Phân tích đối chiếu ngôn ngữ trong việc dạy và học tiếng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Dẫn nhập[sửa]

Trong quá trình sử dụng ngoại ngữ và dịch thuật, văn bản là công cụ không thể thiếu. Hiện nay, các thể loại văn bản tiếng Việt và tiếng Anh đang được sử dụng nhiều nhất trong giao tiếp. Ngữ pháp văn bản tiếng Việt và tiếng Anh là mục tiêu và đối tượng cần chú ý nhất trong quá trình dạy và học tiếng Anh, cũng như dịch thuật Anh - Việt và Việt - Anh.

Theo các nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, cần thiết phải có các tài liệu ngữ pháp đối với các văn bản mang đặc tính chuyên ngành dưới dạng đối chiếu giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ được học hoặc nghiên cứu nhằm giúp người học hoặc nghiên cứu tiếp nhận một cách nhanh chóng các kiến thức tiên tiến bằng ngoại ngữ. Hơn thế nữa, trên cơ sở ngữ pháp được học, người học có thể nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình và làm phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc.

Thực tế lịch sử phát triển của tri thức khoa học thể hiện một quá trình liên tục và có tính kế thừa. Nội dung của các thuật ngữ về nghiên cứu đối chiếu cũng được xác định trong quá trình phát triển biện chứng lịch sử đó.

Thuật ngữ "đối chiếu" thường được dùng để chỉ phương pháp hoặc phân ngành nghiên cứu lấy đối tượng chủ yếu là hai hay nhiều ngôn ngữ. Mục đích của nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ là làm sáng tỏ những nét tương đồng và không tương đồng hoặc chỉ làm sáng tỏ những nét không tương đồng của hai hay nhiều ngôn ngữ. Nguyên tắc nghiên cứu chủ yếu của đối chiếu ngôn ngữ là nguyên tắc đồng đại.

Trong các tài liệu bằng tiếng Nga, thuật ngữ "đối chiếu ngôn ngữ" (phương pháp đối chiếu, ngôn ngữ học đối chiếu) được đưa vào sử dụng khá sớm bởi các nhà ngôn ngữ học như E.D.Polivanov (1933), V.D.Arakin (1946), V.H.Jaxeva (1960), V.G.Gak (1961), N.P.Fedorov (1961), O.C.Akanova (1966) và v.v. Từ 1970 đến nay, trong ngôn ngữ học hiện đại, thuật ngữ được sử dụng nhiều hơn cả là "ngôn ngữ học đối chiếu" (contrastive linguistics.

Trong các tài liệu bằng tiếng Anh, lúc đầu được phổ biến là thuật ngữ "so sánh" (comparative) với nội dung đối chiếu. Từ năm 1960 trở về đây, thuật ngữ "ngôn ngữ học đối chiếu" (contrastive linguistics) bắt đầu được sử dụng phổ biến, dần dần thay thế cho thuật ngữ "so sánh" (comparative). Tuy nhiên, trong ngôn ngữ học Anh, các thuật ngữ truyền thống được dùng tương đối lâu dài. Ví du, trong các công trình của Haliday, Mackintơn, Tơrevưn và một số tác giả khác, thuật ngữ "so sánh" (comparative) vẫn được sử dụng đến năm 1961, còn Elie đã dùng thuật ngữ "comparative" với nghĩa đối chiếu cho đến năm 1966.

Theo từ điển nhiều tập Oxford (1933), tính từ "comparative" được định nghĩa căn cứ vào cách dùng của từ này khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nội dung nghĩa thường nhấn mạnh đối chiếu những điểm khác nhau giữa hai hoặc hơn hai đối tượng được khảo sát, theo thời gian, thuật ngữ "đối chiếu" được sử dụng với nghĩa mở rộng để chỉ đúng hiện thực nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ.

