Tạo động lực cho học sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Không ai nói rằng dạy học là một công việc dễ dàng, và việc tạo cảm hứng học tập cho người học lại càng khó khăn hơn. Dù đối tượng người học của bạn có là học sinh lớp 8 hay sinh viên tại một trường nghề thì việc khiến người học muốn tự thực hành hay tự học đều là thách thức. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện nhiều cách để giúp việc học tập trở nên vui vẻ, thú vị và cần thiết hơn đối với người học. Nếu bạn muốn biết cách tạo động lực cho học sinh, hãy bắt đầu từ bước 1.

Các bước[sửa]

Tạo một Môi trường Thân thiện và Tích cực[sửa]

  1. Hiểu được vì sao việc tạo cảm hứng cho học sinh lại khó khăn. Vấn đề nằm ở chỗ học sinh tiếp xúc với rất nhiều người cư xử như “giáo viên” trong cuộc đời họ. Tất cả mọi người đều luôn cố gắng để khuyến khích học sinh, buộc các em phải suy nghĩ, phải học tập và biến các em trở thành con người khiến cả thế giới phải tự hào. Do số lượng khuyến khích và ảnh hưởng quá choáng ngợp này mà các học sinh rất chật vật trong việc tìm kiếm cá tính thật của mình và trở nên tự động nghi ngờ khi có bất kì ai cố gắng tác động đến các em.
    • Khi đã nhận ra điều này, học sinh có xu hướng đối phó với áp lực liên tục từ môi trường bằng cách áp dụng một cơ chế quan trọng, đó là: “Em sẽ chỉ cho cô/thầy tạo được ảnh hưởng lên em nếu cô/thầy chứng minh rằng mình xứng đáng với điều đó.” Chính cơ chế này đảm bảo chỉ những người phù hợp mới có thể tạo ảnh hưởng đến các em vào đúng thời điểm, và đây rõ ràng là một cách tốt để đạt được điều đó. Nó chỉ có vấn đề khi người có thể gây ảnh hưởng đến học sinh lại là những người không tốt, hoặc khi một người tốt lại không cố gắng để tác động ảnh hưởng đến các em.
  2. Tạo ấn tượng tích cực. Nếu bạn muốn tạo động lực cho học sinh thì phải chứng minh được rằng bạn là người đáng để học sinh lắng nghe. Các em có thể nghi ngờ bạn vào ngày đầu tiên, nhưng bạn có thể cố gắng cải thiện để chiếm được niềm tin cũng như sự tôn trọng của các em. Để làm được điều này, bạn phải trở nên nổi bật trong mắt học sinh. Bạn sẽ không thể làm được điều này nếu cứ bình thường không khác gì đám đông lắm. Bạn cần phải thật nổi bật, nắm bắt được sự chú ý của học sinh và giữ lấy sự chú ý đó. Dưới đây là một số cách sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt đối với học sinh:
    • Bày tỏ rõ quan điểm của mình. Hãy có quan điểm của riêng mình và bày tỏ quan điểm đó ở một thời điểm thích hợp. Đừng nói nhiều quá và cũng đừng khăng khăng giữ ý kiến của mình. Bạn cần tạo ấn tượng là một người hiểu biết, thông minh và là người không ngại nói ra chính kiến của mình chứ không phải một người kiêu ngạo và chỉ biết đến bản thân.
    • Hãy say mê những gì bạn đang dạy. Đôi mắt mở to cùng nụ cười lớn và sự nhiệt tình chân thành của bạn chắc chắn sẽ tạo nên hiệu quả rất lớn đối với học sinh. Ngay cả khi các em không hứng thú với môn học của bạn thì chính cách cư xử của bạn cũng có thể làm các em thích thú. Bởi điều quan trọng nhất là vì bạn kiên trì thể hiện tình yêu của bạn đối với vấn đề nào đó, học sinh sẽ sớm nhận ra bạn là một con người chân thành.
