Những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa người và chuột

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một số người có thể xem chúng như vật nuôi yêu thích, một số khác thì muốn tận diệt loài vật này. Tuy nhiên có một thực tế ai cũng phải công nhận rằng: chuột là những nghệ sĩ bậc thầy về khả năng sống sót trong những điều kiện sống cực kỳ thay đổi. Hầu như trong bất cứ không gian sống nào, chuột vẫn có thể tìm được thức ăn cần thiết. Một nghiên cứu so sánh đã chỉ ra rằng: chuột và người có rất nhiều điểm tương đồng.

Thông thường thì chuột sử dụng ngũ cốc và thịt làm thức ăn nhưng trong thời kỳ khan hiếm thức ăn, chúng vẫn có thể chén cả xà phòng, giấy và thậm chí cả gỗ. Khoảng một phần ba lượng thực phẩm trên thế giới bị loài vật gặm nhấm này sử dụng làm thức ăn.

Chuột cũng là vật trung gian truyền bệnh. Các bệnh thường gặp và nguy hiểm lây truyền do chuột có thể kể như thương hàn, dịch hạch, bệnh do leptospira hoặc do Hantavirus. Tuy nhiên chuột cũng có thể góp phần vào việc điều trị và loại trừ các bệnh nguy hiểm: được xem là những cảm tử quân y khoa, chuột thí nghiệm đã cung cấp cho loài người những kiến thức vô giá về cấu tạo cơ thể của động vật có xương sống. Với sự tiến bộ của di truyền học, chuột lại trở thành tâm điểm nghiên cứu của công nghệ sinh học.

Nhưng chuột không chỉ là động vật thí nghiệm, kẻ ăn hại hoặc vật trung gian truyền bệnh mà chúng còn có những điểm tương đồng đến ngạc nhiên với chúng ta.

Chuột cũng biết cười[sửa]

Mới đây, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã chứng minh rằng trong xã hội loài chuột cũng có nguyên tắc “có qua có lại”. Chuột cũng có hành vi xã hội và hợp tác với nhau. Chúng giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ những con chuột khác trong việc tìm thức ăn. Những hiểu biết của chúng cũng được truyền cho những cá thể khác.

Các nhà khoa học Mỹ tai Đại Học Georgia cúng đã chứng minh rằng chuột cũng có khả năng đánh giá khả năng của chuột khác cũng như tự đánh giá mình. Như vậy, chuột cũng có những hoạt động siêu nhận thức (metacognition) vốn từ lâu nay chỉ có ở loài người và có thể ở loài linh trưởng. Với khả năng này chuột có thể quyết định rằng liệu chúng có nên hay không nên tìm thêm thức ăn khi việc có nhiều thức ăn cũng đồng nghĩa với nguy hiểm tăng cao hơn.

Mặc dù chúng ta không thể nghe được những âm thanh từ tiếng cười của chuột, chuột thực sự vẫn có thể cười. Jaak Pankseep phát hiện rằng khi xoa vào bụng chuột thí nghiệm chúng cũng phát ra những âm thanh đặc trưng chứng tỏ chúng đang vui và cảm thấy dễ chịu. Tuy vậy những âm thanh này chúng ta không thể nghe bằng tai thường. Những âm thanh này có tần số thuộc sóng siêu âm. Trên cơ thể chuột cũng có những vùng kích dục đặc biệt nhạy cảm khi được kích thích.

Ác mộng và chứng nghiện rượu[sửa]

Sau một ngày chịu đựng những kích thích gây sợ hãi, chuột vẫn có thể ngủ. Tuy nhiên nghiên cứu hoạt động não đã cho thấy giấc ngủ của chúng lại không hoàn toàn bình yên như những con chuột không bị đe dọa trong ngày. Rất có thể khi ngủ, não bộ của chuột cũng tái sắp xếp các dữ kiện hệt như hoạt động của não người trong giấc mơ.

Chuột cũng có thể trở nên “nghiện ngập” y hệt con người. Chúng cũng có khuynh hướng thích sử dụng Alcohol, Cocain, Nicotin và cả thuốc lắc Amphetamine. Việc chuột cũng có thể tự tử chứng tỏ chúng cũng có những cảm giác buồn như thể nhân loại hữu tình vậy.

Những gì Iwan Petrowitsch Pawlow đã thực hiện ở chó vào đầu thế kỷ XX cũng hoàn toàn có thể lặp lại với kết quả tương tự ở chuột. Các nhà khoa học tạo nên một tiếng động và sau đó gây một kích thích điện vào đuôi chuột. Những con chuột thí nghiệm này nhanh chóng biết được rằng sau tiếng động đó là một kích thích khó chịu. Có điều mới lạ là sau một thời gian tạo phản xạ có điều kiện, nếu sau tiếng động không có kích thích điện nào, chuột biểu hiện một những nhịp thở sâu khoan khoái nhẹ nhõm.

Hoạt động tình dục không chỉ là vô thức[sửa]

Hoạt động tình dục ở chuột cũng có chức năng giải tỏa: James G. Pfaus thuộc Đại Học Concordia ở Montreal đã phát hiện rằng chuột cũng biết mặt tốt và mặt xấu của hoạt động tình dục.

Trong xã hội loài chuột cũng có những cá thể lạc quan và những cá thể bi quan. Những cá thể chuột có tính bi quan thường ít cố gắng thử vận may tìm thức ăn hơn so với những cá thể lạc quan. Trải nghiệm cá nhân của một cá thể chuột quyết định việc chúng nhận định một sự việc theo chiều hướng tốt hay xấu. Nếu mỗi lần chuột bị đánh thức chúng đều được cho thức ăn chúng thích thì những con chuột này trở nên lạc quan hơn và dĩ nhiên chúng đánh giá sự đánh thức là một dấu hiệu tốt đẹp. Nếu không phải lần nào bị đánh thức chuột cũng được cho thức ăn thì chúng trở nên hoài nghi và bi quan hơn.

Như vậy có những điểm giống nhau đến khó tin giữa chuột và người. Tuy vậy chuột vẫn không thể giống người trên tất cả phương diện được. Có một đặc tính mà hình như người nào cũng có nhưng ở chuột thì chưa tìm thấy hoặc không tìm thấy: Chuột không biết nói dối.

'Nguồn: Hella Möhring. Was Menschen und Ratten gemeinsam haben. Verhaltensforschung. Die Welt.[1]