Trong các tài liệu bằng tiếng Pháp, việc sử dụng thuật ngữ "đối chiếu" cũng diễn ra tương tự: thời kì đầu sử dụng thuật ngữ "comparée" và các từ phái sinh của nó. Sau đó, thuật ngữ "contrastive" được thay thế cho "comparative" mang nghĩa đối chiếu và ngày càng được sử dụng rộng rãi (Potie 1971, Duboa 1973, Gato 1974, Pioro 1977 và v.v.). Hiện nay, trong các tài liệu bằng tiếng Pháp thường sử dụng phổ biến thuật ngữ "linguistique contrastive" (hoặc differentielle). Tương ứng với thuật ngữ này, trong các tài liệu tiếng Nga thường sử dụng "контративная лингвистика" của các tác giả V.G.Gak và A.B.Fedorov.‎ ‎ ‎‎

Đối chiếu các ngôn ngữ[sửa]

Đối chiếu các ngôn ngữ cho khả năng xác định không chỉ các dữ kiện và hiện tượng có các chức năng tương tự trong các ngôn ngữ được đối chiếu, mà còn xác định vị trí của chúng trong các hệ thống theo chức năng. Ví dụ, khi đề cập đến hệ thống các phương tiện mang nghĩa chỉ hành động, có thể nói rằng trong tiếng Anh tiếp tố -er chắc chắn là hạt nhân của hệ thống chức năng các phương tiện tạo ra danh từ chỉ vật mang hành động, hơn nữa, tiếp tố này có khả năng to lớn trong việc tạo lập các danh từ trên cơ sở một động từ bất kì. Trong tiếng Việt, nhân tố được dùng để tạo từ chỉ người hành động thường là từ riêng biệt và được gọi là từ tố, ví dụ "viên" trong các từ nhân viên, sinh viên, viên chức và v.v.

Nghiên cứu đối chiếu ngữ pháp trong văn bản khoa học giải quyết các quan hệ tương đồng và không tương đồng về cấu trúc và hoạt động của ngôn ngữ khoa học. Trong phân tích đối chiếu ngôn ngữ, các hiện tượng ngôn ngữ càng giống nhau thì càng có nhiều tương đồng về cấu trúc và hoạt động của ngôn ngữ được đối chiếu. Ví dụ, khi đối chiếu tiếng Việt với tiếng Hán hoặc với tiếng Thái thì mức độ giống nhau nhiều hơn là đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Nga hoặc tiếng Bun. Trong trường hợp đối chiếu các ngôn ngữ rất khác nhau về loại hình thì sẽ tìm thấy nhiều điểm khác nhau về cấu trúc và hoạt động của ngôn ngữ. Sự khác nhau này có tính hệ thống, khái quát (thanh điệu trong tiếng Việt, cách trong tiếng Nga v.v.). Nếu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh thì sẽ tìm thấy nhiều điểm giống nhau hơn trong ngôn ngữ (cùng là các ngôn ngữ phân tích tính, trật tự câu rõ ràng v.v.). Trong các ngôn ngữ khi đối chiếu luôn tồn tại sự không tương đồng về ngữ pháp, ngữ nghĩa hoặc tuyến dẫn xuất nghĩa phái sinh. Ví dụ, từ loại tiếng Việt và tiếng Anh có sự không tương đồng về số lượng và loại hình.

Sự không tương đồng về nghĩa thể hiện cả ở khái niệm ngữ nghĩa của từ, ví dụ, các sắc thái về mầu sắc là không như nhau trong cả hai ngôn ngữ Anh và Việt: từ blue tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt với hai nghĩa xanh lơ và xanh nước biển. Mầu sắc trong tiếng Việt được thể hiện bằng các từ theo mô hình hợp nghĩa, phụ nghĩa và láy lại để tạo ra hàng loạt đơn vị ngôn ngữ với sắc thái chi tiết hơn so với từ chỉ mầu sắc trong tiếng Anh, ví dụ: xanh - xanh xanh, xanh nhạt, xanh thắm, xanh da trời, xanh nõn chuối, xanh nước biển, xanh biếc (biêng biếc), xanh lè, xanh lục, xanh thổ cẩm, xanh cẩm thạch, xanh rêu...

