Sữa mẹ, việc cho con bú và bệnh ung thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Từ ngàn đời nay, sữa mẹ luôn luôn đứng đầu trong tất cả các loại sữa cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ những ngày tháng đầu đời. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp thêm kháng thể mà trẻ cần vì ở giai đoạn này cơ thể trẻ không có khả năng tạo kháng thể để chống lại những bệnh viêm nhiễm. Hơn thế nữa, thêm một khả năng diệu kỳ của sữa mẹ và việc cho con bú chính là giảm nguy cơ ung thư ở cả bé và mẹ.

Chưa xét đến việc giảm ung thư, tại sao sữa mẹ là tốt nhất?[sửa]

Như đã nói ở trên, sữa mẹ cung cấp tất cả những chất dinh dưỡng thiết yếu (chất béo, đường, nước, đạm, vitamin) và kháng thể quan trọng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ còn thay đổi theo nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn trưởng thành của trẻ và dễ tiêu hoá, nhất là khi hệ tiêu hoá của trẻ còn rất sơ khai[1]. Sữa mẹ còn đạt hiệu quả kinh tế tối ưu khi có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng lại tiết kiệm khoảng tiền mua sữa công thức, dụng cụ để pha sữa… Việc sử dụng sữa mẹ và giảm thiểu sữa công thức còn thân thiện hơn với môi trường (không hộp chứa, không giấy, không cần tiêu thụ nhiên liệu để sản xuất hay vận chuyển đến nơi cung cấp, nên giảm được lượng khí thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng toàn cầu…)[2].

Khả năng phòng chống ung thư của sữa mẹ[sửa]

- Ung thư máu ở trẻ em

  • Năm 1999, một cuộc nghiên cứu trên hơn 4.600 trẻ em trong đó có 1.744 trường hợp bệnh bạch cầu lympho bào cấp tính (acute lymphoblastic leukemia, viết tắt ALL) và 456 trường hợp bệnh bạch cầu tuỷ xương cấp tính (acute myeloid leukemia, viết tắt AML) đã quan sát được rằng những trẻ được nuôi chủ yếu bằng sữa mẹ thời điểm đầu đời, đặc biệt khi kéo dài hơn 6 tháng, có tỷ lệ mắc bệnh ALL và AML thấp hơn[3]. Ngoài ra, nguy cơ ALL còn giảm mạnh khi trẻ được mẹ cho bú hơn 12 tháng, còn AML là 9 tháng.
  • Kết quả của nghiên cứu trên được khẳng định thêm lần nữa vào năm 2004 thông qua một nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta-analysis) từ 14 nghiên cứu nhỏ[4] rằng sữa mẹ có khả năng giảm nguy cơ ung thư máu ở trẻ.
  • Một giả thuyết về cơ chế sinh học cho thấy khám phá này bao gồm tác dụng chống nhiễm trùng, kích thích và điều hoà sự phát triển của hệ thống miễn dịch còn sơ khai của trẻ nhờ vào các kháng thể, đại thực bào và tế bào lympho được truyền từ sữa mẹ[5]. Thêm vào đó, nhiều yếu tố tăng trưởng và cytokine (ví dụ: yếu tố tăng trưởng chuyển đổi alpha, yếu tố hoại tử khối u alpha, yếu tố tăng trưởng giống insulin, interleukin 8 và 10) đều được tìm thấy trong sữa mẹ[6].

- Ung thư ở những vị trí khác trên cơ thể

  • Năm 2002, một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 700 trẻ em ở Mỹ và Canada trong đó có gần 400 em mắc bệnh ung thư nguyên bào thần kinh (neuroblastoma) đã phát hiện được khả năng bảo vệ của sữa mẹ lên các nguyên bào thần kinh của trẻ. Sự tăng trưởng và phân bào của các nguyên bào này vẫn tiếp diễn trong thời kỳ sơ sinh và để quá trình đó xảy ra thuận lợi, cần phải có yếu tố tăng trưởng giống insulin (insulin-like growth factor). Đây là yếu tố được tìm thấy rất nhiều trong sữa mẹ. Ngoài ra, một cơ chế bảo vệ khác là những yếu tố điều hoà miễn dịch trong sữa mẹ với khả năng kiểm soát những nguyên bào không phát triển bình thường và ngăn việc chúng hợp lại thành cụm với nhau để tạo thành khối u[7].
  • Năm 2015, một nghiên cứu khác được thực hiện trên hơn 600 trẻ em trong đó có 300 ca ung thư ALL, AML và các khối u rắn khác (u não, u thận, u xương, u gan, u mô mềm, u tế bào mầm…) đã tìm thấy rằng sữa mẹ có thể giúp giảm nguy cơ bất kỳ các loại ung thư nào ở trẻ đến 8.6 lần[8]. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh việc lấy sữa mẹ làm nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ và kéo dài thời gian đó càng lâu thì lợi ích cho sức khoẻ của trẻ càng lớn.