    • Hãy là người đầy nhiệt huyết. Sự nhiệt huyết có khả năng lây lan, và học sinh sẽ khó ngủ gật trong lớp nếu giáo viên là người tràn đầy nhiệt huyết và không đứng yên một chỗ. Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ năng lượng để khiến vấn đề bạn đang nói cũng như bản thân bạn trở nên hấp dẫn trong mắt học sinh.
    • Cải thiện ngoại hình của bạn. Bạn cần tạo ấn tượng tốt, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn trông thật đẹp khi bước vào lớp. Hãy cố gắng ăn mặc đẹp hơn hay khác hơn một chút so với người bình thường.
  3. Làm nhiều hơn. Hãy làm nhiều hơn so với những điều được mong đợi ở một giáo viên thông thường. Trong trường hợp một học sinh không thể nộp bài đúng thời hạn thì lần sau nếu chuyện đó còn tiếp diễn, hãy gọi học sinh đó sau giờ học và xem xét bài tập đó cùng với em đó. Hãy giúp học sinh làm bài tập đó, chỉ cho em đó cách nghiên cứu và cho em xem bài viết của những học sinh khác. Biện pháp này rất hiệu quả vì nó loại bỏ được nhiều vấn đề: nếu vấn đề nằm ở thái độ của học sinh thì bạn có thể bỏ đi những những lý do bào chữa của học sinh nhưng nếu học sinh thực sự gặp khó khăn với bài tập thì bây giờ các em đã biết cách để làm rồi.
    • Hãy chú ý và trả lời tất cả các câu hỏi để đảm bảo rằng học sinh đã hoàn toàn hiểu các hành động của bạn. Nhớ nói với học sinh rằng bạn sẽ không giúp đỡ các em theo cách này nữa. Hãy hỏi xem các em đã hiểu chưa và đợi câu trả lời chắc chắn trước khi cho các em ra về.
    • Dĩ nhiên, việc cố gắng nhiều hơn và để học sinh lợi dụng là hoàn toàn khác nhau. Bạn nên giúp đỡ thêm cho học sinh nếu các em cần nhưng đừng biến điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải hy sinh các nguyên tắc của mình.
  4. Đưa thêm các thông tin mới về vấn đề của bạn. Nếu bạn muốn học sinh hứng thú với bài học của mình thì bạn cần dạy thêm ngoài chương trình học. Hãy giúp học sinh cập nhật những tiến bộ mới nhất trong môn học đó. Ví dụ, nếu bạn là giáo viên khoa học, bạn có thể 1) Mang một bài báo từ tạp chí Khoa học đến cho học sinh đọc trên lớp hay 2) Đưa cho học sinh bản tóm tắt một bài báo cùng những bức tranh về nó rồi hỏi về những khái niệm trong bài báo, giải thích ý nghĩa của một số câu nhất định rồi nói với học sinh rằng bạn có bản sao của bài báo để học sinh nào quan tâm hơn về nó thì có thể mang về sau giờ học. Lựa chọn thứ hai là cách làm hay hơn.
    • Bạn cần hiểu rằng nhiệm vụ của bạn là tạo hứng thú chứ không phải là nhiệm vụ cung cấp tài liệu cho học sinh.
  5. Ra những bài tập khiến học sinh phải sáng tạo. Hãy tạo ra một dự án tổng thể thật độc đáo và thú vị. Ví dụ, lớp học của bạn có thể tổ chức một vở kịch liên quan đến khoa học (hay bất cứ môn học nào khác) để biểu diễn ở một viện bảo tàng trong vùng cho trẻ em. Cả lớp có thể viết một cuốn sách và đem xuất bản ở dịch vụ tự xuất bản rồi quyên góp cuốn sách cho một thư viện ở địa phương.
    • Điểm mấu chốt của hoạt động này là ý tưởng phải khác biệt, bạn cần thực hiện hoạt động này trong giờ học hoặc trong một giờ nào đó ở trường (để tránh phải di chuyển nhiều hay tiêu tốn thời gian) và bạn cần đồng hành cùng cả lớp ở mỗi bước trong cả hoạt động này.
