Tìm hiểu khái niệm "Anomie"

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Anomie

Giới thiệu[sửa]

Khái niệm "anomie" xuất phát từ sự kết hợp của hai từ trong tiếng Hy Lạp là: an (chỉ sự thiếu vắng) và nomos (có nghĩa là luật lệ, trật tự, cấu trúc). Do đó có thể hiểu đây là khái niệm chỉ sự rối loạn, sự vô tổ chức do không tuân thủ các quy tắc, các chuẩn mực xã hội nơi các cá nhân.

Xét về mặt lịch sử, có thể nói "anomie" là một khái niệm rất không mới bởi nó đã xuất hiện ngay từ năm 1885 trong tác phẩm "Esquysse d'une morale sans obhgation nisanction" (tạm dịch là "Phác họa một nền đạo đức phi ràng buộc lẫn chế tài") của triết gia J.M.Guyau. Thế nhưng, chính nhờ hai nhà xã hội học Émile Durkheim (Pháp) và Robert Merton (Mỹ) mà khái niệm này mới trở thành một trong những khái niệm quan trọng nhất trong lý thuyết xã hội học, nhất là trong lĩnh vực xã hội học lệch chuẩn và xã hội học tội phạm, dù quan niệm của hai ông không hoàn toàn giống nhau. Tại sao lại như vậy?

Dù anomie được hiểu một cách chung nhất là "thiếu quy tắc" thế nhưng đây là một khái niệm "đa nội dung " vì mỗi nhà nghiên cứu có một quan điểm riêng. Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ có tình trạng như vậy là vì khái niệm này được nhìn nhận như là một thực thể chỉ có thể quan sát từ nhiều biểu hiện, hiện tượng khác nhau. Có nghĩa là từng nhà nghiên cứu quan tâm đến những hiện tượng, những biểu hiện khác nhau về tình trạng "anomie" trong xã hội, nhưng lại có cái cảm giác là họ đang nghiên cứu cùng một thực thể như nhau. Từ đó họ khó có thể đưa đến một quan niệm thống nhất về một khái niệm. Dưới đây chúng ta đề cập cách quan niệm của hai nhà xã hội học Émile Durkheim (Pháp) và Robert Merton (Mỹ) để có thể hiểu rõ hơn về khái niệm rất quan trọng trong nghiên cứu về các hiện tượng "lệch chuẩn" trong xã hội hiện nay.

"Anomie" theo quan niệm của É.Durkheim[sửa]

Điều trước tiên cần phải nhấn mạnh rằng, bản thân Durkheim cũng có những quan niệm không nhất quán về khái niệm anomie. Chúng ta điểm qua những nội dung này trong hai tác phẩm nổi tiếng của Durkheim: De la diviston du travail social (Về sự phân công lao động xã hội, 1893) và Suicide (Tự tử, 1897).

Anomie và phân công lao động xã hội

Ý tưởng chủ yếu trong tác phẩm Về sự phân công lao động xã hội (1893) của Durkheim là: mọi xã hội đều đi từ kiểu đoàn kết cơ giới sang kiểu đoàn kết hữu cơ. Bước chuyển từ kiểu đoàn kết cơ giới sang kiểu đoàn kết hữu cơ gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của sự phân công lao động trong xã hội. Trong xã hội hiện đại của chúng ta, sự phân công lao động trong xã hội sẽ ngày càng tăng. Vậy sự phân công lao động trong xã hội có liên quan gì với tình trạng phi quy tắc, phi chuẩn mực trong xã hội (tức anomie)?

