Những phát hiện về vạn vật /P.14 - Chương 76

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Những phát hiện về vạn vật /P.14 - Chương 76

Người ta tin rằng ý tưởng thì phổ quát và bất biến. Trong Phương Pháp Luận (1637), Descartes đã nhấn mạnh tính phổ quát, thuần nhất và thường hằng của lý trí con người được ông diễn tả bằng mệnh đề nổi tiếng của ông, “Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu”. Thế giới của trí khôn luôn luôn tách biệt với thế giới vật lý của kinh nghiệm và của lịch sử. Trong cuốn Luận về Tri Thức Con Người (1690), Locke đã bắt đầu liên kết trí khôn với lịch sử bằng cách coi kinh nghiệm như là nguồn gốc các ý tưởng và coi nhận thức là tri giác về sự đồng nhất hay bất đồng giữa các ý tưởng. Nhưng cũng theo Locke, lý trí và cảm giác hoạt động thường xuyên và đều đặn và các quy trình của suy tưởng là bằng chứng của một trí khôn phổ quát và vĩnh cửu. Từ những quan điểm đa dạng trên, các ý tưởng của con người vẫn là sản phẩm của một quy trình thuần nhất.

Một khám phá mới có tính cách mạng, đó là các ý tưởng của con người có thể chỉ là những sản phẩm do con người làm ra, những triệu chứng đơn thuần của việc thay đổi kinh nghiệm. Nếu thế thì cái quy trình mà đem lại cho người ta cái được gọi là nhận thức sẽ không còn thuần lý và thuần nhất nữa và nhận thức cũng không có tính phổ quát và bất biến nữa. Có thể ngoài lý trí ra còn có một sức mạnh nào khác hoạt động. Các ý tưởng tự chúng có một lịch sử hay không ?

Một nhà nghiên cứu tiên phong trong vấn đề này là Giambattista Vico (1668-1744), một triết gia bất hạnh người ý. Là con một người bán sách nghèo, lúc 7 tuổi cậu bé bị té dập đầu suýt chết và các bác sĩ dự đoán cậu có thể trở nên đần độn. Chính Vico từng nói rằng tai nạn này đã cắt nghĩa tại sao ông buồn sầu suốt đời. Nhưng bất chấp cảnh nghèo, tình trạng thất vọng và một lần bị thương hàn, Vico nhờ việc dạy học môn tu từ ở Napoli đã có đủ tiền để xuất bản những tác phẩm của mình. Người đương thời coi thường ông, nhưng đến cuối thế kỷ 16, ông đã được nổi danh khi Goethe lấy những “trực giác tiên tri” của Vico làm cơ sở cho triết học lịch sử của mình. Vào thế kỷ 19, nhà hùng biện lãng mạn người Pháp Michelet gọi ông là “Promethaeus” của chính mình và Mác cũng đã học hỏi được nhiều nơi ông.

Sinh ra vào thế hệ sau Newton, một thế hệ đang sôi sục sự hứa hẹn của khoa học tự nhiên, Vico tuyên bố trong Nguyên Tắc Khoa Học Mới... về Bản Chất Chung của các Quốc Gia (1725) rằng “thế giới của xã hội dân sự hẳn là do con người làm ra và vì thế những nguyên tắc của xã hội ấy phải được tìm thấy trong những sự thay đổi của trí khôn con người chúng ta. Bất cứ ai suy nghĩ về điều này không thể không ngạc nhiên tại sao các triết gia lại phải dồn hết sức lực của mình để tìm hiểu thế giới tự nhiên mà chỉ một mình Thượng Đế biết, vì Ngài đã làm ra nó; đang khi họ lại sao nhãng việc tìm hiểu thế giới của các dân tộc... mà con người có thể biết được, vì con người đã làm ra nó”. Theo Vico, mối tương quan thay đổi của các dân tộc trong quá khứ đối với những sức mạnh thiên nhiên đã cắt nghĩa các cách suy nghĩ của họ. Trong giai đoạn sơ khai nhất, Thời Đại của các Thần, con người sợ hãi nên bị cai trị bởi tôn giáo và bởi các vua - tư tế. Sau đó vào Thời Đại các Anh Hùng, để sống còn trong cuộc đấu tranh chống thú dữ, người ta đặt mình dưới sự che chở của các người khỏe mạnh. “Luật sức mạnh này là luật của Achilles, người hùng luôn dùng mũi kiếm của mình để định đoạt mọi quyền lợi”. Sau cùng là Thời Đại các Dân Tộc, người dân bình thường đã tích lũy được của cải cho mình để khẳng định mình theo “luật con người được quy định bởi lý trí trưởng thành của con người”.

