Nhận biết người bị đột quỵ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Đột quỵ xảy ra khi sự cung cấp máu lên não bị gián đoạn, khiến tế bào não ngừng hoạt động do không có đủ lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết để làm việc. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba tại Hoa Kỳ và Anh quốc và là nguyên nhân của 10% số ca tử vong trên toàn thế giới.[1] Việc nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ là rất quan trọng, đặc biệt nếu người quen của bạn có nguy cơ bị đột quỵ. Việc điều trị sẽ giúp giảm tổn thương do đột quỵ gây ra, tuy nhiên nạn nhân cần được nhập viện trong vòng một giờ kể từ khi các dấu hiệu của đột quỵ bắt đầu xuất hiện.[2]

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ[sửa]

  1. Hiểu sự khác biệt giữa đột quỵ và đột quỵ nhỏ. Có hai dạng đột quỵ chính: đột quỵ thiếu máu lên não do nghẽn mạch máu trong não và đột quỵ não do vỡ mạch máu trong não làm chảy máu não. Đột quỵ não ít khi xảy ra hơn so với đột quỵ thiếu máu não, chỉ 20 phần trăm số ca đột quỵ là đột quỵ não.[2] Cả hai loại đột quỵ đều nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị sớm nhất có thể.
    • Đột quỵ nhỏ, còn gọi là cơn thiếu máu thoảng qua (TIA), xảy ra khi não bạn được cung cấp ít máu hơn bình thường. Nó có thể kéo dài từ vài phút đến cả ngày. Nhiều người bị đột quỵ nhỏ thậm chí không nhận ra rằng mình bị đột quỵ, nhưng đột quỵ nhỏ có thể là dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ thiếu máu não hoặc đột quỵ não. Nếu một người bị đột quỵ nhỏ, họ cần sự hỗ trợ y tế ngay.
  2. Xác định các dấu hiệu của đột quỵ. Hầu hết những người bị đột quỵ đều xuất hiện từ hai dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ trở lên, bao gồm:[2]
    • Mặt, tay hoặc chân của một bên cơ thể bị tê hoặc yếu đi đột ngột.
    • Đột ngột giảm thị lực của một hay cả hai mắt.
    • Đột ngột gặp khó khăn trong việc đi lại, đồng thời cảm thấy chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
    • Đột ngột bị lẫn và gặp khó khăn trong việc nói hoặc hiểu những điều người khác nói.
    • Đột ngột bị đau đầu mà không có lý do rõ ràng.
  3. Làm bài kiểm tra F.A.S.T. Rất khó để một người bị đột quỵ mô tả và lý giải các dấu hiệu của họ. Để xác nhận một người bị đột quỵ hay không, bạn có thể làm một bài kiểm tra nhanh, được gọi là bài kiểm tra F.A.S.T:[3]
    • Mặt (Face) – Yêu cầu người bệnh cười. Kiểm tra xem một bên mặt của họ có bị xệ xuống hay mất cảm giác không. Nụ cười của họ có thể không cân hoặc lệch hẳn về một bên.
    • Tay (Arms) – Yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên. Nếu họ không nâng tay lên được hoặc một bên tay bị rơi xuống, rất có thể họ đang bị đột quỵ.
    • Nói chuyện (Speech) – Hỏi người bệnh một vài câu hỏi đơn giản, như họ bao nhiêu tuổi, tên của họ là gì. Lưu ý nếu họ bị líu lưỡi hoặc không phát âm rõ khi trả lời.
    • Thời gian (Time) – Nếu người đó xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong các triệu chứng nêu trên, bạn cần gọi 115 ngay. Bạn cũng nên kiểm tra thời gian để xác nhận thời điểm xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, vì nhân viên y tế có thể sử dụng thông tin này để hỗ trợ người bệnh tốt hơn.

Tìm kiếm hỗ trợ y tế cho bệnh nhân bị đột quỵ[sửa]

  1. Gọi 115 để tìm sự hỗ trợ càng sớm càng tốt. Một khi bạn xác nhận bệnh nhân bị đột quỵ, bạn cần hành động ngay và gọi 115. Bạn nên nói với nhân viên hỗ trợ rằng bệnh nhân bị đột quỵ và cần sự hỗ trợ y tế ngay lập tức. Đột quỵ được coi là tình huống cấp cứu, vì thời gian thiếu máu lên não càng lâu, não càng bị tổn thương nhiều.[2]
  2. Để bác sĩ khám và kiểm tra. Khi bạn đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân các câu hỏi, như chuyện gì đã xảy ra và các triệu chứng xuất hiện khi nào. Những câu hỏi này sẽ giúp bác sĩ xác định liệu bệnh nhân có suy nghĩ rõ ràng không và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra khả năng phản xạ của bệnh nhân và yêu cầu xét nghiệm thêm bao gồm:[4]
    • Chụp chiếu hình ảnh: Việc chụp chiếu này sẽ cung cấp hình ảnh rõ ràng của não người bệnh, bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI). Chúng sẽ giúp bác sĩ xác định đột quỵ do tắc mạch máu hay chảy máu não.
    • Điện tâm đồ và điện não đồ: Bệnh nhân có thể được kiểm tra điện não đồ (EEG) để ghi lại xung điện và quá trình cảm giác của não và điện tâm đồ (EKG) để đo lường xung điện của tim.[5]
    • Kiểm tra lưu lượng máu: Việc kiểm tra sẽ chỉ ra những thay đổi nếu có trong lưu lượng máu lên não.
  3. Thảo luận các phương án điều trị với bác sĩ. Một vài cơn đột quỵ có thể điều trị bằng thuốc gọi là tPA, nó có tác dụng làm tan các cục máu đông cản trở việc lưu chuyển máu lên não. Tuy nhiên, thời gian vàng cho việc điều trị là ba tiếng và mỗi phương án điều trị sẽ có phác đồ áp dụng cụ thể.[6] Điều cốt yếu là bệnh nhân được nhập viện trong vòng 60 phút từ khi bị đột quỵ để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời.[2]
    • Một nghiên cứu gần đây của Viện quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ (NINDS) phát hiện ra rằng một số bệnh nhân đột quỵ được sử dụng tPA trong vòng ba tiếng từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quy có 30 phần trăm khả năng phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng sau ba tháng.
    • Nếu bệnh nhân không được sử dụng tPA, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc làm loãng máu cho cơn thiếu máu thoảng qua hoặc đột quỵ nhỏ.[7]
    • Nếu bệnh nhân bị đột quỵ não, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc làm giảm huyết áp. Bác sĩ cũng có thể kê đơn các thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc làm loãng máu.
    • Một vài trường hợp cần điều trị bằng phẫu thuật.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này