  6. Có khiếu hài hước. Khi có khiếu hài hước, bạn sẽ dễ dàng thu hút học sinh, làm cho tài liệu học trở nên sống động hơn và giúp học sinh kết nối với bạn tốt hơn. Vấn đề là, nếu bạn luôn luôn nghiêm túc thì học sinh sẽ thấy khó để quan tâm và thực sự kết nối với bạn. Bạn không cần phải làm một anh hề và lúc nào cũng đùa được nhưng nếu bạn tạo một môi trường học vui vẻ cho học sinh, các em sẽ có động lực và thấy hứng thú hơn khi học.
  7. Cho học sinh thấy được bạn có năng lực. Bạn cần cố gắng thuyết phục học sinh rằng những nội dung bạn nói là có giá trị, đặc biệt là khi bạn muốn khiến cho học sinh hứng thú với chuyên ngành của mình. Bạn cần phải thể hiện tài năng của mình. Bạn không chỉ là một giáo viên mà còn là một người rất tài giỏi trong lĩnh vực của mình. Hãy thể hiện mình như đang tham dự một buổi phỏng vấn xin việc. Tỏ ra khiêm tốn nhưng cũng đừng che giấu năng lực của bản thân. Hãy đảm bảo rằng niềm tự hào của bạn được truyền tải đến học sinh khi đề cập đến những kinh nghiệm và đóng góp của bạn. Nếu bạn có những người quen tài giỏi thì hãy mời họ đến lớp, tuy nhiên đừng yêu cầu họ phát biểu mà hãy áp dụng hình thức phỏng vấn tương tác.
    • Nếu học sinh nghĩ rằng bạn không thực sự nắm vững kiến thức của mình, các em sẽ dễ lười biếng khi làm bài tập hơn hoặc nghĩ rằng bạn sẽ không để ý nếu các em chưa đọc kĩ tài liệu.
  8. Để ý đến những học sinh cần được quan tâm. Nếu một học sinh có biểu hiện chán nản hay không được khoẻ thì hãy gọi học sinh đó ở lại sau giờ học và hỏi xem em đó có ổn không. Cố gắng đừng quá chú ý đến học sinh khi làm điều này. Hãy nhìn vào mắt các em khi hỏi nhưng đừng nhìn chằm chằm để có được câu trả lời từ phía học sinh. Nếu các em nói rằng mình ổn thì đừng tạo áp lực cho học sinh đó trừ phi bạn nghĩ rằng em đó đang thực sự có vấn đề nghiêm trọng. Chỉ cần nói, “Thầy/Cô thấy em có vẻ hơi buồn lúc ở trong lớp” rồi thôi và tiếp tục làm việc. Chỉ riêng việc bạn thể hiện sự quan tâm như vậy đã là quá đủ đối với các em rồi.
    • Nếu một học sinh đang gặp rắc rối nhưng nhận thấy mình được bạn quan tâm và chú ý thì điều này sẽ tạo động lực cho em đó học tập chăm chỉ hơn. Nếu một học sinh nghĩ rằng bạn chẳng quan tâm đến mức độ học hành chăm chỉ hay cảm xúc của mình thì em đó cũng sẽ cố gắng ít hơn.
    • Hãy cân nhắc đến việc bỏ qua một số luật lệ nếu có học sinh đang thực sự gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi bạn phải quan tâm nhưng sẽ tạo dựng được niềm tin vững chắc. Nếu một học sinh liên tục không nộp bài tập, đến lớp và nói với bạn rằng em lại chưa hoàn thành bài tập thì bạn cần phải nhận ra học sinh đó có điều gì không ổn (kể cả khi thái độ của học sinh vốn vậy) và giúp đỡ. Hãy bí mật cho học sinh đó thêm thời gian để hoàn thành bài tập và giao đề bài dễ hơn một chút. Đúng vậy, đó là “lách luật”, nhưng bạn đang loại bỏ những lý do để việc đó lặp lại lần nữa. Tuy nhiên hãy nói rõ với học sinh đó là bạn sẽ không kéo dài thời hạn như vậy nữa.
