Phòng ngừa sỏi thận

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sỏi thận, còn có những tên khác là Renal Lithiasis hay sạn thận, là chất cặn cứng trong thận. Ban đầu, các chất cặn này rất nhỏ, nhưng chúng có thể phát triển thành viên sỏi lớn hơn. Việc phòng ngừa sỏi thận là rất quan trọng vì những viên sỏi nhỏ này có thể gây đau đớn khi di chuyển từ thận đến bàng quang. Trong một số trường hợp, sỏi thận có thể bị kẹt ở niệu quản và chặn dòng nước tiểu. Rất may mắn là thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp phòng ngừa sự phát triển của sỏi thận, đặc biệt là ở người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Các bước[sửa]

Xác định Yếu tố Nguy cơ gây Sỏi Thận[sửa]

  1. Hỏi xem người thân trong gia đình có bị sỏi thận không. Nguy cơ sỏi thận của bạn sẽ cao hơn nếu có thành viên trong gia đình bị sỏi thận. [1]
    • Nghiên cứu cho thấy so với người Mỹ bản địa, người châu Phi hoặc người Mỹ gốc Phi, người có nguồn gốc châu Á và người da trắng có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn.[2]
  2. Kiểm tra cân nặng. Nghiên cứu cho rằng người có chỉ số khối cơ thể cao và kích thước vòng eo lớn có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn. [3]
    • Trọng lượng cơ thể, không phải chế độ ăn uống, là yếu tố nguy cơ cao nhất của bệnh sỏi thận. Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ giúp giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh.
  3. Xem xét tuổi tác và giới tính. Nam giới ở độ tuổi 30-50 và phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị sỏi thận cao nhất.[1]
  4. Kiểm tra các bệnh lý khác. Một số quy trình phẫu thuật và bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận,[4] bao gồm: [1]
    • Phẫu thuật dạ dày hoặc phẫu thuật đường ruột
    • Nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Bệnh viêm đường ruột và bệnh Crohn
    • Tiêu chảy mãn tính
    • Nhiễm toan ống thận
    • Cường cận giáp
    • Kháng insulin
  5. Hiểu rõ các loại sỏi thận khác nhau. [5] Có 4 loại sỏi thận khác nhau. Bước đầu tiên để phòng ngừa sỏi thận là biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Các loại sỏi thận khác nhau là do yếu tố lối sống và chế độ ăn khác nhau gây ra.
    • Sỏi canxi. Sỏi canxi có ở 2 dạng: sỏi canxi oxalat và sỏi canxi phốt-phát. Sỏi canxi oxalat là dạng sỏi thận phổ biến nhất. Sỏi canxi thường là do dung nạp quá nhiều natri.
    • Sỏi axit uric. Loại sỏi này hình thành khi nước tiểu có tính axit quá cao và thường là do bệnh nhân có chế độ ăn nhiều đạm động vật (thịt, cá và hải sản).
    • Sỏi Struvite. Loại sỏi này xuất hiện thường là do nhiễm trùng thận. Chữa nhiễm trùng có thể giúp ngăn hình thành sỏi Struvite.
    • Sỏi Cystine. Loại sỏi này hình thành khi cystine thấm vào thận gây ra sỏi. Sỏi Cystine thường là do rối loạn di truyền.