Trong hệ thống ngữ pháp tiếng Anh hiện đại không tồn tại phạm trù cách và giống, không có khái niệm hai động từ đối lập nhau: chưa hoàn thành thể / hoàn thành thể, ví dụ như trong tiếng Nga. Phần lớn các cụm từ tiếng Anh được thể hiện ở dạng cụm từ chính phụ, chính xác hơn, ở dạng cụm từ cố định hoặc thành ngữ (phrases). Các cụm từ này được tạo thành trên cơ sở liên kết phụ thuộc, bao gồm hai thành tố: thành tố chính (hạt nhân) - kernel và thành tố phụ (bổ sung từ) - adjunct. Cũng như tiếng Việt, trật tự các thành phần của cụm từ tiếng Anh có ý nghĩa chủ yếu: một danh từ bất kì đứng trước một danh từ khác đều thực hiện chức năng định ngữ, ví dụ :

An air-flow meter - khí cụ đo lưu lượng không khí

Anticorrosive paint - sơn chống gỉ

Liên kết chính phụ không chỉ được thể hiện ở cụm danh từ, mà còn ở cụm động từ (to work hard, to fly a plane, to decide to stay, to begin singing, to wait for news...), cụm tính từ (very difficult, proud of his son,...).

Có thể thấy rõ rằng trong tiếng Việt và trong tiếng Anh cấu trúc câu cùng tuân thủ một trật tự là C - P - O. Thành phần chính của cấu trúc câu trong cả hai ngôn ngữ Việt và Anh là chủ ngữ S và vị ngữ V, hạt nhân của cấu trúc câu là vị ngữ V. Vị ngữ là thành phần thiết yếu, không thể thiếu trong cấu trúc một câu bất kì, bởi vì nếu thiếu vị ngữ thì không tồn tại tính vị ngữ của cấu trúc câu, nghĩa là không tồn tại sự biểu thị các quan hệ thông báo đối với hiện thực. Chủ ngữ cũng là thành phần cần thiết trong phần lớn các cấu trúc câu, bởi vì nó chỉ nghĩa sự vật của lời nói hoặc văn bản tạo nên cơ sở nội dung trần thuật, và do đó, tạo nên nội dung giao tiếp. Câu có cấu trúc gồm cả chủ ngữ và vị ngữ thì được gọi là câu hai thành phần.

Trong tiếng Việt và tiếng Anh, vị trí các thành phần của câu đều có vai trò quan trọng trong cấu trúc câu. Việc thay đổi vị trí của vị ngữ (vật mang thông tin chủ yếu của câu) đối với chủ ngữ, nghĩa là thay đổi trật tự từ trong cấu trúc câu thường dẫn đến việc nội dung thông báo của câu bị thay đổi, hơn nữa, có thể dẫn đến sự thay đổi cả hình thức cấu trúc câu và sắc thái của nó. Vị trí của vị ngữ đối với chủ ngữ có thể rất đa dạng ở các ngôn ngữ khác nhau. Phần đối chiếu này không hạn chế trong phạm vi hai ngôn ngữ Việt - Anh. Nghiên cứu có thể được mở rộng hơn đối với các ngôn ngữ khác để trên cơ sở này người học có thể phát triển nghiên cứu đối chiếu không chỉ hai ngôn ngữ Việt - Anh, mà còn đối với các ngôn ngữ khác.

Phạm vi đối chiếu có thể được phân định theo các nguyên tắc sau:

- Làm sáng tỏ đặc điểm thể hiện các phạm trù ở ngôn ngữ được nghiên cứu như thời, thể, xác định, không xác định, phạm trù giống, số, cách, đa nghĩa, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa v.v.

- Đối chiếu các đặc điểm cấu tạo âm vị, hình vị, từ loại, cú pháp v.v.

- Đối chiếu các đặc điểm hoạt động, hành chức của các hiện tượng, phạm trù ngôn ngữ trong giới hạn các cấp độ.

- Đối chiếu các phong cách chức năng.

- Đối chiếu tiến trình phát triển nhằm làm sáng tỏ các quy luật phát triển và quá trình biến đổi xảy ra trong nội bộ các ngôn ngữ được nghiên cứu.

Các phương thức phân tích đối chiếu[sửa]

Phương thức phân tích đối chiếu cấu trúc thường bắt đầu bằng đối chiếu đơn vị, thành phần và cuối cùng là đối chiếu hệ thống. Nghiên cứu đối chiếu này được thể hiện ở chỗ, qua giao tiếp, khả năng vật chất của các ngôn ngữ được sử dụng là không như nhau: trong tiếng Anh, Nga, Pháp đều có trọng âm từ, song chức năng của trọng âm trong tiếng Nga và Pháp nhiều hơn do cùng loại hình, trọng âm tiếng Việt được thể hiện bằng thanh điệu. Nếu đối chiếu hai ngôn ngữ Việt - Anh, có thể thấy rằng trong tiếng Việt và tiếng Anh có nhiều điểm giống nhau về trọng âm đơn do cùng ngôn ngữ phân tích tính. Một ví dụ khác, trong các ngôn ngữ có cùng một hiện tượng mà khả năng hoàn thành chức năng, phạm vi hoạt động không giống nhau như khu biệt âm vị dài ngắn trong tiếng Anh và tiếng Việt: a (dài/ngắn), i (dài/ngắn) có ý nghĩa âm vị học trong tiếng Anh, còn trong tiếng Việt thì không có hiện tượng ngôn ngữ này.

