Tự kiểm tra tinh hoàn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư tinh hoàn là dạng ung thư hiếm gặp, cứ 5000 nam giới thì sẽ có một người mắc. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên 50% số bệnh nhân nằm ở độ tuổi 20 đến 35.[1] Điều may mắn là ung thư tinh hoàn có tỷ lệ chẩn đoán chữa khỏi rất cao, với tỷ lệ thành công là 95-99%.[2] Cũng như tất cả các bệnh ung thư khác, phát hiện sớm là yếu tố quan trọng để điều trị thành công. Hiểu các yếu tố rủi ro, triệu chứng và tiến hành thăm khám tinh hoàn định kỳ là cách phát hiện bệnh sớm.

Hình thu nhỏ có lỗi: Không thể lưu hình nhỏ vào đường dẫn đích
Ảnh minh họa:Đau lưng dưới, không liên quan đến tình trạng căng cứng cơ hoặc chấn thương có thể là dấu hiệu ung thư tinh hoàn

Các bước[sửa]

Tự kiểm tra tinh hoàn[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng. Để có thể tự kiểm tra chính xác bạn phải biết cần tìm những gì trong trường hợp có ung thư. Cách tự kiểm tra này yêu cầu phải tìm các triệu chứng sau:
    • Khối u trong tinh hoàn. Khối u không nhất thiết phải lớn hay đau mới cần đi khám bệnh, vì khối u ung thư ban đầu chỉ nhỏ như hạt đậu hay hạt gạo.[3]
    • Tinh hoàn phình lớn. Có thể xảy ra ở một hay cả hai tinh hoàn. Lưu ý rằng một bên tình hoàn hơi xệ thấp hơn hay lớn hơn bên còn lại là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu một bên lớn hơn rõ ràng hay có hình dạng hoặc độ cứng bất thường thì bạn nên đi khám bệnh.[3]
    • Thay đổi về mật độ hay độ phẳng bề mặt. Một bên tinh hoàn trở nên cứng hay có cục u bất thường không? Tinh hoàn khỏe mạnh có bề mặt xung quanh hoàn toàn phẳng. Lưu ý là hai tinh hoàn liên kết với các ống dẫn tinh thông qua một ống mềm nhỏ ở trên đỉnh gọi là mào tinh hoàn. Nếu bạn sờ thấy ống này khi đang kiểm tra tinh hoàn thì cũng không phải lo, việc này bình thường.[4]
  2. Tìm một chiếc gương và một nơi kín đáo. Bạn nên chọn căn phòng nào mà không bị làm phiền, và tìm chiếc gương có kích cỡ phù hợp (loại không cần cầm tay nếu có). Gương phòng tắm hay gương soi toàn thân khá phù hợp. Tạo điều kiện để quan sát được bất thường ở tinh hoàn là phần quan trọng của quá trình tự kiểm tra, và bạn phải cởi hết trang phục bên dưới, bao gồm cả quần lót.
  3. Quan sát tình trạng da. Đứng trước gương và kiểm tra da của bìu tinh hoàn. Có khối thịt nào nhô ra không? Có bị sưng không? Có vị trí nào đổi màu hay bất kì thứ gì dường như không bình thường? Phải kiểm tra tất cả các phía của bìu tinh hoàn, bao gồm cả phía sau.
  4. Sờ tìm chỗ bất thường. Tiếp tục đứng và cầm bìu tinh hoàn trong hai bàn tay, sử dụng ngón tay sờ khắp sao cho các ngón tay tạo thành hình chiếc rổ. Cầm một bên tình hoàn giữa ngón cái và ngón trỏ của cùng một tay. Ấn nhẹ để kiểm tra mật độ và độ phẳng mặt của tinh hoàn, sau đó nhẹ nhàng lăn tinh hoàn giữa ngón cái và ngón trỏ. Làm tương tự với tinh hoàn còn lại bằng tay kia.[4]
    • Tiến hành kiểm tra thư thả. Bạn phải dành đủ thời gian kiểm tra toàn bề mặt của từng tinh hoàn.
  5. Lên lịch khám hằng năm. Ngoài việc tự mình kiểm tra mỗi tháng bạn nên sắp lịch khám tinh hoàn với bác sĩ tối thiểu một lần mỗi năm. Bác sĩ sẽ thăm khám tinh hoàn bên cạnh các xét nghiệm khác để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên nếu bạn phát hiện triệu chứng thì không cần chờ đến lần khám định kỳ tiếp theo, mà hãy đi khám bệnh ngay.[5]

Nhận biết các yếu tố rủi ro[sửa]