Mỗi giai đoạn đều sản sinh nền văn học đặc trưng của mình. Ví dụ, các bài thơ Homer không phải sản phẩm của một người hát dạo có tài mà là sự diễn tả vô thức của cả một Thời Đại các Anh Hùng. “Homer là một ý tưởng hay một đức tính anh hùng của người Hi Lạp trong lãnh vực họ kể chuyện bằng bài hát”. Khi thi ca nhường chỗ cho văn xuôi trong Thời Đại các Dân Tộc, các tục lệ tôn giáo được thay thế bằng các bộ luật viết thành văn quy định các quyền lợi và đặc ân. Các giai cấp xã hội không phải do Thượng Đế quy định mà phát sinh từ sự phát triển tiệm tiến và mang đến những cách suy tư mới. Giai đoạn cuối cùng của chu kỳ, tạo ra sự tiện nghi và xa hoa, luôn luôn kết thúc bằng sự suy đồi. Sau đó xã hội lại trỗi dậy, nhưng không bao giờ trở về cùng tình trạng trước đó. Tiến bộ của nhân loại đi theo đường xoắn ốc đi lên, thăng tiến nhờ lòng tốt lành của Thượng Đế Quan Phòng.

Cái mới chủ yếu của Khoa Học Mới của Vico là nhận định của ông về các ý tưởng và cơ chế (chỉ trừ Kitô giáo) như chỉ là những triệu chứng của kinh nghiệm xã hội. Cũng thế, lý trí của con người là sản phẩm của sự phát triển tiệm tiến. Tất nhiên nếu nhận định của ông là đúng, thì các ý tưởng của chính ông không thể nào có giá trị tuyệt đối mà chỉ là một phó phẩm của Thời Đại Các Dân Tộc. Ông cố tránh né cái hệ quả lôgích này bằng cách tuyên bố đơn giản rằng Kitô giáo là tôn giáo duy nhất đích thực cho mọi xã hội. Và Khoa Học Mới của Vico sẽ giải phóng loài người khỏi những nỗi sợ bằng cách làm cho người ta ý thức về cách định hình các tư tưởng của mình. Từ đó họ có thể chịu trách nhiệm về định mệnh của mình và định hình cho các cơ chế hướng về những cứu cánh mong muốn.

Các Mác (1818-1883) đã lớn lên vào cuối thế kỷ của Adam Smith, James Watt và Thomas Jefferson, thế kỷ của những quốc gia mới nổi dậy, những thuộc địa mới, những nhà máy phát triển và chế độ tư bản đang vươn lên.

Ông sẽ khám phá ra những chiều kích giấu ẩn của quá khứ nơi những lực lượng sản xuất lúc đó đang bùng nổ tại Tây Âu.

Tiểu sử của Các Mác, giống như Vico, là một câu chuyện của một con người gặp những thất vọng, trốn chạy và thảm kịch. Sinh tại Trier nước Phổ, ông thuộc một dòng tộc có nhiều thế hệ các bậc thầy rabbi cả bên nội lẫn bên ngoại, một sự thừa kế di truyền mà các nhà viết tiểu sử nhận ra nơi thiên khiếu của ông về biện chứng và tranh luận triết học. Cha ông là một luật sư xuất sắc, một người ngưỡng mộ Voltaire và một luật sư tích cực bênh vực cho sự độc lập của nước Phổ. Để có thể theo đuổi ngành luật, ông đã theo đạo Kitô trước khi Các sinh ra. Mẹ ông là một người Hà Lan, không thuộc thành phần trí thức. Ông học đại học theo kiểu Đức quen thuộc, di chuyển từ nơi này tới nơi khác tùy theo sự lôi cuốn của các giáo sư khác nhau hay của đời sống sinh viên. Cha ông bắt ông tới Berlin học luật và triết học. Tuy có hai giáo sư sử học nổi tiếng người Đức là Von Ranke và Von Savigny đang dạy học hồi đó, nhưng Mác chịu ảnh hưởng nhiều nhất triết học của Hegel qua một giáo sư trẻ có tài là Bruno Bauer. Ông gia nhập “Câu lạc bộ Tiến sĩ” của các nhà Hegel trẻ, gặp nhau để tranh luận về những ý nghĩa xã hội của lý thuyết duy tâm Hegel, mà ông sẽ chịu ảnh hưởng suốt đời. Ông không thể nào quên được bất kỳ lý thuyết nào ông đã gặp một lần và có tài thích nghi nói để làm nền tảng hay bối cảnh cho việc suy luận triết học sôi nổi của ông.

Luận án tiến sĩ của ông về đề tài “Sự Khác Biệt giữa Triết Lý về Thiên Nhiên của Democritus và của Epicurus” đã mang lại cho ông văn bằng tiến sĩ ở đại học Jena năm 1841.

Tại Cologne ông làm biên tập cho một tờ báo mới theo khuynh hướng tự do, tờ Rheinische Zeitung, được tài trợ bởi các thương gia giàu có của thành phố. Mác bênh vực cho các mục tiêu xã hội, chống lại việc kiểm duyệt và đấu tranh cho tự do báo chí, gồm tự do tìm hiểu những khái niệm mới như chủ nghĩa xã hội. Chỉ sau năm ông bị trục xuất, tờ báo bị chính phủ cấm và ông phải chạy đi Paris.

Tại Paris ông hăng hái nghiên cứu các phong trào công nhân Pháp và Đức, những người này đang tổ chức một Liên Minh Cộng Sản và một hội bí mật gọi là Liên Minh của những người Công Chính. Ông bắt đầu hợp tác với chàng thanh niên hai mươi tư tuổi tên là Engels, viết các tác phẩm đầu tay của mình bằng tiếng Pháp về chính trị và kinh tế và một bài báo kêu gọi “giới vô sản nổi dậy”. Ông cũng bắt đầu khai triển cuộc bút chiến chống lại tôn giáo nói chung, mà ông gọi là “thuốc phiện của dân chúng”. Khi bị chính quyền Pháp trục xuất, ông chạy qua Brussels, tại đây ông đăng ký là người ngoại quốc, quyết liệt tìm những đường lối pháp lý để từ bỏ quốc tịch Phổ và ở tuổi 28, ông tự mình đi vào một cuộc sống lưu đày.

Trong thời gian 3 năm ở Brussels, ông hợp tác với Engels viết Tuyên Ngôn Cộng Sản cho Liên Minh Cộng Sản, lúc đó vừa xong hội nghị ở Luân Đôn. Thay vì khẩu hiệu cũ của liên minh, “Mọi người đều là anh em”, ông thay thế bằng khẩu hiệu cổ động của ông, “Những người vô sản, hãy đoàn kết !”. Khi những cuộc cách mạng tự do năm 1848 bùng nổ ở Tây Âu, Mác trốn sang Cologne, tại đây ông làm sống lại tờ báo Rheinische Zeitung, và tấn công cả những người ủng hộ chế độ dân chủ đại diễn lẫn những đối thủ cực đoan của họ. Ông lại bị trục xuất và trở về lưu lại Paris một thời gian ngắn. Bị trục xuất một lần nữa, năm 1849 ông đến Luân Đôn, nơi ở chính của ông suốt cuộc đời còn lại. Nếu ông có ở ngôi nhà nào nhất định trong suốt 34 năm còn lại của đời ông, thì ngôi nhà đó chính là thư viện của Viện Bảo Tàng Anh.

Trước khi đến Luân Đôn, Mác đã soạn một đống những tờ bướm để tìm cách tạo vị trí cho mình vừa trong lãnh vực triết học, lịch sử và đồng thời trong nền chính trị đang sôi bỏng của thời ông. Dòng tư tưởng bền bỉ của ông là niềm tin vào lý thuyết lịch sử luôn luôn tiến triển của ông và niềm tin rằng các tư tưởng và phong trào chính trị không thể thay đổi dòng lịch sử.

Bất chấp cảnh nghèo khổ và cái chết bi thảm của các con ông, ông vẫn theo đuổi việc nghiên cứu dai dẳng của mình để tạo ra tác phẩm khổng lồ Das Kapital (Tư Bản). Ông từ chối kiếm một công việc ổn định vì ông không muốn để xã hội tư sản biến ông thành “một cái máy làm tiền”. Trong những năm này, nguồn kinh tế chủ yếu của ông là sự hào phóng từ các nhà máy bông Manchester của Engels và một món thừa kế nhỏ của gia đình. Thỉnh thoảng ông cũng kiếm được chút ít thu nhập không đáng kể từ những bài báo ông viết cho tờ New York Tribune.

Lý thuyết kinh tế của Mác thường được coi là một sự áp dụng và phê bình lý thuyết kinh tế “cổ điển” của Adam Smith và David Ricardo. Nhưng từ việc nghiên cứu trong Viện Bảo Tàng Anh và từ kinh nghiệm của ông về các cuộc cách mạng của thời đại ông, đã phát sinh một lý thuyết lịch sử của riêng ông. Thay vì cắt nghĩa sự tiến bộ xã hội như là sự hợp tác ý thức và vô thức của các giai cấp xã hội, Mác nhìn sự xung đột của các giai cấp xã hội là sức mạnh bùng nổ. “Lịch sử của mọi xã hội từng hiện hữu cho tới nay”, Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản tuyên bố, “là lịch sử của những đấu tranh giai cấp... Trong những thời kỳ đầu của lịch sử, chúng ta gặp thấy xã hội ở hầu như mọi nơi đều được tổ chức một cách phức tạp thành những thứ bậc khác nhau... Thời Rôma cổ có giới quý tộc, hiệp sĩ, thứ dân, nô lệ; thời Trung Cổ có các lãnh chúa, chư hầu, phường hội, người lữ hành, người học việc, nông nô... Thời chúng ta, thời của tư sản... đã đơn giản hóa những đấu tranh giai cấp. Xã hội xét như một toàn thể ngày càng bị chia cắt thành hai khối lớn đối nghịch... tư sản và vô sản”.