Phương thức phân tích đối chiếu hoạt động của ngôn ngữ trong giao tiếp là phương thức được sử dụng để xác định tính phổ cập hoặc hạn chế của các hiện tượng ngôn ngữ hoặc của các sự kiện ngôn ngữ tồn tại trong các ngôn ngữ được đối chiếu. Phương thức này cho thấy hoạt động ngôn ngữ được thể hiện rõ nét ở ngôn ngữ này, nhưng không được thể hiện rõ ở ngôn ngữ khác. Ví dụ, xét trên bình diện số lượng từ vay mượn trong tiếng Việt và tiếng Anh thì tiếng Việt chịu sự vay mượn từ nhiều hơn tiếng Anh, hơn nữa, tiếng Việt vay mượn cả các từ tiếng Anh. Ngoài ra, tiếng Việt còn vay mượn từ của tiếng Hán, Pháp và Nga. Tiếng Anh vay mượn từ chủ yếu từ tiếng Pháp và Latin (ngôn ngữ dòng Ấn - Âu). Có sự hoạt động của các từ vay mượn trong các ngôn ngữ Việt và Anh là do hệ quả của các quan hệ loại hình và tiếp xúc khu vực, văn hóa và lịch sử quy định. Một ví dụ khác, trật tự từ trong nhiều ngôn ngữ thường có các đặc điểm khác nhau. Trong tiếng Nga, trật tự từ chặt chẽ có phạm vi hoạt động rất hạn chế, trong khi đó, phạm vi hoạt động của trật tự từ trong tiếng Việt, tiếng Anh lại rất lớn do mang đặc trưng của các ngôn ngữ phân tích tính. Hơn nữa, trật tự từ trong tiếng Việt được thực hiện một cách rất chặt chẽ và nghiêm ngặt do chịu ảnh hưởng của một ngôn ngữ đơn lập (không biến hình).

Phương thức phân tích đối chiếu phát triển được sử dụng để xác định đặc điểm và hướng phát triển của các ngôn ngữ. Sự phát triển ngôn ngữ thể hiện ở các thay đổi cấu trúc nội bộ, phạm vi hoạt động, chức năng của nó trong các mối quan hệ tương ứng với tiến trình phát triển xã hội và lịch sử. Ví dụ, khi so sánh tiếng Việt và tiếng Anh trên bình diện phát triển thì thấy tiếng Việt ngày nay không còn được hoàn toàn như tiếng Nôm trước đây về cấu tạo từ và câu. Trong khi đó, tiếng Anh hầu như không thay đổi. Qua đối chiếu có thể thấy các ngôn ngữ đã trải qua các giai đoạn phát triển nào. Trên cơ sở này có thể phân loại các đặc điểm cấu trúc đồng đại của ngôn ngữ trong các mối quan hệ đối chiếu.

Vấn đề các đặc điểm ngôn ngữ luôn gắn liền với vấn đề về mục đích dạy và học ngoại ngữ như ngôn ngữ thứ hai trong quá trình học tập và giảng dạy. Vấn đề chủ yếu ở đây là hoạt động lời nói bằng ngoại ngữ của người học phải đạt kết quả khả quan.

