    • Bong gân cấp độ 1 có thể gây sưng nhỏ và hơi đau.
    • Trong trường hợp bong gân cấp độ 1, tình trạng sưng thường khỏi sau vài ngày.[3]
    • Bong gân cấp độ 1 có thể khỏi khi bạn tự chăm sóc. [4]
  2. Nhận biết bong gân cấp độ 2. Bong gân cấp độ 2 là chấn thương mức độ vừa. Đây là tình trạng dây chằng hoặc nhiều dây chằng bị rách đáng kể nhưng không quá lớn.[5]
    • Khi bong gân cấp độ 2, bạn sẽ không thể sử dụng mắt cá chân như bình thường và khó khăn khi đặt trọng lượng lên mắt cá chân.
    • Bạn sẽ thấy cơn đau ở mức độ vừa phải, sưng và bầm tím.
    • Mắt cá chân sẽ hơi lỏng lẻo và trông như bị kéo về phía trước.
    • Đối với bong gân cấp độ 2, bạn cần được chăm sóc y tế và dùng nạng, dụng cụ bảo vệ mắt cá chân trong một thời gian để có thể đi lại.
  3. Nhận biết bong gân cấp độ 3. Bong gân cấp độ 3 là tình trạng dây chằng rách hoàn toàn và mất toàn bộ cấu trúc.[2]
    • Khi bong gân cấp độ 3, bạn sẽ không thể đặt trọng lượng lên mắt cá chân và không thể đứng nếu không được giúp đỡ.
    • Tình trạng sưng, đau trở nên nghiêm trọng.
    • Quanh xương mác sẽ sưng đáng kể (hơn 4 cm).
    • Xét nghiệm y tế có thể phát hiện thấy bàn chân và mắt cá chân có thể biến dạng thấy rõ hoặc gãy xương mác ngay dưới đầu gối.
    • Bong gân cấp độ 3 cần được bác sĩ chăm sóc ngay lập tức.
  4. Nhận biết dấu hiệu gãy xương. Gãy xương là chấn thương ở xương, đặc biệt phổ biến ở người khỏe mạnh chấn thương mắt cá chân do di chuyển tốc độ cao, và chấn thương nhỏ do ngã ở người lớn tuổi. Triệu chứng thường giống với bong gân mắt cấp độ 3. Gãy xương cần được chụp X-quang và điều trị chuyên nghiệp.
    • Mắt cá chân bị gãy sẽ rất đau đớn và không vững vàng.
    • Gãy xương nhỏ có triệu chứng giống bong gân nhưng chỉ có chuyên gia y tế mới có thể chẩn đoán hoặc sàng lọc thông qua chụp X-quang.
    • Tiếng răng rắc lại thời điểm chấn thương có thể là bằng chứng gãy xương mắt cá chân.
    • Bàn chân hoặc cổ chân biến dạng thấy rõ, ví dụ như bàn chân nằm ở tư thế hoặc góc bất thường, là dấu hiệu chắc chắn của gãy xương hoặc trật khớp mắt cá chân. [6]