  1. Bạn phải nắm rõ những rủi ro của mình là gì. Phát hiện sớm là yếu tố quan trọng để điều trị thành công bệnh ung thư, vì vậy nhận thức được toàn bộ các rủi ro sẽ giúp bạn phản ứng nhanh hơn khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Sau đây là danh sách những yếu tố rủi ro mà bạn nên chú ý:
    • Tiền sử bệnh gia đình về ung thư tinh hoàn.
    • Tinh hoàn ẩn (hay còn gọi là tinh hoàn lạc chỗ). Cứ bốn thì có ba ca ung thư tinh hoàn xảy ra ở người có tinh hoàn lạc chỗ.[6]
    • U tế bào mầm nội ống (IGCN). Thường được gọi là "ung thư biểu mô tại chỗ" (CIS), IGCN xảy ra khi tế bào ung thư biểu hiện dưới dạng tế bào mầm hình thành trong các ống sinh tinh. IGCN và CIS là tiền thân của khối u ung thư tinh hoàn, và trong 90% các ca bệnh người ta đều thấy CIS xảy ra tại các mô xung quanh khối u.[7][8]
    • Chủng tộc. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy đàn ông da trắng dễ bị ung thư tinh hoàn hơn những chủng người khác.[9]
    • Chẩn đoán trước đây. Nếu từng được chẩn đoán ung thư tinh hoàn và đã chữa khỏi thì bạn sẽ có rủi ro cao hơn đối với tinh hoàn còn lại.[10]
  2. Hiểu rằng có rủi ro không có nghĩa chắc chắn bạn sẽ bị ung thư. Người ta nhận thấy việc kiểm soát các rủi ro thuộc về môi trường như chế độ ăn và tập thể dục, cũng như tránh hút thuốc lá và uống rượu bia có thể ngăn chặn chất sinh ung thư hình thành, là quá trình tế bào lành mạnh chuyển thành tế bào ung thư.[11][12]
  3. Trao đổi với bác sĩ về các liệu pháp đề phòng. Nếu bạn có rủi ro bị ung thư tinh hoàn thì cũng không nên lo vì hiện nay các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để mở rộng số liệu pháp phòng ngừa; tuy nhiên, một số cách đề phòng chủ động bằng thuốc đã chứng minh có thể ngăn chặn ung thư phát triển và/hoặc tái phát. Bác sĩ là người quyết định lựa chọn này có phù hợp với bạn không.[13]

Hành động khi triệu chứng xuất hiện[sửa]

  1. Gặp bác sĩ. Trong quá trình tự kiểm tra tinh hoàn, nếu bạn thấy khối u, sưng, đau, cứng bất thường hay bất kì dấu hiệu cảnh báo nào khác thì phải đi khám bệnh ngay. Mặc dù các triệu chứng này không chắc chắn bạn bị ung thư tinh hoàn, nhưng bạn phải đi khám bệnh để được kiểm tra toàn diện với kết quả chính xác.
    • Cho bác sĩ biết các triệu chứng đó trong buổi khám bệnh, đây là thông tin giúp họ khám nhanh hơn.
  2. Ghi nhận tất cả các triệu chứng kèm theo. Nếu bạn phát hiện các triệu chứng khác ảnh hưởng đến tinh hoàn hay bất kì phần nào trên cơ thể, viết thành một danh sách. Ghi lại cả những triệu chứng dường như không liên quan đến ung thư tinh hoàn. Thông tin bổ sung sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn và lập phác đồ điều trị phù hợp với bạn. Một số triệu chứng bao gồm:[10]
    • Cảm giác nặng hay đau ở bụng dưới hoặc bìu tinh hoàn.
    • Đau lưng dưới, không liên quan đến tình trạng căng cứng cơ hoặc chấn thương.
    • Vú sưng (hiếm gặp).
    • Vô sinh. Ở một số ca hiếm gặp người bệnh không biểu hiện triệu chứng nào ngoại trừ vô sinh.
  3. Giữ bình tĩnh và lạc quan. Một khi đã đi khám bệnh thì bạn cứ yên tâm. Nên nhớ 95% số ca bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, và phát hiện sớm sẽ tăng tỷ lệ đó lên 99%.[2] Ngoài ra các triệu chứng này có thể do một nguyên nhân khác ít nghiêm trọng hơn, bao gồm:[14]
    • U nang trong mào tinh hoàn (ống nằm ở đỉnh của tinh hoàn) còn gọi là nang mào tinh.
    • Mạch máu ở tinh hoàn phình to, còn gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh.
    • Tụ dịch trong màng tinh hoàn, còn gọi là tràn dịch tinh mạc.
    • Rách hay thủng ở cơ bụng, gọi là thoát vị.
  4. Đi khám bệnh. Khi bạn đến bệnh viện bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tương tự với cách bạn tự kiểm tra ở nhà, họ cũng hỏi về các triệu chứng khác mà bạn gặp phải. Bác sĩ có thể xem xét những bộ phận khác trên cơ thể, như bụng hay bẹn, để xác định độ di căn của ung thư. Nếu họ cảm thấy có điều gì đó bất thường thì sẽ tiến hành các xét nghiệm bổ sung để xác định liệu có khối u hay không.[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Sau khi tắm nước ấm là lúc thích hợp để kiểm tra tinh hoàn, khi đó bìu tinh hoàn giãn ra.
  • Không hoảng sợ nếu phát hiện bất kì triệu chứng nào mô tả trên đây, vì những gì bạn phát hiện có thể là hoàn toàn bình thường, nhưng hãy tận dụng cơ hội này đi khám bệnh để được kiểm tra kỹ hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Bài viết này không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên gia y tế. Bạn phải đi khám bệnh theo định kỳ và nhờ chuyên gia y tế tư vấn thêm thông tin về tình trạng của mình, để họ làm bất kì xét nghiệm nào cần thiết nhằm xác định vấn đề gặp phải.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Một chiếc gương

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này