Phương pháp tối ưu cho việc học ngoại ngữ là quá trình tiếp nhận các cấu trúc ngữ pháp bằng tiếng mẹ đẻ có thể diễn ra ở người học một cách tự động và chuyển dịch được sang ngoại ngữ. Thông thường, khi học ngoại ngữ luôn diễn ra quá trình phân tích đối chiếu ít nhất là hai ngôn ngữ : tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ được học, và ngược lại, ngoại ngữ được học và tiếng mẹ đẻ. L.V.Serba đã nêu một luận điểm quan trọng là không chỉ đối chiếu tiếng nước ngoài với tiếng mẹ đẻ, mà còn đối chiếu tiếng mẹ đẻ với tiếng nước ngoài. Bằng phương thức này, việc học ngoại ngữ là phương tiện tối ưu để hiểu sâu sắc thêm tiếng mẹ đẻ. Nhưng nếu ý nghĩa của ngoại ngữ là to lớn đối với bản ngữ, thì hiển nhiên là bản ngữ cũng có ý nghĩa trọng đại đối với việc học ngoại ngữ. Xuất phát từ những lợi ích của đối chiếu bản ngữ và ngoại ngữ vì các mục đích học tập, tồn tại một số nguyên tắc chung cho việc đối chiếu như vậy.

Một số vấn đề phân tích đối chiếu trong tiếng Việt và tiếng Anh thuộc lĩnh vực khoa học[sửa]

Đối chiếu ngôn ngữ không phân biệt không gian và biên giới của các ngôn ngữ được đối chiếu. Các ngôn ngữ khi đối chiếu có thể là ngôn ngữ của các dân tộc liền kề, trên cùng lãnh thổ hoặc ở các vùng, miền rất khác nhau trên thế giới.

Tiếng Việt khoa học chỉ bắt đầu phát triển khi đất nước vào giai đoạn mở cửa và thực sự phát triển khi Việt Nam tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu. Quá trình hội nhập đòi hỏi phát triển ngôn ngữ (ngoại ngữ và bản ngữ) để giao lưu quốc tế và chuyển giao công nghệ.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, mặc dù việc định hướng cho giáo dục ngôn ngữ thuộc lĩnh vực khoa học còn chưa rõ nét, song cũng đã có những báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học về ngôn ngữ như các cuộc hội thảo "Ngữ học trẻ" 2002, 2003, 2004, Hội thảo đào tạo Sau đại học - ĐHNN - ĐHQG Hà Nội 2002, các cuộc hội thảo về Ngôn ngữ và Văn hóa tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh v.v. Chúng tôi thấy rằng trong vài năm trở lại đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ khoa học được trình bày dưới dạng các bài báo cáo khoa học, luận văn cao học, luận án tiến sĩ.

Như vậy, việc nghiên cứu ngôn ngữ Việt thuộc lĩnh vực khoa học đã bắt đầu có bước khởi xướng đáng ghi nhận. Các tác phẩm và tài liệu khoa học được dịch sang tiếng Việt từ các ngoại ngữ khác nhau đã bắt đầu được các nhà ngôn ngữ học đề cập đến khi phân tích đối chiếu ngôn ngữ. Chúng tôi đã tiến hành khảo cứu các cấu trúc câu thường được sử dụng trong văn bản khoa học được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, cụ thể là văn bản dịch "Giới thiệu chung về lí thuyết viễn thông" (General Introduction of Telecommunication Theory) của nhà xuất bản Thanh niên. Trong 162 trang được dịch sang tiếng Việt, có 1743 câu được sử dụng, trong đó:

- Câu đơn: 1279, chiếm 73,38%

- Câu phức: 161, chiếm 9,24%

- Câu ghép: 303, chiếm 17,38%.

Một đặc điểm cần được lưu ý là do chịu ảnh hưởng của việc sử dụng câu trong văn bản khoa học nước ngoài như Anh, Nga, Pháp, v.v. nên trong những năm gần đây xuất hiện xu hướng sử dụng cấu trúc bị động trong văn bản khoa học tiếng Việt, đặc biệt là các văn bản dịch, điều mà trước đây hoàn toàn không phổ biến. Các cấu trúc bị động chiếm tỉ lệ rất cao trong toàn bộ văn bản. Trong số 669 cấu trúc câu bị động được chúng tôi khảo sát, các cấu trúc bị động đơn chiếm đa phần:

- Cấu trúc bị động đơn: 537, chiếm 80,27%

- Cấu trúc bị động phức: 40, chiếm 5,98%

- Cấu trúc bị động ghép: 92, chiếm 13,75%

- Cấu trúc vô nhân xưng chiếm tỉ lệ tương xứng: 118.