  9. Yêu cầu học sinh chia sẻ ý kiến của mình. Học sinh của bạn sẽ ít có hứng thú nếu chúng nghĩ rằng bạn chỉ đang giảng bài và chẳng quan tâm đến suy nghĩ của các em. Nếu bạn hỏi suy nghĩ của học sinh về một vấn đề chính trị, một đoạn văn hay giá trị của một thí nghiệm khoa học thì các em sẽ phấn khởi và phát biểu ý kiến. Nếu học sinh cảm thấy rằng bạn quan tâm đến ý kiến của các em thì các em sẽ tự tin hơn và có hứng thú muốn chia sẻ quan điểm với bạn.
    • Hãy nhớ rằng việc khuyến khích một cuộc tranh luận có giá trị khác với việc để cho học sinh chia sẻ những ý kiến không có căn cứ của mình. Bạn cần đảm bảo rằng học sinh luôn có bằng chứng để củng cố cho ý kiến của mình.
    • Dĩ nhiên, nếu bạn dạy toán hay ngoại ngữ thì sẽ ít có cơ hội cho học sinh chia sẻ ý kiến của mình hơn. Vì vậy, bạn có thể thử chia sẻ với cả lớp vài thông tin phụ có liên quan đến môn học. Học sinh lớp 8 của bạn chắc hẳn không thể có ý kiến gì về chia động từ ở thì hiện tại trong tiếng Tây Ban Nha, nhưng các em có thể bày tỏ quan điểm về tính hiệu quả của việc học có tập trung nếu bạn mang đến lớp một bài báo có liên quan đến quá trình đó.
  10. Khuyến khích các cuộc thảo luận sôi nổi trong lớp. Nếu lúc nào bạn cũng giảng bài thì học sinh sẽ rất dễ mất tập trung. Nếu bạn muốn học sinh có hứng thú và sẵn sàng học tập thì bạn cần tạo điều kiện cho các buổi thảo luận có giá trị diễn ra trong lớp học. Hãy trực tiếp đặt câu hỏi cho mỗi học sinh thay vì hỏi chung cả lớp và nhớ gọi tên từng học sinh. Thực tế là, không học sinh nào muốn bị gọi khi không biết câu trả lời, và nếu biết chuyện này có thể xảy ra thì các em sẽ chuẩn bị sẵn câu trả lời khi học. Điều này khiến học sinh cần phải tập trung vào bài học hơn.
    • Điều này không chỉ khiến học sinh tích cực đọc tài liệu và chuẩn bị trước khi đến lớp hơn mà còn giúp học sinh thấy hứng thú khi đến lớp vì cảm thấy ý kiến của mình có giá trị.
  11. Hãy tìm hiểu học sinh trước khi khen ngợi. Khi nhận một lớp mới, nếu bạn đứng trước lớp và nói với học sinh rằng bạn biết các em đều là những con người tuyệt vời và các em sẽ học cách thay đổi thế giới trong lớp học này thì học sinh sẽ không tin và không tôn trọng bạn. Suy nghĩ của học sinh là làm thế nào bạn biết các em là những người như thế nào nếu bạn chưa cố gắng tìm hiểu? Sao bạn có thể hy vọng các em sẽ thay đổi thế giới nếu bạn chưa nói với các em thế giới là như thế nào? Sao bạn có thể có chung hy vọng như vậy cho tất cả mọi người? Và các em hoàn toàn đúng khi có những suy nghĩ như vậy.
    • Đối với đa số giáo viên, tất cả các học sinh đều như nhau, vì vậy họ cảm thấy thoải mái khi nói như vậy, tuy nhiên đối với một giáo viên giỏi thì mỗi học sinh đều khác biệt.