- Hơn thế nữa, sữa mẹ còn giúp giảm các nguy cơ bệnh tật khác về sau là: hen suyễn, béo phì, nhiễm trùng tai, viêm da dị ứng, tiêu chảy và nôn mửa, nhiễm trùng đường hô hấp, hoại tử ruột, tiểu đường dạng 2 [1].

Khả năng phòng chống ung thư của việc cho con bú[sửa]

- Ung thư vú (breast cancer)

  • Nguy cơ ung thư vú tăng cao khi các tế bào vú tiếp xúc quá nhiều và liên tục với những hormon được sản sinh ra từ buồng trứng như estrogen và progesterone nội sinh. Trong khi đó, việc mang thai và cho con bú làm giảm được số lượng chu kỳ kinh nguyệt và khoảng thời gian cơ thể tiếp xúc với những hormon nội sinh này nên có thể sẽ giảm được nguy cơ ung thư[9]. Ngoài ra, việc mang thai và cho con bú còn tác động trực tiếp lên các tế bào vú giúp chúng phân bào và trưởng thành cho mục đích sản xuất sữa, và sự phát triển có mục đích chính đáng này có thể giúp những tế bào đó tránh con đường phát triển vô kiểm soát thành khối u [10] [11].
  • Năm 2002, một nghiên cứu tổng hợp (meta-analysis) gồm 47 nghiên cứu dịch tễ ở 30 nước trên hơn 140.000 phụ nữ trong đó có hơn 50.000 ca ung thư vú quan sát được rằng thời gian cho con bú càng lâu (ít nhất 1 năm) thì tỷ lệ ung thư vú càng thấp (12). Theo tính toán từ số liệu thống kê, cứ mỗi 12 tháng cho con bú, nguy cơ ung thư vú giảm khoảng 4,3% cộng vào 7,0% cho mỗi lần mang thai và sinh nở [12]. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng ước tính ở những nước phát triển, nếu mỗi phụ nữ có trung bình 2,5 đứa con và cho mỗi con bú hơn 6 tháng so với mức hiện tại thì giảm được 25.000 (5%) ca ung thư vú mỗi năm, còn nếu cho mỗi con bú hơn 12 tháng so với mức hiện tại thì giảm được 50.000 (11%) ca ung thư vú mỗi năm[13].

- Ung thư buồng trứng (ovarian cancer)

  • Năm 2014, một nghiên cứu tổng hợp (meta-analysis) 40 nghiên cứu dịch tễ bao gồm trên 17.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng đã cho ra kết quả rằng việc cho con bú có thể giảm nguy cơ bệnh đến 30% [14]. Cụ thể hơn, thời gian cho con bú cũng ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đó:
    • < 6 tháng: giảm được 15%
    • 6-12 tháng: giảm được 27%
    • > 12 tháng: giảm được 36%
  • 2 giả thuyết đã được đề xuất để giải thích cho hiện tượng này là: 1) việc rụng trứng của mỗi chu kỳ kinh nguyệt không ngừng nghỉ sẽ gây tổn thương lên buồng trứng, từ đó tăng khả năng ung thư; 2) việc tăng gonadotropin (hormone điều hoà tuyến sinh dục do thuỳ trước tuyến yên tiết ra) của mỗi chu kỳ kinh nghuyệt sẽ làm tăng kích thích của estrogen nội sinh, điều này thúc đẩy sự tăng sinh của tế bào và tạo cơ hội cho khối u phát triển[15]. Việc cho con bú thiết lập lại những thay đổi liên quan đến thai kỳ (chặn rụng trứng) đồng thời cũng ức chế được gonadotropin, nên giữ được trạng thái ổn định cho buồng trứng [15].

- Ung thư nội mạc tử cung (endometrial cancer)

Năm 2015, một nghiên cứu tổng hợp (meta-analysis) 14 nghiên cứu với trên 700.000 người tham gia, trong đó có trên 5.000 trường hợp ung thư nội mạc tử cung cho ra kết quả rằng việc cho con bú có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này đến 23%[16]. Ngoài ra, cứ mỗi một tháng cho con bú, nguy cơ cũng sẽ giảm thêm 2%. Giả thuyết cho quan sát này cũng tương tự như trên.

- Ngoài giảm nguy cơ ung thư ra, việc cho con bú còn giúp người mẹ rất nhiều: giảm xuất huyết sau sinh, giúp tử cung trở lại hình thái trước khi mang thai, đốt cháy năng lượng để giảm cân, giảm nguy cơ tiểu đường và loãng xương[17].