Bên dưới lý thuyết về sự xung đột giai cấp là niềm tin “duy vật” của ông rằng các ý tưởng là sự phản ứng trước những thay đổi trong hệ thống sản xuất. Trước thời ông, các nhà sử học ảnh hưởng nhất, trừ một số ít như Voltaire và Montesquieu, đều tập trung vào giới trí thứ, quyền thế và giàu có vào các hoàng thân, vua chúa, vào sự kế vị ngai vàng và vào những cuộc tranh giành ở hoàng cung vào những quốc hội và những trận chiến. Họ nhìn thấy Sự thật chiến đấu với Sai lạc, Nhân đức chống với nết xấu, Chính thống chống lại Lạc thuyết. Lý trí con người được vẽ lên như một khả năng phổ quát tự trị xử lý những dòng tư tưởng bất biến. Mác đã chuyển dịch tiêu điểm sang những khung cảnh xa lạ đối với những học giả từng viết lịch sử.

Das Kapital là một tác phẩm khó và đôi khi mô phạm. Dù vậy, cuốn đầu trong ba cuốn, xuất bản lúc sinh thời của Mác, được rất nhiều người đọc. Khi bản dịch đầu tiên từ tiếng Đức sang một ngôn ngữ khác xuất hiện vào năm 1872, nhà kiểm duyệt Nga đã thông qua vì ông nhận xét rằng “ít người tại Nga sẽ đọc nó, người hiểu nó lại càng ít hơn”. Thế mà tại Nga, ấn bản đầu tiên của nó đã bán ngay được ba ngàn bản. Người phê bình bản dịch tiếng Anh đầu tiên (1887) đã nhận xét trên tập san văn học Athenaeum tại Luân Đôn: “Dưới hình thức phân tích phê bình về tư bản, tác phẩn của Các Mác thực chất là một bài bút chiến chống lại những nhà tư bản và phương thức sản xuất tư bản và chính cái giọng điệu bút chiến này tạo nên sức quyến rũ chủ yếu của nó”.

Với người đọc bình thường không chuyên về kinh tế, những đoạn văn dễ hiểu nhất của cuốn sách là những bức tranh nổi về lịch sử xã hội và kinh tế. Ví dụ :

Một trong những loại lao động bỉ ổi nhất, bẩn thỉu nhất và được trả lương thấp nhất là loại lao động mà người ta thích thuê các phụ nữ và trẻ em làm, đó là dựa giẻ rách và giấy vụn. Người ta biết rất rõ rằng nước Anh không chỉ có một kho giẻ rách và giấy vụn khổng lồ, mà còn là một trung tâm buôn bán giẻ rách của toàn thế giới. Các thứ này đến từ Nhật, từ những nước xa xôi nhất ở Nam Mỹ và từ quần đảo Canary. Nhưng nguồn cung cấp chính là Đức, Pháp, Nga, ý, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan. Chúng được dùng làm phân bón, làm nệm giường, vải tái sinh và làm nguyên vật liệu để làm giấy. Những người đi lựa giẻ rách là những trung gian truyền bệnh đậu mùa và các bệnh truyền nhiễm khác và bản thân họ là những nạn nhân đầu tiên.

Đi từ những mối hoài nghi của John Stuart Mill rằng “chắc gì tất cả những phát minh máy móc đã làm nhẹ đi công việc của con người”, Mác cho rằng những máy móc hiện tại và sức hơi nước thực sự làm cho ngày lao động dài hơn, làm cho điều kiện lao động ngày càng ngặt nghèo hơn. Trong một đoạn chú thích, ông nhận xét rằng thực ra máy móc đã “gia tăng rất nhanh con số những kẻ tư sản giàu có ăn không ngồi rồi”, rồi ông mô tả chi tiết những nỗi khốn nạn của những công nhân trong các nhà máy bông vải và các hầm mỏ. Ông vẽ lại cảnh những trẻ em thiếu mọi cơ hội học hành, những phụ nữ bị buộc phải làm những công việc “hạ giá phái tính của họ”, các cuộc điều tra sai lạc về nguyên nhân những cái chết tại hầm mỏ, sự tham nhũng trong công tác “thanh tra” của các cán bộ - tất cả những điều đó, “trong khi làm chín muồi những điều kiện vật chất và sự phối hợp các quy trình sản xuất tư bản và từ đó, song song với những yếu tố để hình thành một xã hội mới, nó tạo ra những lực lượng để làm nổ tung xã hội cũ”. Các sự kiện được ông dẫn chứng từ các nguồn của chính phủ và vì thế khó có thể chối cãi.

