Từ bỏ thói quen xấu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ai cũng có thói quen xấu và chúng ta buộc phải đối mặt với nó. Đó có thể là tật cắn móng tay hay bẻ khớp ngón tay, một số người lại hay xen ngang vào lời nói của người khác. Tất cả các thói quen đó đều xấu và cần từ bỏ. Tuy nhiên bạn không phải sợ vì bài viết dưới đây sẽ chỉ cho bạn cách loại bỏ chúng.

Các bước[sửa]

Điều chỉnh lối suy nghĩ[sửa]

  1. Hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động của mình. Bạn là người thực hiện hành động đó và không ai chịu trách nhiệm dùm bạn. Sau khi đã uống rất nhiều rượu nhưng bạn vẫn quyết định lái xe thì đó là quyết định của bạn. Đôi khi việc này thực tế hơn là đón xe buýt hay đi taxi, nhưng đó vẫn là quyết định của bạn. Dù muốn hay không thì bạn cũng phải nhận trách nhiệm cho hành động này vào một lúc nào đó.
    • Khi nhận ra mình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho các hành động, ban đầu bạn cảm thấy sợ hoặc thậm chí đờ ra. Bạn bắt đầu nhận ra từng hành động của mình đều gây ra hậu quả, và chúng khác rất nhiều so với những hậu quả từng nghĩ tới trước đó khi thực hiện hành động. Suy nghĩ đó thật đáng sợ.
    • Nhưng cuối cùng thì việc tự chịu trách nhiệm lại mang tới sức mạnh cho bạn. Bạn là người quyết định số phận của mình, về nguyên tắc không ai có thể buộc bạn phải làm gì. Ngoài ra việc tự chịu trách nhiệm cho hành động cũng mang đến tự do. Bạn bắt đầu hiểu vì sao thói quen xấu có thể trở thành sợi xích vô hình và việc cắt đứt nó mang lại tự do cho bạn.
  2. Xem xét kỹ các hậu quả và lợi ích của thói quen. Bạn hãy lập ra một danh sách đơn giản bao gồm các điểm tốt/điểm xấu do thói quen nào đó mang lại. Bạn phải thành thật và khắt khe với chính mình, chắc chắn bạn có thể làm được. Dưới đây là danh sách các điểm tốt/điểm xấu của việc hút thuốc:
    • Điểm tốt:
      • Nicotin mang lại cảm giác bình tĩnh và năng lượng
      • Xả stress tạm thời
      • Tạo cơ hội xã giao ngoài xã hội
      • Cảm thấy sành điệu
    • Điểm xấu:
      • Vô số vấn đề xấu về sức khoẻ
      • Nghiện nặng rất nhanh
      • Tốn tiền
      • Nếu lạm dụng, tuổi thọ bị rút ngắn nhiều năm[1]
  3. Bắt đầu so sánh các lợi ích trước mắt với hậu quả lâu dài. Thông thường chúng ta thực hiện thói quen xấu dựa trên lý lẽ cho rằng lợi ích ngắn hạn có giá trị lớn một cách bất cân xứng với tác động xấu về lâu dài. Đó là vì chúng ta không thể nhìn thấy tác động lâu dài đó - chúng quá xa trong tương lai, khó nhận định và đôi khi không chắc chắn về khả năng xảy ra. Trong khi lợi ích trước mắt thì dễ thấy và cảm nhận hơn.
    • Ví dụ, bạn thường bỏ ăn sáng để giảm cân, vì vậy bạn cố thuyết phục mình tiếp tục bỏ ăn. Về ngắn hạn bạn có thể giảm vài cân và cảm thấy cơ thể đẹp hơn, nhưng về lâu dài những cân nặng đó rồi sẽ quay lại (vì bạn ăn kiêng không đúng cách), và mầm mống cho căn bệnh rối loạn ăn uống bắt đầu từ đó.
  4. Không từ bỏ nhiều thói quen xấu một lúc. Bạn thường thấy có động lực lớn hơn khi cố từ bỏ tất cả các thói quen xấu một lúc - điều đó tốt! Nhưng bạn phải tránh tình trạng dục tốc bất đạt, nghĩa là mỗi lần chỉ nên từ bỏ một thói quen. Cố gắng phá vỡ nhiều thói xấu một lúc có thể quá sức chịu đựng, do đó bạn nên từ từ cắt đứt vĩnh viễn một thứ còn hơn là lướt nhanh qua toàn bộ quá trình và cuối cùng chẳng bỏ được thói xấu nào.
  5. Không quá dằn vặt với mỗi bước đi thụt lùi. Đôi khi bạn ngã khỏi xe và lại đắm mình trong thói xấu đó, nhưng không nên từ bỏ mọi hy vong. Lập tức vực dậy và tiếp tục con đường của mình. Những bước đi thụt lùi rồi sẽ xảy ra và việc tự lừa dối mình rằng không bao giờ có chuyện đó là không thành thật. Ngược lại bạn phải rút ra bài học từ thất bại để chuyện sa ngã không còn xảy ra nữa.

