Phát triển dậy thì bình thường và bệnh lý
Mục lục
- 1 Phát triển dậy thì bình thường
- 2 Dậy thì sớm
- 3 Chứng vú to ở nam (gynecomaties)
- 4 Dậy thì muộn
Phát triển dậy thì bình thường[sửa]
Tuổi xuất hiện dậy thì của trẻ em ở các nước phát triển ở trẻ gái là 9 tuổi, trẻ trai là 12 tuổi.
Nước ta, tuổi trung bình bắt đầu dậy thì trong nghiên cứu 7575 trẻ miền Bắc trẻ gái là 11 tuổi 10 tháng, trẻ trai là 13 tuổi 5 tháng.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi bắt đầu dậy thì, trong đó yếu tố di truyền và các yếu tố ngoại sinh như hoạt động thể lực, điều kiện dinh dưỡng, yếu tố xã hội giữ vai trò chủ yếu.
Phát triển về hình thể[sửa]
Sự phát triển của trẻ gái[sửa]
Dấu hiệu dậy thì đầu tiên của trẻ gái là bắt đầu phát triển tuyến vú, liên quan chặt chẽ đến giai đoạn tăng phát triển chiều cao. Khoảng 6 tháng sau xuất hiện lông mu.
Tuyến vú phát triển, thay đổi sắc tố núm vú, quầng vú. Môi lớn, môi bé phát triển, niêm mạc âm đạo có màu hồng, tiết dịch, tế bào âm đạo ngấm estrogen có các tế bào đa diện ưa acide có nhân dạng chấm nốt.
Lông mu có hình tam giác đỉnh quay xuống dưới, lông nách xuất hiện muộn hơn (1-1,5 năm sau), ngay trước khi có kinh. Thể tích tử cung lớn dần. Dấu hiệu dậy thì hoàn toàn là xuất hiện kinh nguyệt. Những vòng kinh đầu tiên có thể không có rụng trứng.
Sự phát triển của trẻ trai[sửa]
Dấu hiệu dậy thì đầu tiên của trẻ trai là tăng thể tích tinh hoàn > 4 cm3, chiều dài tinh hoàn > 2,5 cm, da bìu thâm đen, xuất hiện lông mu. Phát triển kích thước dương vật, xuất hiện lông nách.
Tuyến tiền liệt phát triển, xuất hiện lông ngực, râu, bài tiết mồ hôi nách với mùi đặc trưng, giọng trầm. Dấu hiệu dậy thì hoàn toàn là xuất tinh nhưng số lượng tinh trùng chỉ đảm bảo được chức năng sinh sản sau 1-2 năm.
Tăng trưởng trong thời kỳ dậy thì[sửa]
Phát triển chiều cao[sửa]
Tăng phát triển chiều cao, tốc độ tăng trưởng > 5,3 ± 1,4 cm ở trẻ gái, trẻ trai là 5,6 ± 1,4 cm. Đỉnh tăng trưởng xảy ra khoảng 2 năm sau khi có dấu hiệu đầu tiên của dậy thì và kết thúc trước tuổi dậy thì hoàn toàn từ 6 tháng đến 9 tháng. Ở trẻ gái, đỉnh tăng trưởng xảy ra ở lứa tuổi 11-12 tuổi; trẻ trai từ 13-14 tuổi.
Trẻ gái phát triển cao nhất 8,1 cm/ năm, kinh nguyệt thường xuất hiện trong giai đoạn này. Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc quá trình dậy thì trẻ gái có thể cao lên khoảng 25,3 cm.
Tốc độ phát triển cao nhất là 9,05 cm/ năm ở trẻ trai, tương đương với sự bài tiết testosteron. Lúc kết thúc dậy thì, chiều cao trẻ trai có thể tăng 27,6 cm. Chiều cao chính thức của nam và nữ có sự cách biệt trung bình đến 13 cm, do đỉnh tăng trưởng của trẻ gái xuất hiện sớm nhưng cũng kết thúc sớm.
Phát triển cân nặng[sửa]
Đỉnh phát triển cân nặng ở trẻ trai 4,9 kg/năm từ 13-14 tuổi, trẻ gái 2,34 kg/năm, từ 11-12 tuổi.
Phát triển cơ-xương[sửa]
Trẻ phát triển mạnh xương chi, trẻ gái phát triển mạnh khung chậu, trẻ trai phát triển vai.
Khối cơ ở trẻ trai phát triển gấp đôi trẻ gái, khối mỡ ở trẻ gái phát triển mạnh hơn (28%/14%).
Cốt hoá xương vừng ở ngón tay cái.
Dậy thì không đồng bộ (phân ly)[sửa]
Các dấu hiệu dậy thì không xuất hiện theo tuần tự bình thường, lông mu, hay lông nách xuất hiện trước khi tuyến vú hay tinh hoàn phát triển hoặc hiếm hơn nữa, kinh nguyệt có thể là dấu hiệu đầu tiên của dậy thì ở nữ.
Biến đổi nội tiết trong giai đoạn dậy thì[sửa]
Hocmôn hướng sinh dục-hocmôn sinh dục[sửa]
Hạ đồi tăng tiết có xung (pulsatile) Gn-RH (Gonadotropin releasing hormon/ LH-RH (Lutenizing hormon releasing) tác động trên tế bào hướng sinh dục tuyến yên làm tăng tiết FSH (Follicle Stimulating Hormon)- LH. Trẻ gái, FSH bảo đảm sự tăng trưởng của nang trứng, và kích thích hoạt động arom-hoá chuyển oestrogen thành estradiol, tăng cao trước và chiếm ưu thế so với LH lúc bắt đầu dậy thì (S2P2) song song với sự tăng nồng độ E2 (Estradiol).
Cuối dậy thì, LH khởi động sự rụng trứng lại lấn át hơn. Bài tiết progesteron ở giai đoạn 2 chu kỳ kinh. Ở trẻ trai, đáp ứng với LH bao giờ cũng trội hơn song song với sự bài tiết testosteron.
Hocmôn tuyến thượng thận[sửa]
DHEA và Androstenedion (dehydroepiandrosteron), qua testosteron và estrogen làm phát triển đặc tính sinh dục phụ (hệ thống lông), nhất là các đặc tính sinh dục nam, phát triển cơ quan sinh dục nam (bìu, dương vật).
Các hoc môn làm tăng trưởng[sửa]
GH hoạt hoá các somatostatin ở gan dưới sự xúc tác của estrogen. TSH tăng cao.
Dậy thì sớm[sửa]
Khi các dấu hiệu dậy thì đầu tiên xuất hiện trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 10 tuổi ở trẻ trai thì gọi là dậy thì sớm. Cần phải phân biệt:
- Dậy thì sớm thật do nguyên nhân trung ương (trục hạ đồi - tuyến yên).
- Dậy thì sớm giả do nguyên nhân ngoại biên (tuyến thượng thận, tuyến sinh dục).
- Dậy thì sớm không hoàn toàn (bán phần): Chỉ một đặc tính sinh dục phụ xuất hiện và duy trì mãi cho đến khi phát triển sinh dục hoàn toàn bình thường.
Lâm sàng[sửa]
Cả 2 giới[sửa]
Đỉnh tăng trưởng xuất hiện và kết thúc sớm. Tuổi xương lớn hơn tuổi thực.
Trẻ trai[sửa]
Dậy thì sớm thật, thường do bệnh lý não bộ mà 70% trường hợp là do u não. Thể tích tinh hoàn > 4 cm3, kèm với các đặc tính sinh dục nam. Có thể có các triệu chứng thần kinh của khối u. Có thể có các rối loạn nội tiết khác như đái tháo nhạt.
Dậy thì sớm giả, thể tích tinh hoàn < 4 cm3, dương vật có thể phát triển, bìu nhiều nếp nhăn, nhiễm sắc tố, với các đặc tính sinh dục phụ nam. Phân biệt dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả dựa vào thể tích và kích thước tinh hoàn.
Dậy thì sớm giả khác giới, do bài tiết quá mức estrogen gây vú to, có quầng vú (gynecomaties). Nguyên nhân có thể sinh lý hay do u thượng thận.
Trẻ gái[sửa]
Dậy thì sớm thật đồng giới hay gặp ở trẻ gái hơn ở trẻ trai, thường vô căn. Tuyến vú phát triển trước 8 tuổi, chiều cao tăng, lông mu phát triển, có thể có các đặc tính sinh dục nữ, có kinh nguyệt. Tuyến vú phát triển với sự xuất hiện của lông mu là dấu hiệu của dậy thì sớm thật.
Dậy thì sớm giả đồng giới do bài tiết sớm, không bình thường estrogen. Trẻ phát triển dậy thì theo hướng nữ, vú to có thể có kinh nguyệt. Nguyên nhân ngoại vi như u nang buồng trứng, u thượng thận nữ hoá (hiếm gặp).
Dậy thì sớm giả khác giới do sự bài tiết quá nhiều androgen gây âm vật phì đại, có lông mu. Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, u vỏ thượng thận, u buồng trứng nam hoá (hiếm gặp).
Một số nguyên nhân[sửa]
- Khối u: thường là u nhỏ ở vùng hạ đồi.
- Chấn thương: khi đẻ, tai nạn.
- Nhiễm trùng: viêm màng não, viêm não, quai bị, abces não...
- Dị dạng bẩm sinh: não úng thuỷ, tật đầu nhỏ, hẹp ống Silvius.
- Hội chứng McCune- Albright: Hoạt động tự động của buồng trứng, dậy thì sớm ở trẻ gái với dấu hiệu hành kinh từ những tháng đầu. Loạn sản xơ hoá xương, nguy cơ có các tổn thương dày xương sọ, mù, giả u. Có mảng sắc tố màu ca-fê sữa, bờ không đều, thường đơn độc ở một bên. Cường vỏ thượng thận với ACTH thấp. Cường giáp trạng với bướu cổ, TSH bình thường. GH tăng cao, LH, test LHRH thấp.
- Thiếu hụt GH phối hợp: chiều cao chính thức thấp, nguyên nhân do u hạ đồi, não úng thuỷ.
Cận lâm sàng[sửa]
- Chụp X quang: tuổi xương lớn hơn tuổi thực.
- Định lượng các hormon: E2 tăng 2-3 lần ở trẻ gái dậy thì đồng giới và tăng ở trẻ trai có vú to bất thường. Progesteron đôi khi cũng tăng. T và các androgen khác tăng ở trẻ trai dậy thì đồng giới và trẻ gái dậy thì khác giới. FSH, LH tăng.
- Test LH-RH là xét nghiệm đặc hiệu duy nhất, dậy thì sớm thật đáp ứng bình thường hoặc tăng. Dậy thì sớm giả đáp ứng giảm hay không đáp ứng.
- Thăm dò hình thái: CT Scanner, MRI não và tuyến yên. Siêu âm tuyến thượng thận, hay CT nếu có chỉ định.
- Ở trẻ gái, chỉ định siêu âm đo chiều cao tử cung, buồng trứng, tìm nang trứng. Niệu bào đồ tìm chỉ số ngấm estrogen.
Các thuốc điều trị[sửa]
- Dẫn xuất của LH-RH (Decapetyl, Enantone...) là phương pháp điều trị tiến bộ nhất trong điều trị dậy thì sớm. Decapeptyl LP: 60 µg/ kg/ tiêm bắp/ mỗi 3 tuần rồi 4 tuần.
- Ở trẻ gái ngưng kinh nguyệt ngay sau lần tiêm đầu tiên, theo dõi siêu âm tử cung và buồng trứng giảm kích thước sau 6 tháng. Trẻ trai: ngưng cường dương sớm, giảm kích thước tinh hoàn sau nhiều tháng. Lông mu thoái triển từ từ, cải thiện tâm lý, giảm tốc độ phát triển trong năm đầu.
Điều trị dậy thì sớm thật không rõ nguyên nhân:[sửa]
- Không điều trị các trường hợp trẻ trai có chiều cao < -2 SD và trẻ gái chậm phát triển chiều cao không nặng lắm. Các dẫn xuất LH-RH được chỉ định khi dậy thì sớm thật không rõ nguyên nhân, tiến triển dậy thì nhanh quá mức ở trẻ gái, có chỉ định rộng rãi hơn ở trẻ trai.
- Ngừng điều trị khi bệnh nhân có tuổi tương đương tuổi dậy thì. Khi ngưng điều trị phải chú ý nguy cơ hội chứng đa nang buồng trứng ở trẻ gái.
- Kết quả điều trị bệnh nhân có kích thước tương đương với chiều cao chuẩn với tuổi xương lúc chưa dậy thì.
Điều trị dậy thì sớm có nguyên nhân[sửa]
- Phẫu thuật và hay tia xạ khối u.
- Cường Testosterone: Ketoconazole (Nizoral) có tác dụng kháng steroide.
- Hội chứng McCune – Albright: Testolactone có tác dụng ức chế arom-hoá chuyển androgene thành oestrogene.
Dậy thì sớm không hoàn toàn[sửa]
Lông sinh dục phát triển sớm đơn độc[sửa]
Do tăng tiết các hormon sinh dục của vỏ thượng thận hay do các tế bào đích của hệ thống lông tăng tính nhạy cảm của thụ thể. Thường xảy ra ở lứa tuổi 6 tuổi (3/1 trường hợp). Tăng nhẹ chiều cao và tuổi xương. Cần phải loại trừ u buồng trứng, u vỏ thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Tuyến vú phát triển sớm đơn độc[sửa]
Trẻ gái từ 1-3 tuổi (80%), dấu hiệu ngấm estrogene không có, hay chỉ có rất kín đáo, tăng nhẹ chiều cao và tuổi xương. Estrogene bình thường, đáp ứng quá mức với FSH. Test LH -RH không đáp ứng. Vú lớn tự thoái lui trong 70% trường hợp.
Chứng vú to ở nam (gynecomaties)[sửa]
Do mất cân bằng giữa nồng độ estrogene và nồng độ androgene. Vú to sinh lý ở thời kỳ sơ sinh và biến mất dần trong 3 tháng đầu. Thời kỳ tiền dậy thì, 70% ở giai đoạn P3-P4, kích thước nhỏ hơn 4 cm, không kéo dài quá 3 năm. Trẻ trai hoàn toàn bình thường.
Vú to bệnh lý có đường kính > 4 cm, kéo dài > 4 năm, trẻ trai < 10 tuổi, có thể do độc tố hay dùng thuốc.
Dậy thì muộn[sửa]
Dậy thì muộn là khi một em gái đã quá 13 tuổi và em trai đã quá 14 tuổi mà không có các dấu hiệu của dậy thì.
- Dậy thì muộn trung ương: không đủ tiết gonadotropin tuyến yên, nên còn gọi là dậy thì muộn do giảm chức năng tuyến sinh dục thứ phát.
- Dậy thì muộn ngoại biên: còn gọi là dậy thì muộn (tiết nhiều gonadotropin) do giảm chức năng tuyến sinh dục tiên phát.
- Dậy thì muộn đơn thuần: xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn (tỷ lệ nam / nữ =9/1).
Dậy thì muộn ngoại biên do giảm chức năng tuyến sinh dục tiên phát[sửa]
Hay gặp nhất là hội chứng Klinefelter, hội chứng Turner.
Giảm chức năng tuyến sinh dục thứ phát[sửa]
Vùng hạ đồi hay tuyến yên giảm tiết các hocmôn hướng sinh dục.
Có thể do u, chấn thương, nhiễm khuẩn. Do các hội chứng dị dạng bẩm sinh: Laurence- Moon-Biedl, Prader- Willi -Labhart.
Dậy thì muộn đơn thuần[sửa]
Dậy thì muộn đơn thuần không tìm thấy nguyên nhân. Nồng độ FSH, LH, testosterone hay oetradiol đều bình thường.
Test LHRH hoặc không đáp ứng, hoặc đáp ứng kiểu tiền dậy thì.
CT scanner vùng hạ đồi - Tuyến yên. Các xét nghiệm khác tìm nguyên nhân như nhiễm sắc thể, soi ổ bụng.
Điều trị:[sửa]
- Điều trị nguyên nhân.
- Hocmon thay thế. Trẻ trai dùng testosteron chậm tiêm hay uống, bắt đầu chỉ định từ tuổi xương 13 tuổi. Trẻ gái dùng estrogene tiêm, tiếp progesterone để kích thích dậy thì.
NGUỒN
Giáo trình bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Huế