Phê pháp phép ngụy biện/Lời nói đầu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

LỜI NÓI ĐẦU

Một xã hội dân chủ là một xã hội có sự đối thoại. Một xã hội muốn dân chủ phải là một xã hội có sự đối thoại. Một xã hội càng dân chủ thì sự đối thoại càng có vai trò quan trọng trong xã hội đó. Sự đối thoại này tồn tại ở mọi nơi, mọi góc độ, mọi phạm vi của xã hội. Sự bao phủ của tính đối thoại trải dài trên mọi chủ đề, mọi mối quan hệ xã hội – đối thoại từ việc giữa những người dân với nhau đến giữa những nhà lãnh đạo hay những học giả uyên bác với nhau thậm chí giữa những người dân bình dân nhất với những người uyên bác nhất. Vì chỉ thông qua đối thoại, con người mới có thể trình bày và tiếp thu những dòng tư tưởng khác nhau để cùng nhau loại bỏ sự bảo thủ hay lạc hậu hay tính không phù hợp của tư tưởng cũng như cùng nhau hoàn thiện tính thời đại, tính thời đại của tư tưởng nào đó. Sự đối thoại này có thể là một cuộc tranh luận một mất một còn dẫn đến chỉ có một và chỉ một dòng tư tưởng có thể tồn tại; cũng có thể là một cuộc đối thoại giữa những dòng tư tưởng để tìm ra điểm chung nhất giữa chúng, thừa nhận sự hợp lí cần thiết trong mỗi dòng tư tưởng và tư tưởng mới là sự hợp lưu giữa nhiều dòng tư tưởng với nhau – tức là sự tồn tại mỗi những dòng tư tưởng vẫn còn hiện diện trong tư tưởng mới. Nó vừa đảm bảo tính phát triển biện chứng của tự nhiên, nó vừa đảm bảo quyền con người cơ bản của bất kì con người nào trong xã hội.

Việt Nam ta đang trong quá trình dân chủ hóa thì việc phát triển sự đối thoại này càng quan trọng rất nhiều trong giai đoạn – thời đại – này. Trong hiện thực, rõ ràng, Việt Nam ta đang thực hiện tính chất dân chủ hóa rộng khắp. Chưa bao giờ trong một giai đoạn lịch sử nào trước đây, báo chí nước nhà lại có thể can thiệp ở nhiều lĩnh vực trong đời sống như giai đoạn hiện nay. Chưa bao giờ trong một khoảng lịch sử nào, tiếng nói của người dân lại có thể phủ khắp trong các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Một mặt nó thể hiện về sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, một mặt nó cho thấy sự nỗ lực dân chủ hóa của Việt Nam ta trong việc tiếp nhận và thu nhận tiếng nói của mọi tầng lớp trong xã hội.

Thế nhưng, như một tất yếu. Trong sự phát triển của lịch sử đối thoại, không phải cuộc đối thoại nào cũng có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử mang tính tự nhiên này. Bên cạnh 1 cuộc đối thoại lí tưởng – nơi tranh luận hay đối thoại đảm bảo tính khoa học và logic của các định đề, luận đề, luận điểm – thì vẫn tồn tại những cuộc đối thoại hay tranh luận phi logic hay phi khoa học mà lịch sử đã ghi nhận lại như những tư tưởng ngụy biện. Thời cổ đại tây phương, lịch sử từng biết đến Protagoras hay Gorgias hay Prodicus; thời cổ đại đông phương thì lịch sử đã chứng kiến sự ngụy biện của Huệ Thi hay Công Tôn Long thời Triệu. Thời hiện đại ngày nay, khi phương tiện truyền thông đại chúng phát triển, một mặt đã khiến các cuộc đối thoại mang tính rộng mở và đa chiều hơn, một mặt cũng đã lộ ra những sự ngụy biện đến từ không chỉ là những người dân bình thường mà đến cả những nhà nghiên cứu hay những nhà khoa học nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ phận nghiên cứu của nhà nước.

Đề tài này của tác giả được làm nhằm mục đích vạch ra được sự ngụy biện ẩn chứa trong các bài chính luận hay phát biểu khoác áo khoa học, nhưng thực chất, là ngụy biện. Từ đó, để mọi người có thể nhận ra những phép ngụy biện này để làm cho những cuộc tranh luận mang tính khoa học và logic hơn, làm cho chất lượng mỗi cuộc đối thoại được nâng cao hơn, và gián tiếp góp phần cho sự dân chủ hay sự phát triển của nhà nước ngày một vững mạnh hơn.

Mục lục[sửa]

Tác giả[sửa]

Tác giả: Nguyễn Chiến Trường

Nguồn: https://thayruamongtre.wordpress.com

Liên kết đến đây