Nhận biết dấu hiệu chứng mất trí

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thật sự rất đau lòng nếu chúng ta phải chứng kiến người thân của mình trở thành nạn nhân của bệnh Alzheimer hoặc các chứng mất trí khác. Chứng mất trí là thuật ngữ mô tả một nhóm các triệu chứng tác động xấu tới trí nhớ, khả năng tư duy và nhiều năng lực xã hội khác.[1] Gần 11% các trường hợp mất trí được xem là có khả năng phục hồi, những ca như vậy phổ biến hơn ở bệnh nhân dưới 65 tuổi. Trầm cảm, nhược giáp và thiếu vitamin B12 là các nguyên nhân dễ dẫn tới chứng mất trí.[2] Không có cách chữa trị chứng bệnh này nhưng có một số cách có thể giảm tác động của các triệu chứng. Nhận biết sớm dấu hiệu của chứng mất trí rất có lợi vì khi đó bạn có thể lên kế hoạch giúp bệnh nhân đối phó với các ảnh hưởng do bệnh gây ra.

Các bước[sửa]

Theo dõi Dấu hiệu Chứng mất trí[sửa]

  1. Kiểm tra tình trạng mất trí. Thỉnh thoảng ai cũng có lúc quên, nhưng bệnh nhân mất trí còn không nhớ nổi những chuyện vừa mới xảy ra, cả tên người quen và đường đi đã quen thuộc.[3]
    • Mỗi người có trí nhớ khác nhau và đôi khi đãng trí là chuyện khá phổ biến ở đa số mọi người. Chỉ có thành viên gia đình và bạn thân mới đánh giá chính xác những thay đổi hành vi ở người mắc bệnh mất trí.
      • Tuy nhiên, tình trạng chối bỏ có thể xảy ra. Đôi khi người ta cố ý lảng tránh những vấn đề rất lớn mà ông nội của họ đang mắc phải, bằng cách bình thường hóa điều không bình thường, hoặc xem thường việc không nên xem thường.
      • Ngược lại, nhiều khi họ lại quá nhạy cảm với vấn đề mất trí và phản ứng thái quá với những chuyện nhỏ nhặt liên quan tới tính hay quên. Ví dụ, nếu bà Nga không nhớ uống thuốc đúng giờ thì vấn đề là bác sĩ phải kê lại thời giờ uống thuốc sao cho dễ nhớ, chứ không nhất thiết phải đưa bà vào viện dưỡng lão vì chứng mất trí.
    • Phân biệt sự khác nhau giữa chứng mất trí nhớ bình thường và mất trí bất thường. Càng lớn tuổi người ta càng xuất hiện nhiều vấn đề về trí nhớ. Sau quãng thời gian nhiều năm hoạt động, não bộ người già không thể làm việc hiệu quả như khi còn trẻ. Tuy nhiên khi tình trạng mất trí bắt đầu ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hằng ngày thì đó là lúc cần phải can thiệp. Dấu hiệu ban đầu của chứng mất trí không giống nhau ở mỗi người, nhưng phổ biến nhất là:
      • Mất khả năng tự chăm sóc: không ăn, ăn quá nhiều, không tắm rửa, ăn mặc không phù hợp, không ra khỏi nhà, có hành vi "đi thơ thẩn".
      • Không thể hoàn thành các việc vặt trong nhà: Bát đĩa thường dơ bẩn, rác không đổ, gặp "tai nạn" khi nấu ăn, nhà cửa dơ, mặc quần áo bẩn.
      • Các hành vi "lạ" khác: Gọi điện cho người thân lúc 3 giờ sáng rồi treo máy, hàng xóm báo có hành vi bất thường, đùng đùng nổi nóng khi chẳng có việc gì sai.
      • Bạn có thể quên ngày tốt nghiệp trung học của con gái, nhưng nếu quên tên lại là một chuyện hoàn toàn khác.
      • Mọi chuyện cũng bình thường nếu bạn không nhớ Việt Nam giáp biên giới với những nước nào, nhưng nếu phải cố gắng nhớ Việt Nam có phải là một quốc gia hay không thì thực sự là có vấn đề.
    • Nếu tình trạng mất trí nặng đến độ ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày thì bạn nên đem họ tới bác sĩ để được đánh giá chính xác hơn.
  2. Để ý những việc họ thường làm dễ dàng nhưng nay lại gặp khó khăn.[4] Người mắc chứng mất trí có thể quên ăn bữa ăn họ vừa nấu, hoặc cứ tưởng mình chưa nấu. Ngoài ra người bệnh còn gặp khó khăn với các công việc hằng ngày như mặc quần áo. Nói chung bạn nên để ý đến sự suy giảm rõ rệt trong thói quen giữ gìn vệ sinh và ăn mặc. Nếu người đó ngày càng gặp nhiều khó khăn không thể thực hiện những việc vặt hằng ngày thì bạn nên đem họ tới gặp bác sĩ.
  3. Lưu ý những khó khăn về mặt ngôn ngữ.[4] Nhiều khi chúng ta cũng cần thời gian để tìm từ diễn đạt cho đúng, nhưng người bệnh mất trí thường bối rối khi họ không thể tìm ra từ phù hợp. Điều này khiến họ nổi nóng với người đang nói chuyện và khiến cả hai đều bực bội.
    • Thay đổi về ngôn ngữ bắt đầu với tình trạng không thể nhớ ra từ ngữ hay cách diễn đạt cho đúng.