Tiêu diệt thói quen xấu[sửa]

  1. Bắt đầu bằng cách theo dõi thời gian xảy ra thói quen đó. Ví dụ, viết vào cuốn nhật ký nhỏ bất kì thời điểm nào bạn bẻ khớp ngón tay, đằng hắng hay mồi thuốc lá. Bạn cần ghi lại ngày, giờ và tình huống mà hành động đó xảy ra.
    • Để ý phát hiện các nguyên nhân thúc đẩy. Ví dụ, bạn để ý thấy mình thường hút thuốc khi đang đứng với một người bạn nào đó và sau khi đã uống nhiều rượu. Như vậy là bạn đã phát hiện ra nguyên nhân thúc đẩy.
    • Nếu bạn thật sự muốn khống chế các yếu tố này thì hãy nói thẳng với người bạn đó rằng: "Này, tôi đang cố cai thuốc lá. Lần sau tôi có nhờ anh mồi dùm điếu thuốc thì nhớ nhắc tôi về buổi nói chuyện hôm nay nhé". Ai biết được - có khi người đó cũng không bao giờ hút thuốc trước mặt bạn nữa!
  2. Tránh tối đa các tình huống xuất hiện nhiều nguyên nhân thúc đẩy. Một số người có thói quen ăn khi thấy buồn. Họ thích đồ ăn và không thích buồn, do đó họ dùng đồ ăn làm cách giải khuây. Rất dễ nhận thấy nguyên nhân thúc đẩy thói quen này là sự buồn chán. Giải pháp là luôn làm tâm trí và đôi tay bận rộn, khi đó bạn chỉ ăn khi đói thật sự.
  3. Thay thói quen xấu bằng thói quen lành mạnh. Ví dụ, nhiều người hút thuốc lâu năm cai thuốc bằng cách thay thế thuốc lá với củ cà rốt nhỏ mỗi khi thèm. Vì một lý do rất tốt là: những người ăn nhiều nông sản sẽ hút thuốc ít hơn trong ngày, và như vậy họ có quãng thời gian cai thuốc nhẹ nhàng hơn.[2]
    • Nếu hay cắn móng tay thì bạn thử nhai kẹo cao su thay thế.[3]
    • Nếu hay bẻ khớp tay, bạn cố gắng tìm việc làm khác cho hai bàn tay, như cầm nắn quả bóng mềm hay tập vẽ nguệch ngoạc.
    • Vận dụng óc sáng tạo để tìm cách thay thế! Bạn không bao giờ biết được điều gì có ích hay không cho đến khi thử làm.
  4. Tự điều chỉnh mình để không còn hứng thú với thói quen đó. Kỹ thuật sau đây hơi giống thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của Pavlov, trong đó ông ta tạo mối liên hệ giữa một thói quen và một cảm xúc tiêu cực hay yếu tố kích thích bên ngoài. Bạn thử đeo một cọng dây thun quanh cổ tay, mỗi khi phát hiện mình làm thói quen xấu bạn kéo cọng thun ra để nó bật vào tay và tạo cảm giác hơi đau. Về lý thuyết bạn sẽ từ từ xây dựng mối liên hệ giữa thói quen xấu này và cảm giác đau đó, cuối cùng bạn có một lý do rất rõ ràng để chấm dứt hành động xấu.
  5. Tìm cách thay thế sao cho đem lại cùng một lợi ích. Thói quen xấu mang lại lợi ích cho chúng ta. Có thể chúng ta không hiểu rõ về nó nhưng thật sự là có lợi ích đó. Cố gắng chỉ ra lợi ích bạn nhận được và tìm cách khác tốt hơn cũng mang lại điều này.
    • Ví dụ, người nghiện thuốc lá thấy thuốc lá điện tử hay kẹo cao su chứa nicotin có tác dụng tương tự thuốc lá thật. Mặc dù cả hai cách thay thế này không phải không có nguy hiểm nhưng chúng cũng tốt hơn thuốc lá thật (còn nhiều quan điểm trái chiều).
  6. Cam kết với người khác. Nói với nhóm bạn rằng bạn dự định cai rượu, đó chính là lời cam kết! Đưa cho người bạn thân giữ một triệu đồng và yêu cầu họ giữ nó cho đến khi bạn từ bỏ thành công thói xấu. Đây cũng là một lời cam kết! Con người là loài sinh vật có tập quán sống theo xã hội, và do đó chúng ta luôn quan tâm đến người khác nghĩ gì. Nếu đã hứa với người khác, chúng ta sẽ muốn giữ nó. Lời cam kết chính là áp lực và động lực để ta vươn tới thành công.[4]
  7. Phân chia thời gian thành các phân đoạn dễ kiểm soát hơn. Bạn có thể quy định các mốc thời gian 30, 90, và 365 ngày để đánh giá lại bản thân và ăn mừng thành công đạt được. Ví dụ, nếu tới ngày 30 mà bạn vẫn không đụng tới cốc rượu thì giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua. Mốc 90 ngày đánh dấu thời điểm bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mốc 365 ngày là lúc gánh nặng gần như đã chấm dứt, tuy nhiên bạn phải thận trọng và tự hào với thành tựu đạt được.

