Những thói hư tật xấu của người Việt/175
Không biết chấn hưng thực nghiệp[1]
(Quốc dân độc bản, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục, 1907)
Người nước ta xưa nay chia ra bốn nghề sĩ nông công thương... Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là kẻ sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông công thương, cho họ là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cùng. Sĩ đã không biết việc nông công thương, mà nông công thương phần nhiều không học hành, không biết nông học là gì, công nghiệp là gì, địa lý là gì. Trăm môn chẳng biết môn nào, thực nghiệp mới không chấn hưng được.
Ở các cửa khẩu thông thương, trăm người không ai không mặc vải Tây, mà vải Tây là lấy bông sợi của ta dệt ra (...) Các nhà buôn học thức nông cạn, người ta mang hàng đến mà mình không biết chở hàng đi[2]. Nhà buôn trong nước rất tản mạn, chèn ép lẫn nhau, không có chủ trương nhất định...
Chú thích[sửa]
- ↑ thực nghiệp là từ chỉ chung các ngành sản xuất vật chất, bao gồm cả nông nghiệp lẫn công thương nghiệp
- ↑ chỉ lo nhập khẩu không biết xuất khẩu