Dù người ta nghĩ thế nào về những lời tiên tri cách mạng của Mác, người ta không thể phủ nhận những sự kiện của đời sống mà ông đã nêu lên với đầy ánh sáng trong đoạn văn của ông. Sự nhấn mạnh của ông vào những điều kiện sống của giai cấp công nhân trong tất cả quá khứ mới chỉ là mặt bề ngoài của các ảnh hưởng của ông. Căn bản hơn là quan niệm mới của ông về toàn thể lịch sử và nhất là về sự khai sinh và đời sống của các ý tưởng.

Trước Mác, những tác nhân ảnh hưởng hàng đầu tới lịch sử đều là những nhà lãnh đạo và những ý tưởng lớn hình thành các điều kiện sống. Nhưng theo Mác, như ông giải thích trong một đoạn văn thường được trích dẫn như sau...

Trong việc làm ra các phương tiện để tồn tại trong xã hội, con người đi vào những mối tương quan nhất định và tất yếu, không tùy vào ý muốn của họ, những mối tương quan sản xuất tương ứng với một giai đoạn phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất vật chất của họ. Sự kết hợp các mối tương quan sản xuất này tạo thành cơ cấu kinh tế của xã hội, là cơ sở hiện thực để phát sinh một thượng cơ cấu pháp lý và chính trị và các dạng nhất định của ý thức xã hội tương ứng với cơ sở này. Phương thức sản xuất các phương tiện vật chất để tồn tại chi phối toàn thể quy trình của đời sống xã hội, chính trị và tri thức. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, nhưng ngược lại, chính sự tồn tại xã hội quyết định ý thức của con người.

Năm 1859, chính vào năm ông viết những dòng này, Nguồn Gốc Các Loài của Darwin đã cung cấp cho ông những minh họa phong phú. Cuộc đấu tranh để tồn tại của Darwin có vẻ chỉ là một bản sao trong lịch sử thiên nhiên các cuộc đấu tranh giai cấp của toàn thể lịch sử quá khứ của loài người. Và sự xuất hiện các ý tưởng của Darwin vào thời ấy, trong giai đoạn vàng son của chủ nghĩa tư bản Anh, cho thấy các ý tưởng là những triệu chứng chứ không phải nguyên nhân. Trong khi một số ca tụng Darwin như nhà tiên tri của chân lý khoa học và số khác kết án ông với tội phỉ báng, thì Mác đã nhìn những ý tưởng của Darwin trong một ánh sáng hoàn toàn khác. “Lần đầu tiên một đòn chí mạng giáng vào tính cứu cánh trong các khoa học tự nhiên”, Mác phấn khởi reo lên, “rất quan trọng... làm cơ sở khoa học tự nhiên cho cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử”. “Thật kỳ diệu khi Darwin nhận ra giữa các động vật và thực vật cái xã hội Anh của mình với sự phân công, cạnh tranh, những thị trường mới, những sáng chế, và cuộc đấu tranh sinh tồn theo thuyết Malthus. Đó là cuộc chiến mọi người chống lại mọi người (bellum omnium contra omnes) của Hobbes và nó làm ta nhớ đến Hiện Tượng Luận của Hegels, trong đó xã hội loài người được mô tả như một “vương quốc động vật tâm linh”, trong khi ở Darwin, “vương quốc động vật được nhìn như là xã hội loài người”.

May thay, trong những lý thuyết lịch sử của Hegels, Mác đã tìm ra một cái nền hoàn hảo cho lối suy tư riêng của mình. Cũng như chúng ta có thể tự hỏi liệu Copernic có thể khám phá ra khung hệ thống của mình không nếu như đã không có sẵn hệ thống Ptolêmê để thay thế địa tâm bằng hệ nhật tâm, thì chúng ta cũng có thể tự hỏi liệu Mác có thể tìm ra điều gì không nếu ông không có lược đồ phản đề của Hegels. Nhờ truyền thống gia đình và sự đào tạo về biện chứng, Mác trở nên rất giỏi về đối kháng. Không có ví dụ nào tốt hơn về quy trình biến chứng cho bằng phản ứng của chính Mác đối với Hegels và các người khác. Trong khi tư tưởng của ông dứt khoát là được hình thành bởi Hegels, ông đã đưa Hegels vào phía đối lập ông, như ông đã giải thích trong Lời tựa của Das Kapital:

Phương pháp biện chứng của tôi không chỉ khác với Hegels, mà đối chọi hẳn. Đối với Hegels, quy trình sống của bộ não con người, nghĩa là quy trình tư duy, mà dưới cái tên “ý tưởng”, ông thậm chí biến nó thành một chủ thể độc lập, là người tạo ra thế giới thực và thế giới thực chỉ là hình thức bề ngoài, là hiện tượng của “ý tưởng”. Theo tôi thì ngược lại, cái lý tưởng không là gì khác hơn cái thế giới vật chất được phản ánh bởi trí khôn con người và được đổi thành những hình thức của tư tưởng.