    • Bạn cũng cần tránh các phát biểu “Một vài em” (Một vài em sẽ trở thành luật sư, một vài em sẽ là bác sĩ…”). Hãy để dành bài phát biểu đó cho một trong những buổi học cuối cùng với lớp và tăng tính cá nhân cho bài phát biểu đó, ví dụ như: “Ryan sẽ tìm ra phương thuốc chữa ung thư, Mark Zuckerberg sẽ cạnh tranh quyết liệt với Bill Gates, Wendy sẽ làm đẹp cho thế giới, Carol có thể sẽ cạnh tranh quyết liệt với Kevin…”.
    • Hãy thêm vào một chút hài hước để đảm bảo học sinh thấy rõ được rằng bạn đã biết một vài điều về mỗi học sinh trong lớp. Đây là những kỳ vọng của bạn với học sinh, và cũng như cách bạn đã chứng tỏ bản thân với học sinh thì học sinh cũng đã chứng tỏ bản thân mình với bạn.
  12. Chỉ cho học sinh thấy môn học của bạn có ảnh hưởng thế nào đến thế giới. Cho học sinh tiếp xúc với những nhân tố thúc đẩy mà trước đây các em chưa từng được biết đến như các vấn đề liên quan đến con người, cộng đồng, đất nước, thế giới - bất cứ điều gì quan trọng đối với bạn hay bất cứ điều gì bạn muốn để tạo động lực cho học sinh. Một khi bạn đã tạo được lòng tin và học sinh đã quyết định rằng bài học của bạn thú vị thì các em sẽ có hứng thú. Học sinh sẽ cố gắng tìm hiểu nguồn gốc những ý kiến của bạn và tại sao bạn lại cảm thấy chắc chắn như vậy. Kể cả khi các em không đồng ý thì các em cũng sẽ sẵn sàng cố gắng tìm hiểu.
    • Bạn có thể gặp khó khăn khi muốn khơi gợi hứng thú ở học sinh vì các em không thấy môn Văn học Anh hay Lịch sử Mỹ của bạn lại có tính ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày của các em. Hãy mang đến lớp một bài phê bình sách hay một bài báo và chỉ cho học sinh thấy những gì mình đang học thực sự có ảnh hưởng đến cuộc sống bên ngoài. Nếu học sinh nhận thấy môn học thực tế và có thể áp dụng trong thực tiễn thì các em sẽ có xu hướng quan tâm đến môn học đó nhiều hơn.

Tạo các Thử thách[sửa]

  1. Biến các học sinh thành “chuyên gia” trong một vấn đề. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy học sinh có động lực đến thế nào nếu bạn yêu cầu các em thuyết trình về một đề tài theo nhóm hoặc cá nhân. Các em sẽ cảm thấy hứng thú và có trách nhiệm khi trở thành chuyên gia trong một vấn đề cụ thể, dù vấn đề đó là tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” hay cấu trúc electron. Việc chuẩn bị cho các dự án hoặc các buổi thuyết trình mới lạ sẽ giúp học sinh thấy hứng thú hơn khi học. Và đây cũng là một cách hay để bạn làm mới chương trình học và tạo sự thú vị cho buổi học.
    • Khi các học sinh thuyết trình về một chủ đề cho trước thì các bạn cùng lớp cũng sẽ có hứng thú học hơn. Đôi khi học sinh thấy chán khi bạn lúc nào cũng đứng trước lớp, chính vì vậy khi các bạn cùng lớp đứng thuyết trình về một đề tài, các em sẽ cảm thấy mới mẻ hơn và hứng thú hơn.
  2. Khuyến khích làm việc theo nhóm. Làm việc theo nhóm sẽ giúp học sinh có cơ hội hiểu rõ nhau hơn, nhìn nhận tài liệu môn học theo một cái nhìn khác và có động lực để thành công. Khi làm việc một mình, học sinh sẽ không cảm thấy áp lực cần phải thành công như khi làm việc cùng nhóm với những người khác mà trong đó mỗi học sinh đều có một vai trò nhất định. Làm việc theo nhóm cũng là một cách rất tốt để làm mới chương trình học và là cơ hội để học sinh có một hoạt động khác biệt khi học.