Phòng ngừa Sỏi Thận Thông qua Chế độ ăn uống[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Hẳn bạn thường nghe đến quy tắc “8 cốc nước mỗi ngày”, tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng bạn cần uống nhiều hơn thế. Viện Y học Hoa Kỳ khuyến nghị nam giới nên uống 13 cốc (3 lít) chất lỏng mỗi ngày, nữ giới nên uống 9 cốc (2,2 lít) chất lỏng mỗi ngày.[6]
    • Uống nhiều nước hơn nếu bị bệnh hoặc luyện tập thể dục thể thao nhiều. [7]
    • Nước là lựa chọn tốt nhất. Uống nửa cốc nước chanh tươi mỗi ngày làm tăng nồng độ citrate trong nước tiểu, giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi canxi. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến nghị uống nước cam vì nó làm tăng nồng độ oxalat. [8]
    • Cẩn trọng với nước ép bưởi, táo và nam việt quất. Nhiều nghiên cứu (không phải tất cả) cho thấy mối liên hệ giữa nước ép bưởi với nguy cơ mắc sỏi thận cao. [8][9] Nước ép táo và nam việt quất đều chứa oxalat, có liên quan đến sự phát triển sỏi thận. Nước ép nam việt quất có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalat và sỏi axit uric. Tuy nghiên, loại nước này cũng giúp ngăn hình thành các loại sỏi ít phổ biến hơn, ví dụ như sỏi Struvite, sỏi Brushite, và tốt cho chức năng thận tổng thể.[10] Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem có thể tiêu thụ các loại nước ép này không.
  2. Hạn chế dung nạp natri. Tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây sỏi thận do tăng hàm lượng canxi trong nước tiểu. Bạn nên đọc thông tin dinh dưỡng của sản phẩm cẩn thận và tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn vì chúng có hàm lượng natri cao. Hãy tuân thủ hướng dẫn về lượng natri tiêu thụ dưới đây: [11]
    • Tiêu thụ không quá 2300 mg natri mỗi ngày nếu là người lớn khỏe mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hầu hết người Mỹ đều ăn nhiều hơn so với lượng được khuyến nghị, lên đến 3400 mg mỗi ngày.[12]
    • Giới hạn lượng natri tiêu thụ xuống mức 1500 mg mỗi ngày đối với người ở tuổi trung niên hoặc có bệnh lý như huyết áp cao hoặc tiểu đường
    • Tìm mua sản phẩm đóng hộp có nhãn “hàm lượng natri thấp” hoặc “không có muối”. Rau củ và súp đóng hộp thường có hàm lượng muối cao. Thịt hộp, xúc xích và thịt chế biến đông lạnh cũng có lượng natri rất cao nên bạn cần kiểm tra nhãn mác khi mua.[12]
  3. Hạn chế dung nạp protein động vật. Chế độ ăn nhiều protein động vật, nhất là thịt đỏ, sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận, đặc biệt là sỏi axit uric. [10] Vì vậy, chỉ nên tiêu thụ ít hơn 170 g protein động vật mỗi ngày để giảm nguy cơ hình thành các loại sỏi thận.[12]
    • Thịt đỏ, thịt nội tạng và hải sản chứa hàm lượng purine cao có thể làm tăng sản sinh axit uric trong cơ thể và gây sỏi thận. [13] Trứng và cá cũng chứa purine nhưng hàm lượng thấp hơn. [12]
    • Thay thế nguồn protein từ động vật bằng nguồn protein khác như các loại hạt và đậu.
  4. Tăng cường tiêu thụ axit citric. Axit citric từ hoa quả hoạt động như chất bảo vệ bằng cách phủ lên sỏi thận, khiến sỏi thận khó tăng kích thước. Bạn có thể được bác sĩ kê đơn các thuốc như canxi citrate hoặc kali citrate; các thuốc này không phải là thực phẩm và hoạt động khác với thực phẩm.[14]
    • Chanh là nguồn axit citric tuyệt vời nhất. Uống nước chanh (đặc biệt là loại ít đường) và vắt nước chanh vào thức ăn là cách tốt nhất để tăng hàm lượng axit citric.
    • Tăng cường các loại rau củ sẽ giúp tăng dung nạp axit citric.
    • Một số loại nước ngọt có ga như 7UP và Sprite có hàm lượng axit citric cao. Mặc dù nên tránh uống thức uống nhiều đường nhưng thỉnh thoảng uống các thức uống này cũng là cách để tăng axit citric.[9]
  5. Áp dụng chế độ ăn “ít oxalat”. Nếu có tiền sử bị sỏi thận từ canxi oxalat (loại sỏi thận phổ biến nhất), bạn nên tránh tiêu thụ thực phẩm chứa hàm lượng oxalat cao để ngăn hình thành sỏi thận.[15] Nếu ăn thức ăn chứa oxalat, hãy ăn cùng với thực phẩm chứa canxi. Canxi và oxalat sẽ kết hợp với nhau và ít có khả năng gây hại cho thận. [13]
    • Hạn chế tiêu thụ oxalat xuống mức 40-50 mg mỗi ngày.
    • Thực phẩm có hàm lượng oxalat cao (trên 10 mg mỗi phần ăn) bao gồm các loại hạt, hầu hết các quả mọng, lúa mì, quả trung, nho, quýt, đậu, củ dền, cà rốt, cần tây, cà tím, cải xoăn, tỏi tây, quả ôliu, đậu bắp, ớt, khoai tây, rau bina (rau chân vịt), khoai lang và bí ngòi.
    • Thức uống chứa hàm lượng oxalat cao (trên 10 mg mỗi phần thức uống) bao gồm bia đen, hắc trà, thức uống từ sôcôla, thức uống từ đậu nành và cà phê hòa tan.
    • Tránh tiêu thụ quá nhiều vitamin C. Cơ thể có thể chuyển hóa vitamin C liều cao (ví dụ như từ thực phẩm chức năng) thành oxalat. [15]
  6. Cẩn trọng khi dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi. Canxi từ thực phẩm không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc sỏi thận. Trên thực tế, chế độ ăn có hàm lượng canxi quá thấp có thể gây sỏi thận ở một số người. Mặt khác, thực phẩm chức năng bổ sung canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Do đó, bạn không nên sử dụng trừ khi được bác sĩ khuyên dùng.[16]
    • Trẻ từ 4-8 tuổi nên bổ sung 1000 mg canxi mỗi ngày. Trẻ từ 9-18 tuổi nên bổ sung 1300 mg canxi mỗi ngày. Người lớn trên 19 tuổi nên bổ sung ít nhất 1000 mg canxi mỗi ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi cần tăng dung nạp canxi lên 1200 mg mỗi ngày.[17]
  7. Áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ. Nghiên cứu cho rằng thực phẩm giàu chất xơ có thể ngăn hình thành sỏi thận. [8] Nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ còn chứa phytate, một hợp chất ngăn canxi khỏi bị tinh thể hóa.
    • Đậu và cám gạo là nguồn phytate dồi dào. Mặt khác, lúa mì và đậu nành có chứa phytate nhưng cũng chứa cả oxalat. Do đó, bạn nên tránh tiêu thụ lúa mì và đậu nành trừ khi được bác sĩ chỉ định.
  8. Kiểm soát lượng đồ uống chứa cồn. Đồ uống chứa cồn làm tăng nồng độ axit uric trong máu, từ đó gây sỏi thận. [9]
    • Bia đen chứa oxalat có thể làm tăng sỏi thận.[15]

Lời khuyên[sửa]

  • Yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng có thể làm việc với bác sĩ và đưa ra kế hoạch dinh dưỡng cho nhu cầu cụ thể của bạn.
  • Không áp dụng “kế hoạch giảm cân cấp tốc”. Giảm cân cấp tốc không những có hại cho sức khỏe mà còn làm tăng nồng độ axit uric và tăng nguy cơ sỏi thận.[13]

Cảnh báo[sửa]

  • Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh chế độ ăn mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây