Seppuku: Tập tục mổ bụng tự sát của samurai Nhật Bản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Trong cuốn Chuyện Nhật Bản ngày xưa (Tales of Old Japan), nhà văn Milford đã tả lại quang cảnh vụ hành quyết một phạm nhân được phép chết theo phương thức mổ bụng tự sát seppuku mà chính ông được chứng kiến:

Ảnh minh họa

… Bảy đại biểu người nước ngoài chúng tôi được các quan chức Nhật Bản chứng kiến vụ hành quyết dẫn vào hondo, tức chính điện một ngôi chùa sắp sửa tiến hành nghi thức hành quyết. Khung cảnh ngôi chùa vô cùng thâm nghiêm. Một gian phòng rộng, mái cao đỡ bằng các cột gỗ màu sẫm. Trần nhà treo đầy những chiếc đèn lồng lớn màu vàng và những vật trang hoàng độc đáo của một ngôi chùa thờ Phật. Phần sàn nhà trước bàn thờ Phật được kê cao khoảng 3-4 tấc, làm thành một cái bục, trên có trải những chiếc chiếu trắng rất đẹp, chính giữa phủ một tấm thảm dạ màu đỏ.

Nhiều ngọn nến đặt trên cao gần đấy tỏa ra một thứ ánh sáng huyền ảo, nhờ đó có thể nhìn rõ quá trình hành hình. 7 người Nhật Bản yên vị ở bên trái bục cao, 7 người nước ngoài chúng tôi ngồi bên phải. Ngoài ra không có ai khác.

Không khí chờ đợi hồi hộp. Vài phút sau, một người đàn ông vạm vỡ khoảng 32  tuổi, dáng điệu quý phái mặc lễ phục vải gai đi vào chính điện. Người này tên là Taki Zenzaburo. Đi kèm theo người đó có một kaishaku (còn gọi là “người chặt đầu”, giúp việc cho người mổ bụng tự sát rồi sau đấy chặt đầu người tự sát) cùng ba quan chức mặc áo jimbaori [áo cẩm bào] – loại áo thụng không tay bằng gấm thêu màu vàng kim.  Kaisaku có nhiệm vụ chặt đầu phạm nhân sau khi người ấy đã tự mổ bụng. Ở đây cần nói rõ một điều : kaishaku không phải là đao phủ, kaishaku thực hiện một công việc nghĩa vụ cao thượng, thông thường họ là người thân hoặc bạn bè của tội nhân. Mối quan hệ giữa hai người này không phải là quan hệ giữa đao phủ với phạm nhân mà là giữa người giúp việc với đương sự. Lần này, kaishaku là đệ tử của Taki Zenzaburo, được các bạn bè của tử tù lựa chọn từ trong số mấy kiếm sĩ võ nghệ cao cường của Taki Zenzaburo.

Với kaishaku đi kèm ở bên trái, Taki Zenzaburo khoan thai bước tới trước mặt các chứng nhân Nhật Bản và cúi rạp người chào, tiếp đấy lại đến cúi chào 7 người nước ngoài với dáng điệu dường như trịnh trọng hơn. Trong cả hai lần chào, hai người ấy cũng được đáp lễ với thái độ cung kính như vậy. Sau đó Taki Zenzaburo chậm rãi và cực kỳ trang nghiêm bước lên chỗ bục cao, quỳ xuống lạy Phật, rồi quay lưng lại bàn thờ, quỳ nghiêm chỉnh trên tấm thảm đỏ. Kaishaku thu mình ngồi bên trái. Một trong ba quan chức tháp tùng họ đặt chiếc wakizashi bọc giấy trắng lên tam bảo [hộp gỗ vuông có chân dùng để đựng đồ thờ cúng]. Wakizashi là một loại đoản đao người Nhật Bản hay dùng, dài hơn 25 cm, lưỡi và mũi dao sắc như nước. Sau khi hành lễ xong, vị quan chức trao chiếc wakizashi cho tội nhân. Người này tiếp nhận với thái độ vô cùng cung kính, dùng hai tay giơ cao nó lên trên đầu rồi đặt xuống trước mặt.

Sau một lần hành lễ nữa, Taki Zenzaburo bắt đầu nói với một giọng rụt rè, có lẽ do cảm thấy mình đã phạm sai lầm, nhưng nét mặt và âm điệu không thay đổi:

Sau khi trịnh trọng hành lễ một lần nữa, Taki Zenzaburo cởi áo, để hở đến lưng và cẩn thận buộc hai tay áo vào hai bắp chân – đây là một thông lệ, để sau khi mổ bụng thì thân người không bị ngã ngửa ra phía sau. Đó là vì tư thế chết của một võ sĩ Nhật Bản cao quý phải là gục người về phía trước. Sau một phút trầm tư, Taki Zenzaburo cả quyết cầm lấy thanh đoản đao ở trước mặt, dường như tập trung toàn bộ tình yêu vào vật này. Xem ra Taki Zenzaburo đang tập trung tư tưởng, rồi loáng một cái, người tử tù đã thọc sâu con dao vào phía trái bụng mình rồi từ từ kéo sang phía bên phải, sau đó kéo trở lại rồi rạch lên trên. Trong quá trình vô cùng đau khổ đó, nét mặt anh ta không hề thay đổi. Cuối cùng, sau khi rút dao ra khỏi bụng, Taki Zenzaburo đổ người về phía trước, chìa gáy ra. Cho tới lúc này nét mặt kẻ tử tội mới thoáng hiện lên vẻ đau khổ, nhưng không hề kêu một tiếng nào. Người kaishaku suốt thời gian vừa rồi quỳ bên cạnh tội nhân và im lặng theo dõi toàn bộ quá trình, bấy giờ mới từ từ đứng lên, giơ cao thanh đại đao. Cùng với ánh đao loang loáng chém xuống, một tiếng xoạch vang lên, kẻ tử tội đầu một nơi, thân một nẻo.

Bầu không khí im lặng như tờ trùm lên toàn bộ ngôi chùa, chỉ còn nghe thấy tiếng máu ồng ộc phun ra từ cổ xác chết. Cảnh tượng thật khủng khiếp, nhất là khi nghĩ tới chủ nhân cái đầu lâu rời ra ấy vừa rồi còn là một trang nam nhi dũng mãnh cương nghị.

Người kaishaku phủ phục hành lễ, rồi lấy giấy trắng đã chuẩn bị sẵn lau sạch máu trên thanh đại đao của mình, sau đó bước xuống dưới bục. Thanh đoản đao wakizashi vấy máu được một vị quan chức trịnh trọng cầm lấy mang đi, đó là chứng vật bằng máu của vụ hành quyết.

Lúc ấy, hai viên quan đại diện cho Mikado, tức Thiên hoàng Nhật Bản, bước đến trước mặt các chứng nhân người nước ngoài và tuyên bố phán quyết xử tử hình Taki Zenzaburo đã được thi hành đúng luật.

Nghi thức hành quyết đến đây kết thúc. Chúng tôi rời khỏi ngôi chùa ra về.

Trích từ sách Võ Sĩ Đạo – linh hồn Nhật Bản, tác giả Inazo Nitobe, Chương XII “Tập tục tự sát và trả thù”, Người dịch: Nguyễn Hải Hoành, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này