Phê pháp phép ngụy biện/Ngụy biện là gì?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ngụy biện và cấu trúc của một mệnh đề logic

1. Ngụy biện là gì?[sửa]

Cho đến thời điểm hiện nay, thuật ngữ ngụy biện vẫn đang được hiểu và sử dụng với nhiều nghĩa và mục đích khác nhau. Trong “Nhập môn logic học” của TS. Phạm Đình Nghiệm thì tác giả khái niệm thuật ngữ ngụy biện là “sự cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận nhằm mục đích đánh lạc hướng người nghe, người đọc, làm cho người khác nhầm tưởng cái sai là đúng, cái đúng là sai”. Còn trong tiếng Hy Lạp, ngụy biện là “Πλάνη” được hiểu như là một cái lỗi – ở đây là lỗi trong thao tác tư duy. Còn trong tiếng Việt, Ngụy tức là “giả dối”, Biện hiểu theo nghĩa “tranh biện”, “biện giải” tức là quá trình giải thích, chứng minh – biện luận – cho một vấn đề. Ghép hai từ trên ta hiểu nôm na ngụy biện tức là sự biện luận giả dối.

Thời Socrates, từ ngụy biện gán cho những nhà ngụy biện với tính chất khinh bỉ những người dạy học lấy tiền chứ không nhằm khai minh như Socrates hay Platon, và vì thế, thay vì tập trung con người vào lí giải khoa học vào thế giới, các nhà ngụy biện Hy Lạp cổ ( Sophist) lại dạy cho các môn đệ sự dối trá, quanh co, và những mẹo vặt trong hùng biện để giành phần thắng về phía mình.[1]

Tổng kết các khái niệm nhiều tác giả đã đề cập, tác giả thống nhất sử dụng thuật ngữ ngụy biện là sự phi logic trong lí luận hay suy luận. Ngụy biện khác với logic. Logic, nói một cách ngắn gọn trong trường hợp này, là những qui ước quản lí tính nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ. Giới triết học Tây phương đã bỏ khá nhiều công sức để phân biệt thế nào là logic và thế nào là ngụy biện. Aristotle có lẽ là một nhà logic học đầu tiên có công phát triển các qui tắc và hệ thống suy luận. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra nhiều lỗi lầm mà sau này người ta quen gọi là những “ngụy biện. Kể từ Aristotle, cũng đã có khá nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, hay S. Morris Engel cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu về ngụy biện.

Như vậy, ngụy biện luôn là một vấn đề của logic học, đó là vấn đề loại bỏ những suy luận hay diễn giải phi logic nhằm hướng sự minh triết, sự chân thực trong tư duy.

2. Cấu trúc một mệnh đề logic[sửa]

Xét những yếu tố ảnh hưởng đến tính logic hay độ chân thật của một bài luận chúng ta có yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong.

Yếu tố bên ngoài là sự ảnh hưởng từ người nghe, người theo dõi, gọi chung là đám đông. Yếu tố bên trong trước hết là chủ thể và khách thể của một bài luận hay suy luận triết học

Chủ thể chính là người sở hữu sự suy luận, ở đây hiểu theo nghĩa hẹp là người tham gia cuộc tranh luận.

Khách thể của cuộc tranh luận hay suy luận triết học là cấu trúc nó

Cấu trúc của một bài luận bao gồm: luận cứ, luận điểm, luận đề và luận chứng.

Luận cứ là các chứng cứ mà người diễn giải dùng để chứng minh luận điểm của mình đưa ra.

Luận điểm là những ý chính là mà người diễn giải dùng để làm rõ những điểm mà luận đề yêu cầu.

Luận đề hiểu theo nghĩa chung nhất là đề bài hay đề tài tranh luận, hay là những câu hỏi mang tính suy tư triết học cần sự giải thích hay chứng minh.

Luận chứng là quá trình làm rõ luận đề đã được đưa ra, tức là nói khái quát nhất: Luận chứng là quá trình dùng luận cứ chân thực để chứng minh tính chân thực những luận điểm nhằm giải thích, làm rõ luận đề.

Như vậy, tính phi logic có thể can thiệp vào những yếu tố bên ngoài của việc luận chứng, vào các yếu tố luận cứ, luận điểm, luận đề và cả sự luận chứng để làm sai lệch tính chân thực đang cần đạt tới.

Chú thích[sửa]

  1. Đọc thêm: Bùi Văn Nam Sơn, Protagoras và khai minh Hy Lạp, Sài gòn tiếp thị Online, 14.07.2010

Mục lục[sửa]

Tác giả[sửa]

Tác giả: Nguyễn Chiến Trường

Nguồn: https://thayruamongtre.wordpress.com

Liên kết đến đây