Những thói hư tật xấu của người Việt/200

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tình nghĩa thầy trò bị hiểu sai lệch và bị lợi dụng

(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, 1915)

Người ta ở đời nhờ có cha mẹ sinh ra mình lại phải nhờ có thầy dạy cho mình, thì mình mới khôn, biết việc này việc nọ, mới nên con người; cho nên học trò ở với thầy như con ở với cha mẹ ấy cũng là một mối luân thường của Á Đông ta.

Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở. Kìa như các bậc đáng mặt mô phạm, có công dạy dỗ có ân đức giáo hóa nhuần thấm đến người, thì người ta không nên quên đã đành. Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ nửa mường nửa mán[1] để hộ khẩu cho qua đời[2]. Vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo, động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi nhà thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng, cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là một cái mọt của thiên hạ.

Chú thích[sửa]

  1. trong các bản in VNPT gần đây, mấy chữ in nghiêng này thường bị gạch bỏ. Đây tôi lấy theo bản của nhà Bút Việt in ở SG 2-1975
  2. hộ khẩu, từ cổ có nghĩa kiếm sống. Còn qua đời ở đây không có nghĩa là chết mà là qua một kiếp người

← Mục lục

Liên kết đến đây