    • Bạn cũng có thể khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm. Một thử thách về ngữ pháp trên bảng, trò chơi đố vui theo nhóm về một chủ đề hay một hoạt động hoặc trò chơi nào khác mà mỗi nhóm đều cố giành chiến thắng thì bạn sẽ thấy rằng học sinh sẽ có hứng thú tham gia và trả lời đúng khi thi đấu (miễn là cạnh tranh lành mạnh và không khiến học sinh chán nản).
  3. Giao các bài tập cộng điểm. Những bài tập cộng điểm sẽ giúp học sinh nhìn nhận tài liệu học ở một cấp độ khác và cố gắng làm bài để cải thiện điểm của mình. Ví dụ, nếu bạn là giáo viên hoá học và bạn biết rằng một số học sinh đang gặp khó khăn thì hãy giao cho học sinh một bài báo cáo tuỳ chọn về một cuốn sách hài hước nhưng có liên quan đến khoa học như “Lược sử vũ trụ”. Học sinh sẽ thấy vui khi nhận thức được khoa học ở một cấp độ mới và hiểu rõ hơn về tài liệu học trong khi cải thiện điểm của mình.
    • Bạn có thể giao các bài tập cho thấy tính ứng dụng cao hơn của tài liệu học. Ví dụ, nếu bạn là giáo viên tiếng Anh, hãy cộng thêm điểm cho các học sinh đến dự buổi đọc thơ trong khu vực của bạn và viết báo cáo về buổi đọc thơ đó. Hãy để học sinh chia sẻ bài báo cáo của mình với cả lớp, điều này sẽ giúp tạo động lực cho học sinh cũng như khuyến khích các em cố gắng nhiều hơn nữa.
  4. Cung cấp các lựa chọn. Học sinh sẽ có động lực hơn nếu được lựa chọn trong quá trình học. Các lựa chọn giúp học sinh cảm thấy mình có quyền quyết định việc học cũng như động lực của mình. Hãy cho học sinh chọn bạn cùng làm thí nghiệm hay cho các em một số lựa chọn khi giao bài tập viết luận hay bài tập ngắn tiếp theo. Bạn vẫn có thể cung cấp cho học sinh rất nhiều cấu trúc mà vẫn cho phép học sinh được lựa chọn.
  5. Đưa ra những lời nhận xét hữu ích. Nếu bạn muốn tạo động lực cho học sinh thì những lời nhận xét của bạn phải đầy đủ, rõ ràng và có ý nghĩa. Nếu học sinh thấy được điểm mạnh và những điểm cần cải thiện của mình thì các em sẽ có nhiều động lực để học hơn so với việc chỉ nhận được một điểm số viết tay và một câu nhận xét không rõ ràng. Hãy dành thời gian để các em nhận thấy được rằng bạn thực sự quan tâm đến thành công của học sinh và mong muốn giúp học sinh tiến bộ.
    • Nếu có thời gian, bạn có thể lên lịch cho các buổi hội ý với học sinh để theo dõi kết quả học tập trong suốt khoá học của học sinh. Sự chú ý đến từng cá nhân này sẽ cho học sinh thấy bạn thực sự quan tâm và chú ý đến việc học của các em.
  6. Nói rõ những kì vọng của bạn. Hãy đưa cho học sinh những đề mục, những hướng dẫn rõ ràng hay ví dụ về những bài tập tốt để cho các em thấy bạn đang mong đợi điều gì. Nếu bạn không biết mình thực sự muốn gì hay làm thế nào để các em học tốt trong lớp của bạn thì học sinh sẽ thiếu động lực để học tốt. Những hướng dẫn cụ thể và một người giáo viên sẵn lòng trả lời bất cứ câu hỏi nào về bài tập sẽ giúp học sinh có động lực để cố gắng học tốt.
    • Dành thời gian để trả lời các câu hỏi sau khi bạn đã giải thích về bài tập. Học sinh có thể tỏ ra là đã hiểu hết, nhưng nếu kiên trì hỏi bạn sẽ nhận thấy rằng luôn có những điểm cần làm sáng tỏ thêm.
