Những thói hư tật xấu của người Việt/201

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không chú trọng học thuật sẽ thành dân tộc bỏ đi

(Hoài Thanh, Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý, Sông Hương, 1936)

Dễ thường không có nước nào mà những người tự nhận là học giả lại lạnh lùng với việc học như ở nước mình. Người mình vẫn được tiếng là hiếu học, nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn thèm màng đến nó nữa.

Cho đến ngày nay, trong một trăm người bước chân ra khỏi nhà trường, không có lấy năm ba người để tâm vào việc học. Giữa một vũ trụ đầy những sự huyền bí, người mình như khách qua đường bưng mắt mà đi vì sợ mệt mắt. Tinh thần của mình bạc nhược như vậy không trách gì mình thua kém.

Đã thế lại còn kiêu căng. Thỉnh thoảng có tấp tểnh bước vào rừng học thì cũng chỉ chạy theo những vấn đề to lớn, tựa hồ như chỉ những vấn đề ấy mới xứng với tài trí của mình. Có biết đâu rằng tinh thần học thuật ngày nay căn cứ vào lòng khiêm tốn.

Người ta đã mất công nghiên cứu mà nói ra một điều gì cũng cẩn thận dè dặt. Người mình đã không chịu tìm tòi gì mà lại thường cẩu thả.

... Nếu dân tộc này không bao giờ tự dựng lên được một nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có trên pho lịch sử văn minh loài người.


← Mục lục

Liên kết đến đây