Những thói hư tật xấu của người Việt/203
Văn chương phù phiếm, toàn giọng bi thương
(Phan Kế Bính, Việt nam phong tục, 1915)
Xét các lối văn chương của ta, vừa lối riêng, vừa lối theo của Tàu, kể ra thì cũng nhiều và cũng đủ cách. Song hiềm vì trong lối văn chương, phần nhiều là hay dùng cách tiểu xảo, đối chọi nhau từng chữ từng ý, mà nhất là thơ hay tìm những tiếng mong manh, những lời bóng bảy, khí nhỏ nhặt tỉ mỉ, kém khí hùng hào.
Vả lại hay chuộng lối phù hoa, quý hồ đặt cho đẹp câu, đọc cho sướng tai, mà rút cục thì không có lý tưởng nào là cao lạ.
Lại còn một cách, nói thật là viển vông huyền huýnh[1], khiến cho người nghe tưởng là cao kiến lắm mà kỳ thực thì toàn là lời tưởng tượng, vu khoát[2]; tựa như bức tranh vẽ của ta chỉ thấy nét xanh nét đỏ vẽ rồng vẽ phượng, trông thì choáng mắt, mà té ra không có nét nào thực cả.
Lại nhất là những điều ai oán những khúc bi thương, những tiếng bổng tiếng trầm, thánh tha thánh thót như dế kêu, như ve hót, ta thường cho là hay mà thực ra thì là một thứ tiếng hèn mọn yếu ớt, không cổ động được cái khí mạnh mẽ cho người ta.