Phê pháp phép ngụy biện/Biểu hiện

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Vài biểu hiện của ngụy biện trong đời sống


1. Các biểu hiện ngụy biện có trong dân gian:[sửa]

Trong văn học dân gian Việt Nam, hình thức ngụy biện thường ẩn chứa trong cách suy luận về thế giới nhưng chủ yếu về thân phận con người trong thế giới, tức là nó ẩn chứa trong ca dao, trong tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.

Ai ơi, chớ nghĩ mình hèn
Nước kia dù đục lóng phèn cũng trong

Hình thức ngụy biện trong câu ca dao này là dùng hình ảnh tương phản nước phèn và phận người. Về tính logic, không có mối liên qua giữa chuyện lóng phèn và chuyển hèn thành sang. Bên cạnh đấy, câu ca dao lại ngụy biện theo lối qui nạp sai cho rằng tất cả các loại nước phèn đều lóng sẽ trong làm tiền đề thuyết phục con người sẽ cải được phận hèn của mình. Như vậy, trong ca dao này vi phạm hai phép ngụy biện và nội dung dùng để cho người đời tự an ủi bản thân mình. Phải chăng, đây là bệnh thắng lợi tinh thần AQ?

Không có lửa làm sao có khói

Trong câu tục ngữ này, người xưa đã sử dụng nguyên nhân sai dẫn đến tính logic của câu bị sai. Vì thực tế nếu có lửa thì sẽ không có khói, khói chỉ xuất hiện khi lửa chuẩn bị cháy và trước khi cháy. Dẫu biết rằng ý câu này muốn nói về mối quan hệ nguyên nhân kết quả nhưng hệ quả sử dụng không đúng logic dẫn đến thế hệ sau cứ tranh cãi mãi việc “không có lửa sao có khói” và “không có khói sao có lửa”. Có nên chăng sửa lại là “Không đốt lửa làm sao có khói” sẽ rõ nghĩa hơn.

Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời

Câu tục ngữ trên vi phạm vào xây dựng tiền đề không chắc chắn từ việc qui nạp sai. Nó có tác dụng an ủi tinh thần con người nhưng mặt khác lại là sự ngụy biện khi không chỉ ra sự hợp lí của việc “tại sao không giàu được ba họ, tại sao lại chẳng thể khó ba đời”.

Cũng trong phép qui nạp sai chúng ta có những câu tục ngữ đại loại như:

  • Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.
  • Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ
  • Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc
  • Rau nào sâu nấy, cha nào con nấy.
  • Cha dạy học, con đốt sách

Lỗi của phép qui nạp suy đến cùng nguyên nhân thì do sự hữu hạn trong kinh nghiệm của con người để xây dựng tiền đề khái quát, hầu hết nó chỉ nói lên tính đúng của đa số trường hợp trong sự khái quát ấy. Vì thế tính qui nạp sai này hầu hết hiện diện trong mọi hình thức ca dao, tục ngữ trong việc khái quát hóa loại người hay phán xét người của người xưa. Điều này dẫn đến sự tranh cãi không dứt của hậu thế ở những câu ca dao tục ngữ này, lại vừa là cơ sở cho người ngụy biện sử dụng đến phiến diện cách đánh giá của mình.

Hệ quả từ việc sai lầm của người xưa là rất to lớn cũng từ điểm này mà nên. Và một trong những sai lầm ấy là người xưa viết nên những câu truyện Trạng, một mặt góp phần đả kích vào thói hư tật xấu người Việt và đả kích giai cấp phong kiến cầm quyền nhưng lại đa phần sử dụng các thuật ngụy biện để giải quyết vấn đề ấy. Nguy hiểm thay, thế hệ sau lại truyền dạy nhau như minh chứng cho sự thông minh, khéo léo, tài giỏi của dân gian Việt Nam

2. Các biểu hiện ngụy biện thời hiện đại:[sửa]

Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên hiện đại với sự phát triển của mạng thông tin vũ bão. Báo chí nhờ đó mà cũng phát triển rất mạnh so với trước. Những trang báo giấy tuy vẫn còn tồn tại nhưng sự phát triển của báo mạng cũng rất vũ bão. Nhờ báo mạng, dường như nhà nhà ai cũng có thể làm báo, lượng báo từ các cộng tác viên đến bạn đọc thông thường hay các nhà báo chuyên lẫn không chuyên đều rất lớn. Cũng nhờ đó, con người càng biết đến sự ngụy biện lẫn nhau nhiều hơn, mà đôi khi sự ngụy biện ấy lại ít lộ diện như sự ngụy biện mà lại dưới lớp vỏ logic và khoa học, vô tình chung tạo nên những thói quen tư duy không lành mạnh ở người Việt.