Chống lại một số thói xấu cụ thể[sửa]

  1. Học cách cai thuốc lá. Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 5 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm.[5] Đây là một trong những thói xấu tồi tệ nhất mà nhiều người mắc phải. Bạn có một số lựa chọn để cai thuốc lá như sau:
    • Cai thuốc theo phương pháp Cold Turkey (cai nghiện đột ngột)
    • Cai bằng thuốc lá điện tử
    • Tham gia một chương trình cai thuốc
    • Cai thuốc với sự hỗ trợ của caffein
  2. Học cách hạn chế tật uống nhiều rượu. Đôi khi uống một hoặc hai cốc rượu là chuyện bình thường, thậm chí một số nghiên cứu còn chứng minh uống rượu ở mức vừa phải có lợi cho sức khỏe.[6] Nhưng nhiều người trong chúng ta thường mất kiểm soát khi uống, và chúng ta biết điều đó. Tương tự như thuốc lá, bạn cũng có một vài lựa chọn:
    • Cai rượu nhờ sự trợ giúp của các tổ chức cai nghiện rượu
    • Uống rượu một cách có trách nhiệm
    • Tránh say rượu
    • Nhận biết mình uống rượu quá nhiều
  3. Ngừng bẻ khớp tay. Bẻ khớp ngón tay không hẳn là một rủi ro với sức khoẻ, mà chỉ là thói quen phiền toái không nên làm. Có một số cách để bạn chấm dứt thói quen thực hiện một cách vô thức này.
  4. Bỏ tật lưỡng lự. Lưỡng lự có thể trở thành thói quen với nhiều người, đặc biệt với những ai từng thành công nhờ vào lưỡng lự trong quá khứ. Nếu bạn quá ngán ngẩm với công việc của mình thì thử chia công việc ra để xử lý phần khó khăn nhất trước tiên, khi đó bạn sẽ có động lực hơn để vượt qua nguyên ngày làm việc, và dần dần không còn lưỡng lự trước khi đi làm.
  5. Ngừng cắn móng tay. Có vô vàn cách để người ta giữ móng tay tránh xa miệng, từ việc đánh bóng móng tay cho tới bọc kín bằng băng keo cá nhân, và bạn cũng có thể chọn một cách cho mình.
  6. Không tạo âm thanh lớn khi nhai. Chưa từng có ai nói với bạn rằng nhai với miệng mở rộng sẽ làm mất ngon miệng sao? Thật ra thói quen này hình thành từ khi chúng ta còn bé, nhưng cũng có một số cách để bạn từ bỏ tật nhai ngồm ngoàm và tập phong cách ăn uống lịch thiệp hơn.