Trẻ em nên được uống sữa mẹ trong vòng bao lâu?[sửa]

Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên mẹ nên cho con bú ít nhất là 12 tháng đầu đời và tiếp tục cho đến khi nào mẹ và bé mong muốn[18].

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyên mẹ nên cho con bú đến 2 tuổi hoặc hơn [18].

Cần bổ sung thêm những gì cho trẻ khi trẻ dùng sữa mẹ là chính?[sửa]

Theo Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, ngay cả khi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, trẻ vẫn có thể đối diện với nguy cơ thiếu sắt và vitamin D, nên việc bổ sung thêm 2 chất này là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

- Sắt[19]

  • Trẻ sơ sinh thiếu tháng (<37 tuần): bổ sung thêm 2mg/kg (tính theo cân nặng của trẻ) mỗi ngày bắt đầu từ 1 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi.
  • Trẻ sơ sinh đủ tháng: bổ sung thêm 1mg/kg mỗi ngày bắt đầu từ 4 tháng tuổi trở đi.
  • Trẻ 1-3 tuổi: 7mg/kg, nhưng chuyên gia khuyên rằng lượng sắt nên được hấp thụ từ thực phẩm giàu sắt hơn là thuốc bổ. Thực phẩm giàu vitamin C cũng sẽ giúp trẻ hấp thụ sắt tốt hơn.

- Vitamin D

  • Trẻ <1 tuổi: mỗi ngày 400 IU (International Units, đơn vị quốc tế) hay 10 microgram
  • Trẻ >1 tuổi: mỗi ngày 600 IU hay 15 microgram
  • Tuy nhiên cũng nên cho trẻ tắm nắng hợp lý và ăn uống đầy đủ thay vì chỉ cho uống thuốc bổ.

Trữ sữa mẹ như thế nào?[sửa]

Do một số người mẹ phải quay lại làm việc một vài tháng sau sinh, nên cách trữ sữa mẹ đúng đắn rất quan trọng.

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Dịch Bệnh ở Hoa Kỳ (CDC), để đảm bảo chất lượng của sữa mẹ và sức khoẻ của bé, bạn cần làm những bước sau[20]:

- Rửa sạch tay trước khi cho con bú và các dụng cụ lấy và trữ sữa.

- Khi trữ sữa trong ngăn đá, nên ghi rõ ngày tháng lấy sữa.

- Rã đông sữa được trữ trong ngăn đá bằng cách xoay vòng bình sữa trong một tô nước ấm. Tuyệt đối không dùng lò vi sóng vì như vậy có thể phá huỷ những chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ.

- Một khi đã rã đông, không đông lạnh sữa lại lần nữa.

Bảng thời gian tối đa trữ sữa mẹ [20]

Một số trường hợp người mẹ nên tránh cho con bú hoàn toàn[sửa]

- Trẻ sơ sinh bị bệnh galactosemia, một rối loạn di truyền liên quan tới chu trình chuyển hoá đường galactose[21].

- Người mẹ đang uống thuốc kháng retrovirus, bệnh lao chưa được chữa trị, mắc phải virus T-cell lymphotrope loại I hoặc II, đang sử dụng thuốc bất hợp pháp, đang trong quá trình hoá trị hay xạ trị cho ung thư. Khi bạn uống bất cứ thuốc nào trong khoảng thời gian cho con bú, bạn nên luôn luôn hỏi bác sĩ hay dược sĩ trước để đảm bảo sự an toàn cho bé [21].

- Đối với mẹ nhiễm HIV, theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tất, Mỹ (CDC), cập nhật ngày 17/6/2015, thì không nên cho con bú [21]. Ngược lại, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi xem xét và cân nhắc giữa tỷ lệ trẻ bị truyền HIV do bú sữa mẹ với tỷ lệ trẻ bị tử vong bởi các bệnh ngoài HIV do ko được bú sữa mẹ, đã đưa ra khuyến cáo (áp dụng từ 2010 đến nay) là mẹ nhiễm HIV và đang được điều trị thì vẫn nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó cho trẻ ăn dặm kết hợp với sữa mẹ[22]. Mẹ nhiễm HIV cần gặp chuyên gia để tư vấn cụ thể trường hợp của mình.

Tổng kết[sửa]

  • Việc cho con bú có thể giảm nguy cơ ung thư cho cả mẹ và bé (ung thư vú, buồng trứng và nội mạc tử cung ở mẹ; ung thư máu và một số loại khối u rắn ở bé) và càng kéo dài thì nguy cơ ung thư càng giảm mạnh.
  • Sữa mẹ nên là nguồn dinh dưỡng chính cho bé ít nhất là 12 tháng đầu đời và tiếp tục cho đến khi nào mẹ và bé mong muốn.
  • Những người phải quay trở lại làm việc sau một vài tháng nghỉ sinh nên cố gắng trữ sữa đầy đủ cho bé. Các nguyên tắc trong việc trữ sữa cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng sữa cho bé.
  • Khi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, bé cũng nên được bổ sung thêm sắt và vitamin D.

