Những thói hư tật xấu của người Việt/222
Hiếu danh đến mất tự trọng
(Phạm Quỳnh, Danh dự luận, Nam phong, 1919)
Dân ta là một dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết.
Từ trên xuống dưới, từ thấp chí cao -- từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ bố cu; cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán, -- hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện.
Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh, thời dễ táng thất[1] lương tâm. Quỵ luỵ khúm núm trước mặt người trên; châu tuần [2] nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống đất mà lạy cũng cam tâm … Xét cái danh dự phổ thông trong xã hội, cái danh dự hàng ngày hiển hiện ra trong cuộc giao tế, thời phải chịu rằng người mình ít có thật[3].
Chú thích[sửa]
- ↑ đánh mất
- ↑ loanh quanh chầu chực
- ↑ có nghĩa, trên thế giới này, không có dân nước nào lại có cách quan hệ với nhau như vậy.