Tuy văn phong của Mác có quá triết học và quá bút chiến, ta vẫn phải nhìn nhận rằng quan điểm của ông về lịch sử chứa đựng điều gì vĩ đại, thông minh và sâu sắc. Bằng những lối đặt câu hỏi của ông, ông thức tỉnh chúng ta khỏi sự ngu dốt mà chúng ta không bao giờ nhận ra. Những câu hỏi của ông mở ra những chiều kích giấu ẩn của lịch sử. Sau Mác, cả những sử gia không theo chủ nghĩa Mác cũng không bao giờ thảo mãn với tất cả những câu trả lời cũ.

Những người theo chủ nghĩa Mác sẽ gọi cuộc khám phá những chiều kích giấu ẩn này là Khoa Học Xã Hội của họ và họ coi nó là một phương trị liệu. Mác lý luận rằng, để khám phá ra chân lý đơn sơ rằng “những tư tưởng thống trị của mỗi thời đại đã luôn luôn là những tư tưởng của giai cấp thống trị”, cần phải giải phóng giai cấp vô sản mới khỏi những ý tưởng của giai cấp thống trị cả họ và khỏi ảo tưởng rằng đó là những Chân lý phổ quát. Hiểu biết lịch sử không chỉ là một con đường dẫn đến nhận thức, mà là con đường duy nhất. Cũng như người tin theo Chúa Giêsu được giải phóng khỏi những thần ngoại giáo, thì người tin theo Mác cũng được giải phóng khỏi sự nô lệ những thần tượng được tạc ra bởi những người kiểm soát bộ máy sản xuất. Thánh Augustinô đã đưa Kitô giáo vào một khuôn lịch sử bằng cách lấy định hướng từ một biến cố duy nhất và đi đến một cùng đích thần linh. “Và anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em”. Các người theo chủ nghĩa Mác sẽ không nói ngược lại chân lý này của thánh Gioan, vì Mác, giống như thánh Augustinô và Vico, tin rằng phương pháp chữa trị cảm giác bất lực của con người chính là hiểu biết thực sự dòng lịch sử. Như thế, lịch sử đã trở thành phương pháp trị liệu.

Nhiều chiều kích giấy ẩn khác của quá khứ đã được khám phá bởi Sigmund Freud (1856-1936). Không đi lại nhiều và không phải nhà tổ chức chính trị, ông sống một đời sống học giả bình lặng ở Vienna, từ khi ông lên 3 tuổi. Cha ông làm nghề buôn len, có quan điểm chính trị phóng khoáng, gặp khó khăn trong đời sống tài chánh gia đình. Sinh ra là người Do Thái, ông đã trở thành một thành viên tích cực của Hội B’nai B’rith và rất thuộc các truyền thống Do Thái. Sống trong bầu không khí bài - Do Thái tại thành phố Vienna, lai lịch Do Thái của Freud đã luôn luôn hạn chế những cơ hội của ông và không ngừng ảnh hưởng suy tư của ông. Là một sinh viên chăm chỉ và thành công, lúc đầu ông thích học Luật. Ông đã nhớ lại những sở thích của mình khi ông vào đại học năm 1873:

cả dạo đó cũng như về sau, tôi không bao giờ thích trở thành một bác sĩ. Đúng ra là tôi bị thu hút bởi một sự hiếu kỳ, mà dù sao vẫn là về những mối quan tâm nhân bản hơn là về những sự vật trong thiên nhiên; tôi cũng không hề hiểu được tầm quan trọng của việc quan sát như là phương thế tốt nhất để thỏa mãn nó. Tôi đã quen với các câu chuyện Kinh Thánh từ rất sớm (hầu như trước cả khi tôi biết đọc), nên sau này tôi nhận ra điều đó đã tạo hiệu quả lâu bền trong việc định hướng sự quan tâm của tôi... Đồng thời, các lý thuyết của Darwin, rất được quan tâm, thời đó, đã thu hút tôi một cách mãn liệt, vì chúng hứa hẹn một sự tiến bộ kỳ lạ trong việc chúng ta hiểu biết thế giới; và chính nhờ được nghe một bài tiểu luận rất hay của Goethe về Thiên Nhiên được đọc to tiếng tại một giờ học... ngay trước khi tôi rời trung học đã làm tôi quyết định trở thành một sinh viên y khoa.

Đối với Freud cũng như đối với Mác, chính mối quan tâm rộng lớn về nhân bản đã biến ông trở thành người tiên phong trên vùng ranh giới của khoa học.

Theo nhận xét của Brunô Bettelheim, tính chất bí ẩn của mọi kinh nghiệm con người chính là cái đã kích thích Freud và cuối cùng đã thu hút toàn thể nghị lực của ông. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao ông đã chuyển từ việc chữa trị cơ thể con người sang chữa trị tâm hồn con người. Freud bắt đầu sự nghiệp chuyên môn của mình trong một phòng thí nghiệm sinh trong khi tìm cách chứng minh định đề của Hermann Helmholtz rằng “Không có những lực nào khác ngoài các lực lý hóa thông thường hoạt động bên trong cơ thể”. Freud đã mô tả kinh nghiệm này trong cuốn Tiểu Sử Tự Thuật như một “khúc ngoặt của các khoa học tự nhiên, khoa y học và khoa trị liệu tâm lý” ra khỏi “những vấn đề văn hóa từng mê hoặc người thanh niên vừa mới được đánh thức vào đời sống tư duy sâu xa”.

Thời kỳ chàng sinh viên trẻ Freud học ở Sperl Gymnasium tại Vienna từ 9 tuổi tới 17 tuổi mang đậm nét của nền văn hóa Hi Lạp và La Tinh và ông suốt đời giữ mãi niềm đam mê đối với văn hóa cổ điển. Các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông chứa đầy những từ và kiểu nói Hi Lạp: Eros và Oedipus và Psyche (tiếng Hi Lạp có nghĩa là “linh hồn”) và nhiều từ khác nữa. Từ hồi còn bé và dù có những khó khăn tài chánh, Freud luôn luôn mê say thú sưu tầm những pho tượng cổ và đây là sự quá đáng duy nhất của ông ngoài việc hút hai mươi điếu thuốc mỗi ngày. Khi ông mua được cuốn Troa của Schliemann, ông cảm thấy thích thú với câu truyện tác giả kể về niềm hi vọng của ông hồi nhỏ là khám phá ra thành phố bị chôn vùi dưới đất. Freud đã tổng quát hóa sự kiện này thành một bài học cho cuộc đời của chính mình và cho chính những nền tảng của khoa tâm phân học. “Người dàn ông ấy hạnh phúc khi tìm ra kho báu của Priam, vì niềm hạnh phúc duy nhất là sự thỏa mãn niềm mơ ước của tuổi thơ”. Định nghĩa của ông về hạnh phúc là “sự hoàn thành theo sau của một niềm ao ước tiền sử. Chính vì thế mà tại sao tiền bạc đem lại ít hạnh phúc như thế: là vì tiền không phải là niềm mơ ước của tôi khi còn nhỏ”. Sự quyến rũ của những đồ vật cổ là một động lực trong đời ông, như ông đã nhận thấy mình sung sướng thế nào khi mua được một bức tượng Rôma ở Innsbruck năm 1889 hay ông đã thích thú thế nào khi đọc cuốn Lịch Sử Văn Hóa Hi Lạp của Burckhardt.

Những chuyến đi lại quan trọng trong đời ông là những cuộc đi thăm Rôma và Athen, cũng là một tiêu điểm khác cho mối quan tâm sâu rộng của ông về các nguồn gốc. Freud trong khi đồng hóa mình với Hannibal người Sêmít, đã đồng hóa những khó khăn của mình để đi đến Rôma với chủ nghĩa bài - Do Thái đã từng từ chối chức vụ giảng dạy đại học của ông tại Vienna. Lần đầu tiên khi đến được Rôma, ông đã bị mê hoặc bởi những đồ vật cổ của Viện Bảo Tàng Vatican, đặc biệt là tượng Laocoon và tượng Apollo Belvedere. Tại Athen, khi đến thăn Acropolis, ông đã bị choáng ngợp đến mức không thể tin nổi lại có thể có điều gì xinh đẹp đến thế, một cảm giác mà ông không bao giờ mất.

Sự say mê của Freud về khảo cổ học không đơn thuần là một thú vui, mà nó biểu lộ sự tìm kiếm của ông về toàn bộ di sản chưa biết đến của quá khứ. Ở tuổi 40, chuyển từ thế giới của Helmholtz và của khoa thần kinh học sang thế giới của văn hóa và lịch sử, ông quyết tâm đi vào khảo cổ học về linh hồn, về “psyche”. Những tầng kinh nghiệm chưa được nghiên cứu cả của xã hội và của cá nhân là mảnh đất khai quật của ông. “Mỗi giai đoạn trước của sự phát triển”, ông nhận xét, “tiếp tục tồn tại song song với giai đoạn sau được phát sinh từ giai đoạn trước”. Theo ông, những ký ức chưa được đào bới của chúng ta là những cổ vật của khảo cổ học về con người. Rõ ràng đây là một lý do tại sao ông gán một tầm quan trọng lớn như thế cho việc nhớ lại những kinh nghiệm của tuổi thơ.

Những vấn đề trọng tâm của đời sống con người, theo Freud, là ở những chiều kích kín ẩn của nó, “trong đời sống tâm linh không có gì bị biến mất một khi nó dã được hình thành... mọi cái đều được bảo tồn một cách nào đó”. Freud thấy rằng những thất vọng và xung đột của con người nảy sinh không phải từ những gì họ đã quên đi, nhưng từ những ký ức bị chôn vùi mà họ không ý thức đến. Những nghệ thuật của Trí nhớ ngày nay có thể được sử dụng để phục vụ cho việc con người tự khám phá mình hay không? Khám phá quá khứ sẽ không chỉ là một kinh nghiệm thích thú mà là một con đường giải phóng. Những người mắc chứng cuồng loạn “không thể thoát ra khỏi quá khứ mà vì thế mà họ không để ý gì đến những hiện thực và trực tiếp”. Vấn đề của mọi người loạn thần kinh là ở chỗ họ bị “cắm chặt vào một chỗ nào đó trong quá khứ của họ”. Theo Freud, hiểu biết lịch sử nội tâm của một người sẽ trở thành một phương pháp trị liệu.

Không có những phương trình “lý-hóa” nào có thể giải thích đời sống con người. Vì trí nhớ là một cấu tố đặc trưng của con người và trừ khi các tầng kinh nghiệm được khám phá, cả xã hội lẫn cá nhân đều không thể hiểu biết chính mình.

Theo cách thức của mình, Freud cũng sẽ là một Paracelsus. Những chứng bệnh “nan y” của tinh thần phải có những phương thuốc chữa trị. Những nhà chuyên môn sẽ bị lay động bởi tinh thần nghiệp dư của khoa phân - Tâm học của Freud. Trong khi làm việc giữa các ống nghiệm, Freud vẫn luôn luôn là một nhà nhân bản và một nhà văn học. Chìm ngập trong văn học cổ điển, ông có ý thức sinh động về người yêu của Eros, nàng thiếu nữ Psyche của thần thoại Hi Lạp, một người con gái xinh đẹp đến nỗi thần Vệ Nữ ghen tuông phải làm cho nàng ngủ mê. Ông sẽ không bao giờ tách rời được cái mơ hồ và mập mờ của kho văn học sống động của ông ra khỏi ngôn ngữ và phương pháp của ông. Khi giới y học Mỹ muốn hạn chế việc thực hành tâm phân học cho những bác sĩ được dào tạo chuyên môn, Freud đã mạnh mẽ chống đối “khuynh hướng rõ ràng của Mỹ là biến khoa tâm phân học thành một nàng hầu của khoa Tâm bệnh học”. Hình như ông chọn những thuật ngữ ưa thích của ông vì hàm ý văn chương sâu xa của chúng. Nhiều lần ông phản đối việc người ta dịch các từ Ich (cái “Tôi”) và Es (cái “Nó”) và Tâm phân học (phân tích “Tâm hồn” của ông thành những biệt ngữ chính xác thật kêu là Egos, Ids và Superegos. Ngay từ năm 1905, Freud đã nhận xét, “Psyche là một từ Hi Lạp và dịch sang tiếng Đức là Seele, tâm hồn. Điều trị tâm lý do đó là điều trị tâm hồn [Psyche ist ein griechisches Wort lautet in deutscher Ubersetzung Seele. Psychische Behandlung heisst demnach Seelenbehandlung]. Oái oăm thay, tại Mỹ là nơi Freud được công khai nhìn nhận lần đầu tiên, những tư tưởng của ông đã mau chóng bị giới hạn vào ngành y khoa và vì thế làm mất đi sự bí ẩn của cái quá khứ tiền sử mà Freud đã khám phá ra nơi mỗi con người.

Mục lục[sửa]

  1. Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 1
  2. Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 2
  3. Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 3
  4. Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 4
  5. Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 5
  6. Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 6
  7. Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 7
  8. Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 8
  9. Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 9
  10. Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 10
  11. Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 11
  12. Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 12
  13. Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 13
  14. Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 14
  15. Những phát hiện về vạn vật /P 5 - Chương 15
  16. Những phát hiện về vạn vật /P 5 - Chương 18
  17. Những phát hiện về vạn vật /P 5 - Chương 19
  18. Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 21
  19. Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 22
  20. Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 23
  21. Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 24
  22. Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 25
  23. Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 26
  24. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 27
  25. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 28
  26. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 29
  27. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 30
  28. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 31
  29. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 32
  30. Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 33
  31. Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 34
  32. Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 35
  33. Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 36
  34. Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 37
  35. Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 38
  36. Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 39
  37. Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 41
  38. Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 42
  39. Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 43
  40. Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 44
  41. Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 45
  42. Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 46
  43. Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 47
  44. Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 48
  45. Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 49
  46. Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 50
  47. Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 51
  48. Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 52
  49. Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 53
  50. Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 54
  51. Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 55
  52. Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 56
  53. Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 57
  54. Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 58
  55. Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 59
  56. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 60
  57. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 61
  58. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 62
  59. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 63
  60. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 64
  61. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 65
  62. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 66
  63. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 67
  64. Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 68
  65. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 69
  66. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 70
  67. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 71
  68. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 72
  69. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 73
  70. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 74
  71. Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 75
  72. Những phát hiện về vạn vật /P.14 - Chương 76
  73. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 77
  74. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 78
  75. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 79
  76. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 80
  77. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 81
  78. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 82
  79. Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương Kết

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.