Sáu căn bệnh của giới nghiên cứu Trung Quốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bình mới nước cũ[sửa]

Rất nhiều tài liệu giảng dạy, cả khoa học xã hội lẫn tự nhiên, đều đã “lão hóa”. Nhiều tài liệu giảng dạy trong trường ĐH không những dừng lại ở kiến thức thập kỷ 70, 80, mà còn ở thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước. Kết quả một điều tra ở Đại học Thượng Hải: 63% sinh viên bất mãn vì chỉ được dạy kiến thức “già cả”. Sinh viên khoa báo chí phản ánh, hiện giờ họ vẫn phải học giáo trình “Phỏng vấn tin tức” của một giáo sư biên soạn từ năm 1983; giáo trình “Lý luận văn học” là bản thêm thắt của một tài liệu từ những năm 60.

Không chỉ có giáo trình đại cương mới xào xáo, giáo trình chuyên ngành cũng không khác bao nhiêu. Cựu học sinh của một trường đại học có tiếng ở phía nam Trung Quốc kể: Có lần vào giờ chuyên môn, một ông thầy gần 70 tuổi bước vào, giở ra một cuốn giáo trình vàng ố - được in từ năm 1985. Kết quả, buổi đầu tiên giảng đường có hơn 30 sinh viên, buổi thứ 2 còn 10 người, buổi thứ 3 còn 5.

Tìm tài liệu giảng dạy mới thời này rất dễ, vì sao giảng viên đại học còn dùng tài liệu cũ? Một giảng viên Đại học Trung Sơn phát biểu: tài liệu giảng dạy mới hoặc là trực tiếp sao chép tài liệu cũ, hoặc là khoa trương “lý thuyết tiên tiến”, “kiến thức mới nhất”, kỳ thực chỉ là “bình mới nước cũ”.

Đánh bóng mạ kền[sửa]

Hiện loại người “đánh bóng mạ kền” trong giới học thuật ở Trung Quốc vô cùng nhiều, mục đích không gì khác là nhăm nhăm đề cao bản thân. Một giảng viên của một trường đại học danh tiếng là mẫu người điển hình “chân trong chân ngoài”, dùng danh tiếng nhà trường để kiếm tiền cho công ty riêng. Song ông này có tiếng Anh rất khá, từng được mời “nghiên cứu thăm viếng” vài tháng ở Harvard và Oxford. Sau khi về nước, đi đâu ông này cũng ầm ĩ rằng mình là bạn thân của một học giả nổi tiếng thế giới, được nhà khoa học đó tặng cho toàn bộ tác phẩm của mình. Sau vài bài báo giới thiệu công trình của học giả nổi tiếng kia, ông này cũng nghiễm nhiên được coi là học giả tầm cỡ thế giới, thành “sứ giả” của nền học thuật Trung Quốc. Tuy nhiên một lưu học sinh Trung Quốc ở London cho biết, nguyên bản các công trình của học giả nổi tiếng thế giới kia đều bằng tiếng Pháp, ông ta chưa từng viết bằng tiếng Anh.

Bong bóng phập phồng[sửa]

Mấy năm gần đây, giới nghiên cứu trong các trường đại học Trung Quốc “phồn thịnh” chưa từng thấy. Số lượng “giảng viên đại học”, “sách chuyên ngành”, “bài báo khoa học” của Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới, song số giáo sư, sách chuyên ngành hay bài báo khoa học của Trung Quốc có ảnh hưởng quốc tế lại không nhiều. Một trong những nguyên nhân là việc đánh giá chất lượng nghiên cứu nhiều khi chỉ “ào ào cho qua”.

Trước kia, một học giả cần mẫn thì 1 năm chỉ công bố được 2 bài, cả đời chỉ ra được 2, 3 cuốn sách chuyên ngành. Nhiều “học giả trẻ” hiện nay “trước tác đầy mình”, viết nhanh như chớp: sách chuyên ngành 3-40 cuốn, công bố nghiên cứu hàng trăm bài. Một số người bảo “sách viết nghìn trang còn phát ngượng”, bởi trong giới học thuật phổ biến quan niệm: “trăm trang biết lẫy, nghìn trang biết bò, chục nghìn trang lò dò biết đi”.

Vừa “xuất đầu lộ diện”, học giả trẻ của trường Đại học Phúc Đán, Thân Tiểu Long, đã có mười mấy cuốn sách về ngôn ngữ có tiếng như “Diễn giải văn hóa ngôn ngữ”, “Văn hóa làng xã và biến dị văn hóa”, “Ngôn ngữ văn hóa học”... Nhưng gần đây có người chỉ ra, Thân Tiểu Long cướp ý tưởng của người khác làm của mình; cuốn “Diễn giải văn hóa ngôn ngữ” sao chép nghiên cứu của gần 40 người. Một giáo sư còn phát hiện, cuốn “Ngôn ngữ văn hóa học” có hơn 640 trang thì 350 trang là sao chép từ cuốn sách trước đó của anh ta. Giống trường hợp Thân Tiểu Long, sách sao chép của nhiều người hay của chính mình là hiện tượng không hiếm trong giới nghiên cứu.