2.1. Lợi dụng sự nặc danh của đối tượng[sửa]

Một lối ngụy biện khá phổ biến trong cộng đồng báo mạng đó là lợi dụng sự nặc danh của đối tượng đề cập để viết những bài hàm hồ, thiếu căn cứ và mang yếu tố “giật gân”, dễ dãi là chính. Minh chứng cho điều đấy là những bài dạng tin nhanh, hay tâm sự ở các báo như Vietnamet, VNExpress, mà đề cử là bài: “Thám tử phát hiện nhóm teen ‘yêu’ tập thể” [1] đề cập chuyện nhóm học sinh lớp 9 thuê nhà nghỉ để quan hệ tình dục. Trong bài báo, nhân vật được đề cập cũng như các tình tiết diễn ra gợi cho người xem – những ai có đầu óc hoài nghi – một câu hỏi về độ chân thực của bài báo. Những tình tiết vô lí diễn ra, những luận cứ không căn cứ phải chăng là sự non nớt trong tưởng tượng của tác giả? Dường như sự nặc danh hay yếu tố bảo mật danh tính đã bị lợi dụng trong việc những bài báo mang tính chất giật gân, câu khách như thế này. Vô tình chung tạo ra thói quen tư duy dễ dãi ở một bộ phận nhà báo cũng như người đọc. Thiết nghĩ, những vấn đề này cần được siết mạnh, làm chặt tay ở bộ phận ban biên tập để những bài báo phản ánh xã hội có chất lượng hơn.

Thời gian gần đây, các phương tiên thông tin đại chúng đang nóng lên về vấn đề bộ ảnh nude “vì môi trường” của người mẫu Ngọc Quyên. Dĩ nhiên rằng, tính nghệ thuật hay không của bộ ảnh nude đang cần phải thẩm định thêm, cũng như ý nghĩa môi trường sẽ được tạo ra tới đâu từ tập ảnh cũng cần thời gian xem xét, nhưng dù thế nào, người mẫu Ngọc Quyên cũng đã tạo dấu ấn riêng trong sự nghiệp yên bình của mình qua tập ảnh này và cũng nhờ vấn đề này, tác giả phát hiện ra những phép ngụy biện từ nhiều phía trong vụ việc trên.

Trong bài báo có tiêu đề: “Ngọc Quyên: Mẹ và bạn trai chấp nhận ảnh nude của tôi” [2] trên báo điện tử VNExpress ngày 23/3/2011 của nhà báo Ngọc Trâm có đoạn: “Trước khi công bố rộng rãi, tôi đưa bộ hình cho mẹ xem. Ban đầu, mẹ tôi không đồng ý vì không thể chịu nổi việc con gái mình trút bỏ quần áo để lên báo chí. Tôi đã phải thuyết phục mẹ rất nhiều. Lần cuối cùng tôi nói với bà: “Mẹ phải tin tưởng con, mẹ không ủng hộ con thì chẳng ai ủng hộ con nữa. Con không đủ mạnh mẽ để chống lại những thứ đổ ập lên con nếu không có mẹ làm chỗ dựa”. Cuối cùng bà đành chấp nhận.”. Như vậy chúng ta có thể thấy rõ ràng người mẫu Ngọc Quyên đã dùng sự trắc ẩn và tình thương con của người mẹ để kêu gọi sự ủng hộ cũng như sự cho phép của người mẹ để có thể đưa những bức ảnh này ra công chúng. Về mặt logic, đáng lẽ ra, Ngọc Quyên phải thuyết phục mẹ dựa trên tính thẩm mỹ và tính giá trị của bộ ảnh của mình. Thế nhưng thay vì đó, Quyên lại thuyết phục mẹ dựa trên sự cảm tính để rồi tuyên bố rằng “mẹ tôi đã ủng hộ tôi” là phép ngụy biện của Quyên trong vấn đề này.

Cũng trong bài báo, khi được hỏi: “Bộ ảnh được đánh giá là khá đơn điệu, sơ sài về ý tưởng chứ chưa đạt đến trình độ nude nghệ thuật. Dường như chị chưa thực sự đầu tư cho nó?”. Ngọc Quyên trả lời rằng: “Tôi chỉ có khuôn mặt và cơ thể để đóng góp cho những khuôn hình. Tôi tụt đồ để cuốn hút sự chú ý đến thông điệp mình đưa ra, chứ không phải nude một cách tục tĩu. Một bộ ảnh nude hướng về thiên nhiên, tất cả cần đơn giản. Nếu cầu kỳ, nó là bộ hình nude nghệ thuật với trung tâm bức ảnh là nhân vật chứ không phải khung cảnh xung quanh nó. Tôi tạo dáng bên cây cối, con suối trong tư thế thoải mái nhất. Khi đó, tôi cảm giác mình là một cái cây đang vươn lên. Trái đất khi không có cây cũng giống như con người khi không mặc quần áo – không còn gì bảo vệ, những tác động từ bên ngoài sẽ không còn gì ngăn cản. Tôi mong người xem hãy nhìn khung cảnh sau tôi chứ không phải nhìn một Ngọc Quyên đang nude.” Trong câu trả lời này, Ngọc Quyên cũng đã sử dụng nhiều phép ngụy biện. Thứ nhất là việc qui đồng vấn đề “cầu kỳ trong xử lý” sẽ dẫn đến “trung tâm bức ảnh là nhân vật”, hai vấn đề không có mối liên kết hay quan hệ với nhau. Việc xử lý nghệ thuật một bức ảnh là yếu tố kĩ thuật trong việc nâng đối tượng cần tập trung trong ảnh ở đây là cảnh và vật, Quyên đã che mất mệnh đề vật để hướng người nghe vào việc “cứ cầu kỳ kĩ thuật” là “nổi bật người không nổi bật cảnh”. Hay nói một cách khác, một bức ảnh nào cũng cần phải đầu tư trong việc xử lí kỹ thuật (mà Quyên gọi là cầu kì đó) còn “vật hay cảnh” là đối tượng xử lý chứ không chỉ “vật” là đối tượng duy nhất của việc xử lý, như thế cũng không có nghĩa là “Một bộ ảnh nude hướng về thiên nhiên, tất cả cần đơn giản”. Lý lẽ trên là ngụy biện loại bỏ bớt mệnh đề.

Mặt khác, Quyên cho rằng “Tôi mong người xem hãy nhìn khung cảnh sau tôi chứ không phải nhìn một Ngọc Quyên đang nude”, nếu vậy, tại sao Quyên lại đi chụp ảnh nude rồi bảo mọi người nhìn khung cảnh chứ không nhìn Quyên nude? Như vậy phải chăng Quyên đang phủ nhận chính việc Quyên đang kêu gọi? Điều này xuất phát từ việc sử dụng phép ngụy biện mệnh đề rời rạc khiến người nghe không rõ Quyên đang muốn nói chính yếu về vấn đề gì.

Cũng trong câu trả lời, Ngọc Quyên lý giải về nội dung tập ảnh nude của mình: “Trái đất khi không có cây cũng giống như con người khi không mặc quần áo – không còn gì bảo vệ, những tác động từ bên ngoài sẽ không còn gì ngăn cản.” Đây là sự lấy tính tương đồng không hợp lý trong so sánh của Ngọc Quyên. Vì hai đối tượng so sánh ở đây là “trái đất khi không có cây” và “con người khi không mặc quần áo” còn tính tương đồng là “không còn gì bảo vệ những tác động từ bên ngoài”. Rõ ràng đây là tính tương đồng sai, vì cái yếu tố bảo vệ trái đất khỏi tác động bên ngoài là tầng ozon hay tầng từ trường xung quanh trái đất giống như quần áo – con người mà Quyên đang muốn nói đến, còn cây xanh chỉ đóng vai trò là sự điều hòa về nhiệt độ cũng như hàm lượng không khí trên địa cầu. Như vậy đây là phép ngụy biện tính tương đồng sai mà Ngọc Quyên đã sử dụng.

Minh chứng tiếp theo đến từ sự kiện “Nên hay không nên cấm học sinh lưu thông xe máy và sử dụng điện thoại di động” đã từng là tiêu điểm trên các mặt báo. Bắt đầu từ bài báo từ học sinh cấp 3: “Bức thư nói ‘không’ bất ngờ của nhóc 9X” [3]. Bỏ qua cách đặt tiêu đề hết sức mơ hồ về từ “không” và chẳng ăn nhập gì về nội dung bài viết, chúng ta phân tích các luận điểm trong bài viết của học sinh này.

Học sinh này cho rằng: “Thế nhưng, có phải đa số học sinh sử dụng phương tiện này là xấu? Câu trả lời là KHÔNG.”, nhưng chứng minh luận điểm học sinh đơn giản chỉ dẫn: “Trong số hàng ngàn, hàng vạn học sinh sử dụng điện thoại di động thì chỉ có một bộ phận nhỏ sử dụng nó vào mục đích xấu mà chưa nói đến những bạn sử dụng chúng rất hữu ích.” Như vậy khái niệm “chỉ một bộ phận nhỏ” đã không được làm rõ là nhỏ thế nào? con số cụ thể ra sao? hay nó chỉ là phỏng đoán hay cách tư duy ngụy biện dễ dãi của một đối tượng học sinh cấp 3?

Học sinh này cũng lập luận hết sức ngây ngô và khó hiểu ở điểm: “Em không phủ nhận là có bạn suốt ngày nhắn tin, có bạn “nghiện” điện thoại, có bạn dùng vào việc không nên. Do vậy, em càng không thể phủ nhận những cái tích cực của nó”. Chữ “do vậy” ở đây không liên kết được 2 mệnh đề em học sinh này đưa ra, vừa làm câu văn khó hiểu, vừa thể hiện sự rời rạc của mệnh đề em đang cố liên kết. Những luận điểm tiếp theo được em đưa ra để minh chứng cho sự tiện dụng của điện thoại di động là: “Em rất thích dùng điện thoại trong giờ tiếng Anh để tra từ điển (sau khi xin phép cô giáo), và hiệu quả đem lại là cao bởi học tiếng Anh không thể thiếu cuốn từ điển.”, hay “Em cũng dùng nó để tìm hiểu thêm khi có những tiết thuyết trình về bài lịch sử,… hay đôi khi dùng nó để giải trí trong giờ ra chơi, nghỉ giữa giờ.” Những luận điểm trên đã lược bỏ những mệnh đề liên quan đến luận điểm. Việc điện thoại có thể sử dụng dể tra từ điển là có thế nhưng còn những cuốn từ điển liệu quá ít từ cho em hay chăng mà phải dùng điện thoại mới có thể tra từ điển được? Việc tìm hiểu thêm khi có thuyết trình lịch sử không thể diễn ra ở nhà hay tìm tòi ở tư liệu hay sao mà phải cần điện thoại để tra cứu? Đó là chưa kể việc người khác thuyết trình em lại mày mò tra cứu thì em sẽ nằm thông tin người đang thuyết trình hay nắm thông tin em có được trên mạng? Độ ngây ngô còn thể hiện ở việc em dùng điện thoại để giải trí trong giờ chơi. Giờ chơi được sinh ra để các em vận động cơ thể để học tập tốt hơn chứ không phải để các em giải trí các trò chơi điện tử trên điện thoại. Như vậy, các luận điểm em đưa ra đều là ngụy biện để giải thích sự tồn tại hợp lý của điện thoại di động trong việc học cũng như việc chơi của các em.

Phải chăng, việc cấm các em sử dụng điện thoại là không thể vì nhu cầu của lứa tuổi và điều kiện gia đình thế nhưng việc kiên quyết không cho các em sử dụng trong giờ học là việc có thể và cần thiết.

Ngoài ra khi em đề cập đến việc sử dụng xe máy, em sử dụng luận điểm: “Khi em sử dụng xe máy để đi lại với các bạn, chúng em vẫn nhắc nhau đội mũ bảo hiểm đầy đủ, không kẹp ba, không đi nhanh, lạng lách, đến đèn đỏ thì bảo nhau đỗ lại. Thử đặt ra câu hỏi: Vì sao phải đến 18 tuổi mới được điều khiển xe máy thay vì 16 tuổi? Câu trả lời sẽ đại loại là: Do con người ở tuổi 18 đã sắp hoàn thanh giai đoạn phát triển cơ thể, do tuổi 18 sẽ có những suy nghĩ chín chắn, vân vân. Nhưng bây giờ học sinh phát triển thể chất rất nhanh, 16 tuổi nhưng đã rất cao lớn. Còn về suy nghĩ, nó là một quá trình từ bé đến lớn, chứ không phải từ tuổi 16 đến 18 mới vững chắc về suy nghĩ. Vì thế, để tránh những clip xấu, yêng hùng xa lộ tương lai thì nên là giáo dục ý thức, tư tưởng cho học sinh từ khi còn bé. Bé tức là từ mẫu giáo, tiểu học.” Ở luận điểm một, em đưa ra bằng chứng về việc em chấp hành tốt luật lệ, không những thế lại nhắc nhở nhau thực hiện, thế nhưng căn cứ xác thực cho luận cứ này ở đâu? Và phải chăng, đây là phép ngụy biện đánh vào cảm tính của người nghe. Luận điểm thứ hai của em là phê phán việc cho rằng 18 tuổi sẽ có những suy nghĩ chín chắn nhưng em luận chứng bằng luận điểm 16 tuôi đã cao lớn, tức là em đánh tráo khái niệm từ việc suy nghĩ thành thể chất, mặt khác mang tiếng là phê phán, em không phủ định hay bác bỏ nó mà đưa ra luận điểm bổ sung cho nó “Còn về suy nghĩ, nó là một quá trình từ bé đến lớn, chứ không phải từ tuổi 16 đến 18 mới vững chắc về suy nghĩ. Vì thế, để tránh những clip xấu, yêng hùng xa lộ tương lai thì nên là giáo dục ý thức, tư tưởng cho học sinh từ khi còn bé. Bé tức là từ mẫu giáo, tiểu học.” nhưng lại nhầm tưởng là đang phê phán và bác bỏ nó. Tư duy này thể hiện sự dễ dãi trong suy luận của em học sinh, hay nói cách khác, bệnh ngụy biện đang tồn tại trong em học sinh này.

Cũng trong vấn đề “xe máy và điện thoại” này, chúng ta đến với bài báo: “10 km có đáng gì…” [4], bài báo là sự tổng hợp các ý kiến của bạn đọc về vấn đề đang nêu trên. Lướt qua, chúng ta dễ dàng thấy những sự lí giải mang yếu tố ngụy biện hết sức đến từ các tầng lớp khác nhau trong xã hội:

  • “Các bạn sống ở thành phố được hưởng nhiều điều tốt đẹp, nên bây giờ vì không được như ý muốn là các bạn đã lên tiếng phản đối. Các bạn có biết có những bạn cùng trang lứa sống tại các vùng rừng núi xa xôi phải đi bộ tới trường. Mà trường thì cách xa nhà tới 10km, đường đi khó khăn nhiều, nhưng họ vẫn luôn yêu đời và học giỏi. Có thể nói, đa số những người thành đạt đều xuất phát từ nông thôn”
  • “Và thật xấu hổ cho bạn học sinh nào nói rằng đi xe đạp thì “đến lớp chỉ có nằm vật ra thở”!
  • “Các cô ấm cậu chiêu có khi nào đi xe máy ra đường mà nghiêm chấp hành luật giao thông đâu”
  • “Thôi đi bạn ơi làm gì có chuyện ấy có chắc là bạn chịu đội mũ bảo hiểm khi bạn có một bộ tóc làm xoăn rất đẹp, còn các bạn nam thì đầu đầy keo lại chịu đội mũ làm gì có chuyện “10 bạn thì 9 bạn phục vụ mục đích đúng đắn”. Bạn đi học có 10km còn những bạn vùng sâu vùng sa đi bộ, đạp xe cả ngày đường thì làm sao”

