Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 74
Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 74
Những vĩ độ thời gian
Đối với một ý thức mới về lịch sử, việc nhìn tận mắt những di tích sống của quá khứ không đủ. Còn cần một chiều kích khác nữa, mà ta gọi là những vĩ độ thời gian, cái nhìn về tính đồng thời, ý thức về những gì đã xảy ra trên thế giới vào cùng một thời gian. Đây là một sự khám phá phức tạp hơn nhiều, chỉ có thể đạt đến qua những con đường quanh co và đầy bất ngờ.
Từ ngàn xưa, người ta vẫn đánh dấu những biến cố tại nơi họ sống bằng năm trị vì của vua, hay bằng những sự kiện có ý nghĩa địa phương khác. Năm 1900 Công Nguyên thì được người Trung Hoa tính là năm 26 đời Quang Tự, nhưng ở Nhật Bản vẫn gọi là năm 33 đời Minh Trị. Tại Ấn Độ, người Ấn thời cổ đánh dấu niên lịch bằng các triều đại, nhưng những người Phật giáo lại tính từ ngày Đức Phật chết và đạt Niết bàn năm 544 trước C.N. Người Ấn cũng dùng kỷ nguyên “Kali”, một chu kỳ nhỏ của đại chu kỳ mahayuga gồm 4,320,000 năm thiên thể và chu kỳ yuga gồm 432,000 năm. Các lối tính lịch khác của Ấn Độ dựa vào một trận chiến hay một cuộc cải cách lịch nào đó. Tất cả các lối tính đều trở nên rắc rối do những biến đổi giữa năm mặt trăng và năm mặt trời. Mọi nền văn minh lớn thời cổ (Rôma, Hi Lạp, Ai Cập, Babylon và Syria) đều có cách tính lịch riêng. Cách tính của người Rôma lấy mốc nguyên thủy là năm xây dựng thành phố cũng được những nơi khác theo. Lịch Hồi giáo, tính từ kỷ nguyên Hegira bắt đầu ngày 16 tháng 7, 622, chỉ được áp dụng 17 năm sau biến cố và vẫn còn dùng năm âm lịch.
Tại châu Âu Kitô giáo, cách tính mới - trước C.N. hay C.N. - diễn tả niềm tin ban đầu của người Kitô hữu vào một biến cố độc nhất vô nhị, đó là sự giáng sinh của Chúa Kitô, là biến cố tạo ý nghĩa và hướng đi cho tất cả lịch sử. Nhưng lối tính này chỉ được phát triển từ từ. Người Do Thái giáo thì tin ở biến cố độc nhất là cuộc Tạo Dựng và năm 1900 của Kitô giáo là năm Anno Mundi 5661 của Do Thái giáo. Nhiều thế kỷ đã đi qua sau biến cố Chúa giáng sinh, trước khi hệ thống tính mốc lịch hiện nay được sử dụng. Người sáng chế ra năm Công Nguyên (A.D. = Anno Domini) là Dionysus Exiguus (500-560), một thầy tu, nhà toán học và thiên văn học. Ông đã tìm cách để có thể tính trước một cách đích xác ngày Lễ Phục Sinh, thường được nhất trí là xảy ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn hay sau ngày xuân phân 21 tháng 3. Điều này có nghĩa là ở thế giới Kitô giáo phương Tây, Lễ Phục Sinh có thể rơi vào bất kỳ ngày nào từ 21 tháng 3 tới 25 tháng 4. Lễ Phục Sinh luôn luôn chi phối Năm Kitô giáo vì nó là ngày mốc để tính các lễ di động khác. Nhưng phương pháp để tính trước ngày Lễ Phục Sinh cho các thập niên trong tương lai đã gặp rắc rối và là đề tài tranh cãi muôn thuở. Dù đã có nhiều cố gắng thỏa hiệp, ngày Lễ Phục Sinh vẫn còn chia rẽ các giáo hội phương Đông với các giáo hội phương Tây. Nhưng lối tính lịch Kitô giáo của Dionysus Exiguus lấy điểm mốc là năm sinh của Chúa Giêsu sẽ được hầu hết thế giới không Kitô giáo chấp nhận, trừ Hồi giáo. Sai lầm trong cách tính lịch của Dionysus Exiguus chỉ là một chi tiết. Ông đã tính là năm sinh của chúa Giêsu phải là năm 763 tính từ ngày xây dựng thành Rôma. Nhưng các nhà nghiên cứu Kinh Thánh ngày nay dựa theo các sách Tin Mừng đã nhất trí rằng năm sinh Chúa giáng sinh phải xảy ra trước năm Herođê chết, nghĩa là không thể sau năm 4 trước C.N.
Năm 525 C.N. Dionysus Exiguus đã đề nghị giáo hoàng sử dụng thuật ngữ “C.N”. (Công Nguyên, tiếng La tinh là A.D. Anno Domini, năm của Chúa) để làm mốc tính thời gian. Dần dần, qua việc sử dụng các Bảng Ngày Lễ Phục Sinh của Dionysus tại châu Âu Kitô giáo, thuật ngữ Anno Dimini tính từ năm sinh của Chúa Giêsu đã thay thế mọi hệ thống khác. Nhưng phải đến thế kỷ 17, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu dùng thuật ngữ “trước C.N.” để đánh dấu những năm tính từ năm sinh của Chúa Giêsu trở về trước.
Nhưng còn ngày đầu mỗi năm được tính vào ngày nào? Trước kia có rất nhiều cách tính, gồm ngày lễ Chúa Giáng Sinh, Lễ Đức Mẹ (Lễ Truyền Tin, 26 tháng 3), lễ Phục Sinh và ngày 1 tháng 1. Và ngày đầu năm này vẫn còn gây nhiều lẫn lộn.
Thói quen mới tính ngày đầu năm là 1 tháng 1 là một sự quay trở về lối tính của dân ngoại, vì đó là ngày bắt đầu năm theo lịch Rôma và vì thế Giáo Hội luôn luôn chống lại lối tính này. Nhưng dần dần lối tính này đã được phổ biến và đến cuối thế kỷ 16 nó đã trở thành lệ chung ở châu Âu. Giáo hoàng Gregoriô XIII khi làm cuộc cải cách lịch năm 1592 cũng đã chiều theo lối tính của người ngoại giáo này và lấy ngày 1 tháng 1 làm ngày đầu năm. Kiểu Mới này đã tạo ra một số rắc rối cho những sử gia thời mới. Các nước thuộc Giáo hội Công giáo Rôma mau chóng chấp nhận lịch cải cách hợp lý của giáo hoàng Gregorio, nhưng các Giáo hội Tin Lành và Chính Thống giáo phương Đông không theo lịch giáo hoàng. Trong gần hai thế kỷ, người Anh thà chịu những bất tiện hơn là sống theo lịch giáo hoàng, vì các mùa từ lâu nay đã không còn ứng với các chu kỳ mặt trăng nữa.
Sau cùng, năm 1751, Philip Dormer Stanhope, Bá tước thứ tư của Chesterfield (1694-1773), một người có đầu óc phóng khoáng, đã đề nghị Quốc Hội chấp nhận Lịch Mới (không còn gọi là lịch “Gregorio”!).
Ở Nga, phải có cuộc cách mạng cộng sản mới thuyết phục được người Nga bỏ lịch cũ Julian và cuối cùng họ đã làm được điều này vào năm 1919. Tại Nhật Bản, Minh Trị Thiên Hoàng vào ngày 1/1/1873 đã chấp nhận lịch Gregorio song song với hệ thống cũ tính theo năm trị vì của hoàng đế.
Tại Trung Quốc, người ta vẫn theo một hệ thống lịch phức tạp kết hợp năm trị vì của vua với năm âm lịch cho tới khi thành lập nước cộng hòa năm 1911. Về sau, người ta cũng dùng dương lịch, nhưng ngày tháng vẫn tính mốc từ ngày thành lập nước cộng hòa. Mãi đến năm 1949, chính quyền Trung Quốc mới chấp nhận kiểu lịch mới Gregorio.
Có một mẫu số chung về thời gian cho các biến cố trên thế giới sẽ dễ dàng hơn để xác định các vĩ độ lịch sử và nhờ đó có thể biết được biến cố nào đang xảy ra ở những nơi khác nhau trong cùng thời gian và biến cố nào xảy ra trước hay sau biến cố nào. Trong hầu hết lịch sử loài người, không hề có một lược đồ thời gian chung - nói đúng ra là không có lược đồ nào cả - để đánh dấu những biến cố ở một nơi trong tường quan với một nơi khác.
Để đưa chung vào một lược đồ thời gian những sự kiện của người Do Thái, Ba Tư, Babylon, Ai Cập, Hi Lạp và Rôma, cần phải có một đầu óc uyên bác và ý chí để sẵn sàng đặt ra những câu hỏi rắc rối. Một trong những người thử bắt tay vào công việc này là nhà vẽ bản đồ đầy tham vọng Gerardus Mercator (1512-1594), người đã từng khám phá ra cách vẽ trái đất hình cầu trên mặt phẳng để giúp các người đi biển quanh thế giới tiện dùng. Ông cũng thấy nhu cầu có một niên biểu chung cho thế giới để người ta biết được vị trí của mình đối chiếu với quá khứ mà họ tìm hiểu. Trong một tập 450 trang khổ giấy lớn, ông đã soạn một tác phẩm công phu nhan đề Niên biểu... từ khởi thủy thế giới cho tới năm 1568, thực hiện nhờ quan sát những hiện tượng nhật thực, nguyệt thực và thiên văn. Các biến cố xảy ra nơi người Assyri, Ba Tư, Hi Lạp và Rôma được xếp thành một biểu nhất làm đối chiếu với những vụ nhật thực và nguyệt thực. Đây mới chỉ là phần đầu trong kế hoạch đầy tham vọng chưa được hoàn thành của Mercator, để vẽ lại toàn thể thế giới từ ngày Tạo Dựng, trên cả hai chiều kích không gian và thời gian.
Vào thời của Copernic, ta không ngạc nhiên khi cũng có những người khác sử dụng khoa thiên văn mới để soi sáng lịch sử. Người nổi tiếng và thành công nhất là một học giả thiên tài người ý Joseph Justus Scaliger (1540-1609), được kính trọng như một thần đồng và được coi như là người thông thái nhất sau Aristote. Theo những người hâm mộ, ông “học thuộc Homer chỉ trong hai mươi mốt ngày”.
Với sự thông thái của mình, Scaliger đã sử dụng ngôn ngữ học, toán học, thiên văn học và khoa học tiền cổ để làm ra Hệ Thống Niên Biểu Đúng, đưa các biến cố đã được biết của mọi thời đại quá khứ vào chung trong một bảng duy nhất. Trong khi giáo hoàng Gregorio công bố cải cách lịch hiện hành, Scaliger cũng sử dụng khoa thiên văn Copernic để phối hợp các lịch xưa. Với khoa học mới này về thiết lập niên biểu, lần đầu tiên người ta đã có khả năng đưa chung các biến cố của quá khứ vào trong một niên biểu duy nhất.
Sir Isaas Newton (1642-1727) đã dành những năm cuối đời tìm cách sử dụng khoa thiên văn để xác nhận lịch sử theo Kinh Thánh. Ông càng nổi tiếng thì ông càng thêm lòng sùng đạo và khi ông chết, ông đã để lại hàng ngàn trang thủ bản về thần học và niên biểu học. Tuy một số suy nghĩ của ông có thể khích lệ Buffon sau này kéo dài tuổi quá khứ của trái đất, nhưng bản thân Newton không muốn nhìn nhận là trái đất có thế có quá khứ vượt quá năm 4004 trước C.N. theo niên biểu của Kinh Thánh mà giám mục Ussher đã xác định. Newton chỉ hi vọng xác nhận những tường thuật của Kinh Thánh với các biến cố được ghi lại trong các lịch sử của Ai Cập, Assyria, Babylon, Ba Tư, Hi Lạp và Rôma. Lịch sử của những nước xa xôi hơn ở phương Đông và xa lạ hơn như Trung Quốc đã được các nhà truyền giáo Dòng Tên đưa về châu Âu thì vẫn chưa được Newton xét đến.
Để có một biến cố làm cơ sở cho niên biểu của mình, Newton đã lạ lùng chọn chuyến du hành thần thoại của người Argonaut. Nhà bác học vĩ đại này đã xây dựng cơ cấu niên biểu lớn về thế giới dựa trên một nền tảng có vẻ giả tưởng nhất - ngày tháng của cuộc mạo hiểm thần thoại đến Colchis do Jason thực hiện để tìm kiếm Len Vàng. Nghe nói Argo, con tàu của Jason, có một cây đà được cắt từ một cây của thần Dodona và biết đoán vận mệnh. Len Vàng được canh giữ bởi một con rồng không bao giờ ngủ, răng của nó khi nhẽ ra thì trở thành những chiến binh. Vô số những điều lạ lùng chờ đợi Jason và đoàn thủy thủ 50 người trong chuyến mạo hiểm lừng danh này và điều Newton muốn làm trong chuyện này cũng không kém lạ lùng.
Newton không thấy nghịch lý nào trong việc chọn một chuyện thần thoại làm điểm quy chiếu để làm niên biểu khoa học của mình. Ông biết rằng trong thời cổ, cuộc mạo hiểm của Argo được coi là một sự kiện lịch sử, là cuộc hành trình đã mở Biển Đen ra cho nền thương mại Hi Lạp. Ông cũng tin rằng những vị thần trong truyện thần thoại xưa đều là những anh hùng thực sự đã được thần hóa. Nếu thần thoại cổ là sự kiện thực sự được tiểu thuyết hóa, thì hẳn nhiên cuộc hành trình của những người Argonaut phải đã thực sự diễn ra và Newton có thể xác định nó trong thời gian bằng cách liên kết nó với những hiện tượng thiên văn.