    • Sau đó tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi dẫn đến không thể hiểu ngôn ngữ của người khác.
    • Cuối cùng họ gần như không thể giao tiếp bằng lời nói. Tới giai đoạn này, người bệnh chỉ giao tiếp bằng sắc mặt hay cử chỉ cơ thể.
  4. Để ý dấu hiệu lú lẫn.[5] Chứng mất trí khiến người ta nhầm lẫn về không gian, thời gian và bối cảnh thời gian. Tình trạng này không chỉ là mất trí nhớ đơn giản hoặc "khoảnh khắc của người già" - mà sự lú lẫn về không gian, thời gian và bối cảnh thời gian khiến người bệnh không thể nhận ra mình đang ở đâu vào thời điểm hiện tại.
    • Lú lẫn về không gian khiến họ quên phương hướng, cho rằng phía bắc là phía nam và phía đông là phía tây, hoặc cứ tưởng mình vừa về nhà bằng một lối đi khác. Họ có thể đi thơ thẩn rồi quên mất làm sao mình tới được đây, và không biết đường quay về.
    • Mất định hướng thời gian thể hiện qua việc thực hiện hành vi không đúng thời điểm, có thể chỉ là thay đổi nhỏ trong thói quen ăn uống và ngủ nghỉ. Nhưng có trường hợp khá nghiêm trọng, ví dụ như ăn sáng vào nửa đêm và chuẩn bị lên giường ngủ vào ban ngày.
    • Mất định hướng nơi chốn khiến người bệnh nhầm lẫn nơi họ đang ở, từ đó dẫn tới cách cư xử không phù hợp. Nhiều lúc người đó cho rằng thư viện là phòng khách trong nhà và nổi nóng vì người khác đột nhập nhà mình.
    • Họ thấy khó khăn không thể thực hiện các công việc bình thường khi ra ngoài vì mất định hướng không gian. Điều này rất nguy hiểm vì người bệnh không thể định hướng đường đi mỗi khi rời nhà.[6]
  5. Không xem thường tình trạng cất nhầm vật dụng. Ví dụ, bạn có thể bỏ nhầm chìa khóa xe vào túi quần, điều này bình thường. Nhưng người mắc chứng mất trí thường bỏ đồ vật vào những nơi rất vô lý.
    • Chẳng hạn họ có thể bỏ ví tiền vào tủ lạnh, hoặc bỏ sổ tay vào trong tủ thuốc trong phòng tắm.
    • Lưu ý là người mắc chứng lú lẫn có thể biện hộ bằng cách lập luận và cãi lý sao cho hợp lý hóa hành động của mình. Nhưng bạn phải cẩn thận không được tranh luận với họ vào lúc này, vì rất khó để thuyết phục mà chỉ làm họ nổi nóng thêm. Họ đang cố tự dối mình, không chấp nhận sự thật vì điều đó thật đáng sợ. Họ thấy tốt hơn nên tập trung câu chuyện về phía bạn thay vì đối mặt với sự thật.
  6. Quan sát khả năng suy nghĩ và lập luận trừu tượng. Một người bình thường có thể thỉnh thoảng phạm sai lầm khi ghi sổ sách, nhưng người mắc chứng lú lẫn thậm chí quên cả khái niệm về con số. Nhiều khi họ cũng không nhận ra là ấm nước đang reo báo hiệu nước sôi và để nước bốc hơi cạn ấm.
  7. Quan sát thay đổi về tâm trạng và cá tính.[4] Mặc dù đôi khi người ta cũng hay có tâm trạng, nhưng những người mắc bệnh này có tính khí thay đổi rất nhanh và rất khác biệt. Họ đi từ trạng thái hạnh phúc tột độ sang nổi điên dữ dội chỉ trong vài phút, hoặc trở nên cáu kỉnh hay hoang tưởng. Họ thường nhận biết khá rõ là mình đang có vấn đề và vì vậy rất bực mình. Đôi khi việc này dẫn tới các cơn cáu kỉnh bất thình lình, hoang tưởng hoặc trạng thái khác tương tự.
    • Bạn cũng không nên làm họ bức xúc hơn nữa vì nổi nóng vào lúc này chỉ bất lợi cho cả hai.
  8. Tìm kiếm dấu hiệu thụ động. Người bệnh không còn muốn tới những nơi mà thường lui tới, tham gia vào hoạt động họ thường chơi, hoặc gặp những người họ vẫn hay gặp. Vì các hoạt động hằng ngày trở nên khó khăn hơn nên nhiều người ngày càng thu mình vào. Từ từ họ lún sâu vào trạng thái trầm cảm, không có động lực làm bất kì việc gì dù trong nhà hay bên ngoài.
    • Để ý xem người đó có ngồi liên tục nhiều giờ trên ghế và nhìn chằm chằm vào không gian vô định hoặc xem tivi.
    • Tìm kiếm dấu hiệu suy giảm vận động, vệ sinh kém, gặp khó khăn với các công việc hằng ngày.
  9. So sánh hành vi hiện tại với những gì bạn biết về họ. Chứng mất trí thể hiện dưới dạng "hàng loạt" các hành vi thất thường và suy giảm thấy rõ, không thể chẩn đoán bệnh này bằng bất kì một chỉ tiêu đơn lẻ nào. Nếu chỉ là tính hay quên thì không có nghĩa người đó mắc chứng mất trí, bạn phải tìm một nhóm kết hợp các triệu chứng vừa nói. Bạn càng biết rõ về họ thì càng dễ nhận ra những thay đổi trong hành vi của họ.

Xác nhận các Dấu hiệu[sửa]

  1. Tìm hiểu về một số bệnh mất trí. Bệnh mất trí có biên độ biểu hiện rất lớn, khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Nhìn chung bạn có thể dự đoán được hướng tiến triển của bệnh bằng cách xem xét nguyên nhân gây ra mất trí.
    • Bệnh Alzheimer: chứng mất trí tiến triển chậm trong nhiều năm. Nguyên nhân chính xác chưa rõ, nhưng người ta tìm thấy các mảng và mớ rối sợi thần kinh trong não của người mắc bệnh Alzheimer.[7]
    • Bệnh mất trí thể Lewy: các cặn protein mà người ta gọi là thể Lewy phát triển bên trong tế bào dây thần kinh của não bộ khiến suy giảm khả năng tư duy, ghi nhớ và năng lực kiểm soát dây thần kinh vận động. Ảo giác cũng có thể xảy ra và dẫn tới hành vi bất thường như nói chuyện với ai đó dù họ không có ở đó. [8]
    • Bệnh mất trí do nhiều ổ nhồi máu: xảy ra khi bệnh nhân bị đột quỵ nhiều lần dẫn tới tắc động mạch não.[9] Người mắc bệnh này có triệu chứng không tiến triển trong một thời gian, sau đó trầm trọng hơn khi xuất hiện các cơn đột quỵ khác.[10]
    • Bệnh mất trí tiền đình thái dương: một phần của thùy thái dương và thùy trán co lại khiến thay đổi cá tính hoặc khả năng sử dụng ngôn ngữ. Loại bệnh này có khuynh hướng xảy ra ở độ tuổi 40 tới 75.[11]
    • Não úng thủy áp lực bình thường: chất lỏng tích tụ gây áp lực lên não, gây ra chứng mất trí một cách từ từ hay bất ngờ tùy vào tốc độ tăng áp lực.[12] Xét nghiệm ACT hoặc chụp MRI sẽ xác định được loại bệnh mất trí này.
    • Bệnh Creutzfeldt-Jakob: đây là căn bệnh về não hiếm gặp và có thể gây tử vong, người ta tin rằng bệnh này do một loại vi sinh vật có cấu trúc bất thường gây ra có tên "prion". Các prion có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian dài trước khi phát triệu chứng, nhưng khi đó tình trạng diễn biến rất nhanh. Làm sinh thiết não có thể phát hiện ra các prion là nguyên nhân gây bệnh Creutzfeldt-Jakob.[13]
  2. Đem bệnh nhân tới gặp bác sĩ. Nếu bạn thấy "một loạt" các thay đổi về hành vi và triệu chứng đã nói thì nên đưa bệnh nhân tới gặp chuyên gia. Một số trường hợp bác sĩ đa khoa cũng có thể chẩn đoán chứng mất trí. Nhưng nói chung bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa như chuyên khoa thần kinh hay lão khoa.
  3. Cung cấp tiền sử bệnh. Thông tin phải bao gồm chi tiết về thời gian và cách thức tiến triển của các triệu chứng. Dựa vào đó bác sĩ sẽ cho xét nghiệm đếm huyết cầu, xét nghiệm mức đường máu hoặc hóc môn tuyến giáp. Các xét nghiệm này có đặc điểm riêng cho từng loại bệnh mất trí mà bác sĩ cần chẩn đoán.
  4. Cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang uống.[14] Một số loại thuốc khi kết hợp lại có thể tạo ra hay tăng cường thêm triệu chứng của bệnh mất trí, và thỉnh thoảng những thuốc chẳng liên quan gì với nhau nếu được uống chung sẽ gây ra triệu chứng giống như bệnh lú lẫn. Tình trạng này khá phổ biến ở người già vì vậy bạn phải liệt kê đầy đủ các thuốc họ đang dùng.
    • Một số nhóm thuốc phổ biến có thể gây ra vấn đề là: thuốc an thần benzodiazepine, thuốc ức chế beta, thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin, thuốc an thần và diphenhydramin (còn nhiều loại khác).
  5. Chuẩn bị khám sức khỏe toàn diện. Việc khám toàn diện có thể phát hiện ra bệnh nào đang cùng diễn ra hay góp phần vào chứng mất trí. Có khi nhờ khám bệnh bạn có thể xác định chắc chắn họ không mắc bệnh lú lẫn. Một số tình trạng có liên quan tới chứng mất trí bao gồm bệnh tim, đột quỵ, suy dinh dưỡng hay suy thận. Các yếu tố này cho bạn một manh mối khác để tìm ra loại bệnh mất trí đang cần điều trị.[15]
    • Bác sĩ có thể tiến hành đánh giá tâm thần để loại trừ khả năng trầm cảm là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.[16]
  6. Để bác sĩ đánh giá khả năng nhận thức. Đây là quá trình bao gồm các thử nghiệm về trí nhớ, toán học và kỹ năng ngôn ngữ, trong đó có kỹ năng viết, vẽ, gọi tên đồ vật và làm theo hướng dẫn. Các thử nghiệm này đánh giá cả khả năng nhận thức và kỹ năng điều khiển.
  7. Chấp thuận cho đánh giá hệ thần kinh.[17] Quá trình đánh giá này nhằm xem xét khả năng giữ thăng bằng, phản xạ, giác quan và một số chức năng, mục đích để loại trừ các bệnh khác và xác định những triệu chứng có thể trị được. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp quét não để tìm ra nguyên nhân đằng sau, chẳng hạn như đột quỵ hay khối u. Các phương pháp chụp thường sử dụng là MRI và CT.[17]
  8. Có trường hợp điều trị được, có trường hợp không.[15] Chứng mất trí bắt nguồn từ một vài nguyên nhân cụ thể nào đó có thể điều trị được bằng cách chăm sóc y tế, nhưng nhiều trường hợp khác mang tính tiến triển và không thể đảo ngược. Bạn cần phải biết bệnh nhân rơi vào trường hợp nào để có kế hoạch cho tương lai.
    • Chứng mất trí do các nguyên nhân sau có khả năng chữa trị được: nhược giáp, giang mai thần kinh, thiếu vitamin B12/axít folic/vitamin B1, trầm cảm và máu tụ dưới màng cứng.
    • Các nguyên nhân không thể chữa trị bao gồm bệnh Alzheimer, mất trí do nhiều ổ nhồi máu và mất trí do HIV.

Cảnh báo[sửa]

  • Một số bệnh nhân chứng mất trí không chấp nhận triệu chứng bệnh của mình, và cả người nhà của họ cũng vậy.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây