Tình yêu: thuyết hoài nghi hay đức tin
Chào đón năm mới 2015 và chúc mừng VLOS một tuổi mới, hưởng ứng thông điệp của VLOS "Hãy yêu, bất chấp tất cả!", tôi xin trích dưới đây một quan điểm khá thú vị về Tình yêu, mời các bạn thưởng lãm.
Thuyết hoài nghi hay Đức tin[sửa]
Trái với lịch sử tình yêu, lịch sử triết học thể hiện mối quan tâm tàn nhẫn và thiếu nhất quán giữa hình thức (bề ngoài) và bản chất (hiện thực). "Tôi nghĩ tôi thấy một cái cây ngoài kia," vị triết gia lẩm bẩm, "nhưng liệu có phải đó chỉ là một ảo giác quang học đằng sau võng mạc?" "Tôi nghĩ tôi thấy vợ mình," vị triết gia lầm bẩm, nói thêm đầy vẻ hy vọng, "nhưng liệu có phải cô ấy cũng chỉ là một ảo giác quang học?"
Các triết gia thường giới hạn sự hoài nghi mang tính nhận thức luận vào sự hiện hữu của những đồ vật, sự vật trong nhà và người vợ thỉnh thoảng không mong muốn. Nhưng việc mở rộng các câu hỏi này với những thứ tác động đến chúng ta, như tình yêu chẳng hạn, làm nảy sinh một điều đáng sợ rằng người yêu chỉ là một huyễn tưởng nội tâm, với ít mối liên hệ tới bất cứ hiện thực khách quan nào.
Chúng ta dễ dàng hoài nghi khi đó không phải là vấn đề sống còn: chúng ta hoài nghi hết mức có thể, và dễ nhất là nghi ngờ về những thứ về cơ bản không cứu sống được chúng ta. Rất dễ để hoài nghi sự hiện hữu của một cái cây nhưng đâu dễ nghi ngời tính hợp thức của tình yêu.
Ở buổi ban sơ, tư tưởng triết học phương Tây, tiến trình từ sự ngu dốt đến tri thức được Plato ví như là một hành trình đầy huy hoàng từ một hang động tăm tối ra ánh sáng mặt trời. Plato bảo chúng ta, con người sinh ra không thể nhận thức được hiện thực, giống như những người sống trong hang động nhầm bóng các sự vật chiếu lên tường như là chính sự vật đó. Chỉ bằng cách nỗ lực mới có thể xóa bỏ các ảo giác, và mới có cuộc hành trình từ thế giới mờ ảo đến ánh sáng mặt trời, nơi mọi thứ có thể được nhìn thấy như chúng thực sự là. Câu chuyện này mang một bài học chân lý luôn ở đẳng cấp cao hơn so với ảo tưởng.
Phải tầm sau hai mươi ba thế kỷ, giả định kiểu Socrates về lợi ích của việc đi tìm chân lý mới bị thách thức từ một quan điểm thực dụng chứ không phải quan điểm đạo đức hay nhận thức luận. Mọi người từ Aristotle cho đến Kant đã phê phán Plato về cách thức đi đến chân lý, nhưng không ai chất vấn nghiêm túc giá trị của việc làm đó. Trong quyển "Bên kia thiện ác" (1886) của mình, Friedrich Nietzsche đã lãnh trách nhiệm và đặt câu hỏi:
"Chúng ta thực sự muốn "chân lý" là vì lẽ gì?... Chúng ta chất vấn giá trị của việc này... Tại sao không phải là phi chân lý? Và bất định? Thậm chí vô tri?... Sai lầm của một đánh giá không nhất thiết là phản chứng với chính nó... câu hỏi là ở mức độ nào là tiến bộ, và khuynh hướng cơ bản của chúng ta là xác nhận rằng những đánh giá sai lầm nhất là những thứ không thể thiếu nhất với chúng ta. Việc từ bỏ những đánh giá sai lầm tức là từ bỏ cuộc sống, sẽ là phủ nhận cuộc sống..."
Từ một quan điểm tôn giáo, tất nhiên người ta đã chất vấn giá trị của chân lý từ nhiều thế kỷ trước. Triết gia Pascal (1623-1662) - người lưng gù theo giáo phái Jansen và tác giả của "Những suy tưởng", đã nói về một lựa chọn mà bất kỳ người Ki-tô nào cũng phải đối mặt trong một thế giới được phân chia không công bằng giữa nỗi khiếp sợ về một vũ trụ không có Chúa và một sự thay thế sung sướng (nhưng xa vời) là Chúa có tồn tại. Mặc dù khả năng thiên về Chúa không tồn tại, Pascal tranh cãi rằng đức tin tôn giáo vẫn có thể chính đáng bởi vì niềm hân hoan từ một khả năng nhỏ hơn, cho đến nay, vẫn đánh bại nỗi căm ghét ở khả năng lớn hơn. Và có lẽ đó là vấn đề về Tình yêu. Các tình nhân không thể tiếp tục làm triết gia lâu dài, họ nên nhường chỗ cho niễm thôi thúc tôn giáo, tức là tin và mang đức tin, ngược với thôi thúc triết học - tức là mang hoài nghi và chất vấn. Họ thà mạo hiểm sai nhưng được yêu còn hơn là hoài nghi và không có tình yêu.
Lịch sử y học đã cho chúng ta thấy trường hợp một người sống trong sự lừa dối kỳ lạ là anh ta cứ cho mình là một quả trứng gà. Thực sự ý tưởng này đã thâm nhập vào đầu anh ta thế nào và bao giờ thì không ai biết, nhưng lúc này anh ta không dám ngồi xuống bất cứ đâu vì sợ rằng anh ta sẽ "làm vỡ mình" và "đổ lòng đỏ ra ngoài". Các bác sĩ đã thử thuốc giảm đau và các loại thuốc khác để làm nguôi nỗi sợ hãi của anh chàng nhưng có vẻ không có thứ nào hiệu quả. Cuối cùng, một vị bác sĩ tìm cách thâm nhập vào tâm trí một bệnh nhân tự dối mình và đề nghị anh ta nên mang theo mình một ổ bánh mì nướng trong mọi lúc, để nó lên bất cứ nơi nào anh ta muốn ngồi xuống và nhờ đó sẽ tránh vỡ lòng đỏ. Kể từ đó, người ta thấy anh ta lúc nào cũng kè kè ổ bánh mì trên tay, và có thể tiếp tục sự tồn tại nhìn chung là bình thường của anh ta.
Kể câu chuyện này ra để làm gì? Chỉ đơn giản là cho thấy, mặc dù một người có thể sống trong sự lừa dối (tình yêu, hay niềm tin rằng người đó là quả trứng), nếu như họ tìm thấy phần bù của nó (một người để yêu hay một ổ bánh mì nướng) thì mọi thứ có thể sẽ ổn. Những sự lừa dối không gây hại đến họ, họ chỉ tổn thương khi họ là người duy nhất tin chúng, khi họ không thể tạo ra một môi trường mà trong đó họ có thể được nuôi sống. Vậy nên miễn là bạn và người yêu còn có thể giữ cho lòng đỏ của tình yêu nguyên vẹn, việc chân lý là gì liệu có quan trọng?
(Trích Luận về Tình yêu, Alain Botton)
Xem thêm[sửa]
- Duy vật biện chứng
- Tư tưởng Phan Châu Trinh và các giá trị khai sáng
- Tại sao những người học cao thường có tư tưởng tự do?
- Về vấn đề nhận thức quy luật “thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập”
- Chết
- « Mới nhất
- ‹ Mới hơn
- Cũ hơn ›