Trong quá trình tiếp ngữ pháp văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học không thể thiếu sự tham gia của khoa học đối chiếu các ngôn ngữ. Đối chiếu là phương pháp nghiên cứu cơ bản của ngôn ngữ học được sử dụng để nhận biết và phân biệt tương đương các cấu trúc, các hoạt động và sự phát triển của ngôn ngữ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc dịch văn bản, bởi vì nếu không nắm vững được các nguyên tắc đối chiếu ngôn ngữ, người dịch dễ dịch theo cảm tính, đặc biệt đối với các trường hợp khi gặp cấu trúc cú pháp phức tạp.

Hiện nay tồn tại và phát triển phương pháp đối chiếu theo hai chiều. Khi đối chiếu ngôn ngữ hai chiều, luôn xuất hiện các đặc điểm của cả hai ngôn ngữ được đối chiếu. Nguyên tắc đối chiếu hai chiều cho phép phát hiện toàn bộ các giao thoa ngôn ngữ, làm sáng tỏ các dấu hiệu ngôn ngữ chưa được phát hiện khi đối chiếu một chiều của ngôn ngữ thứ nhất, cũng như thứ hai. Nguyên tắc này đòi hỏi đối chiếu ngôn ngữ cần được tiến hành trên cơ sở cùng một phong cách chức năng. Các văn bản được phân tích đối chiếu cần phải thuộc về cùng thể loại phong cách chức năng. Các văn bản được đối chiếu theo phương pháp này là văn bản khoa học công nghệ viễn thông.

Trước khi tiến hành đối chiếu ngôn ngữ, cần xác định các thuật ngữ sao cho chúng biểu đạt một cách tương đương các hiện tượng được đối chiếu trong cả hai ngôn ngữ, nghĩa là cần tạo lập các đặc điểm tương ứng chung để đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ. Các ngôn ngữ được mô tả bằng thuật ngữ có nội dung hàm chứa khác nhau thì không thể tiến hành đối chiếu với nhau được.

Trong phần đối chiếu dưới đây chúng tôi trình bày các điểm không tương đồng về cấu trúc và ngữ nghĩa trong câu dịch so với các cấu trúc câu trong văn bản tiếng Anh và các lỗi mắc phải trong văn bản tiếng Việt.

Một số cấu trúc câu dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt không đúng về ngữ nghĩa và cách sửa lỗi[sửa]

Cuốn sách "Giới thiệu chung về lí thuyết viễn thông" (General Introduction of Telecommunication Theory) của nhà xuất bản Thanh niên mà chúng tôi lựa chọn để nghiên cứu có nội dung khoa học thực tiễn và có giá trị. Trong phần dịch sang tiếng Việt tồn tại các lỗi về ngữ nghĩa, phong cách và chính tả.

1. Lỗi thuật ngữ, cụm từ và dấu câu:

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Sau đó ít lâu con người phát sinh ra tín hiệu bằng lửa có khả năng truyền đạt các thông tin có hiệu quả và nhanh chóng khi tới các vùng xa. (tr.23) A little later, men invented the signal fire capable of transmitting messages effectively and rapidly to distant places. (tr.22)

Đối chiếu nghĩa các thuật ngữ phát sinh và invented cho thấy:

Phát sinh: dg. Bắt đầu sinh ra, nảy sinh ra (thường nói về cái không hay). Bệnh cúm thường phát sinh vào đầu mùa hè. Giải quyết mâu thuẫn mới phát sinh. Phát sinh vấn đề. (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB.Đà nẵng, 2003, tr.769).

Invented: v. To discover, as by study or inquiry; to find out; to devise; to contrive or produce for the first time; - applied commonly to the discovery of some serviceable mode, instrument, or machine. (Từ điển New Oxford, 2001).

Như vậy, có thể thấy rằng invented không thể dịch là phát sinh, mà phải dịch là tìm thấy hoặc phát hiện. Trong tiếng Việt, không tồn tại nghĩa con người phát sinh ra. Đây là các thuật ngữ có tương đồng về nghĩa và khó dịch sai.

Đối chiếu các cụm từ tín hiệu bằng lửa và signal fire cho thấy việc dịch cụm từ trên là không đúng bởi vì cụm từ signal fire là cụm từ có tương đồng trong tiếng Việt và được dịch là lửa dùng làm dấu hiệu (để ra hiệu, dùng làm tín hiệu).