Xét về mặt lý thuyết, khi chuyên môn hóa tăng do phân công lao động tạo ra, sự đoàn kết và phụ thuộc giữa các thành viên trong xã hội cũng tăng theo. Nhưng trong thực tế, sự chuyên môn hóa đó lại mang lại một tác dụng ngược: tách biệt thay cho đoàn kết. Chẳng hạn như chúng ta có thể thấy sự chuyên môn hóa trong các lĩnh vực khoa học đã đưa nhà nghiên cứu đến sự độc lập, sự tách biệt chứ không phải là đoàn kết: nhà toán học có thể bỏ cả cuộc đời của mình ra để giải một phương trình, một bài toán nào đó mà không hề quan tâm đến những điều khác, những mối bận tâm của xã hội. Có nghĩa rằng chuyên môn hóa đã thay thế những mối quan tâm, những mục tiêu, những giá trị chung bằng các mối quan tâm, những mục tiêu và những giá trị của cá nhân. Quá trình cá nhân hóa này là một trong những nguồn gốc chủ yếu của xung đột. Tóm lại, theo Durkheim, tình trạng phi quy tắc chuẩn mực chính là hệ quả của quá trình phân công lao động trong xã hội bởi những mục tiêu, những giá trị không còn mang tính tập thể nữa mà càng ngày càng được cá nhân hóa nhiều hơn do chuyên môn hóa tạo ra.

Tự tử phi chuẩn mực

Trong tác phẩm Tự tử (1897), khái niệm anomie lại một lần nữa được Durkheim đề cập đến, nhưng lần này mang một ý nghĩa hơi khác và rõ ràng hơn. Theo ông, tình trạng anomie là đặc trưng của những bối cảnh xã hội mà ở đó, những ham muốn của cá nhân có thể được bộc lộ một cách tự do, không bị hạn chế bởi những quy tấc của xã hội. Chẳng hạn, Durkheim đã dùng khái niệm anomie theo nghĩa này để lý giải tình trạng tự tử gia tăng trong những thời kỳ bùng nổ về kinh tế như sau: trong những thời kỳ thịnh vượng về mặt kinh tế, những giới hạn trong nhu cầu ở thời kỳ bình thường đã không còn giá trị nữa, người ta sẽ đẩy mức nhu cầu lên đến mức không thể xác định được một cách chính xác. Tình trạng phi chuẩn mực trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình cũng thế: trong những xã hội mà hôn nhân có tính ổn định, con người chịu sự điều tiết của xã hội bởi khi đó hôn nhân "kiểm soát" đời sống của cá nhân và đem lại sự "cân bằng đạo đức" cho cả hai người phối ngẫu. Ngược lại, trong những xã hội mà tình trạng ly dị gia tăng, tức là hôn nhân trở nên mỏng manh, dễ vỡ hơn thì điều tiết của xã hội đối với những đam mê của cá nhân không còn sức mạnh như vốn có.

Như vậy có thể thấy tình trạng phi chuẩn mực sẽ thay đổi theo từng bối cảnh xã hội, từng nền văn hóa. Những xã hội nào để cho sự độc lập, những ham muốn của cá nhân lấn át những chuẩn mực chung của xã hội thì tình trạng anomie ở những xã hội đó sẽ trầm trọng hơn những xã hội khác.

Anomie theo quan điểm của Robert Merton[sửa]

Với R. Merton, cái nhìn về anomie lại mang tính vi mô hơn là vĩ mô như quan niệm của Durkheim. Theo Merton, bất cứ xã hội nào cũng đều có những giá trị được gần như mọi thành viên chấp nhận và chia sẻ (chẳng hạn như trở nên giàu có gần như là điều ai cũng chấp nhận). Những giá trị ấy sẽ được các cá nhân nội tâm hóa ở những mức độ khác nhau như là những mục tiêu cần phải đạt được trong cuộc sống.

