Tổng quan ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản là một trong những ung thư thường gặp trong ung thư đầu cổ, và chỉ đứng thứ 2 sau ung thư hốc miệng trong các loại ung thư đường hô hấp – tiêu hóa trên.
Mục lục
Tổng quan[sửa]
Thanh quản là một bộ phận của đường dẫn khí nối liền khí quản với hầu. Ngoài chức năng hô hấp, thanh quản còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tiếng nói giúp cho việc giao tiếp giữa mọi người với nhau. Thanh quản được chia làm 3 phần, thượng thanh môn, thanh môn và hạ thanh môn. Trong đó, tổn thương ung thư thường gặp ở vùng thanh môn với triệu chứng sớm là khàn tiếng.
Ung thư thanh quản là một trong những ung thư thường gặp trong ung thư đầu cổ, và chỉ đứng thứ 2 sau ung thư hốc miệng trong các loại ung thư đường hô hấp – tiêu hóa trên. Trên thế giới, ung thư thanh quản chiếm 2,4 % tất cả các bệnh lý ung thư[1]. Thống kê ở Mỹ năm 2016 ghi nhận có khoảng 13,430 ca mới mắc ung thư thanh quản (10,550 ở nam và 2,880 ở nữ) [2]. Nam giới là đối tượng có tỉ lệ ung thư thanh quản cao, đặc biệt trên những người hút thuốc lá và uống rượu. Tỉ lệ nam: nữ khoảng 5:1. [1]
Yếu tố nguy cơ[sửa]
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản trong đó nổi bật là:
– Hút thuốc lá
– Uống rượu nhiều
– Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng
– Trào ngược dạ dày thực quản
– Ô nhiễm môi trường
Hút thuốc lá và uống rượu là 2 yếu tố nguy cơ quan trọng nhất và có tác động hiệp đồng với nhau. Thuốc lá, thuốc lào làm tăng nguy cơ ung thư 2-25 lần, trong khi uống rượu nhiều làm tăng 1.5-2 lần [1]. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư thanh quản vùng thanh môn, còn rượu ảnh hưởng đến khả năng mắc ung thư dưới thanh môn và vùng hầu dưới[1]. Sử dụng rượu và thuốc lá sau điều trị ảnh hưởng xấu đến tiên lượng và khả năng tái phát. Điều đáng lưu ý là nguy cơ do hút thuốc lá tăng theo thời gian hút và giảm dần sau khi bỏ thuốc. Vì vậy bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư thanh quản hiệu quả nhất.
Chế độ ăn là một yếu tố tác động đến tỉ lệ mắc ung thư thanh quản. Tỉ lệ mắc ung thư cao ở những người ăn uống thiếu dinh dưỡng trong đó nổi bật là thiếu các loại vitamin A,D,E. Uống rượu nhiều thường gây thiếu vitamin, đây cũng là một cơ chế giải thích khả năng mắc ung thư cao trên những bệnh nhân này.
Trào ngược dạ dày- thực quản gây tổn thương mạn tính niêm mạc hầu họng, là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ung thư vòm hầu, thanh quản trên những bệnh nhân không hút thuốc.
Ngoài ra, tiếp xúc với hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường (VD hơi Mustard, xăng dầu, khói bụi…) cũng góp phần gây ung thư thanh quản ở một số bệnh nhân.
Triệu chứng nghi ngờ[sửa]
Để phòng ngừa và chẩn đoán sớm ung thư thanh quản, chúng ta cần nhận biết những dấu hiệu sớm để kịp thời đến khám tại các cơ sở y tế. Với chức năng của thanh quản được đề cập ở trên ta có thể đoán được những triệu chứng gây ra bởi tổn thương thanh quản do ung thư. Mặc dù tính chất khối u, vị trí và cơ địa bệnh nhân góp phần vào việc xuất hiện các triệu chứng khác nhau, nhưng nhìn chung ung thư thanh quản có thể gặp các triệu chứng sau:
– Mất tiếng, khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói
– Nuốt khó, nuốt đau
– Khó thở tăng dần
– Ho ra máu
– Mệt mỏi
– Khối vùng cổ
Các triệu chứng trên thường kéo dài và không đáp ứng với điều trị thông thường [2][3].
Khàn tiếng > 2 tuần, không đáp ứng với điều trị thông thường nên được khám chuyên khoa tai- mũi- họng, đặc biệt nghĩ nhiều ung thư thanh quản trên bệnh nhân lớn tuổi, có tiền căn uống rượu, hút thuốc lá nhiều [2].
Phòng ngừa[sửa]
Để phòng ngừa, bảo vệ cho bản thân, gia đình và bạn bè tránh được nguy cơ ung thư thanh quản chúng ta cần [2]:
– Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào.
– Hạn chế sử dụng rượu bia, không nài ép bạn bè người thân uống rượu, bia và các thức uống có cồn.
– Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung rau quả, trái cây để có đủ các vitamin cần thiết.
– Tránh trào ngược dạ dày thực quản bằng cách không nằm ngay sau khi ăn no, ăn uống tối thiểu 2h trước khi đi ngủ, tránh stress và duy trì cân nặng tránh béo phì. Bỏ rượu và thuốc lá cũng góp phần giảm trào ngược.
– Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khí độc hại. Nên mang đồ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi hoặc tiếp xúc thường xuyên với hơi, khói độc hại.
Ung thư “phát hiện sớm trị lành”[sửa]
Phát hiện sớm ung thư thanh quản giúp điều trị hiệu quả hơn. Những bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn sớm thường được điều trị với mục đích bảo tồn thanh quản, cụ thể là 3 chức năng chính: hô hấp, nuốt và nói. Các phương pháp được lựa chọn là xạ trị hoặc phẫu thuật cắt thanh quản bảo tồn. Những phương pháp này có thể chữa lành cho phần lớn bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn sớm. Tỉ lệ sống còn trên 5 năm sau điều trị lớn hơn 90% với những ung thư thanh quản giai đoạn I và khoảng 80% với các trường hợp ung thư giai đoạn II[4].
Kết luận[sửa]
Nhìn chung, ung thư thanh quản là một loại ung thư có ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống nhưng ít được chú ý. Bệnh có thể được phát hiện sớm nếu bệnh nhân đến khám kịp thời khi có các triệu chứng nghi ngờ. Hút thuốc lá và uống rượu nhiều là 2 yếu tố nguy cơ chính dẫn đễn ung thư thanh quản. Vì vậy, bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những hệ lụy không mong muốn của ung thư thanh quản.
Tác giả[sửa]
BS Nguyễn Sỹ Cam
BS nội trú BV Ung bướu TPHCM
Bộ môn Ung thư – ĐH Y dược TPHCM
Tài liệu tham khảo[sửa]
- ↑ 1,0 1,1 1,2 1,3 Manual of Clinical Oncology, 9th-Edition-2016. http://medbooksvn.net/2016/07/uicc-manual-of-clinical-oncology-9th-edition-2016-pdf.html
- ↑ 2,0 2,1 2,2 2,3 Laryngeal and Hypopharyngeal Cancers- american cancer society. http://www.cancer.org/acs/groups/cid/documents/webcontent/003108-pdf.pdf
- ↑ Medscape http://emedicine.medscape.com/article/848592-overview#a10
- ↑ Uptodate 21.6