Trong ngữ pháp Việt và Anh, trạng ngữ chỉ thời gian được phân biệt bởi dấu phẩy nếu đứng đầu câu để làm rõ nghĩa. Vì vậy, khi dịch sang tiếng Việt, dấu phẩy này cần được giữ nguyên vị trí. Như vậy, câu dịch trên cần phải sửa là:

Sau đó ít lâu, con người đã tìm ra lửa dùng làm tín hiệu có khả năng truyền đạt các thông tin có hiệu quả và nhanh chóng tới các vùng xa.

Trong câu dịch trên, theo chúng tôi, để câu ngắn gọn và dễ tiếp nhận hơn, có thể không dùng các:

Sau đó ít lâu, con người đã tìm ra lửa dùng làm tín hiệu có khả năng truyền đạt thông tin có hiệu quả và nhanh chóng tới các vùng xa.

2. Lỗi ngữ nghĩa trong câu:

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Đồng thời việc xác minh này đã đưa ra các dịch vụ đưa thư và thông báo. (tr.25) Also, this invention started the messenger and mail services. (tr.24)

Đối chiếu nghĩa từ cho thấy started không thể dịch là đã đưa ra mà phải dịch là đã bắt đầu, là khởi nguồn của.

Đối chiếu nghĩa từ cũng cho thấy dịch messenger với nghĩa thông báo là không đúng, mà phải dịch là đưa tin.

Như vậy, câu dịch trên cần sửa là:

Đồng thời việc xác minh này đã bắt đầu các dịch vụ đưa thư và đưa tin.

Câu dịch đã chỉnh sửa trên, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp với tư duy và cách vận dụng ngôn ngữ Việt, bởi vì có thể : bắt đầu một hiện tượng (Phát minh bắt đầu được phổ biến rộng rãi.), mà không phải: một hiện tượng bắt đầu một quá trình như câu dịch trên. Do vậy, câu tiếng Anh có thể dịch như sau:

Đồng thời việc xác minh này là khởi nguồn của các hoạt động dịch vụ đưa thư và đưa tin.

3. Lỗi ghép nghĩa từ và dấu câu:

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Trong thế kỉ 21, việc phát triển áp dụng có tính thực tế về công nghệ liên quan đang tiếp tục phát triển nhanh chóng và trong quá trình đó, cách mạng hóa thế giới chúng ta. (tr.25) In the XXI century, the development and practical applications of related technology have continued to accelerate and, in the process, revolutionized our world. (tr.24)

Đối chiếu nghĩa từ cho thấy cụm từ the development and practical applications bao gồm một từ development và một nhóm từ riêng biệt practical applications được nối với nhau bằng and và được xác định bởi quán từ xác định the. Tương đồng của cụm từ trên trong tiếng Việt là sự phát triển và ứng dụng thực tế.

Đối chiếu nghĩa từ cũng cho thấy các từ development và applications đều có gốc của động từ cùng nghĩa là develop và apply. Vì vậy, khi chuyển dịch sang tiếng Việt, cụm từ này có thể dịch theo dạng cấu trúc V - O (vị ngữ - phó từ). Đây là một trong các cấu trúc tương đồng Anh - Việt.

Cụm từ in the process tiếng Anh khi nằm giữa hai dấu phẩy thì không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu, mà trở thành từ đệm, thành ngữ và có tương đồng trong tiếng Việt là cùng lúc. Trong trường hợp trên, từ đệm trong tiếng Việt cũng phải được ngăn cách bởi hai dấu phẩy như trong tiếng Anh.

Như vậy, câu dịch trên cần được chỉnh sửa như sau:

Trong thế kỉ 21, việc phát triển và ứng dụng thực tế các công nghệ liên quan tiếp tục tăng tốc và, cùng lúc, cách mạng hóa thế giới chúng ta.

4. Các loại lỗi khác:

4.1. Lỗi ngữ pháp:

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Sau chiến tranh, nhu cầu về các hệ tổng đài có khả năng xử lí các cuộc gọi đường dài tự động nhanh chóng đã tăng lên. (tr.33) After the war, the demand for switching systems capable of processing toll calls automatically and rapidly was increased. (tr.32)

Trong tiếng Anh, trạng ngữ được phân biệt bởi vĩ tố -ly và đứng sau động từ và phó từ. Trong tiếng Việt, trạng ngữ có thể phân biệt được nhờ thêm từ một cách. Trong trường hợp dễ làm người đọc hiểu nhầm, các cấu trúc dạng như trên cần được dịch là:

Sau chiến tranh, nhu cầu về các hệ tổng đài có khả năng tự động và nhanh chóng xử lí các cuộc gọi đường dài đã tăng lên.

Hoặc : Sau chiến tranh, nhu cầu về các hệ tổng đài có khả năng xử lí một cách tự động và nhanh chóng các cuộc gọi đường dài đã tăng lên.

4.2. Lỗi chuyển dịch cấu trúc :

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Một kết quả không may mắn là nhiều sự khác biệt của khuôn khổ tín hiệu điều khiển và thủ tục tiến hành. (tr.173) An unfortunate result was that many varieties of control signal format and procedures evolved. (tr.172)

Câu trên có cấu trúc là một trong các cấu trúc đặc trưng trong văn bản khoa học tiếng Việt, nhưng dưới dạng cấu trúc không hoàn toàn giống cấu trúc tiếng Anh. Câu trên cần dịch như sau:

Một điều không may là có sự tiến triển của nhiều loại quy trình và dạng thức tín hiệu điều khiển.

4.3. Lỗi chuyển dịch cấu trúc "both... and... "

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Khuôn khổ điều khiển phụ thuộc vào bản chất của cả hai hệ thống truyền dẫn và thiết bị đầu cuối của chúng. (tr.173) The control formats depend on the nature of both the transmission system and its terminal equipment. (tr.172)

Both trong tiếng Anh tương đương với cả... và... , cả... và cả... Trong trường hợp trên, không thể dịch cả hai... và... , vì cấu trúc này của tiếng Việt không tương đương với both trong tiếng Anh. Do vậy, câu trên cần dịch như sau:

Các dạng thức điều khiển phụ thuộc vào bản chất của cả hệ thống truyền dẫn và thiết bị đầu cuối của chúng. Hoặc:

Các dạng thức điều khiển phụ thuộc vào bản chất của cả hệ thống truyền dẫn và cả thiết bị đầu cuối của chúng.Hoặc:

Các dạng thức điều khiển phụ thuộc vào bản chất của cả hai: hệ thống truyền dẫn và thiết bị đầu cuối của chúng.

4.4. Lỗi chuyển dịch các thành phần câu:

Câu đã được dịch sang tiếng Việt Câu nguyên bản tiếng Anh
Ngoài ra, để thực hiện chuyển mạch phân chia thời gian có thể dùng các chuyển mạch thời gian để trao đổi khe thời gian và chuyển mạch phân chia thời gian để trao đổi theo không gian các khe thời gian được phân chia theo thời gian. (tr.45) In addition, for realization of time division switching, time switches for exchanging time slot and time-shared division switches for exchanging spatially the time divided time slots are avaliable. (tr.44)

Câu trên cần sửa lại như sau:

Ngoài ra, để thực hiện chuyển mạch phân chia thời gian, có thể dùng các chuyển mạch thời gian để trao đổi khe thời gian và dùng chuyển mạch phân chia thời gian để trao đổi theo không gian các khe thời gian được phân chia theo thời gian.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Tiếng Việt và dạy đại học bằng tiếng Việt, 1967, KHXH, H.

2. Nguyễn Tài Cẩn (chủ biên) 1981, Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam, Nxb.ĐH&THCN, H.

3. Trần Ngọc Thêm 1998, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Giáo dục, H.

4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ 1984, KHXH, H.

5. Vương Toàn (chủ biên) 1998, Việt ngữ học ở nước ngoài, H.

6. Ngôn ngữ và Văn hóa - 990 năm Thăng Long - Hà Nội 2000, Kỉ yếu hội thảo của Hội Ngôn ngữ Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Pụmpanski A.E. 2002, Dịch văn bản khoa học và kĩ thuật sang tiếng Anh. Người dịch : Đào Hồng Thu, KHKT, H.

8. Các sách giáo khoa và tài liệu tham khảo tiếng Việt thực hành (chương trình dành cho đại học đại cương).

9. Các nguyên tắc phiên âm tiếng nước ngoài (các bài báo, tạp chí 1998, 1999).

10. Các sách về việc soạn thảo các thể loại văn bản khoa học và kĩ thuật.


Bản quyền[sửa]

TS. Đào Hồng Thu

Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế Ngôn ngữ học Liên Á lần thứ VI, Việt Nam

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này