Để đạt được những mục tiêu ấy, xã hội cũng đưa ra cho cá nhân những phương tiện được quy định bởi những chuẩn mực của xã hội. Chẳng hạn, để trở nên giàu có, xã hội đưa ra cho các cá nhân các phương tiện như: chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, học giỏi... Thế nhưng, không phải mọi tầng lớp xã hội đều có thể tiếp cận được những phương tiện "hạn hẹp " đó nên một số cá nhân sẽ viện đến những phương tiện không hợp thức khác để đạt được mục tiêu mà xã hội đề cao. Chẳng hạn như làm giàu không bằng cách thực hiện tiết kiệm mà bằng cách buôn bán ma túy, tham nhũng. Như vậy, tình trạng phi chuẩn mực xuất phát từ "sự không tương hợp giữa những khát vọng được chấp nhận về mặt văn hóa và các phương tiện nhằm hiện thực hóa những khát vọng đó".

Trước cơ cấu về mục tiêu và những phương tiện mà xã hội đề ra, theo Merton, các cá nhân sẽ có những loại hình thích ứng như sau.

Loại thích ứng tuân thủ: Với loại thích ứng này, cá nhân chấp nhận đồng thời những mục tiêu được xã hội đề cao, cũng như những phương tiện được xã hội chấp nhận. Ví dụ: người sinh viên cố gắng đạt được điểm cao (mục tiêu này được xã hội đề cao) trong học tập bằng sự chăm chỉ, nỗ lực tự thân trong học tập.

Loại thích ứng cách tân: Loại thích ứng này xảy ra khi cá nhân lĩnh hội được những mục tiêu của nền văn hóa, nhưng lại không nhập tâm được cùng một oách thức các phương tiện được xã hội chấp nhận. Ví dụ: người sinh viên muốn đạt điểm cao nhưng không bằng nỗ lực tự học, sự chăm chỉ mà bằng cách quay cóp, mua điểm... Đây là loại hình thích ứng sản sinh ra nhiều hiện tượng phi chuẩn mực nhất trong xã hội, và cũng là nguồn gốc chủ yếu của loại tội phạm "cổ trắng”.

Loại thích ứng nghi thức chủ nghĩa: Loại hình thích ứng này được Merton đưa ra để chỉ việc các cá nhân hoàn toàn chấp nhận những phương tiện hợp thức của xã hội (ví dụ sống và làm việc theo đúng pháp luật, quy chuẩn của xã hội) nhưng không chấp nhận theo đuổi những mục tiêu mà nền văn hóa đề cao (chẳng hạn từ chối việc làm giàu cho bản thân).

Loại thích ứng xuất thế: Loại thích ứng này xảy ra khi các cá nhân chối bỏ hoàn toàn những giá trị mà nền văn hóa đề cao lẫn những phương tiện hợp thức của xã hội. Những nhóm nghiện ma túy là điển hình của loại thích ứng này.

Trong quan niệm của Merton, còn một loại hành động khác nữa đó là nổi loạn, nhưng ông không cho đây là một loại thích ứng như bốn loại trên mà đơn giản đây chỉ là một kiểu phản ứng chống lại cơ cấu xã hội đang tồn tại. Có nghĩa là nơi những cá nhân nổi loạn này, mục tiêu của họ không phải là cố gắng thích ứng với cơ cấu xã hội đang hiện hữu mà là bác bỏ những giá trị, những phương tiện mà xã hội đang đề cao để thay thế bằng những mục tiêu, những giá trị, những phương tiện mới.

Như vậy, quan niệm của Durkheim và Merton về phi chuẩn mới gần như không tương đồng với nhau. Với Durkheim, khái niệm này mang tính vĩ mô còn với Merton thì mang tính vi mô hơn và do đó, ta có thể áp dụng quan niệm của Merton trong việc nghiên cứu tình trạng phi chuẩn mực trong các thiết chế, các tổ chức trong xã hội dễ dàng hơn. Bởi vì mỗi thiết chế, mỗi tổ chức đều đặt ra cho mọi thành viên những mục tiêu cần phấn đấu và những phương tiện hợp thức cụ thể hơn là xã hội tổng thể.

(Nguồn Tạp chí Khoa học Xã hội)

Liên kết đến đây