Loạn bình xét[sửa]

Bình xét giải thưởng và cả đề tài là nỗi thống hận lâu nay trong giới nghiên cứu Trung Quốc. Người ta “bình xét” việc bình xét giải thưởng: Giải thưởng là chuyện trong nhà, anh chi cho tôi, tôi trao tặng anh. Mười phần thì phải để hai, ba cho người ngoài làm vì.

Năm ngoái, 3 giáo sư khoa Triết của Đại học Võ Hán đã viết bài báo cay đắng về Giải thưởng triết học của tỉnh Hồ Bắc: “Ban giám khảo... lấy tay che mặt trời, kết bè kéo cánh, bày trò hề để chia danh lợi...” Theo 3 ông, giải thưởng này được trao cho cả một bản... hướng dẫn luận văn, là việc “dù hủ bại đã thành quen, cũng hiếm thấy trong giới học thuật”.

“Hủ bại” trong bình xét đề tài cũng giống trong bình xét giải thưởng. Giáo sư Nhất Đinh ở Đại học Thiểm Tây nhận xét: (Đăng ký đề tài) cũng giống như cô gái chưa sinh mà xin cấp sữa, nói con tôi sau này nhất định sẽ tài trí hơn Dương Chấn Ninh (Nhà vật lý gốc Hoa đoạt giải Nobel). Sau đó tuỳ trình độ đấu hót mà được các loại sữa tốt xấu khác nhau. Mỗi năm một lần, thấy đề tài đăng ký với kinh phí là lại thấy nực cười.

Loạn chức danh[sửa]

Chế độ chức danh có vẻ là một "sáng chế độc quyền" của Trung Quốc. Trong trường đại học, chức danh để chỉ trình độ học thuật, đồng thời để phân biệt chế độ đãi ngộ, phân nhà.

Để có chức danh này nọ, một số giảng viên đại học không ngừng nhờ vả, chạy chọt, thậm chí bỏ tiền thuê viết nghiên cứu; có người còn bê nguyên cả bài của người khác đăng trên "Quang Minh nhật báo" làm nghiên cứu của mình, suýt nữa thì "lọt lưới"; có người "chiếm" công trình của học trò; có người chế biến một nghiên cứu của mình thành không biết bao nhiêu công trình. Có người đùa rằng, nếu thu thập những "điển hình" chạy chức danh, sẽ biên được một cuốn "Mưu hay chước lạ chạy chức danh", "Ngọc điển phong chức danh"..., hay không kém các bí kíp võ lâm.

Chức danh giáo sư ở Trung Quốc "chỉ lên không xuống", được giữ đến trọn đời. Với một số học giả, được phong "giáo sư" đồng nghĩa với "cùng đường mạt lộ" về học thuật. Giới học thuật Trung Quốc có câu: Trợ giảng khổ sở, phó giáo sư không dám lơ mơ, giáo sư chỉ chơi dài.

Đạo văn[sửa]

"Văn chương là cuộc sao chép lớn" (Thiên hạ văn chương nhất đại sao), mấy năm gần đây, "đạo văn" được ví với "dịch châu chấu" trong giới học thuật. Một học giả bình luận: Vấn đề lớn nhất của giới nghiên cứu Trung Quốc hiện nay là không còn biết xấu hổ.

Có người chỉ theo dõi các "vụ án trộm văn" trên báo chí mà rút ra được những cách ăn trộm như "Đổi tên trộm toàn bộ", "Trộm quan điểm, trộm tư tưởng", "trộm điểm hay", "ngoài soạn trong trộm"... Ông Dương Ngọc Thánh, người chuyên vạch trần giả mạo trong giới học thuật nói: Trước kia chỉ có những người trẻ tuổi, trình độ kém mới đạo văn. Nhưng nay, cả người danh cao vọng trọng trong các trường đại học lớn hay cơ quan cao cấp của chính phủ cũng đạo văn. Họ Dương nhận định: "đạo" là căn bệnh nặng nhất của giới học thuật Trung Quốc, nó làm "học phong" bại hoại, đạo đức xuống dốc, nhân tài ly tán, không những gây hại cho xã hội mà còn làm mất uy tín cả một nền khoa học.

Nguồn[sửa]

  • TRẦN ANH (theo Liêu vọng Đông phương)
  • Tạp chí Tia sáng