Giá trị đặc biệt của niên biểu Argonaut là nó cũng xác định năm thành Troa sụp đổ và cả năm xây dựng thành Rôma, vì Rôma được nói là đã do Aeneas xây dựng, mà ông này lại là một người tị nạn từ Troa.
Newton viết, “Những luận cứ vững chắc nhất để xác định các sự việc quá khứ là những luận cứ rút ra từ thiên văn học”. Bằng cách này, ông đã xây dựng Hệ Thống Niên Biểu mới và ông theo hệ thống này đã xác định các sự kiện chính của người Hi Lạp, Ba Tư và Ai Cập, đối chiếu với những niên lịch của Đavít và Salomon trong Kinh Thánh. Niên Biểu của Newton đã trở thành đề tài tranh cãi nóng bỏng trên thế giới. Một số gọi niên biểu của ông không khác gì là một thứ tiểu thuyết bác học. Nhưng một số khác khen ngợi không tiếc lời. Edward Gibbon viết, “Tên tuổi của Newton đề cao hình ảnh của một thiên tài sâu sắc, sáng chói và độc đáo. Chỉ riêng Hệ Thống Niên Biểu của ông đã đủ để bảo đảm sự bất tử của ông... Kinh nghiệm và Thiên văn, đây là sợi chỉ xuyên suốt lý luận của Newton”.
Là người tin tưởng nhiệt thành vào Kinh Thánh, nhưng Newton vẫn hướng tới một niên biểu thế giới thực tiễn dựa trên những sự kiện khách quan trên khắp hành tinh. Về lâu dài, loại niên biểu cơ sở mà khoa thiên văn Newton đề nghị sẽ cống hiến những đường thời gian đồng thời trên khắp thế giới. Người ta có thế không bao giờ đồng ý về ngày tháng của sự kiện Tạo Dựng - nhiều người có thể không tin việc Chúa giáng sinh - nhưng mọi người đều có thể và muốn chia sẻ một tổng hợp lịch sử của thế giới.
Mục lục[sửa]
- Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 1
- Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 2
- Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 3
- Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 4
- Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 5
- Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 6
- Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 7
- Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 8
- Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 9
- Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 10
- Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 11
- Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 12
- Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 13
- Những phát hiện về vạn vật /P 4 - Chương 14
- Những phát hiện về vạn vật /P 5 - Chương 15
- Những phát hiện về vạn vật /P 5 - Chương 18
- Những phát hiện về vạn vật /P 5 - Chương 19
- Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 21
- Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 22
- Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 23
- Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 24
- Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 25
- Những phát hiện về vạn vật /P 6 - Chương 26
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 27
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 28
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 29
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 30
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 31
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 32
- Những phát hiện về vạn vật /P 7 - Chương 33
- Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 34
- Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 35
- Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 36
- Những phát hiện về vạn vật /P 8 - Chương 37
- Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 38
- Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 39
- Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 41
- Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 42
- Những phát hiện về vạn vật /P 9 - Chương 43
- Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 44
- Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 45
- Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 46
- Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 47
- Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 48
- Những phát hiện về vạn vật /P 10 - Chương 49
- Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 50
- Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 51
- Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 52
- Những phát hiện về vạn vật /P 11 - Chương 53
- Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 54
- Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 55
- Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 56
- Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 57
- Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 58
- Những phát hiện về vạn vật /P 12 - Chương 59
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 60
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 61
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 62
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 63
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 64
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 65
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 66
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 67
- Những phát hiện về vạn vật /P 13 - Chương 68
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 69
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 70
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 71
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 72
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 73
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 74
- Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 75
- Những phát hiện về vạn vật /P.14 - Chương 76
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 77
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 78
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 79
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 80
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 81
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương 82
- Những phát hiện về vạn vật /P.15 - Chương Kết
- Những phát hiện về vạn vật và con người, Daniel J. Boorstin (The discovers - A history of Man s Search to know his world and himself)
- Dịch giả: Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
Liên kết đến đây
- Những phát hiện về vạn vật và con người, Daniel J. Boorstin
- Bản mẫu:Phát hiện về vạn vật
- Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 1
- Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 2
- Những phát hiện về vạn vật /P 1 - Chương 3
- Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 4
- Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 5
- Những phát hiện về vạn vật /P 2 - Chương 6
- Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 7
- Những phát hiện về vạn vật /P 3 - Chương 8
- Xem thêm liên kết đến trang này.