Phân biệt ung thư da tế bào hắc tố và nốt ruồi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Phân biệt tế bào hắc tố (melanôm) trên da và nốt ruồi[sửa]

Da gồm ba lớp: biều bì, trung bì và hạ bì. Lớp biểu bì gồm 3 loại tế bào chính: tế bào gai, tế bào đáy và tế bào hắc tố. Bên cạnh đó, tế bào hắc tố có thể gặp tại một số nơi khác như mắt, lông và tóc; trong bài này, chúng ta chỉ bàn về tế bào hắc tố trên da. Tế bào hắc tố tạo ra một chất gọi là melanin, tạo màu nâu hoặc màu rám nắng cho da và bảo vệ những lớp bên dưới khỏi tác động gây hại từ ánh nắng mặt trời.

Hình1: Các lớp của da

+ Ung thư da là sự tăng trưởng không kiểm soát của một loại tế bào da và tế bào này có khả năng di căn đến các cơ quan khác. Thông thường, ung thư da được chia làm hai nhóm chính: ung thư da tế bào hắc tố (melanoma hay melanôm) và ung thư da không phải tế bào hắc tố (non-melanoma skin cancer).

+ Nốt ruồi là thương tổn lành tính thường gặp ở da do sự tăng sinh tại chỗ của tế bào hắc tố (một số tên gọi khác như: bớt tế bào hắc tố (melanocytic naevus) hoặc bớt sắc tố (pigmented naevus))[1] .

Tại sao phải phân biệt Melanôm trên da và nốt ruồi?[sửa]

Melanôm trên da và nốt ruồi đều có nguồn gốc từ tế bào hắc tố da, nên sẽ có các đặc điểm lâm sàng giống nhau dẫn đến dễ nhầm lẫn trong việc phát hiện cũng như điều trị sớm: [1], [2]

+ Các thương tổn trên da thường có màu nâu hoặc đen.

+ Có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.

+ Có cùng một số yếu tố nguy cơ như:

  • Phơi nhiễm tia cực tím (tia UV): chủ yếu từ ánh sáng mặt trời.
  • Liên quan đến các yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ như:
  • Tiền căn gia đình có người mắc melanôm hoặc các loại ung thư da khác.
  • Người có nhiều nốt ruồi thì các thành viên trong gia đình cũng có thể có nhiều nốt ruồi và ở những vị trí tương ứng.
  • Suy yếu hệ miễn dịch: bệnh nhân ghép tạng hoặc bệnh nhân HIV có nguy cơ melanôm cao hơn và dễ xuất hiện nốt ruồi nhiều hơn người bình thường.
  • Thường gặp ở những người da trắng nhiều hơn những người da sẫm màu
  • Do tỉ lệ mắc phải và mức độ nguy hiểm của chúng là rất khác nhau:

+ Tỉ lệ mắc phải:

  • Melanôm trên da là bệnh rất ít gặp, theo Globocan (Cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu), tại Việt Nam, năm 2012, tỉ lệ Melanôm trên da là 0,2/100.000 [3] (có nghĩa là cứ 1.000.000 người dân bất kỳ thì 2 người có melanôm trên da).
  • Nốt ruồi là thương tổn rất thường gặp, đặc biệt ở những người da trắng. Theo một nghiên cứu tại New Zealand đối với những người trong độ tuổi từ 20-69 tuổi, nhìn chung cả nam và nữ có trung bình 14-15 nốt ruồi có đường kính từ 2mm trở lên. [4]

+ Mức độ nguy hiểm:

  • Melanôm trên da là ung thư có độ ác tính cao hơn những loại ung thư da khác, có khuynh hướng di căn đến những nơi khác của cơ thể cao hơn và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm. Theo Globocan (Cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu), tại Việt Nam, năm 2012, tỉ lệ tử vong của Melanôm trên da là 0,1/100.000 [5] (có nghĩa là trong 1.000.000 người dân bất kỳ thì có 1 người tử vong vì Melanôm trên da).
  • Trong khi đó, nốt ruồi là thương tổn lành tính. Mặc dù nốt ruồi có thể là yếu tổ nguy cơ của ung thư da [6], tuy nhiên bản thân nốt ruồi không có tính xâm lấn và không thể di căn hay gây tử vong.

Sự khác nhau giữa Melanôm trên da và nốt ruồi:[sửa]

  Melanôm trên da [2] Nốt ruồi
Độ tuổi xuất hiện bệnh Thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở những người trẻ tuổi (đặc biệt là phụ nữ <30 tuổi) Thông thường xuất hiện ở trẻ em (2-10 tuổi [1]) và người lớn (<25 tuổi [7]), tồn tại suốt đời.
Yếu tổ nguy cơ

– Nốt ruồi: đặc biệt là các nốt ruồi không điển hình (có kích thước lớn hơn hoặc hình dạng và màu sắc bất thường), bớt tế bào hắc tố. – Người da trắng, tóc đỏ hoặc vàng, mắt xanh.

– Da có tàn nhang hoặc bị phỏng.

  • Tàn nhang là những thương tổn nhỏ, phẳng có màu sẫm trên da. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc phơi nhiễm tia UV (làm tế bào hắc tố tăng tiết melanin).

–   Giới tính và độ tuổi:

  • <50 tuổi: nữ giới có nguy cơ cao hơn.
  • >50 tuổi: nam giới có nguy cơ cao hơn 

– Đã nêu ở mục các yếu tố nguy cơ chung của melanôm trên da và nốt ruồi.  

Biểu hiện lâm sàng Dấu hiệu cảnh báo melanôm:

– Trên da xuất hiện một nốt mới hoặc có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, màu sắc của một nốt cũ. 

– Quy luật ABCDE, nốt có đặc điểm sau cần được lưu ý:

  • A (Asymmetry: Không đối xứng): Một nửa của nốt ruồi hoặc bớt không giống với nửa còn lại.
  • B (Border: Bờ): Gồ ghề, bị làm mờ, nứt, không liên tục.
  • C (Color: Màu sắc): Màu sắc khác với những nốt khác.
  • D (Diameter: Đường kính): >6mm
  • E (Evolving: Tiến triển): Nốt ruồi thay đổi hình dạng, kích thước, màu sắc.

– Những dấu hiệu cảnh báo khác:

  • Một vết loét không lành trên da.
  • Sự lan rộng của mảng sắc tố qua khỏi bờ của những nốt ban đầu.
  • Sưng, đỏ mới xuất hiện tại một vị trí xa bờ của nốt ruồi.
  • Thay đổi cảm giác: ví dụ ngứa hoặc đau.
  • Thay đổi bề mặt nốt ruồi: ví dụ đóng vảy, tiết dịch, chảy máu hoặc lồi lên.  

– Nốt ruồi có thể phẳng hoặc nhô trên bề mặt da, thường không thay đổi tính chất trong nhiều năm. Một số nốt ruồi có thể phai mờ dần.

– Thông thường sẽ có hình dạng tròn hoặc oval, tuy nhiên vẫn có những hình dạng không điển hình. Đường kính có thể từ vài mm cho đến vài cm.

– Không xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo melanôm như đã nêu. 

Chẩn đoán

– Thăm khám và hỏi bệnh để đánh giá tổn thương trên da có các dấu hiệu cảnh báo melanôm hay không. Các dấu hiệu cảnh báo này chỉ giúp định hướng nghĩ đến melanôm trên da chứ không dùng để chẩn đoán xác định ung thư, vì những dấu hiệu này có thể gặp trong những thương tổn lành tính khác như: Xuất huyết dưới da, bớt sắc tố, nốt ruồi không điển hình. 

– Nếu tổn thương nghi ngờ melanôm, có thể thực hiện sinh thiết da để xác định chẩn đoán.

– Các kỹ thuật hình ảnh học: X-quang, CT-scan, MRI có thể được sử dụng để đánh giá mức độ lan rộng, di căn của ung thư giai đoạn muộn.

– Bởi vì nốt ruồi là thương tổn lành tính rất thường gặp ở da. Do đó, các nốt tăng sắc tố trên da, không ghi nhận các dấu hiệu cảnh báo melanôm hay các yếu tố nguy cơ (đã nêu ở trên) thường nghĩ nhiều là nốt ruồi hoặc những thương tổn lành tính khác ở da như tàn nhang, bớt tế bào hắc tố.

Hướng điều trị

– Là bệnh lý ác tính, có nguy cơ xâm lấn, tiến triển dẫn đến tử vong.

– Tùy vào giai đoạn lâm sàng, đánh giá của bác sĩ và cơ sở vật chất tại bệnh viện để lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp nhất. 

– Là tổn thương da lành tính, có thể là yếu tố nguy cơ ung thư da, tuy nhiên tự bản thân nốt ruồi không thể gây nguy hiểm tính mạng nên không cần điều trị.

– Trong những trường hợp có thể xóa nốt ruồi bằng tia lazer để tạo thẩm mỹ..

Tiên lượng

– Là loại ung thư da có độ ác tính cao hơn các loại ung thư da không melanôm. Bên cạnh đó khả năng tái phát sau điều trị còn cao. Việc tiên lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giai đoạn bệnh, bệnh lý nền của bệnh nhân, chế độ sinh hoạt và tuân thủ điều trị, điều kiện cơ sở vật chất tại bệnh viện,…

– Tốt (không ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng của các cơ quan trong cơ thể).

 

Một số hình ảnh phân biệt giữa Melanôm (ác tính) và nốt ruồi (lành tính):

Tóm lại:

  • Melanôm và nốt ruồi là hai thương tổn trên da khác nhau nhưng có nhiều đặc điểm tương đồng về yếu tố nguy cơ cũng như biểu hiện lâm sàng, dẫn đến việc phát hiện muộn, làm giảm cơ hội điều trị hiệu quả trong giai đoạn sớm cho những bệnh nhân melanôm.
  • Vấn đề phòng ngừa melanôm trên da cho đến nay vẫn chưa được chắc chắn. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: tuổi, giới tính, chủng tộc, tiền căn gia đình; việc giảm thiểu phơi nhiễm tia UV trong ánh sáng mặt trời có thể làm giảm nguy cơ melanôm trên da.
  • Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo melanôm trên da. Nếu nghi ngờ, cần đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc ung bướu để được khám và chẩn đoán xác định; nhằm phát hiện sớm để điều trị đạt kết quả tốt nhất.

 Nguồn tham khảo[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 Moles: https://www.dermnetnz.org/topics/moles/
  2. 2,0 2,1 Melanôm skin cancer: https://www.cancer.org/cancer/melanôm-skin-cancer.html
  3. Melanôm-of-skin–Estimated-incidence,all-ages:_both-sexes: http://globocan.iarc.fr/old/summary_table_site-html.asp?selection=16120&title=Melanôm+of+skin&sex=0&type=0&window=1&asia=3&sort=0&submit=%C2%A0Execute
  4. Frequency-of-moles-in-a-defined-population: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1052400/pdf/jepicomh00238-0052.pdf
  5. Melanôm-of-skin-Estimated-mortality,all-ages:_both-sexes: http://globocan.iarc.fr/old/summary_table_site-html.asp?selection=16120&title=Melanôm+of+skin&sex=0&type=1&window=1&asia=3&sort=0&submit=%C2%A0Execute
  6. What-are-the-risk-factors-for-the-skin-cancer: https://www.cdc.gov/cancer/skin/basic_info/risk_factors.htm
  7. Moles, Freckles, and Skin Tags: http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/moles-freckles-skin-tags#1

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lê Nho Quốc
  • Góp ý nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này