  7. Ngừng xem tivi nhiều. Người ta nói rằng tivi làm mụ mẫm đầu óc, nhưng dường như đó chỉ là câu nói của ông bà ngày xưa. Điều dễ thấy là tivi không thể tạo ra niềm vui lâu dài cho người xem. Theo bạn có bao nhiêu người khi cận kề với cái chết hối tiếc vì đã không xem tivi nhiều hơn? Ở chiều ngược lại, theo bạn có bao nhiêu người hối tiếc đã không đi du lịch nhiều hơn, nói "anh yêu em" nhiều hơn hay dành nhiều thời gian hơn cho con trẻ?
  8. Vượt qua thói nói dối miễn cưỡng. Bây giờ chuyện nói dối quá dễ dàng đến độ trở thành một môn thể thao: bạn nói dối vào những lúc không cần thiết và chẳng vì lý do rõ ràng nào, thậm chí nói dối ngay sau khi tự nhủ rằng sẽ không nói dối. Nói dối miễn cưỡng có thể hủy hoại các mối quan hệ. Bạn phải khắc phục ngay bây giờ trước khi để tật xấu này kiểm soát.

Lời khuyên[sửa]

  • Sử dụng thứ gì đó giống như cọng dây thun. Bất kì khi nào phát hiện mình thực hiện thói quen xấu đó, bạn kéo cọng thun để nó bật vào cổ tay.
  • Suy nghĩ lạc quan, tự hào về bản thân mỗi khi hoàn thành mục tiêu.
  • Tùy vào độ nghiêm trọng của thói quen xấu (như uống rượu, hút thuốc, v.v...) mà bạn xác định có nên nhờ chuyên gia giúp đỡ không.
  • Có thái độ lạc quan khi tự đánh giá bản thân.
  • Đối xử tốt với chính mình. Tự hành hạ mình khi vô tình làm tật xấu sẽ chẳng ích lợi gì.
  • Hãy kiên trì. Bạn không thể từ bỏ một thói quen chỉ sau vài ngày! Nó xảy ra một cách tự nhiên và nhiều khi bạn không nhận ra mình đang có thói quen đó.
  • Giả bộ người bạn thích đang để ý bạn. Liệu bạn có cắn móng tay hay bẻ khớp tay khi đang đứng cạnh người đó không?
  • Nhờ người khác hỗ trợ. Cho họ biết bạn cần gì để họ giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng hơn.
  • Tìm đọc thông tin về thói quen đó. Thực tế khắc nghiệt và các hậu quả do thói quen gây ra có thể làm bạn sợ không dám tiếp tục thực hiện. Ví dụ, các bài viết trên trang Wikipedia thường có mục "Cảnh báo" đối với nhiều loại chất và hành vi. Nó giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về thói quen của mình, vì bạn cần phải có thông tin toàn diện bao gồm cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]