Xem thêm[sửa]

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Tee Nguyễn
  • Cố vấn: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 1,0 1,1 Breastfeeding, Women’s Health.gov. Office on Women’s Heath, U.S. Department of Health and Human Services. 2014 [cited 2016 May 27th]; Available from: http://www.womenshealth.gov/breastfeeding/breastfeeding-benefits.html.
  2. The Importance of Breastfeeding, in The Surgeon General’s Call to Action to Support Breastfeeding2011: Rockville (MD).
  3. Shu, X.O., et al., Breast-feeding and risk of childhood acute leukemia. J Natl Cancer Inst, 1999. 91(20): p. 1765-72.
  4. Kwan, M.L., et al., Breastfeeding and the risk of childhood leukemia: a meta-analysis. Public Health Rep, 2004. 119(6): p. 521-35.
  5. Davis, M.K., Review of the evidence for an association between infant feeding and childhood cancer. International Journal of Cancer, 1998. 78: p. 29-33.
  6. Wagner, C.L., D.M. Anderson, and W.B. Pittard, 3rd, Special properties of human milk. Clin Pediatr (Phila), 1996. 35(6): p. 283-93.
  7. Daniels, J.L., et al., Breast-feeding and neuroblastoma, USA and Canada. Cancer Causes Control, 2002. 13(5): p. 401-5.
  8. Kucukcongar, A., et al., Breastfeeding and Childhood Cancer: Is Breastfeeding Preventative to Childhood Cancer? Pediatr Hematol Oncol, 2015. 32(6): p. 374-81.
  9. Colditz, G.A., H.J. Baer, and T.R. M., Breast Cancer, in Cancer Epidemiology and Prevention, J.F.F. David Schottenfeld, Editor 2006, Oxford University Press: New York.
  10. Russo, J., et al., The protective role of pregnancy in breast cancer. Breast Cancer Res, 2005. 7(3): p. 131-42.
  11. Britt, K., A. Ashworth, and M. Smalley, Pregnancy and the risk of breast cancer. Endocr Relat Cancer, 2007. 14(4): p. 907-33.
  12. Breast cancer and breastfeeding: collaborative reanalysis of individual data from 47 epidemiological studies in 30 countries, including 50302 women with breast cancer and 96973 women without the disease. Lancet, 2002. 360(9328): p. 187-95.
  13. Effect of breastfeeding on infant and child mortality due to infectious diseases in less developed countries: a pooled analysis. WHO Collaborative Study Team on the Role of Breastfeeding on the Prevention of Infant Mortality. Lancet, 2000. 355(9202): p. 451-5.
  14. Li, D.P., et al., Breastfeeding and ovarian cancer risk: a systematic review and meta-analysis of 40 epidemiological studies. Asian Pac J Cancer Prev, 2014. 15(12): p. 4829-37.
  15. 15,0 15,1 Luan, N.N., et al., Breastfeeding and ovarian cancer risk: a meta-analysis of epidemiologic studies. Am J Clin Nutr, 2013. 98(4): p. 1020-31.
  16. Wang, L.L., J.X. Li, and Z. Shi, Association between Breastfeeding and Endometrial Cancer Risk: Evidence from a Systematic Review and Meta-Analysis. Nutrients, 2015. 7(7): p. 5697-5711.
  17. Benefits of Breastfeeding, Missouri Department of Health & Senior Services. [cited 2016 May 27th]; Available from: http://health.mo.gov/living/families/wic/breastfeeding/benefits.php.
  18. 18,0 18,1 Breastfeeding, Frequently Asked Questions, Centers for Disease Control and Prevention. 2015 [cited 2016 May 27th]; Available from: http://www.cdc.gov/breastfeeding/faq/index.htm.
  19. Baker, R.D. and F.R. Greer, Diagnosis and prevention of iron deficiency and iron-deficiency anemia in infants and young children (0-3 years of age). Pediatrics, 2010. 126(5): p. 1040-50.
  20. 20,0 20,1 Proper Handling and Storage of Human Milk, Centers for Disease Control and Prevention. 2010 [cited 2016 May 27th]; Available from: https://www.cdc.gov/breastfeeding/recommendations/handling_breastmilk.htm.
  21. 21,0 21,1 21,2 Breastfeeding, Diseases and Conditions, Centers for Disease Control and Prevention. 2015 [cited 2016 May 27th]; Available from: https://www.cdc.gov/breastfeeding/disease/index.htm
  22. Guidelines on HIV and infant feeding, Who Health Organization. 2010 [cited 2016 June 16th]; Available from: https://http://apps.who.int/iris/bitstream/10665/44345/1/9789241599535_eng.pdf
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này