Điều trị bong gân mắt cá chân[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Dù bong gân ở cấp độ nào thì tốt nhất bạn cũng nên đi khám bác sĩ để tìm cách điều trị tốt nhất nếu tình trạng sưng, đau kéo dài hơn một tuần.
    • Nếu nhận thấy dấu hiệu gãy xương và/hoặc bong gân cấp độ 2 hoặc 3, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Nói cách khác, bạn nên đi khám bác sĩ nếu không thể đi lại (hoặc khó đi lại), cảm giác tê ở mắt cá chân, đau dữ dội, nghe tiếng răng rắc tại thời điểm chấn thương.[1] Bạn cần được chụp X-quang và xét nghiệm chuyên nghiệp để xác định phương pháp điều trị.
    • Bong gân mức độ nhẹ có thể khỏi khi bạn tự chăm sóc. Tuy nhiên, bong gân không lành hoàn toàn có thể dẫn đến sưng, đau kéo dài. Ngay cả khi chỉ bong gân cấp độ 1, bạn cũng nên đi khám bác sĩ để được tư vấn. [4]
  2. Để mắt cá chân được nghỉ ngơi. Trong khi chờ đi khám bác sĩ, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà bằng phương pháp RICE (Rest - Nghỉ ngơi, Ice - Chườm đá, Compression - Băng nẹp, và Elevation - Nâng cao chân). Đây là từ viết tắt của bốn hành động điều trị. Đối với bong gân cấp độ 1, bạn có thể chỉ cần điều trị bằng phương pháp RICE. Bước đầu tiên là để mắt cá chân nghỉ ngơi. [7]
    • Tránh di chuyển mắt cá chân và cố định mắt cá chân nếu có thể.
    • Nếu có sẵn bìa cứng, bạn có thể thiết kế băng nẹp tạm thời để bảo vệ chân khỏi chấn thương thêm. Cố gắng nẹp mắt cá chân lại để mắt cá chân nằm yên đúng vị trí.
  3. Chườm đá. Chườm đá lên mắt cá chân có thể giúp giảm sưng và cảm giác khó chịu. Tìm vật lạnh chườm lên mắt cá chân càng sớm càng tốt.[7]
    • Đặt đá viên vào túi rồi nhẹ nhàng chườm lên khớp. Phủ khăn lên để tránh nguy cơ gây bỏng lạnh cho da.
    • Có thể dùng túi đậu đông lạnh để chườm lên mắt cá chân.
    • Chườm mắt cá chân khoảng 15-20 phút một lần, mỗi 2-3 tiếng một lần. Tiếp tục chườm trong vòng 48 tiếng.[8]
  4. Băng nẹp mắt cá chân. Đối với bong gân cấp độ 1, băng nẹp mắt cá chân bằng băng đàn hồi có thể giúp cố định và giảm nguy cơ chấn thương thêm.[9]
    • Quấn băng quanh mắt cá chân theo "hình số 8".
    • Không quấn quá chặt để tránh làm mắt cá chân sưng thêm. Quấn băng sao cho có thể chèn một ngón tay vào giữa băng quấn với da.
    • Nếu nghi ngờ bị bong gân cấp độ 2 hoặc 3, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn trước khi băng nẹp.
  5. Nâng cao bàn chân. Nâng chân cao hơn tim. Đặt bàn chân lên hai chiếc gối. Cách này giúp giảm tuần hoàn máu đến bàn chân và giúp giảm sưng. [8]
    • Nâng cao chân kết hợp cùng trọng lực giúp giảm sưng và giảm đau.
  6. Uống thuốc. Để kiểm soát tình trạng sưng, đau, bạn có thể uống thuốc kháng viêm không steroid NSAID. Thuốc NSAID không kê đơn phổ biến gồm có Ibuprofen (tên thương mại là Motrin, Advil), Naproxen (tên thương mại Aleve) và Aspirin. Acetaminophen (hay còn gọi lại Paracetamol hoặc tên thương mại là Tylenol) không phải thuốc NSAID và không giúp kiểm soát viêm nhưng có thể giúp giảm đau.[9]
    • Uống thuốc theo hướng dẫn trên bao bì và không uống thuốc NSAID để giảm đau quá 10-14 ngày.
    • Không cho trẻ dưới 18 tuổi uống Aspirin để tránh nguy cơ mắc hội chứng Reye.
    • Đối với cơn đau dữ dội và/hoặc bong cân cấp độ 2 hoặc 3, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Narcotic để uống trong 48 tiếng đầu tiên.
  7. Dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại hoặc cố định mắt cá chân. Bác sĩ có thể khuyến nghị dùng dụng cụ y tế để giúp bạn đi lại xung quanh và/hoặc cố định mắt cá chân. Ví dụ: [9]
    • Bạn có thể cần nạng, gậy chống hoặc chân đỡ. Có thể dựa vào khả năng thăng bằng để lựa chọn ra dụng cụ an toàn nhất.
    • Tùy mức độ chấn thương mà bác sĩ có thể khuyến nghị dùng băng quấn hoặc dụng cụ băng mắt cá chân để cố định mắt cá chân. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể đặt mắt cá chân vào trong khuôn cố định.

Lời khuyên[sửa]

  • Bắt đầu phương pháp điều trị RICE ngay lập tức đối với bất kỳ chấn thương nào ở mắt cá chân.
  • Đi khám bác sĩ ngay nếu không thể đi lại.
  • Nếu cho rằng bị bong gân mắt cá chân, bạn nên hạn chế đi lại. Thay vào đó, nên sử dụng nạng hoặc xe lăn. Nếu bạn tiếp tục đi lại khi bị bong gân mắt cá chân và không để mắt cá chân được nghỉ ngơi thì ngay cả bong gân mức độ nhẹ nhất cũng không thể khỏi.
  • Chú ý đến tình trạng bong gân càng sớm càng tốt và chườm lạnh trong thời gian ngắn, nhiều lần.
  • Quan sát và so sánh mắt cá chân bị chấn thương với mắt cá chân còn lại để xem có bị sưng không.
  • Nói cho bố mẹ hoặc người bảo hộ biết để được giúp đỡ.
  • Cố định bàn chân cho đến khi bác sĩ cho phép di chuyển.
  • So sánh mắt cá chân bị bong gân với mắt cá chân bình thường. Nếu bị bong gân cấp độ 2 hoặc 3, mắt cá chân sẽ hơi sưng và bầm.

Cảnh báo[sửa]

  • Bạn phải để mắt cá chân lành hoàn toàn sau khi bị bong gân. Nếu không, mắt cá chân sẽ lại bị bong gân, dẫn đến đau và sưng dai dẳng không khỏi.
  • Cảm thấy lạnh ở chân, hoàn toàn tê dại ở bàn chân hoặc cảm giác căng ở chân do sưng có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức vì bạn có thể phải được phẫu thuật khẩn cấp nếu bị tổn thương dây thần kinh và động mạch hoặc hội chứng chèn ép khoang.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]