Những thói hư tật xấu của người Việt/14

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không có can đảm là mình

(Nguyễn Duy Thanh, Muốn cho tiếng An Nam giàu, báo Phụ nữ tân văn, 1929)

Ông Dorgelès trong quyển Con đường cái quan có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói rằng: "Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm, mà nhà cửa đã theo Tây thời rất dễ dàng, nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài… Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế, thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn".

Câu nói đau đớn thay mà xét người ta nói cũng phải.

...Người viết văn phải có can đảm mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mở đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu, chữ thiết diện ra chữ mặt sắt[1]... Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu không. Ấy thế mà giá mình nói "Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu”[2] tất phần nhiều người cho là mách qué!

Người Tàu trước kia làm gì có những tiếng cộng hòa, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học[3]... Vì lòng sốt sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt ra được cái tiếng ấy. Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị[4]. Tàu ra, trong ấy đã sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.

Chú thích[sửa]

  1. Hai câu nguyên văn trong Truyện Kiều: "Trải qua một cuộc bể dâu” và "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vi tình”.
  2. Một câu trong "Cung oán ngâm khúc”. "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
  3. Tức hình học.
  4. Tức từ điển.

← Mục lục

Liên kết đến đây