Những tưởng sự ngụy biện này đôi khi chỉ xảy ra ở con trẻ hay những người ít tư duy hay học vấn thấp, thế nhưng bài báo: “Phản hồi đanh thép của phụ huynh 6X” [5] lại bổ sung đối tượng là người lớn tuổi (ở đây là tầm trên dưới tuổi 40) để thấy rằng sự ngụy biện chẳng chừa một ai.

Phụ huynh này dẫn ra luận đề thứ nhất: “Quỹ thời gian giành cho việc học, kể cả học ở trường, học thêm ở các lò, học ở nhà nhiều khi cỡ 14/24 giờ vẫn chưa bơi hết, vẫn phải cố gắng. Mười giờ còn lại thì ăn uống, sinh hoạt cá nhân hết chừng 3 giờ, còn lại chừng 7 giờ dành cho việc ngủ. Nếu phải đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường sẽ khiến các em luôn vội vàng, hốt hoảng và quỹ thời gian nghỉ sẽ hẹp lại. Khi đến trường là mệt nhoài, nhất là với các em ở cự li xa trường hơn 5 km. Nhìn vào lịch này, thấy quỹ thời gian dùng cho việc du hí, ngao du thì học sinh thuộc nhóm ít nhất xã hội nếu so với thanh niên sinh viên, công nhân, thậm chí so với người lớn.” Cũng như các luận cứ đã dẫn chứng trên, loại ngụy biện xuất hiện trong luận điểm này là ám thị và loại bỏ mệnh đề. Con số 14/24h là con số áng chừng và không đại diện chung cho mọi tầng lớp học sinh.

Mặt khác, tự nhiên đã qui định sự phân chia thời gian hợp lí cho mỗi nhóm hoạt động là 8 tiếng học tâp (làm việc); 8 tiếng nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động; 8 tiếng vui chơi, tự đào tạo. Phụ huynh đã làm sai qui tắc tự nhiên bằng việc sử dụng 14/24h cho việc học thì làm sao lại trách là “Nhìn vào lịch này, thấy quỹ thời gian dùng cho việc du hí, ngao du thì học sinh thuộc nhóm ít nhất xã hội nếu so với thanh niên sinh viên, công nhân, thậm chí so với người lớn.”.

Mặt khác, phụ huynh đã ám thi việc “Nếu phải đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường sẽ khiến các em luôn vội vàng, hốt hoảng và quỹ thời gian nghỉ sẽ hẹp lại.”, câu hỏi đặt ra cho phụ huynh là vai trò của phụ huynh ở đâu trong việc đưa đón con trẻ, và rất nhiều phương tiện khác ngoài chuyện đi bộ và xe đạp đến trường. Phải chăng để cố làm vững luận điểm của mình, phụ huynh đã ngụy biện bằng cách lược bỏ hết mệnh đề liên quan để chẻ giá trị lí luận theo hướng có lợi cho mình. Bên cạnh đó, phụ huynh cho rằng: “Nhìn vào lịch này, thấy quỹ thời gian dùng cho việc du hí, ngao du thì học sinh thuộc nhóm ít nhất xã hội nếu so với thanh niên sinh viên, công nhân, thậm chí so với người lớn” là một luận điệu cá trích trong ngụy biện. Vấn đề đang bàn ở đây là việc nên hay không nên cho học sinh sử dụng xe máy chứ không phải thời gian du hí và ngao du của học sinh mà phụ huynh lại đưa luận điểm này vào để làm rối luận đề mọi người đang bàn tới.

Luận đề thứ hai phụ huynh đề cập là: “thao tác lái xe”, phụ huynh lại càng lộ rõ tính chất ngụy biện trong luận điểm của mình. Thứ nhất là đưa một luận điệu cá trích vào luận điểm: “Luật giao thông hiện nay KHÔNG CẤM một cụ già 65 tuổi hoặc một bà trung niên nhà quê chừng 50 -60 tuổi cầm lái xe gắn máy nếu đã có giấy phép”.

Thứ hai là đưa ra một luận cứ cảm quan thiếu xác thực và khái quát hóa không đúng chỗ: “Tôi đã quan sát nhiều trường hợp những phụ nữ từ nông thôn ra thành thị, 50 tuổi mới mó vào cái xe lần đầu, một tháng sau đã chở cả đống hàng trên xe chạy ngon lành.” để rồi kết luận một luận điểm “Do đó, không gì vô lý, duy lí hơn việc nghĩ rằng học sinh không biết lái xe, không có bằng cấp là không lái được xe trong khi thanh niên 16-17 tuổi là loại thông minh, nhạy cảm là linh hoạt nhất đời người. Nhìn vào việc học –hành thì việc học tập để nắm luật giao thông, để có thể đi , thậm chí đi xe gắn máy giỏi chỉ là chuyện nhỏ so với những kỹ năng khác mà các em phải học. Trên thực tế các em đi xe rất giỏi, giỏi hơn các cụ già, các bà phụ nữ nhiều” thì việc “việc học tập để nắm luật giao thông,” là kiến thức và “đi xe gắn máy giỏi chỉ là chuyện nhỏ” là kĩ năng, là 2 vấn đề khác nhau và không thể liên kết. Mặt khác cho rằng: “Trên thực tế các em đi xe rất giỏi, giỏi hơn các cụ già, các bà phụ nữ nhiều” là kiểu ngụy biện khái quát sai. Nếu cũng trên quan điểm thế và lối tư duy để có thể nói “Các em không được đi xe máy vì đi tệ hơn những người đàn ông trưởng thành” thì cũng rất hợp lí. Việc các em học sinh đi xe máy giỏi hơn, có khả năng đi xe máy hay không không là vấn đề mà mọi người đang bàn tới, mà vấn đề là ý thức khi điều khiển tham gia giao thông của lứa tuổi học sinh là non nớt cũng như kinh nghiệm non trẻ trước các tình huống. Việc phụ huynh này đưa vào những luận điểm chẳng ăn nhập vào luận đề mọi người đang quan tâm tới là hình thức ám thị và loại bỏ, chẻ các giá trị luận điểm ra nhằm quanh co lí luận làm người đọc khó nắm bắt nội dung chính mà phụ huynh này muốn nói tới.

Đỉnh điểm của sự ngụy biện của phụ huynh là việc phụ huynh đưa ra luận điểm: “Không có gì vô lí, nực cười hơn việc một bà mẹ gầy yếu chạy xe chở một ông con to béo, đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ngồi ngất ngư đằng sau, suốt ba năm học cấp ba.” Luận điệu cá trích được tác giả sử dụng triệt để trong luận điểm này khi nó chẳng liên quan gì đến việc mọi người đang quan tâm tới là ý thức điều khiển tham gia giao thông của lứa tuổi học sinh.

2.2. Lợi dụng sự chính danh[sửa]

Rời các bằng chứng cho thấy sự ngụy biện trở thành quen thuộc trong lối tư duy Việt ở các mặt báo tác giả đến với những nhận định mang yếu tố ngụy biện đến từ những người đáng tin cậy hơn vì xét về “chính danh” thì những phát biểu hàm hồ của nhóm đề cập trên không thể hiện được sức mạnh của ngụy biện đã lan tỏa thế nào trong tư duy Việt.

Sự việc đình đám gần đây nhất là việc giải cứu cụ Rùa ở Hồ Gươm có lẽ gây dấu ấn nhiều người là những phát biểu hết sức ngây ngô từ những vị có học hàm học vị trong buổi hội thảo giải cứu cụ Rùa. Thế nhưng chỉ xét về vấn đề ngụy biện có lẽ không bỏ qua được một thạc sĩ Kim Văn Vạn, Trưởng Bộ môn Nuôi trồng Thủy sản-Đại học Nông nghiệp Hà Nội trong bài báo “Cuối tháng 2 và đợi trời ấm sẽ cứu cụ rùa”[6] khi ông phát biểu “Th.S Vạn không cho là rùa tai đỏ tấn công cụ rùa vì rùa tai đỏ không hung dữ như ba ba. Hơn nữa, rùa tai đỏ có kích cỡ nhỏ, còn cụ rùa có kích cỡ lớn hơn và các sinh vật này ứng xử với nhau theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” chứ ít khi ngược lại.” Có lẽ vị thạc sĩ này khi đưa ra cụm ngữ “cá lớn nuốt cá bé” đã không tính chất trong cụm ngữ này muốn đề cập tới. Tính chất cụm ngữ này muốn nói tới hình sức trực quan “cá lớn ăn thịt cá bé” tức là đề cập đến những loài cá ăn thịt. Trong khi, rùa thì không ăn thịt, và ở đây cụ Rùa và rùa tai đỏ cạnh tranh nguồn thức ăn lẫn nhau, mà số lượng rùa tai đỏ nhiều hơn cụ Rùa nên cụ Rùa thiếu hụt nguồn thức ăn mới là đáng bàn. Việc rùa tai đỏ tấn công cụ Rùa, có lẽ khi dẫn câu “cá lơn nuốt cá bé”, thạc sĩ lại quên câu chuyện “Kiến thắng sư tử” hay “Kiến thắng voi” hay quên cả việc chuyện “cá lớn nuốt cá bé” không diễn ra ở một chiều mà việc cá bẻ rỉa vết thương của cá lớn cũng diễn ra ở tự nhiên. Phải chăng, bên trong sự ngụy biện dẫn điển tích này, là cả việc vị thạc sĩ quên mất (hay không biết) về những câu chuyện vở lòng của tiểu học và những kiến thức cơ bản của tự nhiên. Nếu sự quên hay sự không biết này là sự thật thì cũng có thể thông cảm cho sự ngụy biện của một vị thạc sĩ, vì đơn giản ông ta không biết.

Hay ý kiến của một vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thương mại Hà Nội (KAT Group), ông Nguyễn Ngọc Khôi nói: “Nếu có bãi rùa sẽ lên nằm. Nhưng phương án làm bãi cát mà tôi đưa ra, đến ngày 22-2, vẫn chưa thấy TP Hà Nội có động thái gì. Nếu có bãi cát, cụ Rùa sẽ lên nằm phơi nắng, nấm sẽ chết và các vết thương sẽ khô lại” lại đầy sức phỏng đoán và thiếu căn cứ. Ông nói cứ như, cụ Rùa chỉ chờ có bãi cát là sẽ tự lên nằm cho lành vết thương. Có lẽ tư duy ngây ngô hay phi logic thế này, quả thực không chừa một ai từ thạc sĩ cho đến một chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn. Nhưng có lẽ ông ta không biết mình ngây ngô nên mới ngây ngô phát biểu những câu ngây ngô thế này lên báo chí.

Vẫn còn nhiều và rất nhiều những minh chứng khác trong xã hội và đặc biệt đời sống hằng ngày của người Việt về lối tư duy ngụy biện như những kiểu mà tác giả đã trình bày. Vậy câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân từ đâu đã hình thành về lối tư duy ngụy biện này, và tại sao nó được duy trì cho đến hiện nay. Câu hỏi này quả thật rất khó, và trong sự hữu hạn của mình, tác giả đúc kết thành những vấn đề sau.

Tham khảo[sửa]

  1. http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/13311/tham-tu-phat-hien-nhom-teen–yeu–tap-the.html
  2. http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2011/03/ngoc-quyen-me-va-ban-trai-chap-nhan-anh-nude-cua-toi/
  3. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/11180/buc-thu-noi–khong–bat-ngo-cua-nhoc-9x.html
  4. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/11807/-10-km-co-dang-gi–.html
  5. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/11914/phan-hoi-danh-thep-cua–phu-huynh-6x.html
  6. http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/10212/-cuoi-thang-2-va-doi-troi-am–se-cuu-cu-rua.html

Mục lục[sửa]

Tác giả[sửa]

Tác giả: Nguyễn Chiến Trường

Nguồn: https://thayruamongtre.wordpress.com

Liên kết đến đây