Nhanh chóng chữa khỏi bệnh viêm thanh quản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm thanh quản (Laryngitis) là tình trạng sưng viêm của hộp thanh, còn gọi là thanh quản, một cơ quan giúp ống khí quản nối với cuống họng. Tình trạng này thường xảy ra do nhiễm virus. Tuy các triệu chứng của bệnh viêm thanh quản thường gây khó chịu, nhưng bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách giảm nhẹ triệu chứng và khỏi viêm nhiễm nhanh hơn.

Các bước[sửa]

Hiểu về bệnh viêm thanh quản[sửa]

  1. Nhận biết các nguyên nhân gây viêm thanh quản. Tình trạng viêm thanh quản thường xảy ra do các bệnh nhiễm virus như cảm cúm hoặc viêm cuống phổi, và thường tự khỏi ở người lớn.
    • Tuy nhiên, ở trẻ em, viêm thanh quản có thể gây ra các biến chứng dẫn đến bệnh bạch hầu thanh quản là một căn bệnh hô hấp.
    • Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm nấm gây viêm thanh quản.
    • Tình trạng phơi nhiễm với các hóa chất kích ứng cũng có thể dẫn đến bệnh viêm thanh quản.
  2. Sớm nhận biết các triệu chứng. Để nhanh chóng chữa khỏi viêm thanh quản, bạn cần có khả năng nhận biết các triệu chứng càng sớm càng tốt. Người bị viêm thanh quản thường có các biểu hiện:[1][2]
    • Khàn giọng
    • Cổ họng sưng, đau hoặc ngứa
    • Ho khan
    • Khó nuốt
  3. Lưu ý về các yếu tố rủi ro. Các yếu tố rủi ro sau đây làm tăng khả năng phát triển bệnh viêm thanh quản:[3][1]
    • Các bệnh viêm đường hô hấp trên như cảm cúm và các bệnh có thể gây viêm thanh quản.
    • Dây thanh làm việc quá mức. Tình trạng viêm thanh quản thường xảy ra ở những người có nghề nghiệp đòi hỏi phải nói, hét hoặc hát thường xuyên.
    • Các chứng dị ứng gây viêm họng.
    • Chứng trào ngược a-xít có thể kích thích dây thanh.
    • Sử dụng thuốc corticosteroid để điều trị hen suyễn có thể gây kích ứng và viêm họng.
    • Hút thuốc lá gây kích ứng và sưng viêm dây thanh.

Điều trị viêm thanh quản bằng thuốc[sửa]

  1. Uống các thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen, aspirin, hoặc paracetamol. Những loại thuốc này sẽ nhanh chóng giúp giảm đau họng và chế ngự cơn sốt.[4]
    • Các thuốc giảm đau này thường có dạng viên uống hoặc dạng lỏng.
    • Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc liều dùng ghi trên vỏ hộp thuốc.
    • Bạn cũng có thể hỏi dược sĩ về loại thuốc nào tốt nhất giúp giảm các triệu chứng của bạn hoặc khi thắc mắc trong cách dùng thuốc.
  2. Tránh các loại thuốc thông mũi. Thuốc thông mũi làm khô họng và có thể làm khiến tình trạng viêm thanh quản nặng thêm. Nếu muốn nhanh chóng bình phục, bạn nên tránh dùng các loại thuốc này.[5]
  3. Uống thuốc kháng sinh do bác sĩ kê toa. Trong trường hợp viêm thanh quản do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, thông thường có thể giúp khỏi bệnh nhanh chóng.[6]
    • Không uống thuốc kháng sinh mà bạn tìm được đâu đó mà không hỏi bác sĩ.
    • Đa số trường hợp viêm thanh quản là do virus, và khi đó thuốc kháng sinh không có tác dụng chữa bệnh.
    • Bác sĩ có thể tiêm một liều kháng sinh để giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành.
  4. Hỏi bác sĩ về thuốc corticosteroid. Nếu bị viêm thanh quản nặng mà lại cần bình phục càng nhanh càng tốt để thuyết trình, phát biểu hoặc ca hát, bạn có thể hỏi bác sĩ về thuốc corticosteroid xem đó có thể là lựa chọn tốt không. Các loại thuốc này thường giúp giảm sưng viêm nhanh chóng.[7]
    • Corticosteroid thường chỉ được kê toa cho các trường hợp nặng hoặc các tình huống khẩn cấp.
  5. Xác định và điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm thanh quản. Để điều trị bệnh viêm thanh quản do nhiễm vi khuẩn hoặc virus một cách nhanh chóng và hiệu quả, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân tiềm ẩn và dùng thuốc để điều trị chứng bệnh đó.
    • Thuốc không kê toa để điều trị chứng trào ngược a-xít có thể giúp giảm viêm thanh quản do chứng trào ngược a-xít hoặc GERD (trào ngược dạ dày thực quản).
    • Nếu tình trạng viêm thanh quản có vẻ liên quan đến chứng dị ứng, bạn cần uống thuốc chữa dị ứng.
    • Nếu không biết chắc về nguyên nhân gây viêm thanh quản, tốt nhất là bạn nên làm việc với một chuyên gia y tế có khả năng chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị các triệu chứng của bạn.

Thử dùng các biện pháp tự chăm sóc và các liệu pháp tại nhà[sửa]

  1. Cho dây thanh nghỉ ngơi. Nếu muốn bình phục nhanh, bạn cần để cho dây thanh nghỉ ngơi hết sức có thể. Việc nói chuyện có thể làm căng cơ khiến tình trạng sưng viêm nặng hơn.[8]
    • Không nói thì thào. Trái với lời đồn, thì thào làm tăng gấp đôi áp lực lên thanh quản.
    • Nói nhỏ hoặc viết ra thay vì nói.
  2. Cung cấp đủ nước cho cơ thể và giữ ẩm cổ họng. Để đẩy nhanh quá trình hồi phục, điều quan trọng là cung cấp đủ nước cho cơ thể và giữ ẩm cổ họng để giảm kích ứng. Uống nhiều chất lỏng và thử dùng viên ngậm hoặc nhai kẹo cao su.[9][10]
    • Khi cổ họng đau rát, bạn có thể xoa dịu bằng một chất lỏng ấm. Thử uống nước ấm, súp hoặc trà ấm pha mật ong.
    • Tránh caffeine và chất cồn, những chất này thực sự làm tăng tình trạng khô và kích ứng.
    • Viêm ngậm và kẹo cao su giúp tăng tiết nước bọt, do đó sẽ giảm kích ứng họng.
  3. Súc miệng. Súc miệng – ngậm nước ấm trong miệng, ngửa đầu ra sau và dùng các cơ trong họng để phát ra âm thanh “a…” – có thể nhanh chóng giảm nhẹ các triệu chứng. Để có kết quả tốt nhất và mau bình phục khi bị viêm thanh quản, bạn nên súc miệng nhiều lần trong ngày, mỗi ngày vài phút.[1][11]
    • Thử súc miệng bằng nước ấm với ½ thìa cà phê muối hòa tan để tăng tiết nước bọt, đẩy nhanh quá trình chữa lành và giảm các triệu chứng nhanh hơn.
    • Bạn cũng có thể súc miệng với một ly nước ấm hòa tan một viên aspirin để giảm đau. Quan trọng là tránh nuốt aspirin, và không nên cho trẻ dưới 16 tuổi dùng hỗn hợp này để tránh bị nghẹn.
    • Một số người khuyên dùng nước súc miệng vì các loại nước súc miệng được cho là diệt vi trùng và vi khuẩn trong miệng.
    • Một dung dịch súc miệng khác tại nhà mà bạn có thể thử là hỗn hợp nửa phần giấm và nửa phần nước, được cho là giúp diệt vi khuẩn và nấm là những yếu tố có thể gây viêm thanh quản.
  4. Tránh những chất kích thích như khói. Khói góp phần làm nặng thêm tình trạng viêm thanh quản, vì nó gây kích ứng và khô họng.[1]
    • Những người bị viêm thanh quản được khuyến cáo bỏ thuốc lá và tránh ở gần những người hút thuốc.
  5. Hít hơi nước hoặc dùng máy tạo ẩm. Hơi ẩm có thể giúp làm trơn cổ họng và giảm sưng, do đó bạn có thể thử hít hơi nước hoặc dùng máy tạo ẩm để giúp giảm viêm thanh quản.[1][11]
    • Vặn vòi sen nước nóng để nhiều hơi nước tỏa ra, và hít hơi nước trong 15 -20 phút.
    • Bạn cũng có thể thử hít hơi nước trên một tô nước nóng. Thông thường bạn có thể dùng khăn trùm lên đầu để hơi nước không tản mát đi quá nhanh.
  6. Thử dùng các liệu pháp thảo mộc. Từ lâu thảo mộc đã được dùng để chữa đau họng và các triệu chứng khác liên quan đến viêm thanh quản, nhưng chúng cũng có thể gây các tác dụng phụ, đặc biệt là khi tương tác với thuốc hoặc thực phẩm bổ sung. Tốt nhất là bạn nên nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để hỏi liệu bạn dùng thảo mộc để chữa viêm thanh quản có an toàn không. Tuy nhiên dưới đây là danh sách một số loại thảo mộc được cho là giúp giảm viêm thanh quản.[1]
    • Khuynh diệp có thể xoa dịu cổ họng bị kích ứng. Dùng lá tươi uống như trà hoặc để súc miệng. Không uống dầu khuynh diệp vì có độc.
    • Bạc hà cay cũng giống như khuynh diệp và có thể giúp chữa bệnh cảm thường và đau họng. Không cho trẻ sơ sinh dùng bạc hà cay hoặc menthol và không dùng bạc hà cay theo đường uống.
    • Cam thảo được dùng để chữa đau họng. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo bác sĩ trước khi dùng cam thảo, đặc biệt là nếu bạn đang uống các loại thuốc như aspirin hoặc warfarin. Điều này có thể ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, cao huyết áp, người bị bệnh tim, gan hoặc thận.
    • Cây du trơn được cho là giảm kích ứng họng vì nó có chứa chất nhầy bao bọc cổ họng, nhưng bằng chứng khoa học về liệu pháp thảo mộc này còn hạn chế. Bạn có thể thử tác dụng của nó đối với các triệu chứng viêm thanh quản của bạn bằng cách hòa một thìa cà phê bột chiết xuất cây du trơn vào một cốc nước ấm và nhấm nháp. Cố gắng ngậm trong miệng trước khi nuốt càng lâu càng tốt. Cây du trơn cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc của cơ thể, do đó bạn cần tham khảo chuyên gia sức khỏe và tránh uống các loại thuốc khác cùng với cây du trơn. Bạn cũng nên tránh dùng loại thảo mộc này nếu đang mang thai hoặc cho con bú.

Biết khi nào cần gặp bác sĩ[sửa]

  1. Chú ý xem bệnh viêm thanh quản của bạn kéo dài bao lâu. Nếu các triệu chứng viêm thanh quản kéo dài hơn hai tuần thì tốt nhất là bạn nên tìm sự chăm sóc y tế.[12]
    • Bác sĩ có thể xác định liệu có phải bạn đang bị viêm thanh quản nặng hay bị một căn bệnh nào khác.
  2. Lưu ý những triệu chứng nguy hiểm và tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây, bạn nên đến bác sĩ hoặc tìm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt:[13]
    • Cơn đau gia tăng
    • Sốt dai dẳng
    • Khó thở
    • Khó nuốt
    • Ho ra máu
    • Khó kiểm soát tiết nước bọt
  3. Cảnh giác với các thay đổi đột ngột trong căn bệnh của con bạn. Nếu nghi ngờ con mình bị viêm thanh quản và trẻ có bất cứ triệu chứng nào dưới đây, bạn đừng do dự tìm ngay sự chăm sóc y tế. Trẻ có thể mắc một căn bệnh hô hấp nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh bạch hầu thanh quản.[13]
    • Tăng chảy nước dãi
    • Khó nuốt hoặc khó thở
    • Sốt cao trên 39.4°C
    • Giọng nói nghẹt
    • Khi trẻ hít vào có âm thanh rít.
  4. Lưu ý số lần bạn bị viêm thanh quản. Nếu bạn thường xuyên bị viêm thanh quản, bạn nên nói với bác sĩ về tình trạng này để bác sĩ xác định nguyên nhân tiềm ẩn và đưa ra phác đồ điều trị. Các đợt viêm thanh quản kinh niên có thể là kết quả của một trong những tình trạng sau đây:[12]
    • Các vấn đề về xoang hoặc dị ứng
    • Nhiễm vi khuẩn hoặc nấm
    • Trào ngược a-xít, hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
    • Ung thư
    • Liệt dây thanh do chấn thương, u bướu hoặc đột quỵ

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bệnh viêm thanh quản kéo dài hơn hai tuần, bạn cần tìm bác sĩ để điều trị và đảm bảo rằng các triệu chứng của bạn không phải do một căn bệnh khác gây ra.
  • Nói thì thào làm tăng áp lực lên dây thanh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]