  7. Thay đổi không khí cho lớp học. Việc giảng bài có thể phù hợp với môn học của bạn, nhưng bạn càng thay đổi không khí lớp học thì học sinh sẽ càng thấy hứng thú. Ví dụ, bạn có thể dành 10-15 phút để giảng "một đoạn kiến thức", sau đó sẽ là bài tập nhóm minh hoạ cho kiến thức về khái niệm mà bạn vừa nêu. Tiếp đó, bạn có thể tạo ra một hoạt động trên bảng và để học sinh trình bày một bài tập cộng điểm hoặc chiếu một video ngắn về bài học. Việc giữ cho lớp học sôi nổi sẽ giúp học sinh có động lực và sẵn sàng học hơn.
    • Việc có một kế hoạch cụ thể trên giấy hay trên bảng cho mỗi tiết học cũng giúp tạo động lực cho học sinh vì các em luôn muốn biết cần mong đợi điều gì ở bài học này.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy tạo phong thái tự nhiên trên lớp, dù bạn có đang nói, dạy, nghe, lau bàn hay đọc bài. Bạn cần phải khiến mọi thứ trông hoàn toàn tự nhiên.
  • Đừng phạt bất cứ hành vi không đúng đắn nhỏ nhặt nào. Học sinh cần cảm thấy bạn coi trọng việc giáo dục hơn là chỉ thể hiện quyền lực của mình.
  • Đừng nói một cách chậm rãi và thận trọng vì điều này có thể khiến học sinh có ấn tượng là bạn không nghĩ học sinh sẽ hiểu được nếu bạn nói ở tốc độ bình thường.
  • Nhớ là mối quan hệ của bạn là giáo viên và học sinh nên đừng làm hỏng mối quan hệ đó. Hãy tôn trọng ranh giới và đừng tỏ ra là một 'người bạn chứ không phải giáo viên'. Bạn vẫn là giáo viên, chỉ là một giáo viên thật giỏi và khác biệt mà thôi.
  • Đừng quá chú ý.
  • Bạn không thể tạo ấn tượng là một người “bình thường”. Nếu bạn đang có một ngày tồi tệ, buồn bã hay bực dọc thì cũng "đừng thể hiện ra". Bạn cần phải trở thành một hình tượng siêu anh hùng trong mắt học sinh. Tại thời điểm này trong cuộc đời của chúng , những hình mẫu của bọn trẻ đang biến về những người thường. Họ đau ốm, làm mọi người thất vọng, ly dị, trầm cảm và đang dựa vào học sinh. Học sinh sẽ coi đây là dấu hiệu cho thấy một người không đủ mạnh mẽ để tự đương đầu và không thể dựa vào được. Các em cần một người để nương tựa khi cần. Sự 'bình thường' của bạn sẽ đánh mất cơ hội trở thành người để học sinh nương tựa. Đừng nói cho học sinh những vấn đề của bạn và cũng đừng cho học sinh thấy những điểm yếu của bạn (trừ khi đó là điểm yếu nho nhỏ như việc vẽ một đường thẳng). Nếu học sinh đến tìm bạn với một vấn đề, hãy liên hệ với học sinh bằng cách nói “Chuyện đó đã từng xảy ra với cô/thầy” thay vì nói “Chết thật, cô/thầy biết chuyện đó như thế nào.”
  • Nếu bình thường bạn là một người nói chậm thì hãy cố nói nhanh hơn.
  • Đừng mỉm cười quá nhiều và đừng cười với cả lớp. Thỉnh thoảng hãy cười và cười với một em nào đó.

Cảnh báo[sửa]

  • Hãy chuẩn bị tinh thần rằng bạn không thể khiến tất cả các học sinh hiểu thành ý của mình. Với tư cách là một người hướng dẫn, hãy đảm bảo rằng học sinh hiểu bạn chỉ muốn tạo động lực để các em trở thành những công dân có ích mà thôi!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này